Tập trung các giải pháp căn bản, dài hạn để phát triển bền vững
ND – Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang suy thoái, kinh tế trong nước bị tác động nhưng bước đầu đã có dấu hiệu ổn định. Tuy nhiên nếu giá hàng tiêu dùng (CPI) tiếp tục âm như tháng 10 vừa qua, thì ở tầm vĩ mô cần tính đến nguy cơ thiểu phát, thậm chí cả giảm phát. Ðể tìm hiểu rõ hơn, phóng viên Nhân Dân cuối tuần đã có cuộc trao đổi ý kiến với PGS.TS Trần Ðình Thiên, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về vấn đề này.
PV: Thưa Tiến sĩ (TS), thời gian qua, thực hiện các giải pháp đồng bộ, chúng ta đã bước đầu kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, và phát triển bền vững. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nền kinh tế nước ta có dấu hiệu thiểu phát. TS có thể cho biết khái niệm thiểu phát như thế nào?
TS Trần Ðình Thiên: Thiểu phát và lạm phát đều phản ánh tình trạng bất ổn kinh tế vĩ mô. Sự khác biệt là ở chỗ lạm phát phản ánh tình trạng tiền phát hành quá nhiều, đến mức phá vỡ thế cân bằng tiền – hàng trên thị trường, dẫn tới chỗ đẩy giá cả hàng hóa tăng cao; còn thiểu phát thì phản ánh tình trạng tiền phát hành ít, cũng làm phá vỡ thế cân bằng tiền – hàng nhưng lại theo hướng ngược lại. Thiểu phát có tác động kéo mức giá xuống thấp hơn mức cân bằng thị trường. Tình trạng mất cân bằng hay bất ổn vĩ mô gắn với thiểu phát, do thiểu phát gây ra, cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Giống như lạm phát, thiểu phát cũng là căn bệnh khó chữa. Nhưng nhiều người nói rằng thiểu phát ít gặp hơn lạm phát, song chống thiểu phát lại khó hơn chống lạm phát.
PV: Lạm phát của Việt Nam đang nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số ý kiến đề cập đến xu hướng thiểu phát. Theo TS thực chất vấn đề là thế nào?
TS Trần Ðình Thiên: Trong mấy tháng gần đây, với việc Chính phủ áp dụng đúng cách và khá bài bản một số giải pháp kiềm chế lạm phát, tốc độ tăng giá theo tháng đã giảm liên tục và khá rõ rệt. Trong tháng 10 vừa qua, thậm chí, mức tăng giá CPI đã chuyển thành “âm” (mức giá giảm so với tháng 9). Ðây là kết quả của sự tác động “đồng chiều” của các giải pháp kiềm chế lạm phát trong nước với xu hướng giảm mạnh giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới, đang diễn ra dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và xu hướng suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng. Chúng ta thấy trong khoảng một tháng trở lại đây, giá xăng dầu, giá thép, giá lương thực, và nhiều loại giá khác như giá cà-phê, giá hạt tiêu… đột ngột giảm mạnh. Chính sự cộng hưởng giảm giá “đồng chiều” này đang chứa đựng khả năng gây ra sự “đảo chiều” trong sự vận động của giá cả, của các luồng tiền, luồng hàng trong nền kinh tế nước ta, từ đó, làm phát sinh biến động kinh tế vĩ mô mạnh và khó lường.
Sự lo ngại về nguy cơ thiểu phát – một sự giảm giá mạnh kéo dài, phá vỡ cân bằng thị trường và vượt ra ngoài tầm khống chế chính sách – có căn nguyên như vậy. Tôi cho rằng đó là sự lo ngại có căn cứ. Hiện tại, chưa thể nói nền kinh tế nước ta đã rơi vào thiểu phát. Tuy nhiên, phải coi đây là sự cảnh báo nghiêm túc, cần được quan tâm sớm và đúng mức.
