Tái phạm hành chính là gì? Căn cứ để xác định một hành vi là tái phạm hành chính
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 ra đời, được sửa đổi và bổ sung vào năm 2020 là một văn bản pháp lý quan trọng quy định những quy tắc xử sự chung trong việc xử phạt hành chính và áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm. Với các hoạt động cuộc sống diễn ra nhộn nhịp, trên nhiều lĩnh vực, việc vi phạm hành chính là một điều không thể tránh khỏi và tái phạm hành chính có khả năng xảy ra. Vậy, tái phạm hành chính là gì? Sẽ được Luật Hoàng Anh giải đáp trong bài viết dưới đây!
Mục Lục
1. Định nghĩa tái phạm hành chính
Khoản 5, Điều 2, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 của Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 quy định:
Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt; cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó.
Như vậy, việc tái phạm sẽ được xảy ra trong 02 trường hợp:
– Cá nhân, tổ chức đã bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử phạt
– Cá nhân đã bị ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà lại thực hiện hành vi thuộc đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đó
2. Các căn cứ để xác định một hành vi tái phạm hành chính
Trên cơ sở quy định về định nghĩa, để xác định tái phạm hành chính cần phải dựa vào một số căn cứ sau đây:
2.1 Tái phạm hành chính là việc chủ thể vi phạm đã từng bị xử phạt hành chính
Trước hết, để xác định chủ thể có “tái phạm” hay không, cần phải xét xem trước đây chủ thể vi phạm đã từng “bị xử phạt hành chính” chưa. Việc đã từng bị xử phạt hành chính được thể hiện dưới hình thức pháp lý là ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, quyết định xử phạt vi phạm hành chính là căn cứ pháp lý đầu tiên để xác định một hành vi vi phạm là tái phạm.
Nếu trước đó đã vi phạm, nhưng chưa bị xử phạt, chưa có quyết định xử phạt thì không coi là tái phạm hành chính. Trường hợp này là vi phạm nhiều lần, điểm khác biệt căn bản nhất giữa tái phạm hành chính và vi phạm hành chính nhiều lần.
2.2 Tái phạm hành chính chỉ áp dụng với những hành vi vi phạm trong cùng lĩnh vực quản lý nhà nước.
Điều này bắt nguồn từ tính chất, mức độ nguy hiểm “không đáng kể” cho xã hội của vi phạm hành chính, nên pháp luật chỉ coi là tái phạm đối với những hành vi vi phạm trong cùng lĩnh vực quản lý nhà nước. Điều đó có nghĩa chỉ bị coi là tái phạm hành chính khi hành vi vi phạm hành chính với hành vi vi phạm đã bị xử phạt hành chính trước đây là “cùng lĩnh vực” (có thể là cùng lĩnh vực Y tế, Giao thông vận tải.
2.3 Tái phạm hành chính phải là hành vi chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính
Điều 7, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 xác định, thời hạn được coi chưa bị xử lý vi phạm hành chính là:
– Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hành chính khác hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
– Cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, nếu trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc 01 năm kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Như vậy, nếu chủ thể vi phạm đã đủ điều kiện được hưởng thời hạn này thì có nghĩa là người đó được coi như chưa bị xử phạt và chúng ta không có căn cứ pháp lý để xác định tái phạm nữa. Chỉ bị coi là tái phạm hành chính khi đã bị xử phạt nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà lại thực hiện vi phạm hành chính trong cùng lĩnh vực đó. Như vậy, để xác định “tái phạm hành chính”, cần phải thỏa mãn cả ba điều kiện nói trên, thiếu bất kỳ điều kiện nào, hành vi vi phạm cũng không bị coi là tái phạm hành chính
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về pháp luật xử lý vi phạm hành chính
Luật Hoàng Anh