Tắm lá chữa vàng da, bé sơ sinh nguy kịch

Các bác sĩ Khoa Nhi – Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bé 11 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao liên tục, da toàn thân vàng đậm, quấy khóc, nôn trớ nhiều, khó thở, bú kém.

Bệnh nhi 11 ngày tuổi trú tại huyện Hà Quảng – Cao Bằng. Theo lời người nhà bệnh nhi kể, sau khi sinh về nhà, bé được tắm bằng nước lá cây đun sôi theo dân gian vài lần. Trước khi nhập viện 3 ngày, trẻ quấy khóc nhiều, da toàn thân vàng đậm màu, khó thở, bụng chướng căng được đưa đến Bệnh viện tỉnh Cao Bằng điều trị.

Sau khi khám , khai thác bệnh sử và có kểt quả xét nghiệm các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm ruột/nhiễm khuẩn huyết.  Tình trạng bé rất nặng nên đã được các bác sĩ chuyển tuyến để điều trị tiếp.
Theo các bác sĩ, trong dân gian việc dùng các loại lá cây đun nước để tắm cho trẻ sơ sinh chữa vàng da là việc làm quen thuộc, theo kinh nghiệm hoặc mách bảo nhau. Tuy nhiên tắm bằng lá cây cho trẻ là việc cần cân nhắc, thận trọng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường. Da trẻ nhỏ rất mỏng đặc biệt là trẻ sơ sinh, cấu trúc da chưa ổn định nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng.

Đa phần việc dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn huyết ở trẻ vàng da sơ sinh là do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài. Trong khi đó các loại lá do mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, thậm chí có nhiễm thuốc trừ sâu rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi thì mầm bệnh chưa hẳn được loại bỏ hết. Đặc biệt vào mùa nắng nóng, việc tắm lá không đúng cách càng khiến trẻ bị bội nhiễm có thể nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh nhi sơ sinh biến chứng nặng sau tắm nước lá cây chữa vàng da ở Cao Bằng.

Chia sẻ về vấn đề vàng da ở trẻ sơ sinh, PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi -Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vàng da sơ sinh có thể ở nhiều mức mức độ như vàng da sinh lý nhưng cũng có thể tiến triển nặng vàng da bệnh lý. Trong một số ít trường hợp, vàng da là biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó và khi đó vàng da sẽ xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh.

Để nhận biết vàng da sơ sinh, theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, cha mẹ nên nhìn trẻ bằng ánh sáng mặt trời không nên nằm phòng tối và nhìn trẻ bằng ánh sáng đèn sẽ không phát hiện kịp thời.

Biểu hiện của vàng da sơ sinh bệnh lý là vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ non tháng. Mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Cùng với vàng da có xuất hiện các triệu chứng bất thường khác trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật….

Nếu không phát hiện và điều trị vàng da bệnh lý kịp thời thì có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh (còn gọi là vàng da nhân) do Bilirubin gián tiếp thấm vào não mà hậu quả là trẻ sẽ bị tử vong hoặc bị bại não suốt đời.
Hầu hết vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh chỉ theo dõi không cần điều trị sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn, chỉ những trường hợp có mức bulirubin quá cao mới cần phải can thiệp về y tế bởi nguy cơ biliburin có thể di chuyển đến não và gây tổn thương não. Có hai phương pháp thường được sử dụng là chiếu đèn năng lượng và truyền máu.

Nếu trẻ bị vàng da ở mức độ nhẹ có thể tự điều trị tại nhà bằng cách tắm nắng: đặt trẻ gần cửa sổ nơi có ánh nắng dịu của mặt trời (vào khoảng 8 giờ đến 8 giờ 30 mỗi sáng). Cho trẻ bú nhiều lần trong ngày vì sữa mẹ giúp đào thải nhanh chất bilirubin qua đường tiêu hoá. Hằng ngày, cần theo dõi các vùng lan rộng của vàng da và các biểu hiện kèm theo. Theo dõi liên tục trong vòng 7 – 10 ngày sau sinh.

Các bác sĩ khuyến cáo, để tránh những hậu quà đáng tiếc các bậc cha mẹ khi thấy trẻ có biểu hiện vàng da và kèm các biểu hiện nghi ngờ khác thì nên cho bé đi khám. Các bà mẹ nên tắm trẻ theo quy trình chuẩn bằng nước ấm thông thường, không nên dùng lá pha nước tắm cho trẻ một cách tùy tiện, không được hướng dẫn rõ ràng.