Suy nghĩ về câu chuyện “Cái kén bướm”
Suy nghĩ về câu chuyện “Cái kén bướm”
Bài văn mẫu lớp 8
Văn mẫu lớp 8: Suy nghĩ về câu chuyện “Cái kén bướm” dưới đây gồm nhiều bài văn mẫu, dàn bài hay được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Trình bày suy nghĩ về câu chuyện “Cái kén bướm”
Một cậu bé tìm thấy cái kén bướm. Một hôm cậu thấy cái kén hé lỗ nhỏ. Cậu ngồi hàng giờ nhìn chú bướm nhỏ cố thoát mình ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu. Rồi cậu bé thấy mọi việc không tiến triển gì thêm. Hình như chú bướm không thể cố hơn được nữa?! Vì thế, cậu quyết định giúp chú bướm nhỏ. Cậu lấy kéo rạch cho cái lỗ to thêm.Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén. Nhưng thân mình nó sưng phồng lên, đôi cánh thì nhăn nhúm. Còn cậu bé cứ ngồi quan sát cái kén với hy vọng một lúc nào đó thân mình chú bướm sẽ xẹp lại và đôi cánh xòe rộng hơn đủ để nâng đỡ thân hình…Nhưng chẳng có gì thay đổi! Sự thật là chú bướm đã phải bò loanh quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng. Nó chẳng bao giờ có thể bay được. Có một điều mà cậu bé không thể hiểu: cái kén chật chội khiến chú bướm phải nỗ lực mới chui qua được cái lỗ nhỏ xíu kia là quy luật tự nhiên tác động lên đôi cánh và cơ thể của bướm, giúp chú có thể bay ngay khi thoát ra ngoài.Đôi khi đấu tranh là rất cần thiết trong cuộc sống. Nếu ta quen sống một cuộc đời phẳng lặng, dễ dàng, ta sẽ mất đi sức mạnh tiềm tàng mà bẩm sinh mỗi người đều có. Và chẳng bao giờ ta có thể bay được. Vì thế, nếu bạn thấy mình đang phải vượt qua nhiều áp lực và căng thẳng thì hãy tin rằng sau đó bạn sẽ trưởng thành hơn.
Khó khăn thử thách là điều cần có trong cuộc sống, nó giúp ta trưởng thành hơn để có thể tiến đến thành công. Không nên dựa dẫm vào người khác quá nhiều mà phải biết tự vượt qua khó khăn của mình. Phải biết giúp đỡ người khác nhưng cần giúp đỡ đúng lúc, đúng chỗ nếu không sẽ gây ra hậu quả. Đó là lời khuyên từ câu chuyện “Cái kén bướm”? Vậy chúng ta có suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa câu chuyện ấy?
Chuyện kể về một cậu bé tìm thấy cái kén bướm khó khăn chui qua cái lỗ nhỏ. Cậu quyết định giúp chú bướm nhỏ. Cậu lấy kéo rạch cho cái lỗ to thêm. Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén. Nhưng thân mình nó sưng phồng lên, đôi cánh thì nhăn nhúm. Và từ đấy chú bướm đã phải bò loanh quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng. Nó chẳng bao giờ có thể bay được. Thông qua sự việc cậu bé và cái kén bướm, ta rút ra được một quy luật tự nhiên cũng như quy luật xã hội: Khó khăn thử thách là cơ hội, giá đỡ để con người tồn tại trưởng thành và để đạt được thành công. Sự giúp đỡ là đáng quý, nhưng giúp đỡ không đúng nơi đúng lúc sẽ làm phản tác dụng và gây hại cho người được giúp.
Quả đúng như vậy, khó khăn thử thách là cơ hội để ta có kinh nghiệm, có kỹ năng để có thể vượt qua được những chông gai sau này. Trước khó khăn thử thách, phải bình tĩnh và cố gắng vượt qua, không nên vội bỏ cuộc, chỉ có như thế mới mong đạt được những điều mình mong muốn. Cho dù trước mắt có nhiều khó khăn, có trắc trở và gần như không thể vượt qua, ta cũng phải chấp nhận và vượt qua. Nếu không vượt qua được những khó khăn trước mắt, ta sẽ không thể trưởng thành và sẽ không bao giờ thành công mà sẽ như chú bướm nhỏ. Trong cuộc sống, sự giúp đỡ luôn đáng quý và cần thiết. Nhưng giúp đỡ không đúng lúc sẽ làm cho người được nhận sự giúp đỡ mất đi cơ hội để rèn luyện, trưởng thành, thiếu đi kỹ năng sống, không tự mình làm chủ được cuộc sống, khó đạt được thành công sau này. Hậu quả, khiến người được giúp sống dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, yếu đuối, không có nghị lực để vươn lên. Trong cuộc sống có rất nhiều người tự nỗ lực vượt qua khó khăn để cuối cùng dẫn đến thành công như: Bác Hồ (bằng ý chí của mình đã đi đến cái đích mà Người mong muốn – độc lập tự do cho dân tộc). Những học sinh nghèo vượt khó, vừa phụ giúp gia đình vừa đi học mà cuối cùng đậu vào các đại học danh tiếng với số điểm rất cao.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay còn nhiều bạn trẻ sống thiếu niềm tin, không có ý thức nghị lực tự vươn lên trong cuộc sống trong học tập. Họ hay thường có thái độ ỷ lại. Đó là những cách sống đáng bị chê trách. Bên cạnh đó cũng có những người có lòng tốt, muốn giúp đỡ người khác nhưng hời hợt, lại đặt tình thương và sự quan tâm ấy không đúng lúc, đúng chỗ nên gây ra những hậu quả đáng tiếc cũng cần phải rút kinh nghiệm cho bản thân mình.
Nói tóm lại, sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn sẽ giúp ta nhiều điều, sẽ cho ta thêm sức mạnh, kinh nghiệm và cơ hội đạt đến thành công. Chúng ta không được bỏ cuộc, phải luôn vươn lên vì ước mơ của mình. Nếu có được sự trợ giúp thì ta phải trân trọng và càng thêm nỗ lực chứ không được ỷ lại hay dựa dẫm. Cần cân nhắc thật kỹ trước khi giúp người khác để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc và day dứt về sau – như cậu bé sẽ mãi ân hận vì đã làm cho bướm nhỏ không bay được.
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Suy nghĩ về câu chuyện “Cái kén bướm” cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 8, đề thi học kì 2 lớp 8 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.