Tầm quan trọng của cộng đồng trong quy hoạch phát triển du lịch – Trường Du lịch – Đại học Huế
Trong đời sống xã hội, khái niệm cộng đồng thường được dùng để chỉ nhiều đối tượng có những đặc điểm tương đối khác nhau về qui mô và đặc tính xã hội. Ý nghĩa rộng nhất của cộng đồng là tập hợp người với các liên minh rộng lớn như toàn thế giới (cộng đồng thế giới), một châu lục (cộng đồng châu Âu,…), một khu vực (cộng đồng Đông Nam Á …). Cộng đồng còn được áp dụng để chỉ một kiểu xã hội, căn cứ vào những đặc tính tương đồng về sắc tộc, chủng tộc hay tôn giáo. Nhỏ hơn nữa, cộng đồng được dùng khi gọi tên các đơn vị làng, bản, xã, huyện, …
Trong các chương trình phát triển có sự tham gia của cộng đồng, khái niệm cộng đồng được hiểu trên phạm vi hẹp hơn, đó là những nhóm người được tập hợp dưới nhiều hình thức khác nhau như theo lứa tuổi, nghề nghiệp, huyết thống, khu vực địa lý, tổ chức đoàn thể, sở thích, …Trong du lịch, cộng đồng thường được xác định theo phân bố địa lý – hành chính (thôn, làng, xã, huyện, thành phố,…).
Sự tham gia của cộng đồng trong quá trình hoạch định chính sách phát triển, đặc biệt trong quy hoạch kinh tế – xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy dân chủ trực tiếp, nâng cao chất lượng quy hoạch và giảm sự khoảng cách giữa quy hoạch trên giấy và thực tế cuộc sống, nhằm đạt được các quy hoạch có tính khả thi cao và hạn chế một phần những ý muốn chủ quan và áp đặt duy ý chí của người hoạch định chính sách. Qui hoạch du lịch là một phương án tập hợp các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và công nghệ tác động vào các tài nguyên du lịch để hình thành các điểm và khu du lịch nhằm thực hiện mục tiêu đã định trước là thoả mãn nhu cầu đa dạng ngày càng cao của khách du lịch và nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội của địa phương và hoạt động kinh doanh du lịch.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch được lập cho phạm vi cả nước, vùng du lịch, địa bàn du lịch trọng điểm tỉnh, thành phố. Quy hoạch cụ thể phát triển du lịch được xây dựng cho các khu du lịch quốc gia, khu du lịch địa phương, điểm du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, hiện còn có loại hình quy hoạch chuyên đề, chẳng hạn: (i) Quy hoạch khai thác và sử dụng tài nguyên du lịch; (ii) Quy hoạch tuyến du lịch; (iii) Quy hoạch thị trường khách du lịch; (iv) Quy hoạch cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch.
Du lịch hiện nay đã trở thành một nguồn thu cho nhiều cộng đồng để cải thiện sinh kế của mình, do đó, sự tham gia của cộng đồng trong việc xây dựng chính sách và thực thi phát triển du lịch là không thể bỏ qua.
Mục tiêu của sự tham gia của cộng đồng trong quy hoạch phát triển du lịch là để cải thiện sự giao tiếp giữa các bên liên quan trong sự quan tâm, tạo thuận lợi cho việc ra quyết định tốt hơn và phát triển du lịch bền vững. Nếu không có sự tham gia của cộng đồng rõ ràng là không có hợp tác, không phát triển. Do đó nếu thiếu sự tham gia của cộng đồng trong việc ra quyết định về phát triển du lịch có thể dẫn đến thất bại trong việc phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng, lãnh thổ.
