Sự thật về cuốn Huyền Ký của ông Nguyễn Nhân, chùa Tân Diệu (Bài 1)
Sự thật về cuốn Huyền Ký của ông Nguyễn Nhân, chùa Tân Diệu
(Bài 1)
Chúng tôi là những người Tăng, Ni Phật tử trên toàn quốc và toàn thế giới, yêu cầu ông phải xin lỗi Phật giáo vì đã xúc phạm và xuyên tạc hình ảnh Đức Phật cũng như giáo pháp của Ngài.
I – Phải chăng Huyền Ký này có từ thời Đức Phật ?
Cơ sở để tuyên truyền Thiền Thanh Tịnh của Nguyễn Nhân chính là tập Huyền Ký gồm 10 quyển, 12 chương do Nxb. Tôn giáo & Nxb. Hồng Đức xuất bản, được đài VTV và giới báo chí quảng bá thông qua lễ đón nhận giấy phép, giải đáp thiền tông tại chùa Thiền Tông Tân Diệu năm 2017, tại tỉnh Long An, làm cho không ít quần chúng tin Phật bị dẫn dụ do thiếu kiến thức Phật học căn bản.
Vì sao chúng tôi dám chắc tập Huyền Ký của Nguyễn Nhân là ngụy tạo? Đó là đối chiếu sự ra đời của tập huyền ký với lịch sử Phật giáo Ấn độ hoàn toàn không có cơ sở khoa học.
Phật giáo tại Ấn Độ chia ra làm ba thời kỳ: Phật giáo Nguyên Thuỷ, Phật giáo Bộ phái & Phật giáo Phát triển. Trong đó, thời kỳ Phật giáo Nguyên Thuỷ là giai đoạn Đức Phật còn trụ thế cùng với giáo hội Tăng già, đa phần gồm các vị Thánh Tăng, kéo dài đến sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn (544 năm trước TL) cỡ 100 năm.
Thời này đã diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất, ngay sau khi đức Phật nhập Niết bàn, dưới sự ủng hộ của Vua A xà Thế, gồm 500 vị A La Hán, tập hợp ở hang núi Thất Diệp trong thành Vương Xá, dưới sự chủ toạ của Tôn Giả Ca Diếp. Tôn giả A Nan tuyên đọc tạng kinh, ngài Ưu Ba Ly đọc tạng Luật. Lần kết tập này gọi là Ngũ Bách Kiết Tập. Trong giai đoạn này chưa có chữ viết, chỉ trùng tụng bằng ký ức. Nội dung Pháp tạng do A Nan trùng tuyên sau này được ghi lại thành bốn bộ A Hàm. Mãi đến cuộc kết tập kinh điển lần thứ tư, khoảng 400 năm sau Phật nhập diệt, kinh Phật mới chính thức ghi chép bằng chữ viết khắc trên lá đồng do Vua Ca Nị Sắc Ca ủng hộ.
Vậy mà, Nguyễn Nhân lại lộng ngôn rằng tập Huyền Ký của ông ta là do ngài A Nan cùng 14 huynh đệ viết, trình qua đức Phật, nhờ ngài chỉnh sửa !? Nếu đúng vậy, tại sao kinh A Hàm không nhắc tới? A Nan cùng 14 huynh đệ đó là ai, trong 1250 vị đệ tử của Đức Phật !? Ngài A Nan sáng tác hay “tặc trụ” Nguyễn Nhân nguỵ tạo, vì đây là thời kỳ Phật Giáo khẩu truyền? Tất cả kinh điển nhờ trí tuệ của A Nan mà trùng tuyên không hề sai sót.
Trong tập Huyền Ký, Nguyễn Nhân dám viết:
“ông A Nan Đà trình tập Huyền Ký cho Đức Thế tôn xem lần sau cùng để truyền theo dòng thiền tông.”
Ông A Nan Đà trình với Đức Phật:
– Kính bạch Đức Thế Tôn con và mười bốn huynh đệ đã viết xong tập Huyền Ký này, kính trình xin Đức Thế Tôn kiểm duyệt lại.
Đức Thế Tôn bảo tôi:
– Ông hãy đọc hết tập Huyền Ký này cho Như Lai nghe, nếu có chỗ nào sai Như Lai sửa cho.
Thế là tôi đọc toàn tập Huyền Ký này, Đức Thế Tôn có chỉnh sửa 1/4 Tập Huyền Ký. Khi chỉnh sửa xong Đức Thế Tôn bảo tôi hãy viết lại thật kỹ, để Đức Thế Tôn trao cho ông Ma Ha Ca Diếp truyền theo dòng Thiền Thanh Tịnh.
