Tại sao nên chọn trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế?
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, quá trình hội nhập buộc ngành giáo dục Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, đào tạo nguồn lực mà không có kiểm định theo chuẩn quốc tế. Hơn nữa, việc tham gia kiểm định sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả phụ huynh, học sinh và các nhà trường.
Giúp phụ huynh, học sinh an tâm
Khi bàn về vấn đề kiểm định trong giáo dục, ông Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng: “Giáo dục Việt Nam muốn phát triển lành mạnh, theo kịp thế giới, đặc biệt khi Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng thì việc kiểm định độc lập càng trở nên cần thiết, để biết mình đang đứng ở đâu, chất lượng thế nào, từ đó đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực”.
Với các trường tư thục, việc kiểm định có ý nghĩa thiết thực với người học. Chứng nhận kiểm định quốc tế chính là minh chứng rõ ràng nhất cho đẳng cấp và chất lượng quốc tế của trường đối với phụ huynh, học sinh; với chính quyền và các cấp quản lý giáo dục; với nhà tuyển dụng sau khi học sinh, sinh viên tốt nghiệp.
Kể từ khi các tổ chức giáo dục tư nhân và quốc tế tham gia vào Việt Nam, phụ huynh và học sinh có thêm rất nhiều lựa chọn giáo dục phù hợp với nhu cầu của mình. Theo một khảo sát trên báo điện tử VnExpress, với gần 30 ngàn ý kiến tham gia trả lời câu hỏi: “Nếu đủ điều kiện, bạn muốn cho con học trường nào?”, kết quả cho thấy số phụ huynh chọn trường quốc tế lên tới 47%, 21% chọn trường chuyên, 8% chọn trường tư, số còn lại 24% chọn trường công. Cho thấy, nhu cầu của phụ huynh và học sinh ngày nay, đặc biệt là ở các thành phố lớn, không chỉ là theo được chuẩn giáo dục của Việt Nam, mà họ còn muốn chương trình học của con em mình tương thích với chuẩn của các nước đi đầu về giáo dục như Mỹ, Canada, Anh, Úc… Nếu nhà trường muốn cam kết về chất lượng giáo dục đạt chuẩn của cả Việt Nam và quốc tế thì chứng nhận kiểm định quốc tế chính là minh chứng thuyết phục nhất.
Học sinh Trường St.Nicholas Đà Nẵng trong giờ học STEM.
Chức năng nhiệm vụ của các cơ quan kiểm định giáo dục quốc tế độc lập, với vai trò là các chuyên gia thẩm định chất lượng giáo dục, kiểm tra, tư vấn giúp các trường đạt chuẩn, góp phần nâng cao uy tín và giá trị bằng cấp mà học sinh nhận được sau quá trình học. Tại Việt Nam, các trường phổ thông song ngữ, quốc tế chủ yếu được kiểm định bởi các tổ chức: Hội đồng các trường quốc tế (CIS – Council of International Schools); Hội đồng các trường quốc tế Anh (COBIS – Council of British International Schools); Hiệp hội trường Phổ thông và Đại học miền Tây Hoa Kỳ (WASC – Western Association of Schools and Colleges); Hiệp hội các trường Phổ thông và Cao đẳng New England (NEASC – New England Association of Schools and Colleges)… Bản thân các tổ chức này cũng phải hoạt động dựa theo luật định nghiêm ngặt của nước sở tại (Mỹ, Anh, châu Âu…), và quan trọng hơn cả là uy tín hàng trăm năm trong việc kiểm định quốc tế của họ.
Chứng nhận kiểm định này còn có ý nghĩa với đối tượng học sinh phổ thông có nhu cầu du học sau khi tốt nghiệp hoặc chuyển tiếp, liên thông. Vì một khi bằng cấp tại Việt Nam được công nhận sẽ giúp cho các em có lợi thế khi nộp đơn xin học. Cũng có thể tiết kiệm thời gian, chi phí khi các tín chỉ đã học rồi được chuyển đổi, không cần học lại nữa.
Nền móng vững chắc của nhà trường
Vì lẽ đó hiện nay, đa số các trường quốc tế, trường phổ thông song ngữ, trường tư thục có uy tín nhất ở các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng đã tiến hành kiểm định.
Từ tháng 6/2021, Tập đoàn Giáo dục EQuest và các đơn vị thành viên gồm: Hệ thống Giáo dục Alpha, Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory, Hệ thống Trường liên cấp Newton, Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội, Trường St. Nicholas Đà Nẵng, Trường THPT Victory Sài Gòn, iSMART Education và IvyPrep Education đã chính thức tham gia kiểm định quốc tế bởi Tổ chức Kiểm định Giáo dục Cognia, một trong những tổ chức kiểm định chất lượng và lớn nhất tại Mỹ, được Bộ giáo dục Hoa Kỳ công nhận. Nếu đạt kiểm định, EQuest sẽ là tập đoàn giáo dục tư nhân Việt Nam đầu tiên đạt được chứng nhận kiểm định từ tổ chức kiểm định hàng đầu thế giới Cognia.
Tác phẩm tổng kết dự án “Tôi là người Alpha” của học sinh khối 4, 5 Hệ thống Giáo dục Alpha.
