Tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ

Trong các buổi hội thảo do Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara tổ chức, tôi thường đặt câu hỏi với phụ huynh: “Theo bố mẹ, việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ có cần thiết không? Nếu cần thiết, thì bố mẹ đang giáo dục kỹ năng sống cho con như thế nào?”.

Câu hỏi đầu khá dễ để trả lời, còn với câu hỏi thứ hai, phần đông phụ huynh đều trở nên lúng túng.

Vì sao cần giáo dục kỹ năng sống cho trẻ?

Nhiều năm về trước, hầu hết mọi người chỉ chú trọng vào kiến thức và kỹ năng chuyên môn để có thể xin việc tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chỉ vậy là chưa đủ. Chúng ta cần có kỹ năng mềm trong giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo hay khả năng thuyết trình, diễn đạt ý kiến của mình trước đám đông tích hợp với các hoạt động STEM để đạt hiệu quả cao.

Phần lớn sự “kém cỏi” của người trưởng thành là do không được rèn luyện đầy đủ về kỹ năng khi còn nhỏ!

  • Nhỏ không rèn luyện tư duy phản biện, thì lớn lên sẽ không biết tranh luận, bảo vệ ý kiến như thế nào;
  • Nhỏ không phát triển tư duy sáng tạo, thì lớn lên sẽ chỉ làm theo những gì người khác hướng dẫn;
  • Nhỏ không tập làm việc nhóm, thì lớn lên sẽ luôn thấy lạc lõng giữa đám đông;
  • Nhỏ không rèn thói quen tự phục vụ, thì lớn lên sẽ luôn có tâm lý ỷ lại;
  • Nhỏ không học cách kết bạn, thì lớn lên sẽ gặp khó khăn về kỹ năng giao tiếp;
  • Nhỏ không thực hành cách bảo vệ bản thân, thì lớn lên bố mẹ sẽ luôn sợ con bị bắt nạt;
  • Nhỏ không tập nói trước đám đông, thì lớn lên đừng hỏi vì sao con thuyết trình kém…

Mọi kết quả đều có nguyên nhân được hình thành từ quá khứ. Vì vậy, việc thay đổi “nhân” từ sớm, sẽ có thể đem lại một “quả” khác đi.

Các cụ vẫn nói: “Dạy con từ thuở còn thơ” – bởi lẽ, khi con còn nhỏ, như búp măng non, như tờ giấy trắng, việc uốn nắn trẻ đi đúng đường là rất cần thiết. Nhờ giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ nhỏ thông qua các giáo dục STEM, các con sẽ hình thành thói quen theo năm tháng và có thể vận dụng tốt trong giai đoạn trưởng thành sau này.

Không chỉ có thế, chia sẻ với trẻ về những giá trị sống (do UNESCO công nhận) như: Hạnh phúc, Tôn trọng, Yêu thương, Trung thực, Trách nhiệm, Giản dị, Hòa bình, Khiêm tốn, Tự do, Khoan dung, Đoàn kết và Hợp tác – là cách hữu hiệu để xây dựng niềm tin, đạo đức, góp phần hình thành mục đích sống cho trẻ.

  • Khi có giá trị sống tích cực, trẻ sẽ tôn trọng sự khác biệt của người khác, để không dè bỉu, chê bai những khiếm khuyết của người ấy;
  • Khi nhận thức được về trách nhiệm, trẻ sẽ chủ động với nhiệm vụ do mình được giao, kể cả khi đó là làm bài, ôn bài, hay những công việc vừa sức khác được giao phó;
  • Khi thấu hiểu được ý nghĩa của sự hợp tác, đoàn kết và yêu thương, trẻ đang hình thành dần ý thức nền tảng cho kỹ năng làm việc nhóm sau này.

Với giáo dục kỹ năng sống cho trẻ cũng vậy!

  • Trẻ vẫn sẽ đánh nhau vì những mâu thuẫn con trẻ, nhưng sẽ biết cách bảo vệ bản thân, tránh những chỗ yếu hại;
  • Trẻ vẫn sẽ lơ đãng khi học bài vì đó là đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, nhưng sự tập trung được cải thiện dần;
  • Trẻ vẫn chưa thể nói một bài thuyết trình dài trước một hội trường lớn, nhưng chắc chắn sẽ bớt run hơn, thậm chí chủ động xung phong lên nói và phần trình bày cũng ngày càng “chuyên nghiệp” hơn;
  • Trẻ sẽ biết tự phục vụ bản thân, vì chơi đồ chơi được thì cũng dọn được, tay cầm được quả bóng thì cũng có thể cầm bát, cầm thìa, và muốn có hàm răng trắng sạch để ăn những món ăn ngon thì nhất định phải biết đánh răng hai lần mỗi ngày.

Cứ như vậy, bố mẹ kiên trì giáo dục kỹ năng sống cho trẻ và thực hành với con, thì sẽ đến ngày đơm hoa tươi, kết trái ngọt. Con trẻ lớn lên không chỉ ngoan, học giỏi, mà còn chào đời với những ý thức và thái độ sống tích cực nữa.

LỜI KẾT:

Trên con đường hội nhập toàn cầu, ai cũng muốn đầu tư cho thế hệ trẻ, với mong muốn các con sẽ trở thành trụ cột của gia đình, chủ nhân tương lai của đất nước, hi vọng rằng con sẽ thích ứng và đạt điều kiện để trở thành công dân toàn cầu. Mọi mong ước đều rất tốt, nhưng để thực hiện được ước mơ, không chỉ cần sự nỗ lực của các con, mà còn cần rất nhiều sự ủng hộ và động viên của bố mẹ.

Hãy nhớ: “Hạnh phúc là một quá trình, chứ không phải chỉ nằm ở đích đến!”. Bằng vào cách giúp trẻ trải nghiệm và lớn lên mỗi ngày, là đã giúp cho những giá trị sống, kỹ năng sống thẩm thấu dần vào chính con. Giống như câu ngạn ngữ nổi tiếng:

“Suy nghĩ khởi nguồn Lời nói,

Lời nói sinh ra Hành động,

Hành động hình thành Thói quen,

Và Thói quen tạo nên Số phận”.

Hãy giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, bắt đầu ngay từ hôm nay!

Theo PM Nguyễn Quốc Chiến – Chuyên gia Tư vấn, đào tạo tại Hệ thống giáo dục kỹ năng sống Cara