Tập ca khúc về đề tài Dân tộc thiểu số, miền núi
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc vừa ra mắt Tập ca khúc về đề tài Dân tộc thiểu số, miền núi, tập hợp các bái hát từ Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức năm 2020, nhằm phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở và phát hiện bồi dưỡng những tài năng sáng tác âm nhạc nhất là người dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay.
Nhằm tiếp tục lan tỏa kết quả, hiệu ứng của cuộc thi, Ban Tổ chức đã tuyển chọn các tác phẩm để công bố, phổ biến trong cuốn sách Ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi. Đây là những tác phẩm có chất lượng để các ca sĩ, người yêu âm nhạc và các đơn vị văn hóa nghệ thuật lựa chọn biểu diễn, phổ biến nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số và công chúng yêu nhạc trong cả nước.
Cuộc thi được phát động từ tháng 4/2020, Ban Tổ chức đã nhận được 374 tác phẩm của 254 tác giả đến từ các vùng, miền, địa phương trong cả nước. Qua các vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban Giám khảo đã chọn ra 17 tác phẩm chất lượng tốt để trao giải. Trong đó có 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 5 giải Khuyến khích và 6 Giải mở rộng.
Tập sách giới thiệu 374 ca khúc, trong đó phần I giới thiệu 17 ca khúc đạt giải với những làn điệu dân ca các vùng miền. Nội dung các tác phẩm tập trung vào các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương miền núi, truyền thống cách mạng của các dân tộc anh em trong lịch sử dựng nước và giữ nước; các danh nhân, anh hùng dân tộc; sự phát triển ở nông thôn miền núi trong xây dựng đời sống mới; những điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, gương người tốt việc tốt; đẩy lùi tập tục lạc hậu và các tệ nạn xã hội… với những âm hưởng mạnh mẽ, hào hùng: 2 giải Nhất là ca khúc “Để mình nói cho Mị nghe” của tác giả Vũ Trung và “Tảo hôn” của Bùi Trường Giang; 2 Giải Nhì: “Tiếng sáo mùa yêu” của Phan Huy Hà và “Nghiêng về Tây Nguyên” của Trần Lệ Chiến; 3 Giải Ba: “Hồn đá Hà Giang” của Nguyễn Xích Long, “Đêm hội bên Thánh đường” của Nguyễn Đăng Khoa; 5 Giải Khuyến khích: “Mùa xuân hẹn ước” của Nguyễn Văn Chức, “Sơn La – bản tình ca mùa xuân” nhạc: Đoàn Đăng Đức, lời: Lê Hồng Chương, “Đôi mắt Cơ Tu” của Nguyễn Văn Đức; “Thổ cẩm S’tiêng” của Trần Cao Vân, “Ngôi trường giữa ngàn mây” của Lê Tiến Dũng. Và 6 Giải mở rộng: “Em yêu anh” của Nguyễn Đình Nghĩ, “Nhớ Ting Ning” của Nguyễn Vĩnh Học, “Đêm hội làng Cor” của Nguyễn Minh Châu, “Ơn Đảng” của Quách Ngọc Xiêm, “Khúc hát trên nương” của Trần Xuân Điều, “Covid – hãy xa bản em” của Hoàng Việt Cường.
Phần II, là 357 ca khúc được tuyển chọn: Một lượng tác phẩm đáng kể, với nhiều ca khúc mới đề cập đến các mặt của khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, nét đẹp truyền thống của quê hương với ngôn ngữ âm nhạc giàu màu sắc, mang đậm âm hưởng dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số, với những âm hưởng rộn ràng, vui tươi, tình cảm dạt dào như “A Lưới ngày trở về” của Hoàng Chiến, “Âm vang Then Việt Bắc” của Nguyễn Thanh Hải, “Bài ca giáo viên vùng cao” của Lương Thị Mị, “Bản làng vui hội của Nguyễn Hữu Chiến, “Chiếc gùi của em” của Phan Châu, “Chiều về bản” của Tống Hoàng Long, “Chợ tình” của Ninh Đức Thắng; âm hưởng dân ca Tây Bắc, miền núi với “Bản mình thật vui” của Nguyễn Văn Tho, “Đến với em Mù Cang Chải” của Võ Văn Thành, “Cướp vợ” của Phạm Chí Linh, “Câu Lăm điệu ví quê mình” của Phan Hồng Trường; âm hưởng dân ca Khơ Mú với “Cùng em về bản”; phong cách Khmer Nam bộ với “Đồng bằng ngày lễ hội” của Nguyễn Văn Lệ, “Khúc tình ca trên quê hương mới” của Sơn Ngọc Hoàng; phong cách dân ca Chăm với “Em múa hát trong Lễ hội Ka Tê” của Phạm Quế Nguyên; chất liệu dân ca Tây Nguyên với “Gia Lai tháng ba” của Quang Hải, “Hát lên nào những chàng trai Đam San” của Hình Phước Liên; nhịp nhanh thành kính với “Bác Hồ với nước non Cao Bằng” nhạc Hoàng Giai, thơ Vi Thị Liên…
Cuộc thi và tập Ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, với bản sắc văn hóa các dân tộc Việt đã và đang là nguồn chất liệu quý tạo môi trường, điều kiện cho các tác giả, nhạc sĩ tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm mới mang đậm bản sắc văn hóa miền núi, dân tộc thiểu số, mang nhịp thở cuộc sống của bản làng vùng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, phát hiện bồi dưỡng tài năng, nhất là các tác giả người dân tộc thiểu số và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của đồng bào trong giai đoạn hiện nay.