Tạo Blog cá nhân giúp gì cho sự nghiệp viết văn?
Bạn là tác giả mới và đang loay hoay tạo dựng Blog cá nhân để gầy dựng sự nghiệp viết lách. Liệu tạo blog cá nhân có phải là quyết định sáng suốt?
Mục Lục
Vì sao tác giả nên tạo blog cá nhân
-Nếu bạn đã có một lượng bạn đọc biết đến những cuốn sách của bạn, họ sẽ muốn tìm hiểu về những bài viết, những cuốn sách mà bạn sắp cho ra “lò”.
-Nếu bạn chưa có độc giả cho riêng mình, việc tạo blog cá nhân sẽ giúp bạn tìm được bạn đọc ủng hộ cho những bài viết, những cuốn sách bạn ấp ủ xuất bản.
-Nhờ blog cá nhân giới thiệu những bài viết, truyện, tiểu thuyết, sách… của bạn mà Biên tập viên của các nhà xuất bản sẽ “để mắt” đến bạn.
-Các phóng viên mảng văn hóa nghệ thuật có thể ấn tượng với những cuốn sách, bài viết của bạn và họ muốn phỏng vấn bạn.
-Nhiều trường học, nhà xuất bản….muốn mời bạn làm diễn giả sau khi biết được khả năng của bạn qua những bài viết trên blog.
Tất cả những điều đó sẽ tạo động lực để một nhà văn trẻ khởi nghiệp bằng blog cá nhân.
Lựa chọn tên miền(domain) phù hợp Blog
-Nếu bạn đã có chút “tên tuổi” trong lòng độc giả hoặc trên các diễn đàn, trang mạng xã hội… bạn nên sử dụng bút danh của mình để làm tên cho blog. Vì tên bút danh chính là “thương hiệu” của nhà văn, khi nhắc đến ai cũng biết bạn là ai?
-Nếu bạn chưa có tên tuổi nhưng vẫn muốn sử dụng bút danh của mình làm tên cho blog, điều đó cũng không sai nhưng bạn sẽ mất nhiều thời gian để SEO blog hơn.
-Bạn có thể dử dụng tên miền .com, .vn…đều được.
-Nhận đăng ký email để giữ chân người hâm mộ, độc giả của bạn. Đăng ký MailChimp dễ dàng và miễn phí. Đảm bảo hộp nhận bản tin này phải dễ tìm và nổi bật trên blog.
-Nên sàng lọc tên miền blog của bạn trên các mạng xã hội như facebook, instagram, pinterest, likedln…xem có ai sử dụng tên này chưa?
Vì nếu họ đã sử dụng tên blog này ở những trang mạng xã hội và tạo dựng được “thương hiệu” trước bạn thì khi bạn sử dụng lại tên miền cho blog sẽ gây hiểu lầm và cả hạn chế việc seo blog của bạn lên top.
-Bạn nên chọn tên miền có chứa từ khóa liên quan đến nghề viết của bạn. Nếu bạn chuyên về viết quảng cáo, tiếp thị, pr…có lẽ tên miền blog của bạn sẽ khác với bạn chuyên viết viết truyện, viết tiểu thuyết….
Bản thân tôi vừa viết kịch bản phim, vừa viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, viết báo…nên đã rất đắn đo khi chọn tên miền cho blog của mình. Sau nhiều cái tên được đưa ra và tham khảo thêm ý kiến từ bạn bè, cuối cùng tôi đã chọn sử dụng tên miền http://vietlachvn.com để thể hiện toàn bộ công việc liên quan đến nghề viết của mình.
Những điều cần tránh khi chọn tên miền cho Blog
-Ngoài việc tránh chọn tên miền quá dài, nhiều ký tự rắc rối, dấu gạch ngang, khó đánh vần, khó nhớ.
-Bạn còn thêm lưu ý là tránh dùng tên một cuốn sách của bạn làm tên miền chính cho blog của bạn.
Vì sự nghiệp viết lách của bạn còn phát triển mở rộng, đâu chỉ dừng lại ở một cuốn sách phải không?
-Tránh dùng từ khóa giới hạn và thu hẹp nghề viết của bạn.
Chẳng hạn hiện tại bạn chỉ tập trung viết truyện ngôn tình và bạn đặt tên blog với từ khóa liên quan đến tình yêu nam nữ nhưng vài năm sau, bạn phát hiện ra mình viết tốt truyện thiếu nhi hơn. Bạn muốn mở rộng và phát triển thể loại truyện thiếu nhi. Vô tình tên miền cũ này đã ngăn cản một số bạn đọc yêu thích thể loại thiếu nhi quan tâm đến blog của bạn.
-Tránh “ăn theo” tên tuổi gần giống hay na ná với blog của những tác giả đã nổi danh.
Có một điều tế nhị là không ai muốn làm “cái bóng” của người khác, nhất là với những người làm nghề viết thì lòng tự ái, cái “tôi” nghề nghiệp càng cao. Nếu chọn tên miền gần giống với tên miền của những nhà văn, tác giả thành danh sẽ giúp blog bạn thu hút thêm lượt truy cập, lên top nhanh nhưng bạn sẽ để lại ấn tượng xấu xí với đồng nghiệp và độc giả.
Blog của bạn cần có những gì
Trang chủ Blog của bạn cần có:
-Một tiểu sử về bạn được giới thiệu thật ấn tượng để khách hàng bạn đọc khi ghé thăm blog của bạn sẽ biết bạn là ai? Bạn nên nhờ người chụp hình chân dung cho bạn thật chuyên nghiệp.