Sự tham gia của cộng đồng trong quy hoạch phát triển du lịch sẽ giảm thiểu nguy cơ tạo ra sự xung đột giữa dân cư địa phương và khách du lịch do khả năng mất cân đối giữa cung và cầu trong việc cung ứng lương thực, thực phẩm và các hàng hoá nhu yếu phẩm phục vụ đời sống cộng đồng dân cư địa phương. Ví dụ: Trong mùa hè tại các bãi biển, lượng khách du lịch đến nghỉ với số lượng lớn, nhu cầu về lương thực, thực phẩm và hàng hoá lớn, giá cả tăng cao, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của dân cư địa phương và tác động tiêu cực đến môi trường như làm ô nhiễm rác thải, nguồn nước…
Mặt khác, cộng đồng địa phương là những người sinh sống lâu năm trên đất quy hoạch, có truyền thống lịch sử, văn hoá và thói quen sinh hoạt, họ đã và đang sử dụng các tài nguyên tự nhiên để sinh sống. Do đó việc phát triển du lịch phải đem lại lợi ích cho việc bảo tồn và phát triển cộng đồng. Sự tham gia của cộng đồng phải bình đẳng trong việc sử dụng đất và các tài nguyên vốn là sở hữu của cộng đồng, trong việc xây dựng và lập kế hoạch phát triển. Chính sự tham gia này góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển môi trường, bản sắc văn hoá của cộng đồng.
Điều đáng lo ngại và cản trở nhất đối với cộng đồng địa phương tham gia làm du lịch là thiếu tính chuyên nghiệp trong việc tổ chức và hạn chế khả năng ngoại ngữ để giới thiệu sự hấp dẫn của địa phương mình cho du khách. Ngoài ra, sự tham gia của cộng đồng địa phương vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động du lịch còn thụ động, mang tính hình thức, kể cả loại hình du lịch cộng đồng là một trong những hình thức người dân tham gia hoạt động du lịch phổ biến nhất hiện nay.
Mặc dù chủ thể của loại hình du lịch cộng đồng là người dân địa phương nhưng phần lớn họ chỉ là nhân viên thời vụ mỗi khi các công ty lữ hành đưa khách đến và chỉ tham gia vào một số công việc đơn giản như: chèo thuyền, phục vụ các bữa ăn, khuân vác… còn các công việc chính như hướng dẫn du khách tham quan, lên thực đơn mang tính đặc trưng của vùng miền hay thiết kế các chương trình tham quan lại do các đơn vị lữ hành phụ trách là chủ yếu.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư vấn lập quy hoạch, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư là một trong những yếu tố quan trọng để bảo đảm thành công của các quy hoạch phát triển. Tuy nhiên cho đến nay chúng ta vẫn chưa có đánh giá đầy đủ về vấn đề này cũng như chưa có những quy định pháp luật chặt chẽ mà thông qua đó sự tham gia của cộng đồng có thể được thể chế hóa. Để hoàn thiện cơ sở pháp lý và tổ chức triển khai cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp luật, trong đó có các chính sách và quy hoạch phát triển du lịch, xin có một số kiến nghị như sau:
– Quy định rõ những loại văn bản phải đưa ra lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành, trình tự, thủ tục lấy ý kiến ra sao, trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc lấy ý kiến nhân dân thế nào.
– Quy định rõ ràng hơn trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến góp ý. Để có căn cứ xác định trách nhiệm của các bên có liên quan trong vấn đề này, cần có tài liệu bằng văn bản lưu tất cả những ý kiến góp ý (kể cả đồng ý và không đồng ý với dự án luật, quy hoạch).
– Bổ sung cơ chế phản hồi việc lấy ý kiến góp ý. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền bắt buộc phải thông tin lại cho các đối tượng được lấy ý kiến về việc tập hợp, tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản.
– Nghiên cứu ban hành văn bản cụ thể hoá và hướng dẫn thi hành những quy định liên quan đến quy trình tập hợp, tổng hợp, phân loại ý kiến, phương thức tiếp thu, chỉnh lý văn bản theo ý kiến góp ý… nhằm tạo hành lang pháp lý rõ ràng và chi tiết hơn cho hoạt động tổ chức lấy ý kiến nhân dân vào xây dựng pháp luật, quy hoạch./.
Th.S Nguyễn Thị Ngọc Cẩm – Trưởng Bộ Môn QLLH&HDDL