Công tác kiểm định quốc tế thường khá vất vả và cần có sự đồng thuận của tất cả các bên liên quan như giáo viên, phụ huynh, học sinh, đội ngũ lãnh đạo và nhân viên. Mỗi dự án kiểm định có thể kéo dài đến 2 năm với rất nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn được đưa ra để đánh giá và cải tiến. Trong suốt quá trình kiểm định, các cơ sở giáo dục là ứng viên tham gia kiểm định không chỉ dừng lại ở quá trình tự đánh giá toàn diện, chứng minh mức độ đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn được đề ra, xây dựng và thực hiện kế hoạch cải tiến mà còn được giám sát, đánh giá định kỳ bởi tổ chức kiểm định trong vòng 6 năm hiệu lực của kiểm định. Việc này nhằm hướng tổ chức đến một môi trường toàn diện, không ngừng cải tiến, đầy thuyết phục trong mắt của phụ huynh và học sinh.
Nguyễn Hạnh Phương – Học sinh lớp 7 Hệ thống Trường liên cấp Newton đạt kỷ lục nhờ viết truyện giả tưởng bằng tiếng Anh.
Cô Hoàng Thị Mận, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Newton (thuộc Hệ thống Trường liên cấp Newton, Hà Nội) cho biết, ngay khi được tiếp cận với Dự án Kiểm định Cognia, Hệ thống Trường liên cấp Newton đã nhận thấy đây là một cơ hội để chuẩn hóa toàn diện tất cả các hoạt động trong nhà trường và là điều kiện để giúp trường hội nhập quốc tế có chiều sâu hơn theo đúng định hướng nhiều năm qua của trường. Thông qua những buổi tập huấn về các tiêu chuẩn, tiêu chí của Cognia, các thành viên trong đội ngũ đã tiếp cận sâu hơn với các quan điểm giáo dục rất hiện đại, mới mẻ của quốc tế, liên quan tới các nhóm năng lực: Năng lực lãnh đạo; năng lực tổ chức dạy và học và năng lực quản lý nguồn lực.
“Các tiêu chuẩn của Cognia chính là bộ đánh giá chuẩn để nhà trường có cơ sở rà soát thực tế hiện nay, từ đó xác định những điểm mạnh cần được nhân rộng hoặc những vấn đề then chốt cần được đổi mới trong thời gian tới” – cô Mận nói.
Cô Trần Thị Minh Nguyệt, giáo viên Tiểu học – Trường St. Nicholas Đà Nẵng cho biết: Việt đạt kiểm định sẽ giúp nhà trường có nền móng vững chắc hơn nữa để phát triển trong tương lai, với tầm nhìn là trở thành trường quốc tế có quy mô đẳng cấp khu vực miền Trung với chương trình đào tạo chuẩn Mỹ. Đồng thời tạo nên môi trường làm việc chuyên nghiệp, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cá nhân, đảm bảo lộ trình thăng tiến trong công việc và đảm bảo nguồn thu nhập tốt cho giáo viên, nhân viên nhà trường.
Được biết, EQuest và 8 đơn vị thành viên vừa hoàn thành giai đoạn Đánh giá Mức độ Cam kết với Tổ chức Kiểm định Cognia và được Cognia đánh giá cao ở nhiều điểm mạnh như: có một đội ngũ lãnh đạo giàu năng lực và tầm nhìn; có một văn hóa chia sẻ quyền lãnh đạo; có một kế hoạch chiến lược hiệu quả với mục tiêu rõ ràng; có một nền tảng công nghệ mạnh và tốt; có dữ liệu phong phú từ các nguồn khác nhau và thực sự nghiêm túc trong việc cải tiến liên tục. Đồng thời, Cognia cũng chỉ ra một số vấn đề EQuest cần cải thiện trong thời gian tới như: Kiểm soát chất lượng, độ an toàn cho học sinh theo chuẩn kiểm định, thu thập và phân tích dữ liệu để nắm bắt xu hướng và ra quyết định…
Theo kế hoạch, đại diện Tổ chức Kiểm định Cognia sẽ sang Việt Nam vào tháng 9 tới để kiểm tra cơ sở vật chất, dự giờ và xác thực minh chứng của EQuest. Nếu đạt kiểm định, EQuest sẽ trở thành tập đoàn giáo dục tư nhân Việt Nam đầu tiên đạt được chứng nhận từ tổ chức kiểm định uy tín hàng đầu thế giới Cognia với bề dày lịch sử hơn 126 năm, kể từ năm 1895.
Các đơn vị thành viên EQuest (https://equest.vn/) tham gia kiểm định gồm: Hệ thống Giáo dục Alpha (https://alphaschool.edu.vn/), Hệ thống Giáo dục Thực nghiệm Victory (https://victoryschool.edu.vn/), Hệ thống Trường liên cấp Newton (https://ngs.edu.vn/), Trường Tiểu học Công nghệ Giáo dục Hà Nội (https://cgd.edu.vn/), Trường St. Nicholas Đà Nẵng (https://sns.edu.vn/en/homepage/), Trường THPT Victory Sài Gòn (https://thptvictory.edu.vn/), iSMART Education (https://ismart.edu.vn/), IvyPrep Education (https://ivyprep.edu.vn/)
Bài viết đã được báo Dân trí đăng tải.