Nền kinh tế nước ta hiện vẫn chưa phục hồi sau cơn lạm phát vừa qua. Nó vẫn còn phải đương đầu với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Tương tự như vậy, sức lực của nhiều doanh nghiệp cũng bị suy kiệt nặng nề sau cuộc khủng hoảng thanh khoản và phải gánh chịu mức lãi suất cao chóng mặt – hơn 20%/năm. Nay các chủ thể còn “ốm yếu” đó lại phải đối mặt với xu hướng suy thoái kinh tế và giảm giá toàn cầu. Tình trạng này không khác gì tình huống chúng ta vừa đang phải dốc sức chống hạn nhưng lại phải đồng thời lo đắp đê chống lụt. Trước một tình thế như vậy, rõ ràng không thể không cảnh báo sớm và lo xa. Ông cha ta nói: Người không lo xa ắt vạ tới gần. Lo xa để tính trước thì giảm được nhiều tổn thất không đáng. Ðó cũng là bài học nóng hổi mà chúng ta vừa mới rút ra trong đợt chống lạm phát vừa qua.
PV: Trong bối cảnh như vậy, theo TS chúng ta cần có những giải pháp nào?
TS Trần Ðình Thiên: Ðề cập đến các giải pháp cụ thể e rằng vẫn còn hơi sớm. Nhưng tôi nghĩ rằng hình ảnh “đang chống hạn, nhưng phải lo đắp đê chống lụt ngay” phản ánh khá rõ cách tiếp cận đến việc lựa chọn giải pháp hiện nay ở nước ta. Về nguyên tắc, trước hết, chúng ta tiếp tục thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, song hiện nay, không thể dốc sức tối đa để kéo lạm phát xuống như mấy tháng vừa qua.
Thứ hai, sức “căng” của lạm phát đã giảm trong khi các doanh nghiệp đã “nhược sức”. Nền kinh tế đã có điều kiện, đồng thời cũng có nhu cầu nới lỏng chính sách tiền tệ – hạ thấp lãi suất cơ bản, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng lãi suất dự trữ bắt buộc với biên độ lớn hơn. Ðây là cách cần làm để tiếp sức cho doanh nghiệp, tạo cơ sở để khôi phục tăng trưởng và giảm căng thẳng xã hội. Tuy nhiên, do các yếu tố gây lạm phát vẫn còn, nguy cơ lạm phát vẫn còn rình rập, chưa thể nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh và đột ngột theo kiểu liệu pháp “sốc” để “chiều lòng” một số doanh nghiệp đang gay go về vốn. Phải tính kỹ đến các yếu tố gây lạm phát tiềm năng, đánh giá đúng tác động của nó (ví dụ khả năng tăng tốc giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản cuối năm, cam kết tăng lương của Chính phủ, lượng tiền giải ngân FDI lớn, v.v.) để có liều lượng giải pháp phù hợp. Nhưng đó mới chỉ bàn đến những chuyện ngắn hạn.
Thứ ba, tôi cho rằng hiện nay, sau khi “ngớt” cơn lạm phát, đã đến lúc cần tập trung nhiều hơn cho các giải pháp căn bản, dài hạn. Giảm chi tiêu công – thể hiện cụ thể bằng giảm mạnh thâm hụt ngân sách Nhà nước, cắt giảm đầu tư Nhà nước để tăng hiệu quả sử dụng vốn, có định hướng giải tỏa một cách thiết thực các điểm tắc nghẽn tăng trưởng, định hướng lại chiến lược thu hút FDI, đào tạo nhân lực, chú ý phát triển các thị trường và khu vực doanh nghiệp – cần được đẩy mạnh thực thi. Áp dụng những giải pháp đó là cách biến thách thức bất ổn vĩ mô (lạm phát và thiểu phát là những biểu hiện cụ thể) thành cơ hội đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo lập các cơ sở tăng trưởng bền vững. Chỉ như vậy, Việt Nam mới vượt qua một cách vững chắc các khó khăn ngắn hạn – kiểu như lạm phát hay thiểu phát, đồng thời có cơ để cất cánh thật sự.