Tấm gương tự học và học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bài học kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo
Tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định tạo nên tri thức cho mỗi con người. Muốn sống có ích cho bản thân cho xã hội, cho đất nước thì mỗi con người chúng ta phải có tri thức.
Bằng tấm gương tự học và học tập suốt đời, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo nhất là đối với thế hệ trẻ. Theo tư tưởng của Người việc học phải thường xuyên và lấy việc tự học làm cốt. Việc học tập chính là các hoạt động tiếp thu tri thức của mỗi cá nhân, là tiền đề quan trọng dẫn tới sự phát triển ở mỗi con người. Quá trình học tập bao gồm học tại trường, lớp, học ở sách vở ở những giai đoạn nhất định của cuộc đời và tự học là việc không ngừng nghỉ suốt cả cuộc đời mỗi người.
Là một các bộ quản lý giáo dục nay đã có tuổi tham gia công tác khuyến học với chức năng nhiệm vụ khuyến học , khuyến tài, xây dựng xã hội học tập cho mọi người. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi luôn ý thức phải vận động, tuyên truyền mọi tâng lớp trong xã hội hiểu rằng: Việc học có thể học ở mọi lúc, mọi nơi, không chỉ trong trường lớp mà có thể học ngoài cuộc sống xã hội hàng ngày. Người lao động, người nông dân cũng có thể tham gia học tập dưới nhiều hình thức, nhiều thời gian khác nhau, con người còn sống còn phải học. Đây là biện pháp tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống xã hội. Nếu ai không chịu khó học thì sẽ bị lạc hậu, mà lạc hậu thì sẽ bị đào thải, tự mình đào thải mình”.
Về đối tượng phải học? Theo Bác Hồ, ai cũng phải học, không kể người sang hay hèn; giàu hay nghèo; không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, dân tộc, tuổi tác… Từ đó tạo nên một Xã hội học tập (XHHT) là một xã hội mà mọi người đều được học, cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời; mọi người được tiếp cận những cơ hội học tập thuận lợi và lấy tự học cùng với ý chí, nghị lực phấn đấu kiên trì của mình là chính để đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội; mọi người không phân biệt tuổi tác, ngành nghề, trình độ đều thấy học tập là nhu cầu của cuộc sống, luôn cần phải học và học suốt đời, học ở mọi nơi, mọi lúc.
Khi đã xác định việc học là một nhu cầu thiết yếu thì tự giác ai cũng phải học. Người cho rằng, vấn đề cốt lõi nhất của việc tự học là để nâng cao hiểu biết và để áp dụng những kiến thức đó vào làm việc, “học phải đi đối với hành”. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý mỗi người phải học tập với thái độ nghiêm túc, hết sức khiêm tốn, thật thà, biết đến đâu nói đến đó, không được tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Bác nghiêm khắc phê phán tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cao, tự đại.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: việc tự học sẽ giúp mỗi người nhớ lâu và vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích vào cuộc sống. Và, tự học còn giúp cho mỗi người trở nên năng động, sáng tạo, không phụ thuộc vào người khác, từ đó hạn chế những khuyết điểm và hoàn thiện bản thân. Tự học trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi. Phương pháp tự học của Bác Hồ là: Muốn nâng cao kiến thức trong quá trình tự học, mỗi người cần phải biết cách tận dụng triệt để thời gian và những điều kiện, phương tiện có sẵn trong xã hội, như thư viện, câu lạc bộ, sách báo, viện bảo tàng, các buổi nói chuyện, hội thảo,…
Huyện Thanh Sơn là huyện miền núi nằm phía Tây Nam của tỉnh Phú Thọ. Diện tích tự nhiên 62.110.4ha. Dân số của huyện Thanh Sơn năm 2018 trên 13 vạn người. Trên địa bàn huyện có 17 dân tộc cùng chung sống, trong đó gần 60% là người dân tộc thiểu số. Do lịch sử để lại trình độ dân trí của huyện Thanh Sơn nói chung thấp hơn các huyện khác và không đồng đều giữ các vùng miền. Đặc biệt đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện ( dân tộc Mường, dân tộc Dao, dân tộc HMông… số người không biết chữ ở độ tuổi trên 50 vẫn còn. Mặt khác do điều kiện sống khó khăn, thu nhập thấp nên tư tưởng “phải làm để có cái ăn no bụng đã rồi mới nghĩ đến việc học”. Từ nếp nghĩ này các cán bộ, hội viên khuyến học phải tuyên truyền tạo sự chuyển biến về nhận thức: “ có học có hơn, học để biết cách lao động năng suất, học để tạo ra nhiều của cải vật chất hơn”. Đây là một vấn đề rất thực tế. Chúng ta phải xây dựng được các điển hình, làm gương, làm mẫu biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chính công việc họ đang làm để làm giàu.
