Sự phát triển của thai nhi tuần 29
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Mai Hương – Khoa sản phụ khoa – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Ở tuần thai thứ 29, mẹ vừa bước vào quý cuối thai kì, đây là giai đoạn đầy thách thức về cả thể chất và tinh thần trong cả quãng đường mẹ ấp ủ bé. Mẹ cũng đang tiến dần đến thời điểm chuyển dạ, với rất nhiều điều mẹ cần biết và chuẩn bị tinh thần để đón nhận.
1. Thai nhi 29 tuần tuổi phát triển như thế nào?
Ở tuần 29, bé đạp thường xuyên hơn, và đây là dấu hiệu tốt cho thấy bé của mẹ đang rất ổn. Bác sĩ sẽ khuyên mẹ đếm số lần bé đạp mỗi ngày với những thông tin cụ thể. Mẹ hãy đếm số lần đạp của bé để kiểm tra, như có thói quen đếm số lần bé đạp hai lần một ngày, sáng và tối.
Trong tuần thai này, em bé đang có chiều dài khoảng 39.3 cm, và nặng chừng 1,239 kg (gần bằng một quả bưởi). Suốt giai đoạn này, bé sẽ tích đủ số cân bằng một nửa trọng lượng lúc sinh. Cơ bắp và phổi của bé đang tiếp tục trưởng thành. Sự tăng trưởng của thai nhi khiến mẹ đói bụng hơn, do bé cần nhiều dinh dưỡng hơn để phát triển.
Khi thai kì của mẹ đang tiến dần đến cuối tháng thứ bảy, thời khắc mẹ được ôm bé trong vòng tay đang ở rất gần rồi. Bé đang trưởng thành với tốc độ rất nhanh và cực kì năng động trong bụng mẹ. Mẹ sẽ thấy bé đạp và đập rất nhiều lần trong ngày do bạn ấy đang luyện các cơ. Do não đang phát triển rất nhanh, đầu bé chiếm một phần đáng kể tổng khối lượng cơ thể. Vào tuần thứ hai mươi chín, em bé thường nằm dọc bụng mẹ với đầu hướng xuống tử cung.
Đầu của bé đang tăng kích thước để phù hợp với bộ não đang phát triển từ tuần trước và tiếp tục trong tuần này. Bé bắt đầu tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Thính lực cải thiện, cơ bắp và phổi tiếp tục trưởng thành. Da bé càng lúc càng mượt mà hơn và mất phần lông nhung. Tuỷ sống bắt đầu sản xuất hồng cầu. Bé cũng có thể nhắm và mở mắt.
2. Cơ thể của mẹ ở tuần thai thứ hai mươi chín
Cân nặng tăng mẹ trong tuần này trung bình vào khoảng 8,6 đến 11,3 kg. Lượng calo khuyến cáo nạp vào trong giai đoạn này là 2.400 kcal một ngày, cao hơn mức khuyến cáo nói chung tầm 500 kcal một ngày.
Mức hóc môn trong thai kì cũng khiến mẹ dễ tăng cân hơn. Mẹ còn có thể bị đau ngực và suy giãn tĩnh mạch.
Vào tuần thai thứ hai mươi chín, bụng của mẹ càng lúc càng lớn và nhô ra, mẹ sẽ rất khó nhìn thấy bàn chân của mình. Bề cao tử cung từ 26 đến 35 cm, lượng nước ối tăng lên vào khoảng 9 cm xung quanh rốn của mẹ.
Ngực của mẹ lớn hơn, khiến mẹ phải chọn áo ngực phù hợp. Những triệu chứng khác mẹ có thể gặp khi thai 29 tuần bao gồm:
- Móng tay móng chân mọc dài nhanh hơn do sự thay đổi hóc môn.
- Táo bón là một trong những triệu chứng thường gặp, và có thể gây ra những triệu chứng đi kèm như đau bụng, đầy hơi và phân rắn. Mẹ nên ăn thức ăn giàu chất xơ và uống thật nhiều nước.
- Suy giãn tĩnh mạch có thể hình thành trên hai chân, và cũng bình thường suốt thai kì. Mẹ có thể sử dụng tất chân y tế để hạn chế triệu chứng và phòng ngừa biến chứng theo lời khuyên của bác sĩ.
- Tâm trạng hay thay đổi.
- Đau bụng.
- Khó thở do kích thước của tử cung. Mẹ hãy cố gắng nghỉ ngơi ngay khi có thể, nếu mẹ bị khó thở nhiều, hãy thông báo cho bác sĩ.
- Mẹ cũng hay bị đau nửa đầu, mẹ có thể giảm đau bằng cách nằm nghỉ trong phòng yên tĩnh và tắt đèn, cũng như chườm lạnh lên cổ hoặc trán.
- Đi tiểu nhiều lần là bình thường. Do áp lực từ tử cung và em bé lên bàng quang tăng lên, cố lên mẹ nhé, vì mang thai vốn đã mệt, mẹ còn phải đi vệ sinh nhiều lần vào ban đêm.
- Trĩ có thể gây ngứa và đau, mẹ đừng đứng quá lâu. Nếu đau không giảm, mẹ có thể hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống bất kì loại thuốc nào trong thai kì. Nếu chẳng may bị chảy máu trực tràng, mẹ hãy đi khám ngay nhé. Tập thể dục thường xuyên, uống thật nhiều nước và có chế độ ăn giàu chất xơ có thể phòng táo bón.
