Sức khỏe môi trường tại Việt Nam – Còn nhiều thách thức
Hiện Việt Nam vẫn chưa có Kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe môi trường (NEHAP) và là nước cuối cùng trong ASEAN chưa có NEHAP. Trong khi đó, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe môi trường của một quốc gia đang trên con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Đó là ý kiến chia sẻ của đại biểu tại “Hội thảo tư vấn Quản lý sức khỏe môi trường: thách thức và lộ trình phát triển” do Hội Y tế công cộng Việt Nam và Tổng cục Môi trường kết hợp tổ chức mới đây.
Việt Nam đang phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe môi trường mới do phát triển đô thị, ô nhiễm môi trường. Ảnh: Huy Anh
PGS-TS Nguyễn Huy Nga, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết, theo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2014, sức khỏe môi trường là trạng thái của những yếu tố vật chất tạo thành môi trường, có tác động đến sức khỏe và bệnh tật của con người. Hiện nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ sức khỏe môi trường mới của một quốc gia đang phát triển do các vấn đề an toàn thực phẩm gây nên; ô nhiễm không khí ngoài trời cũng như trong nhà; quản lý chất thải rắn và chất thải lỏng (29 triệu tấn/năm); các bệnh lây lan qua môi trường; ô nhiễm nguồn nước, đất do phát triển công nghiệp và nông nghiệp không được kiểm soát; các chất độc, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải y tế đang gây ảnh hưởng lên sức khỏe cộng đồng, từ đó gây ra các điểm nóng ô nhiễm, các làng ung thư; ô nhiễm không khí do công nghiệp và giao thông phát triển quá nhanh. Thực tế cho thấy các bệnh hô hấp, dị ứng tăng nhanh ở đô thị; ô nhiễm tại các làng nghề đến mức báo động; nạn phá rừng và hủy hoại môi trường tự nhiên; biến đổi khí hậu và trái đất nóng dần lên; thảm họa tự nhiên như mưa, bão, lụt, hạn hán…
PGS-TS Nguyễn Huy Nga cũng chỉ ra một trong yếu tố dẫn đến nguy cơ sức khỏe môi trường đó là nguồn nước sạch. Hiện tại ở Việt Nam mới có 85% hộ gia đình nông thôn có nguồn nước sạch, trong đó, mới hơn 40% đạt tiêu chuẩn nước nông thôn theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Vệ sinh môi trường nước ở Việt Nam cũng kém. Hiện chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế và còn gần 4 triệu người vẫn phóng uế ra môi trường…
Đại diện cơ quan chức năng cũng nhìn nhận, mặc dù Việt Nam đã có những hoạt động về chuyên ngành sức khỏe môi trường ở các bộ – ngành và các cơ sở nhưng chưa có một hệ thống phù hợp với sự chỉ đạo thống nhất. Theo các chuyên gia về môi trường, do chưa có Kế hoạch hành động quốc gia về sức khỏe môi trường nên vấn đề này tại Việt Nam còn nhiều thách thức. Việt Nam đang phải đương đầu với các vấn đề sức khỏe môi trường mà không tuân theo một kế hoạch toàn diện và mang tính chất hệ thống nào. Chính vì thế, các chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe môi trường cùng đưa ra quan điểm cho rằng, Việt Nam cần có một lộ trình hành động quốc gia về sức khỏe môi trường. Trong đó, đưa ra các mục tiêu cụ thể như: nghiên cứu, dự báo, cảnh báo, dự phòng các nguy cơ sức khỏe môi trường và đề xuất các biện pháp giảm thiểu các ảnh hưởng có hại lên sức khỏe con người. Cần củng cố hành lang pháp lý và thực thi pháp luật; có cơ quan đầu mối và cơ chế phối hợp liên ngành, hệ thống quản lý thống nhất. Đồng thời, Việt Nam cần nâng cao nhận thức về sức khỏe môi trường, thiết lập hệ thống đào tạo chuyên về sức khỏe môi trường để có đủ năng lực thực hiện trong tương lai.
Sức khỏe môi trường hướng đến giải quyết các vấn đề về ô nhiễm nước, không khí và đất, chất thải y tế, an toàn hóa chất, đánh giá tác động sức khỏe của các dự án phát triển trên cõ sở các tác nhân liên quan, các chất gây ô nhiễm và các yếu tố khác ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Các hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe môi trường nhằm hướng đến việc phòng ngừa bệnh tật và tạo ra môi trường lành mạnh về mặt sức khỏe. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí đô thị làm khoảng 800.000 người chết và 4,6 triệu người giảm tuổi thọ trên thế giới mỗi năm. 2/3 số người chết và giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí thuộc các nước đang phát triển. Những người sống ở các quốc gia có thu nhập trung bình cũng trải nghiệm gánh nặng này. Ô nhiễm không khí trong nhà được ước tính gây ra khoảng 2 triệu trẻ em chết sớm, hầu hết ở các nước đang phát triển. Gần như một nửa số tử vong này đều là do bị viêm phổi ở trẻ em dưới 5 tuổi.
HÀ PHƯƠNG