[Tài liệu NLXH] Nghị luận về câu tục ngữ : “Uống nước nhớ nguồn” – Lớp Văn Cô Thu
Đề bài : Nêu suy nghĩ của em về đạo lí Uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta
Bài làm tham khảo
I/ Mở bài: dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận
“Uống nước nhớ nguồn” là một câu tục ngữ tuy súc tích, ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, nhắc nhở mỗi chúng ta lối sống ân nghĩa, thủy chung với quá khứ.
II/ Thân bài : giải quyết vấn đề
1/ Giải thích
– “Uống nước” là sự thừa hưởng những thành quả vật chất và tinh thần. “Nhớ nguồn” thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân, ghi nhớ những người đã giúp đỡ chúng ta được hưởng những thành quả đó.
– Cả câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn” nhắc nhở mỗi người lối sống ân nghĩa, thủy chung; trân trọng và biết ơn với quá khứ, với những thế hệ đi trước.
2/ Biểu hiện
Hiện nay, trên bước đường hội nhập quốc tế, những ngày lễ truyền thống như ngày thương binh liệt sĩ 27/7, ngày 20/11, ngày giỗ tổ Hùng Vương hay ngày Tết âm lịch,…những ngày để thế hệ hiện tại, thế hệ con cháu hướng về quá khứ, hướng về gia đình, thầy cô chưa bao giờ bị lãng quên. Hay những gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn luôn được sự quan tâm từ cộng đồng, xã hội… Đó đều là những hành động thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện một tình cảm đẹp, một đạo lí đẹp của dân tộc.
3/ Phân tích, chứng minh
Tại sao chúng ta phải “Uống nước nhớ nguồn”?
– Nhỏ bé như hạt gạo, hay lớn lao như cuộc sống hòa bình, tự do chúng ta đang tận hưởng, tất cả đều bắt nguồn từ một quá trình lao động miệt mài và cả sự hi sinh máu xương,tính mạng của thệ hệ đi trước. Không có điều gì tự nhiên mà có, như cây có cội, như sông có nguồn, như con người có tổ tiên, và quá khứ. Bởi vậy chúng ta phải biết quý trọng, biết ơn những người đã giúp đỡ ta, cho ta những gì ta đang có.
– “Uống nước nhớ nguồn” giúp ta đoàn kết gắn bó và yêu thương nhau qua nhiều thế hệ.
( Dẫn chứng: Con cháu thể hiện lòng biết ơn, tình yêu thương với ông bà cha mẹ. Vào những ngày nghỉ lễ, hay dịp Tết, dù bận rộn đến đâu cũng trở về thăm gia đình, đó là việc làm đơn giản nhưng rất có ý nghĩa thể hiện tình yêu thương, lòng nhớ ơn đến các bậc sinh thành )
– Truyền thống đạo lý tốt đẹp sẽ được gìn giữ muôn đời, và tạo nên sức mạnh của dân tộc.
( Dẫn chứng: Trong chiến tranh, thế hệ này ngã xuống thế hệ sau tiếp nối đứng lên để bảo vệ độc lập, tự do đất nước. Và trong hòa bình, chúng ta biết trân trọng, giữ gìn cuộc sống độc lập tự do ấy, tiếp nối truyền thống ngàn đời của cha ông dành cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc )
4/ Phê phán
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn đâu đó một số cá nhân có lối sống ích kỉ, ăn cháo đá bát, vong ân bội nghĩa, lãng quên đi quá khứ, chỉ biết hưởng thụ mà quên mất nguồn cội.
Chúng ta đau lòng trước những tin tức như con bỏ rơi bố mẹ, đối xử không có nhân tính với bố mẹ, cô gái ngồi lên bia mộ chụp ảnh…đó đều là những hành động đáng bị lên án và phê phán.
5/ Liên hệ bản thân
– Thấm nhuần ý nghĩa của câu tục ngữ, ta thấy: “Uống nước nhớ nguồn” là phẩm chất cần có của con người. Mỗi chúng ta cần có trách nhiệm gìn giữ, vun đắp, phát huy truyền thống đạo lí tốt đẹp đó.
– Ở lứa tuổi học sinh, chúng ta chưa làm ra của cải vất chất, tinh thần cho xã hội, do đó hãy bày tỏ lòng biết ơn chân thành với cha mẹ, thầy cô bằng lời nói, việc làm cụ thể của mình: phấn đấu học tập, rèn luyện và tu dưỡng thành con ngoan, trò giỏi để trở thành những công dân có ích cho xã hội sau này .
III/ Kết bài : khẳng định lại ý nghĩa của vấn đề