Chỉ chừng đó thôi chân tướng “tặc trụ” Nguyễn Nhân đã lộ diện. Nhưng chưa hết, ông đã gán ghép cả bầu tâm sự của mình cho ngài A Nan:
“Khi viết lại xong, tôi đem trình Đức Thế Tôn và có hỏi như sau:
– Kính bạch Đức Thế Tôn: Một tuần trước Đức Thế Tôn hành lễ truyền “Bí Mật Thanh Tịnh Thiền” cho sư huynh Ma Ha Ca Diếp, đảm nhận chức vụ Tổ Thiền Thanh Tịnh đời thứ nhất. Đức Thế Tôn có dạy sư huynh Ma Ha Ca Diếp. Sau này giao cho con đảm nhận Tổ vị Thiền Thanh Tịnh đời thứ hai và phải đổi danh là Thiền Tông. Nhưng hiện giờ trong đầu con không có câu văn hay câu kệ nào thì làm sao con giám nhận “Tổ” vị được, kính xin Đức Thế Tôn dạy con?”
Trên đây là những ngôn ngữ phàm phu của kể háo danh muốn làm tổ vị. Mục đích ngụy tác của Nguyễn Nhân chỉ cốt để lừa phỉnh mọi người là tập Huyền Ký tạp nham với pháp Thiền Tông Tân Diệu (Thiền Thanh Tịnh) của ông ta, là pháp môn bí mật nay mới được công bố, có từ thời Đức Phật truyền xuống ngài Ca Diếp, đến A Nan, rồi theo trình tự chư tổ Thiền tông đến hạng tổ sư dỏm như gã, qua cái gọi là “Thiền Thanh Tịnh đổi danh thành Thiền Tông, như lời Phật dạy”. Càng ngây ngô hơn, khi nói bậc đa văn đệ nhất như ngài A Nan mà không trình nổi bài kệ? Nói đúng ra, đây là tình trạng vô minh của ông ta. Chính sự suy tư về tâm ấn của chư Phật, qua công án thiền sau, đủ thấy ngài chẳng có lòng mong cầu tổ vị.
Một hôm, A Nan hỏi Ca Diếp: Ngoài Y Kim Lan, Đức Thế Tôn còn truyền cho huynh cái gì không?
Ca Diếp gọi: A Nan!
A Nan: Dạ!
Ca Diếp: Cây phướn trước chùa ngã.
Mà chắc gì, Nguyễn Nhân đã vượt qua công án này, trong khi trình độ Phật học căn bản chưa xong. Trong giai đoạn Phật giáo Nguyên thuỷ này, Đức Phật hoàn toàn chỉ cho chúng sanh về khổ và đạo diệt khổ, thông qua các giáo pháp Tứ đế, Ngũ uẩn, Thập nhị Nhân duyên, Thập bát giới, Duyên sanh, Khổ, Vô thường, Vô ngã. Hoàn toàn không đề cập đến triết học siêu hình vũ trụ như kinh Hoa Nghiêm. Phật dạy: “Những gì ngài nói như nắm lá trong lòng bàn tay, còn những gì ngài biết như lá trong rừng”. Tất nhiên, chỉ trình bày những gì đưa đến sự giác ngộ giải thoát cho con người. Trái lại, Nguyễn Nhân viết rất mơ hồ:
“Đức Thế Tôn dạy tôi:
– Này A Nan Đà. Ông đừng lo việc này, quá khứ đời này của mỗi người thì ai cũng biết, còn quá khứ đời trước cũng như tương lai của mỗi người, người toàn giác mới biết thôi. Như Lai bảo ông Ma Ha Ca Diếp truyền lại cho ông, là vì Như Lai chẳng những biết tương lai đời ông, mà còn biết tương lai dòng Thiền Tông này có bao nhiêu Tổ và còn biết mỗi vị Tổ tên gì và ngộ Thiền ra sao nữa.
Vì vậy, Tập Huyền Ký này chỉ có 12 Chương, nhưng Như Lai dạy đầy đủ từ… “CON NGƯỜI ĐẾN TAM GIỚI, PHẬT GIỚI, CÀN KHÔN VŨ TRỤ, LUÂN HỒI VÀ GIẢI THOÁT”.“Thế giới nhân quả vật lý Âm Dương nó là như vậy”.
Cuốn “Huyền Ký” được cho là của Đức Phật nhưng nội dung do ông Nguyễn Nhân sáng tác.
Hầu như Nguyễn Nhân chỉ lo củng cố tổ vị hoang tưởng mà thôi. Càng lộn lạo hơn nữa khi lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia, rồi vu khống cho Đức Phật thuyết, qua cụm từ “ Càn khôn vũ trụ” mà ông đã sử dụng. Chẳng biết đài VTV, hay các Nxb có chịu hiểu trong đạo Phật không hề có thuyết âm dương ngũ hành của Lão giáo chăng mà vội lăng xê xuất bản? Một hạt sạn tri thức quá lớn, mà được truyền thông cổ vũ mạnh mẽ?