- Tiền sản giật có nguy cơ xuất hiện trong khoảng thời gian này. Biến chứng chính của tiền sản giật là cao huyết áp, gây hậu quả lên chức năng gan và thận. Mẹ đừng bỏ lỡ buổi hẹn nào với bác sĩ nhé, vì tiền sản giật có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Mẹ nên kiểm tra huyết áp thường xuyên và nắm rõ mức huyết áp bình thường là bao nhiêu, để có thể nhận ra những thay đổi huyết áp bất thường. Tiền sản giật thường đi kèm với những triệu chứng bao gồm sưng nề ở chân, đau đầu mãi không khỏi cũng như buồn nôn và nôn.
3. Mẹ nên làm gì khi thai 29 tuần?
Điều quan trọng nhất là có chế độ ăn cân bằng và lành mạnh. Em bé đang lớn dần, vì vậy, khoảng 250 miligram canxi từ chế độ ăn của mẹ sẽ được nạp vào hệ xương đang phát triển của bé, bé cũng cần canxi để phát triển dây thần kinh, hệ cơ, trái tim và răng. Nếu mẹ không nạp đủ canxi, bé sẽ lấy canxi từ xương của mẹ, gây hậu quả là tăng huyết áp và nhẹ cân lúc sinh. Hãy ăn những thức ăn giàu canxi như sữa chua ít béo, sữa hạnh nhân hoặc sữa đậu nành, đậu hũ, cá mòi, quả sung khô, bông cải xanh. Bên cạnh đó, mẹ hãy uống thật nhiều nước, đây là điều thiết yếu. Những bài tập vừa phải như đi bộ hoặc bơi khoảng 30 phút sẽ kích thích hoạt động của ruột.
Do sự phát triển nhanh của em bé, hãy đảm bảo mẹ nạp đủ dinh dưỡng, bao gồm vitamin C, Folic, đạm, sắt và canxi. Sắt rất quan trọng trong khi mang thai. Thiếu máu thiếu sắt là một vấn đề phổ biến với các thai phụ, vì vậy mẹ hãy ăn những thức ăn giàu sắt như thịt bò, cá, đậu, đậu lăng và gà tây.
Nếu mẹ bị chảy máu ở bất kì giai đoạn nào trong thai thì hãy đến bệnh viện ngay, cũng như hỏi bác sĩ về những dấu hiệu của sinh non mẹ cần lưu ý.
Ở tuần thai thứ 29 là lúc mẹ bầu bắt đầu bước vào tam cá nguyệt thứ 3, đây là giai đoạn đầy thách thức về cả thể chất và tinh thần trong cả quãng đường mẹ ấp ủ bé. Mẹ cũng đang tiến dần đến thời điểm chuyển dạ, với rất nhiều điều mẹ cần biết và chuẩn bị tinh thần để đón nhận. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho mẹ và bé thì thai phụ cần nắm rõ các dấu hiệu chuyển dạ, phân biệt các cơn gò sinh lý để đến bệnh viện kịp thời.
Sau mốc khám thai quan trọng ở tuần 12 và 22 thì ở tuần thai thứ 32, mẹ sẽ được bác sĩ thực hiện siêu âm 4D tầm soát các dị tật bất thường ở giai đoạn muộn. Vì thế, việc lựa chọn bệnh viện uy tín, có chuyên môn tốt chính là điều sản phụ mang thai tuần 29 quan tâm nhất lúc này. Tại Vinmec có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa không chỉ có khả năng phát hiện các dị tật thai nhi từ rất sớm mà còn có thể phát hiện dị tật thai chỉ có ở những tuần cuối thai kỳ mới phát hiện được như não úng thủy, tim bẩm sinh,…. Đây chính là thế mạnh chuyên môn chẩn đoán trước sinh tại Vinmec mà không phải bệnh viện nào cũng có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, nếu phát hiện những bất thường ở giai đoạn muộn, tại Vinmec các sản phụ cũng có thể thực hiện can thiệp y học bào thai, xét nghiệm gen,… Khi có kết quả chính xác các bác sĩ sẽ tư vấn và đưa ra lựa chọn tốt nhất cho sản phụ.
Bác sĩ Trần Thị Mai Hương đã có 25 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa, phẫu thuật đường dưới,phẫu thuật nội soi. Đã giữ chức vụ phó trường khoa Sản bệnh lí, phó Trưởng phòng đẻ – bệnh viện Phụ sản Hải Phòng. Có chuyên môn cao và thế mạnh trong lĩnh vực:
- Phẫu thuật đường dưới
- Phẫu thuật nội soi
- Các phẫu thuật sản khoa khó.
Video đề xuất:
Siêu âm thai nhiều lần có tốt không? Siêu âm thai tại Vinmec như thế nào?
Để được tư vấn trực tiếp, Quý Khách vui lòng bấm số hoặc đăng ký lịch trực tuyến TẠI ĐÂY. Tải ứng dụng độc quyền MyVinmec để đặt lịch nhanh hơn, theo dõi lịch tiện lợi hơn!
Bài viết tham khảo nguồn: Mayoclinic.org, Webmd.com, Babycenter.com, Whattoexpect.com