Tài khoản thanh toán là gì? Đối tượng được mở tài khoản thanh toán là ai?

Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng. Mỗi chúng ta hầu như ai cũng có 1 tài khoản ngân hàng. Vậy tài khoản của chúng ta đang sử dụng có phải là tài khoản thanh toán hay không?

Khách hàng: Kính chào công ty luật Minh Khuê. Tôi có mở tài khoản tại ngân hàng để nhằm mục đích thanh toán cho những đơn hàng mà không thể dùng tiền mặt. Vậy luật sư cho tôi hỏi đó có phải là tài khoản thanh toán không? Pháp luật quy định như thế nào về loại tài khoản này ạ? Rất mong nhận được giải đáp.

Xin cảm ơn!

 

Luật sư tư vấn:

1. Tài khoản thanh toán là gì?

Khoản 12 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định một trong ba hoạt động ngân hàng là “cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản”.

“Cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản là việc cung ứng phương tiện thanh toán; thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng” (khoản 15 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010)

“Tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng” (khoản 22 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010).

Như vậy, “tài khoản thanh toán” gồm có 3 yếu tố là:

+ Là tài khoản;

+ Có chứa tiền gửi không kỳ hạn;

+ Mục đích để sử dụng vào mục đích toán.

 

2. Tổ chức được cung ứng dịch vụ mở tài khoản thanh toán

Khoản 1 Điều 2 Thông tư 23/2014/TT-NHNN quy định về tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán bao gồm:

“1. Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán bao gồm:

a) Ngân hàng Nhà nước;

b) Ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã (sau đây gọi tắt là ngân hàng);

c) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.”

Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác không được thực hiện việc “cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng” (khoản 4 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010), tức là không được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng.

Tổ chức tài chính vi mô không được mở tài khoản thanh toán cho khách hàng (Điều 2 Thông tư 23/2014/TT-NHNN). Tuy nhiên, khách hàng vẫn có thể gửi tiền nhằm mục đích thanh toán tại tổ chức tài chính vi mô (khoản 9 Điều 3 Thông tư 03/2018/TT-NHNN).

 

3. Quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán

Thứ nhất, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải xây dựng quy trình nội bộ về mở, sử dụng tài khoản thanh toán và duy trì số dư tối thiểu trên tài khoản thanh toán. Hướng dẫn, thông báo công khai để khách hàng biết và giải đáp, xử lý kịp thời các thắc mắc, khiếu nại trong quá trình mở và sử dụng tài khoản thanh toán; (điểm I khoản 2 Điều 6 Thông tư 23/2014/TT-NHNN)

Thứ hai, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được quyền mở tài khoản thanh toán nếu như là người lao động có hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 hay có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ. Người chưa đủ 15 tuổi và ngưòi hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự được mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ;

Thứ ba, đối với việc mở tài khoản thanh toán, khách hàng lập hồ sơ theo quy định, nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu chính hoặc phương tiện điện tử đến ngân hàng. Ngân hàng phải kiểm tra, đôi chiếu, bảo đảm các giấy tờ trong hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ theo quy định. Khi ký hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán, ngân hàng phải gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản hoặc người giám hộ, người đại diện theo pháp luật của chủ tài khoản (đối với trường hợp mở tài khoản thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật). Trường hợp cá nhân ở nước ngoài, ngân hàng không thể gặp mặt trực tiếp hoặc khách hàng là pháp nhân không phải gặp mặt trực tiếp người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản thì phải xác minh thông tin nhận biết khách hàng, bảo đảm xác minh được chính xác về chủ tài khoản sự chính xác về dấu (nếu có) và chữ ký của ngưòi người đại diện hợp pháp của chủ tài khoản trên hợp đồng mở, sử dụng tài khoản thanh toán;

Tuy nhiên, trong nhiều vụ án và vụ việc mất tiền gửi liên quan đến tài khoản ngân hàng trong những năm 2011 – 2019, đã xảy ra việc tranh cãi về trách nhiệm quản lý tiền trong tài khoản ngân hàng. Một số ý kiến (trong đó có đại diện VietinBank tại phiên tòa ngày 10/01/2014 xét xử sơ thẩm Huỳnh Thị Huyền Như) cho rằng, ngân hàng chỉ chịu trách nhiệm đốì với số dư “tài khoản tiền gửi”, chứ không chịu trách nhiệm đốì với số dư “tài khoản thanh toán” của khách hàng.

Đó là quan điểm sai trái, vì “tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn”. Pháp luật cũng đã từng quy định rõ “tài khoản tiền gửi là tài khoản thanh toán”.