Chẳng có bí mật nào lớn hơn sự ngu dốt trá hình, không những xuyên tạc giáo pháp đạo Phật mà Nguyễn Nhân còn bóp méo lịch sử Đức Phật.
Ông ta viết:
“Như Lai căn dặn ông lần thứ hai:
– Khi Như Lai nhập Niết Bàn: Kim Thân của Như Lai một ngày sau mới nhập kim quan. Một này sau nữa ông Ma Ha Ca Diếp mới về đến. Ông mở nắp kim quan ra để Như Lai truyền “Bí Mật Thiền Thanh Tịnh” cho ông Ma Ha Ca Diếp lần thứ hai, ngày thứ ba mới hoả táng.“Tôi nghe Đức Thế Tôn dạy đến đây, không cầm được nước mắt khóc oà lên.”
“Thôi ông hãy lui ra và thông báo cho mọi người biết, hai ngày nữa, Như Lai sẽ có lời dạy sau cùng nơi rừng Sa La với người bạn cùng tu với Như Lai từ vô lượng kiếp trước, ngày đó, ai muốn thưa hỏi điều gì đem ra thưa hỏi.”
Có lẽ, bí mật Thiền Thanh Tịnh mà Nguyễn Nhân sợ lộ nhất là sự dốt nát của mình. Khi Như Lai nhập Niết Bàn, Ngài Ca Diếp trở về kịp trước lúc trà tỳ, được Đức Phật thị hiện cho thấy bàn chân của ngài đưa ra khỏi kim quan, để cho ngài Ca Diếp được thấy lần cuối. Đó là tình thương của bậc thầy vĩ đại dành cho người trò tâm phúc, cớ sao lại gán ghép thêm? Xin hỏi ông Nguyễn Nhân và những kẻ cả tin vào Thiền Tông Tân Diệu, tài liệu sử Phật giáo nào nói đến việc Như Lai một ngày sau sẽ nhập Niết Bàn khi tôn giả Ca Diếp trở về? Những lời của ông đích thị ma thuyết.
Hơn nữa, muốn biết đích thị có phải là kinh Phật không chỉ cần dựa vào Tam pháp ấn: Khổ, vô thường, vô ngã hoặc Tứ pháp ấn: Khổ, không, vô thường, vô ngã; hay Nhất pháp ấn là đạo nhất thừa. Tuy nhiên, trong giai đoạn Phật giáo nguyên thủy chỉ cần dựa theo Tam pháp ấn. Đó là “chấp ngã thì khổ, vì các pháp vốn vô thường, nên chúng vô ngã, do nhân duyên sanh”. Trong khi, những gì Nguyễn Nhân viết đều chẳng đưa đến sự thật ấy. Đức Phật trong ông chỉ là bức bình phong dựng nên để thu tóm danh lợi từ những quần chúng thất học mê muội. Chính Nguyễn Nhân đã mở ra con đường tắc nhất cho chúng sanh rơi vào địa ngục, vì nguỵ tạo kinh điển, lợi dụng Phật giáo, lập nên tà phái riêng, ngạo mạn khinh rẻ Tăng sĩ, ngăn cản người khác phát Bồ Đề Tâm. Những ai theo đó nhất định phải vào địa ngục vì tuyên truyền tà kiến phỉ báng Tam bảo.
Sở dĩ phỉ báng Phật vì trí tuệ của Đức Phật là Nhất Thiết Chủng Trí đâu cạn cợt, như ông tưởng. Để cho ông lộng ngôn mình là Phật, thuyết những gì trái với đạo Phật. Nguyễn Nhân viết:
“Hôm nay, Như Lai đã tạo ra được vô lượng Công Đức, truyền pháp môn Thiền Tông này cho hậu thế, để ai muốn Giải Thoát biết đường mà thực hành”.
Ngay cả Tổ sư Thiền tông Ấn Độ, đời thứ 28 Bồ Đề Đạt Ma, còn trả lời vua Lương Võ Đế “Toàn Không Công Đức”, huống chi trí tuệ Như Lai. Ông đã cố tình hạ thấp Đức Phật quá Nguyễn Nhân à.
Chúng tôi là những người Tăng Ni Phật tử trên toàn quốc và toàn thế giới, yêu cầu ông phải xin lỗi Phật giáo vì đã xúc phạm và xuyên tạc hình ảnh Đức Phật cũng như giáo pháp của ngài. Bằng cố tình cho mình đúng xin hãy trả lời thỏa mãn những khúc mắc trong những đoạn trích trên. Đó là:
1. Nếu tập Huyền Ký này ra đời thời Đức Phật, tại sao không được đề cập đến trong 4 bộ A Hàm?
2. Căn cứ vào đâu nói thời Phật Giáo Nguyên Thuỷ đã có khi chép kinh điển bằng văn tự, trong khi đây là giai đoạn khẩu truyền?
