Stress: Khái niệm, nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị

Stress chính là một quá trình bao gồm tất cả các phản ứng sinh lý, tâm lý và ứng xử của một cá nhân nào đó khi cố gắng thích nghi với thay đổi, hoặc áp lực từ bên trong hay bên ngoài.

Stress là một phần của cuộc sống. Bạn có thể gặp phải tình trạng stress từ môi trường, cơ thể và chính trong suy nghĩ của bạn. Ngay cả những thay đổi tích cực trong cuộc sống cũng có thể khiến bạn stress. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, các biểu hiện và cách giải tỏa stress.

Tại Việt Nam, theo Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87 trên 100.000 dân. Nguyên nhân của vấn đề này, một phần bắt nguồn tình trạng stress kéo dài nhưng người bệnh không nhận diện được.

1. Stress là gì?

Stress là một thuật ngữ tiếng Anh với ý nghĩa một sức ép hay một xâm phạm nào đó tác động vào con người gây ra một phản ứng căng thẳng.

Theo Hans Selye: “Stress là một phản ứng sinh học không đặc hiệu của cơ thể trước những tình huống căng thẳng”. Còn theo J.Delay: “Stress là một trạng thái căng thẳng cấp diễn của cơ thể buộc phải huy động các khả năng phòng vệ để đối phó với một tình huống đang đe dọa”.

Stress là gì?

Ngày nay, một số tác giả cho rằng, stress là một chứng bệnh gắn liền với các nền văn minh hiện đại, là loại bệnh thường gặp trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa chi phối bởi sự cạnh tranh và một số mối nguy hại khác. Như vậy, stress tương ứng với mối liên quan giữa con người và môi trường xung quanh.

Khảo sát trên Stress in America năm 2015 cho thấy tiền bạc và công việc là hai nguồn gây stress hàng đầu cho người trưởng thành ở Mỹ trong 8 năm liên tiếp. Những nguyên nhân khác bao gồm: trách nhiệm gia đình, mối quan tâm sức khỏe cá nhân, nền kinh tế… Trong đó, phụ nữ luôn phải vật lộn với stress nhiều hơn nam giới.

2. Nguyên nhân nào gây stress?

Tuỳ theo đặc điểm nhân cách và mức độ stress, có thể là một đáp ứng thích nghi bình thường về mặt tâm lý, sinh học và tập tính, sự đáp ứng thích hợp và giúp cho các thể có được những phản ứng đúng, nhằm tạo ra một cân bằng mới sau khi chịu tác động từ bên ngoài.

Trong stress bệnh lý, khả năng đáp ứng tỏ ra không đầy đủ hay không thích hợp và không thể tạo ra một cân bằng mới. Vì vậy, rối loạn chức năng có thể xuất hiện, biểu lộ qua các triệu chứng tâm thần hoặc cơ thể.

Những sự kiện sang chấn có thể gây ra những thảm hoạ trong đời sống con người, những sang chấn ấy tràn ngập trong trí nhớ, đến nỗi con người không chịu đựng nổi cuộc sống hiện tại.

Các loại stress thường gặp tác động lên tâm lý, hoạt động cá nhân có thể tóm tắt như sau:

– Tình cảm: Đứt gãy mối quan hệ (chia tay, ly thân, ly dị…), bất hoà và các biến cố tình cảm khác.

– Gia đình: Mất người thân, không hạnh phúc, khó khăn kinh tế…

– Nghề nghiệp: Áp lực công việc, thất nghiệp, bị sa thải, về hưu…

– Xã hội: Môi trường sống căng thẳng, bất hoà, tị nạn, di cư và các biến cố xã hội khác.

