Sự thật không ngờ đằng sau ca khúc “Happy New Year” triệu người nghe

Lan Anh

  –  

Thứ ba, 04/01/2022 10:37 (GMT+7)

“Happy New Year” là ca khúc thường được vang lên vào dịp đầu năm mới. Trên thực tế, bài hát này chỉ phổ biến ở Việt Nam và một vài quốc gia.

Sự thật không ngờ đằng sau ca khúc “Happy New Year” triệu người nghe

Rất phổ biến vào mỗi dịp Tết đón năm mới, nhưng trên thực tế lời bài hát “Happy New Year” không vui tươi như giai điệu vốn có. Ca khúc ra đời giữa thời kỳ đầy biến động của nhóm ABBA và chứa nhiều câu chuyện buồn. 

Ra đời vào thời kỳ ABBA sắp tan rã

“Happy New Year” là ca khúc được thể hiện bởi ban nhạc ABBA. Tên nhóm được viết tắt từ 4 chữ cái đầu tiên từ tên các thành viên là Agnetha Fältkog, Björn Ulvaeus, Benny Andersson và Anni-Frid Lyngstad.

ABBA ra đời vào năm 1972. Nhóm từng là một trong những ban nhạc nổi tiếng và bán chạy nhất mọi thời đại. Thống kê cho thấy ABBA bán được hơn 500 triệu đĩa đơn trên toàn cầu.  

 Happy New Year sáng tác khi ABBA sắp tan rã. Ảnh: TL 

Một điều khiến nhóm nhạc gắn kết lâu dài vì đây là hai cặp tình nhân. Họ gắn bó từ âm nhạc đến trong đời sống vợ chồng.

Năm 1979, khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, Björn Ulvaeus và Agnetha Fältkog tuyên bố ly hôn. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ban nhạc. Ít lâu sau, Benny Andersson và Anni-Frid Lyngstad cũng đường ai nấy đi. Kết quả, ABBA tan rã vào năm 1982. 

“Happy New Year” ra đời năm 1980, đây là lúc nhóm có những biến động về đời tư. Vì vậy, ca khúc không hề vui tươi như nhiều người tưởng. 

Không được nhóm đánh giá cao 

Ban đầu, “Happy New Year” có cái tên ngộ nghĩnh là “Bố ơi đừng say vào ngày Giáng sinh”. Thời điểm đó, ca khúc nằm trong album “Super Trouper” và mãi cho đến năm 1999 mới được phát hành. 

“Một bài hát gần đến Giáng sinh nhưng không phải để chúc mừng năm mới”, Benny Andersson nói sau khi ca khúc nổi tiếng. 

  “Happy New Year” là ca khúc có ca từ buồn trên nền nhạc sôi động. Ảnh: TL

Năm 1999, tận dụng thế giới bước sang thiên niên kỷ mới, ABBA tung ca khúc “Happy New Year” dưới dạng đĩa đơn để quảng bá cho các album khác.

Thời điểm đó, bài hát chỉ xếp thứ 34 ở Thụy Điển (quê hương của ABBA), thứ 15 ở Hà Lan và tận 75 ở Đức. Không ngờ là sau nhiều năm ca khúc lại trở nên phổ biến ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. 

Bài hát buồn trên nền nhạc sôi động 

Tuy có giai điệu vui tươi, rộn ràng và ấm áp nhưng ẩn ý từng câu chữ đằng sau đều phảng phất nỗi buồn. 

Agnetha đã mở đầu bài hát bằng sự buồn bã: “Rượu đã cạn, pháo hoa đã tắt. Nơi đây chỉ có hai ta. Em thấy lạc lõng và buồn bã. Tiệc đã tàn, bình minh ảm đạm, không giống như hôm qua nữa”. 

Nỗi buồn dường như len lỏi vào từng câu chữ. Con người bất lực trước dòng chảy thời gian. Đến phần điệp khúc, không khí tươi vui hơn, thể hiện hy vọng về tương lai hạnh phúc bên những người bạn. 

Không chỉ là nỗi buồn về sự chia lìa của nhóm, “Happy New Year” còn phản ánh thập kỷ đầy biến động của thế giới.

Bài hát xuất hiện trong bối cảnh thế giới vừa kết thúc thập niên 70 với hàng loạt khủng hoảng như chiến tranh, cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ và Liên Xô cũ, xung đột ở Trung Đông, thế lực Polpot diệt chủng, khủng hoảng kinh tế… 

Chỉ phổ biến ở Việt Nam và một vài quốc gia không nói tiếng Anh

Với tiêu đề bài hát là “Happy New Year”, nhiều người lầm tưởng đây là ca khúc đón năm mới phổ biến nhất trên thế giới.

Thực tế bài hát năm mới được yêu thích nhất thuộc về “Auld Lang Syne”. Đây là ca khúc dân gian truyền thống được phổ từ bài thơ của Robert Burn (nhà thơ người Scotland) từ năm 1788.

Trong khi đó, “Happy New Year” đặc biệt nổi tiếng ở Việt Nam, Thụy Điển và một vài quốc gia không nói tiếng Anh.