Tại sao nước biển lại mặn?
Như vậy, chỉ còn lại chưa đến 1% là nước ngọt ở sông, hồ và suối, và lượng nước ngọt này đóng một vai trò quan trọng trong việc giải thích tại sao biển lại mặn.
Nước di chuyển xung quanh trái đất theo một chu kỳ có liên quan đến mặt trời, từ biển, lên trời, đất liền và sau đó quay trở lại biển. Khi bị làm nóng lên bởi mặt trời, nước biển biến đổi thành hơi nước và bay vào trong không khí, gọi là quá trình bốc hơi.
Khi lơ lửng trong không khí, hơi nước được làm mát và trở lại dạng lỏng, tạo thành các đám mây thông qua một quá trình gọi là “ngưng tụ”. Nước này cuối cùng từ các đám mây trên trời rơi xuống dưới dạng mưa, mưa đá hoặc tuyết.
Khi mưa rơi trên đất liền, nước chảy thành suối và sông và cuối cùng chảy ngược ra biển. Sau đó, mặt trời làm nóng nước biển và chu kỳ bắt đầu lại.
Đến đây, có lẽ bạn vẫn đang thắc mắc muối xuất hiện vào giai đoạn nào. Thực tế, mưa rơi từ trên trời xuống không chỉ là nước tinh khiết, nó chứa một lượng nhỏ carbon dioxide và sulfur dioxide được nước hấp thụ trong khi vẫn còn trong không khí.
Điều này có nghĩa là mưa thực sự… rất chua. Khi mưa rơi xuống mặt đất, axit yếu này có thể hòa tan một lượng nhỏ muối khoáng từ đá, bao gồm natri và clorua.
Trong khi đó, Natri clorua là muối chính trong nước biển và cũng là muối bạn có thể có trên bàn ăn ở nhà. Nước mưa chảy ra khỏi đất liền và vào sông suối dẫn ra biển mang theo các muối hòa tan cùng với nó.
Nhưng nếu sông và suối mang theo những muối hòa tan này thì tại sao chúng không mặn như biển? Trên thực tế, chúng chỉ mang những hàm lượng muối rất thấp. Muối trong biển đã được tích tụ trong hàng tỷ năm. Nước biển chứa lượng muối hòa tan nhiều hơn khoảng 300 lần so với nước sông trung bình.
Nói cách khác, cứ một lít nước biển chứa 35 gam muối hòa tan, trong khi một lít nước ngọt chỉ có 0,5 gam. Đó là lý do tại sao chúng ta nói rằng nước biển có nồng độ muối hay độ mặn cao hơn nhiều so với nước ngọt chảy qua sông và suối.
Muối cũng có thể đi vào biển từ các lỗ thông thủy nhiệt dưới đáy đại dương sâu và từ các núi lửa trên đất liền hay dưới biển.
Vì muối luôn chảy từ đất liền ra biển, bạn có thể nghĩ rằng biển đang mặn hơn. Nhưng trên thực tế, một số muối này được loại bỏ bởi tảo và động vật sống ở biển, một số được lắng xuống dưới dạng trầm tích dưới đáy đại dương. Vì vậy, muối đi ra biển giữ cân bằng với việc muối bị lắng đọng hoặc bị loại bỏ.
Độ mặn của biển không giống nhau ở mọi nơi. Ở các khu vực nhiệt đới ấm hơn, lượng bốc hơi xảy ra nhiều hơn nên nước mặn hơn. Về phía cực Bắc và Nam, nước biển bị loãng do băng tan nên nước không mặn.
Nhưng sự khác biệt về độ mặn này có thể lớn hơn trong tương lai do biến đổi khí hậu. Khí hậu ấm hơn có thể dẫn đến nhiều mưa hơn và băng tan ở Bắc bán cầu và bốc hơi nhiều hơn ở Nam bán cầu, có thể làm thay đổi độ mặn của biển chúng ta.