TÀI NGUYÊN DU LỊCH THIÊN NHIÊN

Tài nguyên du lịch
2.1.1. Khái niệm chung
Tài nguyên hiểu theo nghĩa rộng bao gồm tất cả các nguồn nguyên liệu, năng lượng và thông tin trên Trái Đất và trong không gian vũ trụ mà con người có thể sử dụng phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của mình.
Tài nguyên được phân loại thành tài nguyên thiên nhiên gắn liền với các nhân tố tự nhiên và tài nguyên nhân văn gắn liền với các nhân tố con người và xã hội.
Tài nguyên du lịch là một dạng đặc sắc của tài nguyên nói chung. Khái niệm tài nguyên du lịch luôn gắn liền với khái niệm du lịch. Tại điều 10 của Pháp lệnh Du lịch Việt Nam (1999): “Tài nguyên du lịch được hiểu là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn, công trình sáng tạo của con người có thể được sử dụng nhằm thoả mãn nhu cầu du lịch; là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo ra sức hấp dẫn du lịch”.
Như vậy, tài nguyên du lịch được xem như tiền đề để phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, tài nguyên du lịch càng phong phú, càng đặc sắc bao nhiêu thì sức hấp dẫn và hiệu quả hoạt động du lịch càng cao bấy nhiêu.
2.1.2. Đặc điểm và phân loại tài nguyên du lịch.
2.1.2.1. Đặc điểm
Để khai thác và sử dụng tốt nhất các tài nguyên du lịch, trước hết cần phải tìm hiểu và nghiên cứu các đặc điểm nguồn tài nguyên này. Tài nguyên du lịch có những đặc điểm chính sau:
– Khối lượng các nguồn tài nguyên và diện tích phân bổ các nguồn tài nguyên là cơ sở cần thiết để xác định khả năng khai thác và tiềm năng của hệ thống lãnh thổ nghỉ ngơi, du lịch.
– Thời gian khai thác xác định tính mùa của du lịch, nhịp điệu của dòng khách.
– Tính bất biến về mặt lãnh thổ của đa số các loại tài nguyên tạo nên lực hút cơ sở hạ tầng va dòng du lịch tới nơi tập trung các loại tài nguyên đó.
– Vốn đầu tư tương đối thấp và giá thành chi phí sản xuất không cao cho phép xây dựng tương đối nhanh chóng cơ sở hạ tầng và mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội cũng như khả năng sử dụng độc lập từng loại tài nguyên.
– Tài nguyên du lịch có khả năng sử dụng nhiều lần nếu tuân theo các qui định về sử dụng tự nhiên một cách hợp lý, thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ chung.
Muốn đánh giá tài nguyên du lịch cần phải tổng hợp nhiều chi thức của các lĩnh vực khoa học: sinh lý học, tâm lý học, thuỷ lý học, địa lí tự nhiên và địa lí kinh tế, lịch sử văn hoá và nghệ thuật, kiến trúc và đô thị, kế hoạch hoá lãnh thổ và kinh tế du lịch. Khía cạnh lãnh thổ của các đánh giá tài nguyên du lịch là nhiệm vụ của địa lí du lịch.
2.1.2.2. Phân loại tài nguyên du lịch
Tài nguyên du lịch có thể chia làm 2 nhóm:
– Tài nguyên du lịch tự nhiên:
+ Địa hình.
+ Khí hậu.
+ Nguồn nước.
+ Sinh vật.
– Tài nguyên du lịch nhân văn:
+ Các di tích lịch sử văn hoá, kiến trúc.
+ Các lễ hội.
+ Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học.
+ Các đối tượng văn hoá thể thao và hoạt động nhận thức khác.
2.2. Tài nguyên du lịch tự nhiên (TNDLTN)
2.2.1. Quan niệm
TNDLTN là tổng thể tự nhiên các thành phần của nó có thể góp phần khôi phục và phát triển thể lực, trí tuệ con người, khả năng lao động và sức khoẻ của họ và được lôi cuốn vào phục vụ cho nhu cầu cũng như sản xuất dịch vụ du lịch.
Trong chuyến du lịch, người ta thường tìm đến những nơi có phong cảnh đẹp. Phong cảnh theo một nghĩa nào đó được hiểu là một khái niệm tổng hợp liên quan đến tài nguyên du lịch. Căn cứ vào mức độ biến đổi của phong cảnh do con người tạo nên, có thể chia nó làm 4 loại:
– Phong cảnh nguyên sinh (thực tế rất ít gặp trên thế giới)
– Phong cảnh tự nhiên, trong đó thiên nhiên bị thay đổi tương đối ít bởi con người.
– Phong cảnh nhân tạo (văn hoá), trước hết nó là những yếu tố do con người tạo ra.
– Phong cảnh suy biến (loại phong cảnh bị thoái hoá khi có những thay đổi không có lợi đối với môi trường tự nhiên).
Các thành phần của tự nhiên với tư cách là TNDL có tác động mạnh nhất đến hoạt động du lịch là: địa hình, nguồn nước và thực – động vật.
2.2.2. Các loại tài nguyên du lịch tự nhiên.
a. Địa hình.
– Địa hình là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên phong cảnh và sự đa dạng của phong cảnh nơi đó. Đối với du lịch, các dấu hiệu bên ngoài của địa hình càng đa dạng và đặc biệt thì càng có sức hấp dẫn du khách.
– Các đơn vị hình thái chính của địa hình là núi, đồi và đồng bằng, chúng được phân biệt bởi độ chênh cao của địa hình.
+ Địa hình đồng bằng tương đối đơn điệu về mặt ngoại hình, ít gây cảm hứng cho khách tham quan du lịch.
+ Địa hình vùng đồi thường tạo ra một không gian thoáng đãng, bao la… tác động mạnh đến tâm lý của khách ưa thích dã ngoại, rất thích hợp với loại hình du lịch cắm trại, tham quan…

Thích bài này:

Thích

Đang tải…