Tại sao nhiều phụ nữ nín nhịn dù là nạn nhân bạo hành gia đình?

P.U. từng là phụ nữ rạng ngời, xinh đẹp - Ảnh: NVCC

P.U. từng là phụ nữ rạng ngời, xinh đẹp – Ảnh: NVCC

Mới đây, trong một lần trò chuyện trực tuyến với người bạn ở nước ngoài, P.U. (28 tuổi) buột miệng nhắc đến chuyện mình vừa bị bạo hành với việc chồng đánh bằng cách lên gối. 

Bị người bạn gặng hỏi, từ tự hoài nghi bản thân cho đến chấp nhận, U. mới nhận ra một sự thật rất xấu xí và đau đớn rằng cô đang là nạn nhân của bạo hành gia đình trong suốt bốn năm hôn nhân.

Không nhận ra bị bạo hành

P.U. sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức, có ông là nhà báo, mẹ là giảng viên đại học. U. cũng đang là giảng viên tại một trường đại học trên địa bàn TP.HCM với học vị thạc sĩ. 

Từ nhỏ, được tiếp xúc với nền giáo dục tốt, P.U. là một cô bé mạnh mẽ và kiên cường, nhiều lần đấu tranh cho công bằng, lẽ phải ngay từ tuổi học sinh. Chính cô cũng từng thắc mắc khi được nghe kể về những câu chuyện bạo hành gia đình, tại sao nạn nhân lại không lên tiếng, tại sao lại không đấu tranh, tại sao để vô lý vậy.

Theo ThS Nguyễn Hồng Ân, chuyên gia tâm lý, những cá nhân chịu bạo hành gia đình phải đối mặt với rất nhiều những vấn đề khác nhau về sức khỏe thể lý, tinh thần và cuộc sống.

Việc liên tục bị bạo hành không những khiến sức khỏe thể lý của họ bị ảnh hưởng mà còn tác động tới cảm xúc và cách họ nhìn nhận bản thân.

Họ sẽ liên tục cảm nhận bản thân bị đe dọa và thiếu an toàn, điều này dẫn đến việc cơ thể và não bộ luôn trong tình trạng căng thẳng quá mức vì phải liên tục chuẩn bị cho những mối nguy hiểm sắp diễn ra.

Về lâu dài, những ảnh hưởng này sẽ kéo dài và có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe tâm thần khác nghiêm trọng hơn như lo âu, trầm cảm, sang chấn.

Bên cạnh đó, những người chịu bạo hành gia đình sẽ có nguy cơ vướng vào việc họ “nạn nhân hóa” chính mình. Đây là hiện tượng mà một người gặp bạo hành liên tục hạ thấp hình ảnh và sự tự tin của bản thân do tác động đến từ người bạo hành.

Lâu dài họ chấp nhận việc mình không còn khả năng tự chủ, tự quyết và hành vi bạo hành càng ngày càng được chấp nhận vì người bị bạo hành cho rằng mình không có giá trị và xứng đáng bị trừng phạt hoặc đối xử tiêu cực.

Những trói buộc

Lần đầu tiên P.U. thổ lộ chuyện muốn ly hôn với gia đình, ông của P.U. đã bị sốc đến mức ảnh hưởng sức khỏe. Lo lắng cho ông, P.U. không dám nhắc đến nữa. Cô hiểu ông hết mực thương yêu mình nhưng không chấp nhận nổi chuyện cháu gái lỡ một chuyến đò. Với người của thế hệ ông, đó là một chuyện vô cùng nhục nhã.

Mẹ P.U. cũng ra sức can ngăn con gái ly hôn. “Điều đó không tốt cho gia đình mình”, bà khuyên nhủ P.U. trong tin nhắn. Khi biết con gái bị chồng đánh, người mẹ ra tay giúp con bằng cách khuyên răn, yêu cầu con rể viết một bức thư cam kết không đánh vợ nữa.

Sau mỗi lần đánh vợ, chồng P.U. lại tỏ ra ăn năn hối lỗi, xin lỗi vợ và quan tâm chăm sóc từng việc nhỏ nhặt để lấy lòng. Điều này khiến P.U. ngộ nhận rằng chồng rất yêu mình, cố gắng bỏ qua những “chuyện không vui” này để tiếp tục duy trì hôn nhân êm đẹp.

“Trong bốn năm hôn nhân, em đã bị đánh 19 lần, từ những cái tát thẳng tay cho đến nắm tóc đập đầu vào tường hay xé áo, kéo lê hơn cây số giữa đường phố đông người…”, P.U. kể.

