Sự phát triển của tư tưởng chính trị Việt Nam thế kỷ X – XV

     Thế kỷ X – XV là thời kỳ đất nước ta vừa thoát khỏi ách đô hộ kéo dài một nghìn năm của phong kiến phương Bắc, bước đầu củng cố và xây dựng nhà nước độc lập tự chủ. Giai đoạn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi tư tưởng chính trị thời kỳ này là một trong những cơ sở nền tảng hình thành một hệ giá trị có tính phổ biến, đóng góp vào cuộc đấu tranh vì độc lập tự do và sự phát triển của dân tộc.

     Cuốn sách Sự phát triển của tư tưởng chính trị Việt Nam thế kỷ X – XV do TS. Nguyễn Hoài Văn chủ biên được biên soạn trên cơ sở đề tài khoa học cấp Bộ cùng tên, là một đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu có hệ thống các tư tưởng chính trị Việt Nam trong lịch sử, đồng thời góp phần nghiên cứu sâu sắc và toàn diện lịch sử dân tộc.

     Căn cứ vào nội dung và đặc điểm của hệ tư tưởng chính trị từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, các tác giả đã chia thành 3 thời kỳ chính:

     Thế kỷ X – “thế kỷ bản lề” đánh dấu thời kỳ quá độ từ ngoại thuộc qua độc lập tự chủ với các vương triều Ngô, Đinh, Tiền Lê. Ngay từ đầu thế kỷ X, tư tưởng chính trị nổi bật lên là tư duy chính trị mềm dẻo, năng động, sáng tạo trong đối sách với phong kiến Trung Quốc của Khúc Thừa Dụ; tư tưởng độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, xây dựng một chính quyền mạnh, tập trung thống nhất của Khúc Hạo. Sự nghiệp và tư tưởng của họ đã được người anh hùng dân tộc Ngô Quyền kế tục và hoàn thành xuất sắc vào năm 938, khẳng định tư tưởng chính trị căn bản, xuyên suốt lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

     Thời kỳ Lý – Trần trong bốn thế kỷ kế tiếp từ thế kỷ XI đến XIV là giai đoạn hoàn thiện và nâng cao tư tưởng chính trị nói trên. Thời kỳ này, sự tồn tại và hoà hợp lẫn nhau của ba tôn giáo Phật, Đạo, Nho tạo nên hiện tượng “tam giáo đồng nguyên”. “Tam giáo đồng nguyên” có ảnh hưởng tích cực tới đời sống chính trị thời Lý – Trần thông qua việc điều hoà các quan hệ, xử lý các mâu thuẫn, bổ sung các mặt khiếm khuyết trong các dòng tư tưởng chính trị, mềm hoá những giáo điều xơ cứng trong nguyên mẫu, bản địa hoá những yếu tố ngoại sinh…

     Sang thế kỷ XV, tư tưởng chính trị Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ với các đại biểu xuất sắc là Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông. Với tư tưởng chính trị nhân nghĩa, Nguyễn Trãi đã nêu cao tinh thần tự chủ, giữ gìn chủ quyền quốc gia của dân tộc, đồng thời kiên quyết chống chiến tranh nô dịch và áp bức dân tộc, thể hiện lòng yêu chuộng hoà bình và tình hữu nghị đối với các nước khác. Nối tiếp và bổ sung cho tư tưởng của Nguyễn Trãi, tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông là sự kết hợp giữa đức trị, lễ trị của Nho giáo và pháp trị của phái pháp gia trên lập trường yêu nước và một tinh thần dân tộc sâu sắc. Nội dung cơ bản của tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông bao gồm: đưa Nho giáo trở thành hệ tư tưởng thống trị xã hội; xây dựng nhà nước trung ương tập quyền mạnh; đưa đẳng cấp quan liêu nho sĩ vào nắm hệ thống quyền lực qua giáo dục, đào tạo Nho học; đề cao tư tưởng pháp trị – thể chế hoá lễ trị, nhờ đó đã đạt được thành tựu trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, văn hoá, giáo dục, tổ chức quản lý nhà nước, luật pháp, quốc phòng, ngoại giao… Hệ thống quyền lực dưới thời Lê Thánh Tông đã đạt đến mức hoàn bị với những thiết chế chặt chẽ, tạo ra một xã hội phát triển vững vàng, đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội Việt Nam ở thế kỷ XV. Nước Đại Việt dưới triều Lê Thánh Tông trở thành một quốc gia độc lập thống nhất và cường thịnh ở Đông Nam Á.

     Sách gồm 194 trang, giá 29.000đ.

GIAO LINH