Sự rụng trứng diễn ra như thế nào?
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Ơn – Bác sĩ Sản phụ khoa – Khoa Sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Rụng trứng là hiện tượng sinh lý bình thường ở cơ thể nữ giới trong độ tuổi sinh sản, và là yếu tố không thể thiếu để người phụ nữ có thể mang thai. So với các thời kỳ buồng trứng không hoạt động (trước dậy thì, mãn kinh), hoặc hệ nội tiết chưa hoàn chỉnh (dậy thì) hay đã suy yếu (tiền mãn kinh), rụng trứng vào tuổi trưởng thành là dấu hiệu của hệ nội tiết hoàn chỉnh và tinh thần, lối sống lành mạnh.
Mục Lục
1. Rụng trứng là gì?
2. Sự rụng trứng diễn ra như thế nào?
Sự rụng trứng diễn ra như thế nào? Sự rụng trứng điển hình diễn ra vào khoảng ngày thứ 14 của một chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày. Tuy nhiên trên thực tế chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người diễn ra rất khác nhau, và không phải ai cũng có chu kỳ kinh nguyệt điển hình 28 ngày, do đó việc xác định được chính xác thời điểm khá khó khăn. Một cách chung nhất, sự rụng trứng diễn ra trong khoảng thời gian bốn ngày trước và bốn ngày sau điểm chính giữa của chu kỳ kinh nguyệt.
3. Sự rụng trứng diễn ra trong thời gian bao lâu?
Sự rụng trứng diễn ra trong bao lâu? Quá trình rụng trứng bắt đầu với việc cơ thể tiết ra nội tiết tố kích thích nang trứng (follicle stimulating hormone – FSH), tiêu biểu là giữa ngày thứ 6 và ngày thứ 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Nội tiết tố này giúp trứng trong buồng trứng trưởng thành để chuẩn bị được giải phóng ra.
Một khi trứng đã trưởng thành, cơ thể sẽ ồ ạt tiết ra lượng lớn nội tiết tố hoàng thể hóa (luteinizing hormone – LH), khởi phát quá trình giải phóng trứng. Sự rụng trứng có thể diễn ra sau 28 tới 36 giờ kể từ thời điểm tiết ra nội tiết tố hoàng thể hóa.
4. Có dấu hiệu hay triệu chứng gì có thể xảy ra hay không?
Sự rụng trứng sắp xảy ra có thể gây nên thay đổi ở dịch tiết âm đạo. Dịch tiết thường trở nên trong, thậm chí có những trường hợp trông giống như lòng trắng trứng. Sau khi rụng trứng, số lượng dịch tiết có thể giảm xuống, và dịch có thể trở nên đặc hơn, đục hơn.
Bên cạnh đó, rụng trứng cũng có thể gây ra:
● Đốm máu hoặc chảy máu nhẹ
● Căng ngực
● Tăng ham muốn tình dục
● Đau buồng trứng, được đặc trưng bởi sự khó chịu hoặc đau ở một bên ổ bụng, và nó còn có tên khác là mittelschmerz
Không phải tất cả mọi người đều xuất hiện triệu chứng khi rụng trứng xảy ra.
5. Trong một chu kỳ kinh liệu có khả năng rụng nhiều hơn một trứng hay không?
Câu trả lời là có, bởi một số người có thể rụng nhiều hơn một trứng trong một chu kỳ kinh.
Một số nghiên cứu gợi ý rằng nhiều người thậm chí có thể rụng 2, thậm chí 3 trứng hay nhiều hơn nữa trong một chu kỳ kinh. Có những nghiên cứu cho biết có đến 10% ứng viên tham gia nghiên cứu rụng 2 trứng trong một chu kỳ kinh.
Việc rụng nhiều trứng có thể xảy ra hoàn toàn tự nhiên, hoặc dưới sự can thiệp của các phương pháp hỗ trợ sinh sản. Nếu những quả trứng rụng đều được thụ tinh và phát triển, làm tổ tốt thì người phụ nữ sẽ mang đa thai (mang thai đôi, mang thai ba, mang thai bốn hoặc nhiều hơn nữa).
6. Phải chăng chỉ có đúng ngày trứng rụng thì người phụ nữ mới có khả năng thụ thai?
Câu trả lời là không. Sau khi được giải phóng từ buồng trứng, trứng chỉ có thể được thụ tinh trong khoảng thời gian từ 12 tới 24 giờ. Tuy nhiên trong điều kiện lý tưởng, tinh trùng có thể tồn tại trong cơ quan sinh sản của người phụ nữ tới 5 ngày. Vì lý do đó, nếu có quan hệ tình dục vào những ngày trước khi xảy ra rụng trứng hoặc vào đúng ngày rụng trứng thì người phụ nữ sẽ có khả năng thụ thai.
7. Cửa sổ thụ thai nghĩa là như thế nào?
Cửa sổ thụ thai (fertile window) là khoảng thời gian 6 ngày được tính từ trước và bao gồm cả ngày trứng rụng, và đây là khoảng thời gian mà người phụ nữ có khả năng cao thụ thai thành công nếu quan hệ tình dục.
Tinh trùng trong điều kiện lý tưởng có thể tồn tại vài ngày trong ống fallop sau khi quan hệ tình dục, sẵn sàng thụ tinh cho trứng một khi trứng được giải phóng ra. Sau khi giải phóng từ buồng trứng, ở ống fallop trứng có khoảng thời gian lên tới 24 giờ để thụ tinh. Sau khoảng thời gian này, trứng không còn khả năng thụ tinh nữa, và cửa sổ thụ thai kết thúc.
8. Có cách nào theo dõi quá trình rụng trứng?
Quá trình rụng trứng và thời điểm rụng trứng có thể xác nhận chính xác bằng phương pháp siêu âm hoặc xét nghiệm nội tiết tố trong máu, tuy nhiên chúng cần được thực hiện tại cơ sở y tế. Bên cạnh đó, người phụ nữ có thể tự theo dõi tại nhà bằng những cách sau (dù độ chính xác sẽ thấp hơn):
● Bảng đo thân nhiệt nền: Người phụ nữ sẽ tự thực hiện đo thân nhiệt của bản thân vào mỗi buổi sáng trong chu kì kinh nguyệt rồi ghi vào bảng theo dõi. Sự rụng trứng sẽ diễn ra khi người phụ nữ thấy thân nhiệt nền tăng lên trên mức trung bình trong 3 ngày liên tục.
● Sử dụng que thử rụng trứng (ovulation predictor kit – OPK): Người phụ nữ có thể mua các que thử này ở các hiệu thuốc để tự theo dõi. Về mặt nguyên lí, các que thử này sẽ phát hiện sự hiện diện của nội tiết tố hoàng thể hóa trong nước tiểu. Sự rụng trứng có thể diễn ra trong vài ngày kể từ khi vạch kết quả có màu đậm hoặc đậm hơn so với vạch chứng.
9. Nếu muốn thụ thai thì người phụ nữ nên có tần suất quan hệ tình dục như thế nào?
Về mặt lý thuyết, người phụ nữ chỉ cần quan hệ tình dục một lần trong giai đoạn cửa sổ thụ thai để thụ thai. Tuy nhiên trên thực tế nếu các cặp đôi muốn tăng khả năng thụ thai thành công thì có thể thực hiện quan hệ tình dục hàng ngày trong toàn bộ giai đoạn cửa sổ thụ thai, và khoảng thời gian tốt nhất, dễ thành công nhất là 2 ngày trước khi rụng trứng và ngày trứng rụng.
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Nguồn tham khảo: webmd.com/ healthline.com