Thế nhưng, khi lấy hết dũng khí để kể câu chuyện của mình, phản hồi mà P.U. nhận được nhiều nhất là “Tại sao học đến thạc sĩ rồi mà để bị chồng đánh?”.

Học vị và nghề nghiệp trở thành một thứ trói buộc nghiệt ngã khiến P.U. không dám lên tiếng. Mình là nạn nhân, nhưng khi mình nói ra, thứ nhận lại không phải là hỗ trợ, bảo vệ mà là nỗi nhục nhã. Cô đã tự đấu tranh với chính bản thân mình và e sợ dư luận đã kìm chân cô suốt một thời gian trong cuộc hôn nhân đầy bạo lực.

Ai ai cũng có thể là nạn nhân bạo hành gia đình

Luật sư Ngô Lệ Quỳnh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết để xác định được mức độ tổn thương của nạn nhân về cả thể xác và tinh thần thì chúng ta cần dùng biện pháp giám định tư pháp.

Theo quy định tại điều 12 Luật giám định tư pháp năm 2012 thì cá nhân khi bị người khác gây thương tích, bị ảnh hưởng về sức khỏe có thể điều trị tại các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, kết luận giám định tỉ lệ thương tật chỉ được công nhận khi thực hiện việc giám định tại các tổ chức giám định tư pháp công lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập.

Trường hợp của P.U., theo kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y Sở Y tế TP.HCM, tổng tỉ lệ tổn thương về thương tích và tâm thần là 23,77%. Trên thực tế, P.U. bị suy giảm sức khỏe trầm trọng, giảm hơn 10kg, phải chuyển chỗ ở để đảm bảo an toàn cho bản thân nhưng ảnh hưởng của vụ việc vẫn đeo bám khiến công việc và thu nhập đều sụt giảm…

Tia sáng duy nhất trong chuỗi ngày đen tối mà P.U. đã và đang trải qua hiện tại là cô đã hoàn toàn nhận thức được tình trạng của bản thân, thấu cảm sâu sắc với những nạn nhân bị bạo hành gia đình khác.

“Em đã hiểu tại sao họ không lên tiếng. Em nhận ra ai cũng có thể là nạn nhân của bạo hành, bất kể tuổi tác, nghề nghiệp, trình độ học vấn. Em phải lên tiếng để góp phần giải phóng những người yếu thế ra khỏi những vòng kim cô nghiệt ngã đó” – P.U. cười nói, nước mắt rưng rưng.

* Luật sư NGÔ LỆ QUỲNH (Đoàn luật sư TP.HCM):

Những dấu vết bị bạo hành của U. - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những dấu vết bị bạo hành của U. – Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cần bảo vệ mình ra sao trước bạo hành?

* Bước 1: Bảo vệ bản thân

Nếu bạn đang gặp nguy hiểm, hãy tìm cách chạy ra khỏi nhà và tìm đến nơi an toàn (chạy đến nhà hàng xóm, nhà tạm lánh, bệnh viện, gọi cho chính quyền, công an…); tránh làm sự việc thêm trầm trọng: người bạo hành muốn gây xung đột, bạn nên cố gắng tránh chống trả họ. Cố gắng không cho họ biết bạn có kế hoạch rời đi.

* Bước 2: Lập kế hoạch thích hợp để chấm dứt mối quan hệ

Thường sẽ rất khó khăn để kết thúc mối quan hệ bạo hành. Sự việc có thể phức tạp do còn liên quan tới vấn đề chăm sóc con cái, tài chính, tôn giáo, gia đình và những cân nhắc khác liên quan đến xã hội. Nên nhờ sự giúp đỡ và tư vấn của chính quyền địa phương, các trợ giúp pháp lý, luật sư…

* Bước 3: Giữ hoặc thu thập chứng cứ về việc bạo hành

Để có thể tố cáo và chấm dứt hành vi bạo hành của người bạo hành, điều quan trọng là bạn phải thực hiện các bước cần thiết để thu thập chứng cứ. Ví dụ như hình ảnh về vết thương của bạn và đồ vật bị vỡ trong suốt quá trình bạo hành gia đình, các kết quả xét nghiệm những tổn thương cơ thể, nhật ký, thư xin lỗi từ người bạo hành…

* Bước 4: Báo tin cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết

Sau khi thực hiện các bước trên thì nạn nhân của bạo lực gia đình có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

T.M.D. ghi

Đừng im lặng nữa!

Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).

Đồng thời, báo cáo cũng cho biết bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác hoặc/và tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền.

Bạo hành gia đình: khi thú đội lốt ngườiBạo hành gia đình: khi thú đội lốt người

Gần đây, những vụ bạo hành gia đình đã xảy ra nhiều hơn, với mức độ bạo lực càng lúc càng nghiêm trọng.