3. Ngài A Nan dùng vật liệu gì để viết? Vì 400 năm sau Phật nhập diệt, vua Ca Nị Sắt Ca mới cho khắc kinh lên lá đồng. Chính thức chấm dứt giai đoạn khẩu truyền. Nếu ngài A Nan viết thì sử dụng mẫu kí tự gì?
4. Đức Phật chỉnh lại 1/4, thì hiện tại bản thảo đâu? Bản Huyền Ký đã chỉnh sửa này được truyền theo ngôn ngữ nào của Phật Giáo Nam Phương & Bắc Phương? Nếu truyền theo dòng Thiền Tông ( Phật giáo Đại thừa), thì Phạn bản và bản Hán dịch đâu? Tại sao Nguyễn Nhân có tài liệu này? Căn cứ vào đâu để viết?
5. Các từ Càn khôn, vật lý Âm Dương được Phật sử dụng khi nào? Trong kinh nào của Phật Giáo Nguyên Thuỷ và Phật Giáo Phát Triển? Được phiên dịch ra từ từ nguyên nào trong Pali- Sankrit? Chứng minh thuyết Âm Dương -Ngũ Hành là của Phật nói, không phải bị Nguyễn Nhân gán ghép?
5. Giai thoại Niêm Hoa Vi Tiếu của Thiền Tông, xuất phát từ Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh, hoàn toàn không đề cập đến khái niệm Thiền Thanh Tịnh của Nguyễn Nhân. Căn cứ vào đâu dám nói Thiền Tông do Thanh Tịnh Thiền đổi tên?
6. Sử liệu nào ghi đức Phật dạy A Nan, sẽ đợi Ca Diếp về truyền bí mật thiền tông rồi một ngày sau mới thị tịch? Trong khi lịch sử đều thống nhất là Trà Tỳ liền sau đó?
7. Chứng cứ kinh điển, lịch sử, khảo cổ học nào nói hang núi Kỳ Xà Quật là nơi truyền bá tập Huyền Ký này?
8. Nếu tập Huyền Ký này gắn bó với Đức Phật lịch sử, thì đã có công trình khoa học nào trên thế giới nghiên cứu chứng minh được thời điểm xuất hiện Huyền Ký này? Thể loại văn học? Ngôn ngữ? Mẫu tự? Và sự truyền thừa?
Vì Nguyễn Nhân viết: “Hang núi Kỳ Xà Quật
Nơi Đức Phật dạy tập Huyền ký, cũng là nơi ông A Nan Đà trình tập Huyền ký cho Đức Phật duyệt lần sau cùng.”
Chúng tôi chắc chắn rằng sẽ phi chứng cứ. Vì đó là những điểm hoàn toàn vô lý. Chỉ trong một đoạn văn ngắn mà quá nhiều hạt sạn tri thức, thì nói chi đến việc xuất bản tới 10 quyển sách? Vì vậy, rất mong những ai đang tiếp tay cho nguỵ tác Huyền Ký Thiền Tông Tân Diệu của tặc trụ Nguyễn Nhân phải lên tiếng đính chính, xin lỗi Phật giáo vì vô tình tiếp tay cho tà đạo núp bóng Phật giáo phá hoại chánh pháp làm chia rẽ cộng đồng.
Rất mong chư tôn thiền đức trong GHPGVN nhanh chóng vào cuộc, để tránh hiện tượng đạo sư Duy Tuệ, hay tà giáo Nguyễn Nhân. Đó là niềm bức xúc chung của Phật Giáo đồ. Càng mong quý Phật tử tinh tấn tu học, nâng cao cảnh giác trước thực trạng tà giáo giả danh Phật giáo, tốt nhất nên tập trung thiêu hủy những tài liệu rác của Thiền Tông Tân Diệu. Nhất là lên tiếng nói chung để phản đối soạn giả bợp này đòi trả sự trong sáng cho Đạo Phật. Những ai lỡ tin theo “tặc trụ” Nguyễn Nhân, nên sám hối quay đầu còn kịp. Bằng không địa ngục không lối tự chui vào.
Chúng ta không thể tiếp tục im lặng để cho ngôi nhà chánh pháp bị kẻ gian làm suy sụp. Nguỵ tác Huyền Ký Thiền Tông Tân Diệu cần phải dẹp trừ.
Còn tiếp… Bài 2: Sự thật về cuốn Huyền Ký của ông Nguyễn Nhân, chùa Tân Diệu (Bài 2)
Đức Thảo/nguoiphattu.com