Bản chất của tự học là một quá trình học tập không trực tiếp có giảng viên. Tự học là lao động khoa học, tự tìm hiểu, phân tích những kiến thức trong sách vở, tài liệu để tiến tới làm chủ tri thức. Phải kiên trì,quyết tâm và sự nghiêm túc của người học. Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ các phương tiện phục vụ việc tự học rất phong phú. Mọi người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin khoa học qua các kênh truyền thông chính thống, quan Mạng xã hội nếu biết lựa chọn các thông tin bổ ích. Tại huyện Thanh Sơn hiện có 03 doanh nghiệp tham gia cung cấp các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh là Bưu điện huyện Thanh Sơn, Viettel post, J&T Express. Tổng sản lượng phát hành báo chí hàng năm đạt trên 600 nghìn tờ. Ngoài ra còn duy trì tốt hoạt động của 22 điểm phục vụ bưu điện, thư viện các xã.
Mạng Viễn thông đã phủ sóng 100% các xã vùng sâu, vùng xa, dịch vụ viễn thông, dịch vụ Inernet do các doanh nghiệp cung cấp đã phát triển đa dạng với nhiều dịch vụ mới. Nếu như trớc đây dịch vụ viễn thông, dịch vụ internet chỉ có các dịch vụ cơ bản như điện thoại di động, điện thoại cố định hữu tuyến…thì nay đã có thêm dịch vụ cố định vô tuyến (Home Phone của Viettel, Gphone của VNPT), dịch vụ truy cập Internet tốc độ cao, dịch vụ di động 3G, 4G dịch vụ Internet không dây, dịch vụ truyền hình MyTV,…
Đến nay 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện có Đài truyền thanh hoạt động, trên 82% khu dân cư có loa truyền thanh hoạt động tốt, tỷ lệ phủ sóng phát thanh, truyền hình tỉnh đạt 100%. Theo thống kê có 38% dân số sử dụng Mạng xã hội như Zalo, Facebook…Nếu chúng ta biết hướng người dân sử dụng các phương tiện truyền thông trên vào việc tự học, tự tìm thông tin hữu ích sẽ có kết quả rất cao.
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt. Những lời chỉ dẫn quý báu, những bài học kinh nghiệm sâu sắc rút ra từ chính tấm gương tự học bền bỉ của Người đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Đặc biệt trong tình hình hiện nay khi cuộc cách mạng khoa học – công nghệ đang phát triển nhanh chóng, đòi hỏi mỗi cán bộ, mỗi người dân cần phải liên tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để thích ứng với sự phát triển của cuộc sống xã hội.
Để thường xuyên học tập và làm theo tấm gương tư tưởng đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự học và xây dựng Xã hội học tập, trong thời gian tới, tôi thấy cần phải tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất: đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tự học, học tập suốt đời trong mọi thành phần trong xã hội, xây dựng một Xã hội học tập. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân về ý nghĩa, tác dụng của việc HTSĐ, xây dựng XHHT dưới nhiều hình thức khác nhau. Phát động phong trào thi đua học tập thường xuyên, HTSĐ rộng khắp nhằm thúc đẩy việc học tập trong mỗi gia đình, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng dân cư. Nhân rộng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” theo hướng thiết thực, hiệu quả.
Thứ hai: Đổi mới quản lý giáo dục và củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên và các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhất là miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ ba: Tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng dạy và học. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường.
Thứ tư: Đổi mới việc quản lý nhà nước đối với việc xây dựng XHHT. Các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục đóng vai trò là người tổ chức phát động phong trào học tập thường xuyên, HTSĐ; phối hợp với Hội khuyến học các cấp có các biện pháp khuyến khích người dân học tập, trước tiên người dân có các hiểu biết đơn giản cần thiết về con người, về thế giới tự nhiên và xã hội phù hợp, thiết thực với cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất; giúp người học thoát khỏi cuộc sống nghèo khó, lạc hậu
Thứ năm: Tham mưu với các cấp ủy và chính quyền có văn bản chỉ đạo việc phối hợp của Hội khuyến học các cấp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia xây dựng XHHT.
Thứ sáu: Các cấp có thẩm quyền hàng năm phân bổ nguồn kinh phí xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích người học. tạo điều kiện cho người học có (thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất) khi tham gia học tập nâng cao trình độ.
Tấm gương tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay và cả mai sau vẫn còn nguyên giá trị, có ý nghĩa giáo dục hết sức sâu sắc đối với sự nghiệp giáo dục – đào tạo của dân tộc ta. Tư tưởng và tinh thần tự học của Người mãi mãi tỏa sáng, soi rọi cho mỗi chúng ta phấn đấu, rèn luyện, tự vươn lên hoàn thiện bản thân, giúp ích cho gia đình và xã hội./.
Hoàng Minh Đức
Chủ tịch Hội khuyến học huyện Thanh Sơn