Tăng cường thu hút nguồn lao động chất lượng cao cho ngành công nghiệp (Phần 1)

Với quan điểm ưu tiên một số ngành công nghiệp dựa trên lợi thế sẵn có của tỉnh với tiềm năng phát triển cao, bao gồm những ngành có quy mô tương đối lớn, có tốc độ phát triển vượt bậc, có tác động lan tỏa và tích cực thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế khác; tập trung vào các ngành công nghiệp có thế mạnh để khai thác lợi thế cạnh tranh; tạo điều kiện phù hợp cho phát triển công nghiệp, coi phát triển công nghiệp là lực kéo để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và cải thiện môi trường sống. Theo đó, Bắc Ninh tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như: Sản xuất thiết bị điện tử; Sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành phụ tùng hàng không; Sản xuất thiết bị công nghệ cao; Dược phẩm & Thiết bị CN Y khoa.


 

Bắc Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Năm 2022 tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 8,75%. Hiện Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp, 30 cụm công nghiệp, hơn 1.790 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư hơn 23 tỷ USD và hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Với tốc độ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu sử dụng lao động đang đặt ra nhiều thách thức cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu và cần có những giải pháp phù hợp để phát triển công nghiệp bền vững.

Khái quát về nguồn nhân lực chất lượng cao 

Nguồn nhân lực cần được xem xét trên cả ba yếu tố: Số lượng (quy mô số dân), thể hiện quy mô nhân lực; chất lượng thể hiện mối quan hệ giữa các yếu tố cấu thành nên bản chất bên trong của nguồn nhân lực, được biểu hiện thông qua các tiêu trí về sức khỏe, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn/lành nghề và cơ cấu. Số lượng, chất lượng và cơ cấu quan hệ với nhau tạo nên sức mạnh và sự phát triển của nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực là dạng đặc biệt của nguồn lực nói chung, là nguồn lao động, gồm tổng thể các yếu tố tạo nên sức mạnh của con người và cộng đồng xã hội; là tổng thể số lượng có thể huy động vào phát triển kinh tế – xã hội. Theo khái niệm trên, nguồn nhân lực bao gồm cả những người đang lao động, trong độ tuổi lao động; những người trong độ tuổi lao động sức khỏe bình thường nhưng chưa có việc làm; những người chuẩn bị đến tuổi lao động, ở dạng dự trữ, với các tiêu chí cụ thể về thể lực, trí lực, tâm lực để có khả năng trực tiếp huy động vào quá trình phát triển kinh tế – xã hội.


 

Nguồn nhân lực chất lượng cao là khái niệm để chỉ người lao động có trình độ lành nghề (về chuyên môn, kỹ thuật) ứng với một ngành nghề cụ thể theo tiêu thức phân loại lao động về chuyên môn, kỹ thuật nhất định (đại học, trên đại học, cao đẳng, lao động kỹ thuật lành nghề).

Giữa chất lượng nguồn nhân lực và nguồn nhân lực chất lượng cao có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nói đến chất lượng nguồn nhân lực là nói đến tổng thể nguồn nhân lực của một quốc gia, trong đó nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng. Bởi vậy, khi bàn về nguồn nhân lực chất lượng cao không thể không đặt trong tổng thể vấn đề chất lượng nguồn nhân lực nói chung của một đất nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường (yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước), đó là: có kiến thức chuyên môn, kinh tế, tin học, ngoại ngữ; có kỹ năng, kỹ thuật, tìm và tự tạo việc làm, làm việc an toàn, làm việc hợp tác; có thái độ, tác phong làm việc tốt, trách nhiệm với công việc. Như vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao phải là những con người phát triển cả về trí lực và thể lực, cả về khả năng lao động, về tính tích cực chính trị – xã hội, về đạo đức, tình cảm trong sáng. 

 

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của một quốc gia hay địa phương là sự biến đổi về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trên các mặt thể lực, trí lực, kỹ năng, kiến thức và tinh thần cùng với quá trình tạo ra những biến đổi tiến bộ về cơ cấu nguồn nhân lực. Nói một cách khái quát nhất, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện con người vì sự tiến bộ kinh tế – xã hội và sự hoàn thiện bản thân mỗi con người. Như vậy, phát triển nguồn nhân lực với nội hàm trên đây thực chất là đề cập đến vấn đề chất lượng nguồn nhân lực và khía cạnh xã hội của nguồn nhân lực của một quốc gia, địa phương.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận ưu tú nhất của nguồn nhân lực đất nước, bao gồm những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức và lối sống; có trình độ học vấn, chuyên môn cao; có sức khỏe tốt; luôn đi đầu trong lao động, sáng tạo khoa học, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.  Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong mục tiêu phát triển của tỉnh Bắc Ninh hướng tới đô thị công nghệ cao vào năm 2045. Nguồn nhân lực chất lượng cao là điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh.