Tâm tình giáo viên “cắm bản” dạy chữ vùng cao
Gian nan “cắm bản” dạy chữ
Sau mấy giờ lội suối cùng với các giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Ô, trong muôn vàn hiểm nguy để đến với các bản vùng xa của xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị, tôi mới thấu hiểu được phần nào những khó khăn mà các, thầy cô nơi đây đang trải qua. Chuyện vượt suối sâu đối với các thầy đã khó nhọc, còn với các cô giáo “chân yếu, tay mềm” mới muôn phần khó khăn.
Việc lội suối đối với các giáo viên nữ luôn gặp nhiều khó khăn và hiểm nguy
.
Trước đó, khi nghe tôi trình bày ý định chuyến đi thực tế, mọi người đã can ngăn: “Mấy ngày này mưa lớn, nước suối chảy xiết nên không đi được đâu, các thầy, cô đi quen rồi. Hơn nữa, đi dạy cũng là vì trách nhiệm với các em học sinh. Từ đây đến điểm trường bản 8 phải lội qua 14 lần suối, còn đến bản 4 phải lội 9 lần, có đoạn rất sâu và chảy xiết, đi không quen là bị trôi ngay. Các thầy, cô đã bị trôi khá nhiều lần”. Nghe vậy nhưng tôi cũng muốn tận mắt nhìn thấy cảnh các thầy, cô lội suối lên bản dạy chữ, thấy cảnh học sinh vùng xa học trong điều kiện vất vả như thế nào nên mới đánh liều một phen.
Theo kế hoạch, đúng 5h30 sáng, thầy Hồ Văn Ninh đến đón tôi tại điểm trường trung tâm. Nói là đón nhưng thực chất thầy cũng đi bộ đến rủ tôi đi cùng. Nhìn cách ăn mặc của thầy Ninh, tôi buột miệng: Đi dạy sao thầy “quần đùi, áo số, dép lê” thế này. Thầy Ninh cười rồi chỉ vào cặp, và nói trong này đã có đủ sách, vở, quần áo. Phải mặc như vậy mới lội suối được chứ, mặc quần dài thì ướt hết. Thế rồi, tôi cùng thầy Ninh bước bộ ra suối thì đã thấy thầy Hồ Văn Hà và cô Hồ Thị Liên đợi sẵn. Khi thấy tôi đã sẵn sàng, các thầy, cô mới dẫn tôi men theo con đường rừng mà học trò và người dân địa phương vẫn thường đi vào mùa mưa.
Dọc đường đi, thầy Ninh tâm sự: “Vì thương học trò ở các bản xa đi học trong điều kiện cách trở, rồi đâm ra chán nản, bỏ học, mình phải vào tận bản để dạy chữ cho các em. Học sinh miền núi bị thiệt thòi so với miền xuôi nhiều lắm. Ngoài việc phải băng rừng, lội suối đến trường thì các điều kiện thiết yếu phục vụ cho việc học tập như sách vở, bút mực… cũng thiếu thốn rất nhiều. Đến được trường thì quần áo, sách vở các em ướt sũng hết cả, ngồi co lại với nhau, thấy tội nghiệp lắm. Ngay cả trường học cũng hết sức chật chội, bị xuống cấp, có nơi phải mượn tạm nhà công vụ của giáo viên, nhà sinh hoạt cộng đồng để dạy học. Mình là giáo viên, bổn phận của mình là dạy học, cũng mong muốn không để các em phải thất học nên chịu khó một chút thôi chứ biết sao giờ”.
Cô Hồ Thị Liên góp chuyện: “Nhà báo chưa thấy hết vất vả của chúng tôi đâu. Về mùa hè, nước suối cạn còn đỡ chứ về mùa mưa, nước chảy xiết nhưng cũng cố mà lội qua. Đến nơi thì người lạnh tím, vội vàng thay quần áo để kịp lên lớp giảng bài. Mình có sức khỏe mà cũng như thế thì huống chi các em học sinh người nhỏ thó mà phải hàng ngày lội suối đến trường. Có lúc cả người lẫn cặp sách bị trôi tuột cũng phải cố vùng vẫy mà bơi qua”.
Vì tình thương với học trò, thầy Ninh và cô Liên hàng ngày phải lội suối lên bản dạy chữ cho học sinh
.
Khi đến gần một con suối, thầy Hồ Văn Hà quay sang nói: “Nhà báo chuẩn bị lội suối nhé, hết đường rừng rồi. Từ đây đến bản 4 phải lội qua 3 con suối nữa đấy”. Đứng trước dòng suối đang cuồn cuộn chảy, cô Liên, thầy Hà và thầy Ninh đang giơ cao cặp sách để chuẩn bị lội qua khiến tôi có phần rùng mình. Không đợi tôi bộc lộ cảm giác, các thầy, cô cười rằng: “Chừng này ăn thua gì, bọn mình đi quen rồi, có lúc nước sâu hơn, lội ra giữa dòng thì cả người lẫn cặp sách đều bị trôi tuột, ướt lõm ngõm trong nước kìa”.
Chúng tôi dàn thành hàng ngang, tôi đi giữa, tay người này bám chắc lấy tay người kia để khỏi bị cuốn theo dòng xoáy. Cứ như thế đi hết 3 con suối còn lại. Chật vật mãi chúng tôi mới đến được bản 4, người ướt nhoẹt vì trời bắt đầu đổ mưa. Trước mắt là điểm trường lẻ, đã có nhiều học sinh đợi ở đây. Khi thấy chúng tôi đến, em nào cũng tươi cười hỏi han các thầy, cô thân yêu của mình. Trong bao nhiêu khó nhọc nhưng tình thầy trò vẫn sâu đậm, gần gũi. Trong lòng tôi thầm nghĩ vậy và cảm phục trước nghị lực của các thầy, cô “cắm bản” nơi đây.
“Không muốn học trò bị mù chữ, giáo viên phải quên đi khó khăn”
Thầy Hồ Văn Hải – Hiệu phó Trường Tiểu học Vĩnh Ô vẫn còn nhớ như in về những lần cõng học trò qua sông để về trung tâm học chữ. Thầy Hải kể: “Năm 1997, mình được phân công về công tác tại trường Vĩnh Ô và sau đó lên bản 8 để dạy chữ cho học trò. Thời điểm đó, cũng vào mùa mưa như năm nay nên học sinh nghỉ học rất nhiều buộc mình phải đi vận động các em đến lớp. Để đưa học sinh qua suối, mình phải cõng từng em một. Do nước suối dâng cao nên có lúc cả thầy và trò đều bị trượt chân và trôi theo nước. Tuy nhiên, do có kinh nghiệm về bơi lội nên mình đã nhanh chóng đưa được học sinh qua suối an toàn”.
Những lần sau đó cũng vậy, thầy Hải lại đi từng nhà dân để vận động con em đến trường. Sau khi đã tập trung các em ra bờ suối, thầy lại cõng từng em qua. Được vài năm thì thầy chuyển về làm quản lý ở điểm trường trung tâm. Thấm thoắt cũng đã 15 năm trôi qua, thầy Hải vẫn chưa quên được cảm giác sợ hãi trong những lần đó. Bây giờ nghĩ lại thầy vẫn rùng mình.
“Học sinh miền núi đi học gian nan lắm, suối sâu cách trở nên chuyện bị trượt chân ngã xuống nước cũng xảy ra thường xuyên. Những khi có giáo viên hoặc phụ huynh đi cùng thì an tâm hơn, còn để các em tự mình lội suối thì quá nguy hiểm. Rất may là chưa có trường hợp học sinh nào đi học mà bị sẩy chân…” – thầy Hải tâm sự.
Thầy Hải và cô Thu kể về những kỷ niệm khó quên trong những lần cõng học trò vượt suối đến trường, những lần đi qua suối bị cuốn trôi
.
Cô Hồ Thị Thu (vợ thầy Hải), hiện đang dạy ở bản 8 không ngại ngần kể với tôi về chuyện cô bị cuốn trôi cách đây hơn 1 tháng. Lần đó, cô Thu cùng với thầy Hồ Văn Tình gùi sách vở, lương thực lên bản. Không may lội qua gần giữa suối thì bị cuốn trôi cả người lẫn cặp sách, lương thực. Trong tình thế đó, cô phải bơi ngược trở lại đợi thầy Tình cõng qua. Được biết, cô Thu là người có “thâm niên” lội suối và cũng có gần 3 năm “cắm bản” dạy chữ nhưng cũng không ít lần bị nước cuốn trôi.
“Mình với anh Tình đang dạy trên bản thì hết lương thực nên tranh thủ cuối tuần về nhà lấy thêm. Nhưng mấy ngày đó mưa lớn, nước suối chảy rất xiết, hai anh em vẫn phải đi vì không muốn để học trò nghỉ học. Tuy nhiên, khi lội qua con suối sâu ngang ngực thì mình bị trượt chân và chới với giữa dòng nước. Hoảng quá nên lúc đó chỉ biết với vào phiến đá để người khỏi bị trôi rồi tìm cách bơi bào bờ. Phải đợi thầy Tình đưa được hàng qua bên kia rồi quay lại cõng” – cô Thu kể.
Dù rất thương học sinh nhưng qua mấy năm trời miệt mài “cắm bản” dạy chữ, cô Thu vẫn mang nhiều trăn trở: “Là một người con của bản làng nên mình rất hiểu những khó khăn của học trò. Các em bị thiệt thòi quá nhiều, mọi thứ phục vụ việc học đều rất thiếu thốn. Chính vì không muốn để học sinh bị mù chữ, rồi tương lai phải gắn bó cả đời với rẫy nương mà cái đói cái nghèo vẫn cứ bám riết nên mình chịu khó hi sinh một chút, chấp nhận khó khăn để lên bản dạy chữ cho các em. Tuy nhiên, mình rất sợ các em vì khó khăn mà phải nghỉ học để theo cha, mẹ lên nương, lên rẫy. Đã có không ít trường hợp thầy, cô phải bỏ công đi vận động, thuyết phục phụ huynh cho con trở lại trường. Niềm vui đối với các thầy, cô và cũng là món quà quý giá nhất của những người đứng trên bục giảng là mong sao các em không bỏ trường, bỏ lớp”.
Thầy Hoàn bày cho học trò nắn nót từng con chữ
.
Chia tay các em học sinh và giáo viên trường Vĩnh Ô, tôi cứ tâm niệm mãi lời nói của thầy Hồ Văn Hoàn: “Nếu không có lòng yêu thương học trò, sự tận tâm với nghề, thì có lẽ chẳng ai đủ nhiệt thành để bám trụ chốn thâm sơn cùng cốc này”. Để thay lời kết, xin được trích dẫn những lời ca dưới đây như một lời cảm ơn đến đội ngũ những người làm công tác giảng dạy. Chính họ đã làm cho cuộc sống này trở nên tươi đẹp hơn, chắp cánh ước mơ cho biết bao thế hệ, những hoạt động thầm lặng đó xứng đáng được xã hội mãi tôn vinh.
Lê Đăng Đức