Sử dụng robot chưa đến 10%, khối nội khó vào chuỗi của ‘ông lớn’
Ông Ngô Khải Hoàn
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Việt Nam
Việc thúc đẩy mạnh công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ vẫn là trọng tâm cần ưu tiên. Do vậy, cần làm rõ điểm nghẽn, vướng mắc, ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nâng cao năng lực, cải thiện sức cạnh tranh của DN trong thời gian tới. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu thêm các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các DN làm công nghiệp phụ trợ, đồng thời phối hợp xây dựng các nhà máy thông minh thông qua hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia triển khai đào tạo quản lý cấp trung, mở ra cơ hội hợp tác với DN đầu chuỗi lớn khác.
Ông Paul Weijers
Cố vấn cao cấp Dự án USAID LinkSME
Tôi đến Việt Nam từ năm 2000, ngày đó đi đâu cũng kèm theo phiên dịch, giờ mọi người nói tiếng Anh tốt hơn nhưng trong sự kiện kết nối DN thường thì vẫn phải dùng phiên dịch. Vậy nên ngôn ngữ cũng là rào cản, là vấn đề trong kết nối. Vì vậy, cần nâng cao trình độ ngôn ngữ cho DN Việt, cụ thể là tiếng Anh. Tương lai gần, chúng ta cần nâng cao năng lực cho DN Việt thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin. Tỷ lệ DN sử dụng công nghệ robot chưa nhiều, cần đẩy nhanh ứng dụng công nghệ làm sao chất lượng ổn định là điều nên làm và cố gắng làm sớm nếu không muốn ở ngoài “cuộc chơi”, ở ngoài xu thế toàn cầu.
Ông Choi Kuoung Soo
Tổng giám đốc Trung tâm Mua hàng Samsung Việt Nam
Thời gian qua, Samsung đã cử chuyên gia có kinh nghiệm hàng chục năm sang Việt Nam để đào tạo, tập huấn kinh nghiệm cho các DN Việt. Tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ DN trong nước cùng phát triển, không dừng ở việc mở rộng tham gia của DN Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Samsung sẽ nỗ lực thêm nữa trong việc phát triển chuỗi cung ứng, mở ra cơ hội cho các bên liên quan thúc đẩy phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.