Tập thể dục, thể thao sao để không vượt ‘ngưỡng’ an toàn?
Theo các bác sĩ, tập luyện tốt cho sức khỏe nhưng đừng quên lưu ý cường độ tập luyện – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online vấn đề này, BS Nguyễn Tiến Lộc (khoa y học thể thao, Viện Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Quân y 175, TP.HCM) cho biết đối với những người chơi thể thao nghiệp dư, đa số nhập viện điều trị vì bị các tổn thương liên quan đến khớp gối, khớp vai và khớp cổ chân. Nguyên nhân chủ yếu vì tính chất nghiệp dư nên họ chưa được trang bị những kiến thức về phòng tránh chấn thương thông thường.
Với những vận động viên đến từ các trung tâm huấn luyện, dù được quan tâm chăm sóc về y tế và dinh dưỡng từ các tuyến cơ sở, nhưng do đặc thù từng môn thể thao cụ thể mà họ vẫn phải đối mặt với những tổn thương trong quá trình thi đấu.
* Vận động viên thường là người có thể lực rất tốt, vậy vì sao có trường hợp nguy kịch, tử vong trong thời gian tham gia các giải đấu? Có cách nào can thiệp trong thời điểm đó, tránh nguy cơ tử vong, thưa bác sĩ?
– Tất cả chúng ta đều biết rằng thể thao giúp rèn luyện sức khỏe, nhưng yếu tố thường bị bỏ quên chính là cường độ tập luyện.
Để đạt được thành tích tốt nhất, các vận động viên sẽ luyện tập với cường độ cao hơn nhiều so với người chơi thể thao nghiệp dư. Điều này khiến họ có nguy cơ đối mặt với tổn thương nặng nề hơn so với người bình thường dù thể lực rất tốt.
Trong trường hợp nguy kịch, thậm chí dẫn đến tử vong, đa số đều do thiếu trang bị những kiến thức về cách phòng tránh chấn thương. Ví dụ, đối với các môn thể thao sức bền như chạy bộ, bóng đá, nguyên nhân tử vong chủ yếu bởi co thắt đường thở (như trường hợp chết đuối trên cạn), phù não do bổ sung nước không đúng cách…
Trong từng trường hợp sẽ có cách can thiệp cụ thể. Để nguy cơ tử vong giảm xuống mức thấp nhất, người chơi thể thao cần tránh tâm lý chủ quan và phải được hướng dẫn nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm cũng như phân biệt các đặc điểm này với cảm giác đuối sức thông thường.
Đoàn chăm sóc y tế tại các giải thi đấu cần được trang bị thêm các loại thuốc giúp giãn phế quản, nước bổ sung điện giải và sử dụng các phương tiện này khi đã tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Ngoài ra, nếu có sự đồng hành của bác sĩ y học thể thao, quá trình cấp cứu vận động viên khi đến bệnh viện tại địa phương sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn do có sự trao đổi ý kiến chuyên môn giữa cơ sở y tế và bác sĩ chuyên khoa.
Nhịp tim lý tưởng còn phụ thuộc vào môn thể thao bạn chơi và cường độ tập luyện – Ảnh: DUYÊN PHAN
* Được biết có công thức giữ ngưỡng tim an toàn trong lúc tập luyện, cụ thể ra sao thưa bác sĩ? Tập như thế nào để nhịp tim không vượt ngưỡng?
– Ngưỡng tim an toàn là một trong những điều được quan tâm hàng đầu đối với các môn thể thao sức bền. Để giải thích đơn giản, có thể xác định nhịp tim tối đa của một người bằng cách lấy 220 trừ đi số tuổi của họ.
Hiện nay, cộng đồng những người yêu chạy bộ thường sử dụng một cách dễ nhớ rằng “lý tưởng nhất là 70% và không nên vượt quá 85% nhịp tim tối đa”.
Thực tế là nhịp tim lý tưởng còn phụ thuộc vào môn thể thao bạn chơi và cường độ tập luyện. Trong trường hợp chạy bộ thông thường, nhịp tim lý tưởng sẽ rơi vào khoảng 80% và con số này có thể lên đến 90% đối với vận động viên chạy nước rút.
Tuy nhiên, đối với môn chạy marathon, nhịp tim lý tưởng chỉ nên duy trì khoảng 50% – 70%. Sự áp dụng một cách máy móc sẽ khiến vận động viên có thể đối mặt với mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng.
* Vận động viên nói riêng và người đam mê tập luyện những bộ môn thể thao sức bền nói chung cần lưu ý gì để đảm bảo sức khỏe và an toàn?
– Bộ môn thể thao sức bền tưởng chừng như an toàn vì ít mang tính va chạm, đối kháng, nhưng vẫn luôn tồn tại những rủi ro âm thầm đe dọa đến mạng sống của người đam mê thể thao.
Đa số các trường hợp nguy hiểm thường sẽ xoay quanh 3 nguyên nhân chính là co thắt đường thở (co thắt khí phế quản), rối loạn nước, điện giải (có thể gây phù não do bổ sung nước không đúng cách) và các vấn đề tim mạch.
Những lời khuyên sau đây sẽ phần nào giúp người chơi thể thao tránh được các mối nguy hiểm khi thi đấu:
– Khởi động kỹ trước khi chạy: Việc khởi động sẽ giúp cơ thể nhận biết được hoạt động sắp diễn ra, từ đó phổi và đường thở có sự chuẩn bị, giúp thu nhận nhiều oxy hơn, tránh các kích thích khiến co thắt đường thở.
– Sử dụng các loại nước bổ sung điện giải thay vì chỉ uống nước lọc: Đã có những y văn nói về việc vận động viên bị phù não do chỉ bổ sung nước lọc, dẫn đến hôn mê. Việc này có thể khắc phục bằng cách uống các loại nước có chứa chất điện giải.
– Khi luyện tập nên đeo các thiết bị theo dõi để duy trì nhịp tim lý tưởng.
Hy vọng những thông tin ở trên sẽ hữu ích đối với người đam mê thể thao sức bền nhằm tránh các hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
* Cảm ơn bác sĩ!
Hậu vệ đội Lokomotiv tử vong khi tập luyện một mình