Từ năm 1994 đến năm 2020, phạm vi điều chỉnh của pháp luật về tài khoản vẫn là “mở và sử dụng tài khoản tiền gửi” (trong đó có tài khoản thanh toán).

 

4. Đối tượng được mở tài khoản thanh toán

Về đối tượng được mở tài khoản thì trước năm 2017, Ngân hàng Nhà nước quy định các cá nhân và tổ chức được mở tài khoản nói chung, tài khoản thanh toán nói riêng tại các tổ chức tín dụng. Tuy quy định không chỉ rõ, nhưng trên thực tế một số tổ chức không có tư cách pháp nhân như doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác vẫn được mở và sử dụng tài khoản.

Từ năm 2017 đến 28/02/2019, pháp luật quy định: hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, văn phòng luật sư, doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân không còn được mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Đối với các trường hợp đã mở tài khoản thì kể từ ngày 01/3/2018 phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản của cá nhân hoặc pháp nhân hoặc phải đóng tài khoản (khoản 2 Điều 4 Thông tư 32/2016/TT-NHNN).

Quy định trên trái với nhiều văn bản quy phạm pháp luật hiện công nhận tư cách pháp lý của các tổ chức không có tư cách pháp nhân như Luật Thương mại năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012, 2015), Luật Doanh nghiệp năm 2020, ….

Đầu tháng 02/2018, tại Văn bản số 05/2018, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) trả lời báo chí cho rằng quy định này, việc ngân hàng không mở tài khoản cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân là gây khó khăn lớn, tiềm ẩn rủi ro pháp lý cho các tổ chức không có tư cách pháp nhân trong hoạt động, nhất là thực hiện pháp luật về thuế, giao kết hợp đồng; gây xáo trộn không đáng có trong xã hội, tôn kém về thời gian, chi phí; không phù hợp với chính sách phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta.

Sau đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên quan điểm, ngoại trừ việc lùi thời hạn từ ngày 01/3/2018 đến ngày 12/02/2020 yêu cầu các tổ chức không có tư cách pháp nhân phải chuyển đổi sang hình thức tài khoản của cá nhân hoặc phải đóng tài khoản..

Tư cách giao dịch kể trên không chỉ áp dụng đôi với giao dịch tài khoản, mà cả việc vay vốn và các dịch vụ khác của các tổ chức tín dụng.

Đáng tiếc là đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nưốc lại sửa đổi đối tượng mở tài khoản thanh toán trở lại như cũ, tức là tổ chức không có tư cách pháp nhân vẫn là chủ thể mở và sử dụng tài khoản (khoản 1 Điều 6 Thông tư 02/2019/TT-NHNN).

 

5. Doanh nghiệp tư nhân có được mở tài khoản thanh toán không?

Khách hàng: Thưa luật sư, tôi là chủ của một doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân của tôi có thể tự mình mở tài khoản ngân hàng hay không? Nếu mở tài khoản ngân hàng thì tôi cần lưu ý điều gì? Mong nhận được sự phản hồi sớm. Cảm ơn Luật sư!

Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN thì đối tượng mở tài khoản thanh toán được quy định như sau:

“Tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.”

Do đó, doanh nghiệp tư nhân vẫn được phép ở tài khoản ngân hàng. Theo quy định này, chủ tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp tư nhân sẽ là tổ chức thay vì là người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của doanh nghiệp như trước đây. Vì vậy, chủ tài khoản sẽ được ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản ngân hàng của mình.

Vậy nên, một doanh nghiệp tư nhân có thể tự mình mở tài khoản ngân hàng và chủ tài khoản lúc này là doanh nghiệp tư nhân có thể ủy quyền cho người khác sử dụng tài khoản ngân hàng của mình.

 

6. Mở tài khoản thanh toán cho con 9 tuổi có được không?

Khách hàng: Thưa luật sư, năm nay con tôi 9 tuổi, tôi muốn mở tài khoản thanh toán cho bé được không?Cảm ơn!

Trả lời:

Theo Khoản 6 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN quy định về đối tượng mở tài khoản thanh toán bao gồm:

– Cá nhân mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm:

+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

+ Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;

+ Người chưa đủ 15 tuổi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật;

+ Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật Việt Nam mở tài khoản thanh toán thông qua người giám hộ.

– Tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam bao gồm: tổ chức là pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Mà theo Khoản 1 Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 thì cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật đối với con chưa thành niên.

Như vậy thì trường hợp con bạn 9 tuổi được mở tài khoản thanh toán thông qua người đại diện theo pháp luật (là cha, mẹ).

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực pháp luật về tài chính, ngân hàng hay chứng khoán, Hãy gọi ngay: 1900.6162 để được Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng, tài chính trực tuyến. Trân trọng!