-Thêm thông tin về cuốn sách có thể là tập truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, thơ, ký…mà bán sắp phát hành.
Tốt nhất là mỗi một cuốn sách bạn nên có một trang riêng biệt. Làm như vậy sẽ cung cấp một URL mới nhất cho mỗi trang(tựa đề cuốn sách của bạn), thúc đẩy SEO phát triển. Lưu ý trên mỗi trang nên có phần mô tả sách, ảnh bìa sách, video giới thiệu sách, những nhận xét, đánh giá của nhà phê bình sách…..giúp độc giả dễ dàng tiếp cận với sách của bạn.
-Liên hệ: Là nơi để bạn đọc, người hâm mộ, cơ quan báo chí, nhà xuất bản…muốn liên lạc, trò chuyện, kết nối, phỏng vấn bạn….có thể là địa chỉ nhà bạn, văn phòng của bạn làm việc hoặc đôi khi đơn giản là email của bạn.
-Sự kiện: Thường thì những tác giả có tên tuổi họ sẽ thường xuyên được mời họp báo ra mắt sách, tham gia các buổi phỏng vấn, làm diễn giả trước công chúng…Đây là cơ hội để bạn quay phim, chụp hình, ghi lại những khoảnh khắc đẹp, ấn tượng nhằm giới thiệu đến bạn đọc, người hâm mộ trên blog cá nhân của bạn
Nhưng nếu trong trường hợp bạn vẫn còn là tác giả mới hoặc chưa có tên tuổi, chưa ai biết đến thì cách đơn giản đó là bạn tự tạo những video ghi lại cách bạn cho ra một tác phẩm, cách bạn tư duy, viết ra câu chuyện….Có thể chọn cách tạo ra trailer ebook như tôi https://www.youtube.com/watch?v=A-txFhEo5n0
-Viết bài mới thường xuyên trên trang blog của bạn là một cách tuyệt vời để cải thiện thứ hạng công cụ tìm kiếm blog của bạn trên google và nó cũng giúp giữ chân khán giả quay lại trang blog của bạn.
Ví dụ viết bài giới thiệu về các dự án sách mới sắp tới của bạn, đề cập đến các sự kiện trên báo, đài, ti vi, mạng online…tạo cảm hứng cho bạn hình thành ý tưởng câu chuyện viết sách…. Hoặc bạn có thể chọn đăng những trích dẫn hay từ sách của bạn, hoặc đăng các truyện ngắn….Với một tác giả viết lách thì đề tài làm mới blog mỗi ngày luôn ngồn ngộn trong bạn.
Sử dụng Blog để tìm kiếm độc giả-khách hàng
Giao diện trang web của bạn sẽ tác động trực tiếp đến ấn tượng bạn đọc về bạn. Cũng gần giống như độc giả lần đầu cầm trên tay cuốn sách của bạn.
-Blog sử dụng hình ảnh thu hút người đọc.
Ví dụ một tác giả viết truyện ma kinh dị, bí ẩn sẽ có một blog trông rất khác so với nhà văn viết ngôn tình lãng mạn hay viết cho thiếu nhi. Trước khi thiết kế blog, bạn luôn đặt mình vào vai trò của bạn đọc để tạo ra một trang blog phù hợp.
-Nếu bạn chưa chắc chắn về một ý tưởng thiết kế blog cho chính mình. Bạn có thể chọn giải pháp tạo ra một trang blog chủ yếu là màu trắng đơn giản. Ngược lại, blog có nhiều màu sắc, bố cục lộn xộn hoặc hình ảnh chất lượng kém có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người đọc.
-Bạn có thể thuê người thiết kế logo hoặc tự tạo logo cho chính mình. Nhiều tác giả sử dụng chữ ký thay cho logo, nếu chữ ký của bạn dễ đọc. Nếu không có logo cũng không ảnh hướng nhiều đến blog của bạn.
-Đưa sự hiện diện của phương tiện truyền thông xã hội của bạn lên một cấp độ khác. Hãy kết nối trang blog của bạn với mọi mạng truyền thông xã hội nơi bạn đang hoạt động như: Facebook, Zalo, Instagram, Pinterest…để tăng lượt tương tác với blog của bạn.
Blog cá nhân giúp tác giả nổi tiếng và bán được nhiều sách?
Sau khi tạo được blog cá nhân, vấn đề còn lại là việc chọn chủ đề, cách viết của tác giả để thu hút bạn đọc tìm đến với blog của mình. Công việc này không thể thành công trong một sớm một chiều, nó đòi hỏi bạn phải thật chăm chỉ và kiên trì.
Việc tạo ra blog cá nhân chưa thể quyết định việc bạn có thành danh với nghề viết hay bán được nhiều sách không? Vì điều đó còn phụ thuộc vào chất lượng những bài viết trên blog của bạn và quan trọng nhất là những cuốn sách do bạn viết ra.
Blog cá nhân của nhà văn chỉ đơn thuần như một chiếc cầu nối giúp bạn đọc nhanh chóng, dễ dàng bước đến gần hơn với những tác phẩm văn học của bạn. Nhưng nếu thiếu chiếc cầu này, bạn đọc sẽ rất khó để tìm đến tác phẩm của bạn.
Ở những bài viết sắp tới, tôi sẽ đề cập đến việc bạn chọn chủ đề cũng như cách viết blog sao để không mất quá nhiều thời gian nhưng mang lại hiệu quả SEO cho tác giả.
Ngoài thời gian để SEO sách, blog, với một nhà văn thời gian để sáng tác ra những tác phẩm văn chương luôn được ưu tiên và quan trọng hơn bất kỳ công việc nào trong ngày phải không các bạn?