– Thảm hoạ: Nạn nhân của thảm hoạ thiên nhiên, môi trường: Bão, lụt, động đất, tai nạn giao thông, khủng bố…

Bệnh lý tâm thần do stress được hiểu là rối loạn có liên quan stress, nó bao gồm nhiều rối loạn như: Đau đầu căng thẳng, mất ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ, suy nhược thần kinh do căn nguyên tâm lý, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn stress sau sang chấn…

Những nguyên nhân gây ra stress là gì?

3. Các loại stress

Khi nói đến stress, hầu hết mọi người đều nghĩ đến đó là điều tiêu cực. Nhưng ít ai biết rằng, bên cạnh những loại stress tiêu cực gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe thì vẫn có loại stress tốt. Dưới đây là 4 loại stress chính:

a. Stress tích cực (Eustress)

Đây là một trong những loại stress hữu ích, xuất hiện ngay sau khi bạn có nhu cầu cần sử dụng đến sức lực thể chất của mình. Eustress chuẩn bị cơ bắp, tăng nhịp đập tim và sự tập trung tâm trí vào bất cứ tình huống mà bạn cần phải sử dụng sức mạnh cơ bắp.

Eustress cũng có thể sử dụng trong những nỗ lực sáng tạo. Khi một người cần có thêm những năng lượng để sáng tạo, Eustress giúp cho họ có được những sự kích thích/hưng phấn cần thiết. Một vận động viên sẽ trải nghiệm một sức mạnh đến từ eustress ngay sau khi họ chơi một cuộc đấu lớn hoặc một trận đấu lớn.

Trong thế giới tự nhiên, các loài động vật có một cơ chế phản ứng được gọi là “chiến hay biến”. Khi phải đối đầu với kẻ săn mồi hoặc một mối nguy hiểm, các loài động vật sẽ phải quyết định bỏ chạy hay chống trả. Tương tự như ở động vật, khi đối mặt với nguy hiểm và thác thức cơ thể con người cũng sẽ trải nghiệm eustress.

Eustress chuẩn bị cho cơ thể những năng lượng cần thiết để đánh hoặc là chạy trốn khỏi mối nguy hiểm. Loại stress này sẽ giúp lượng máu dồn đến các cơ bắp để làm các cơ bắp cứng lên, làm tăng nhịp tim và huyết áp trong máu. Nếu sự kiện hay mối nguy hiểm qua đi, cơ thể sẽ trở lại trạng thái bình thường.

b. Stress tiêu cực (Distress)

Nỗi buồn khổ là một trong những loại stress tiêu cực. Nó là một trong những loại stress mà tâm trí và cơ thể phải chịu đựng khi những thói quen thông thường phải thay đổi và điều chỉnh. Khi đó, tâm trí bạn chưa thích nghi và thoải mái với sự thay đổi này, nó vẫn có xu hướng quay lại thói quen cũ. Có hai loại distress là cấp diễn và trường diễn.

– Stress cấp tính (Acute Stress)

Stress cấp diễn: là một loại stress xuất hiện ngay sau khi có sự thay đổi về thói quen; là một loại stress mạnh mẽ, nhưng diễn ra rất nhanh.

Stress cấp tính tạo ra những cảm giác không thoải mái và bất định cho bản thân người mắc phải. Triệu chứng của stress loại stress này thường là đau đầu, đau lưng, đau bụng, tim đập nhanh, đau cơ hoặc đau mình.

– Stress trường diễn (Chronic Stress)

Stress trường diễn xuất hiện khi có sự thay đổi kéo dài nhưng cơ thể chưa thích ứng được. Loại stress này thường xuất hiện khi bạn đi du lịch quá dài (trên 6 tháng qua nhiều nơi) hoặc liên tục thay đổi công việc hoặc chuyển nhà.

Triệu chứng của stress bao gồm: đau đầu hoặc căng thẳng kéo dài, huyết áp cao, đau nửa đầu, đau ngực và đau tim.

c. Hyperstress

Hyperstress là loại stress tiêu cực xuất hiện khi một người chịu áp lực quá lớn so với khả năng đảm nhận hay chịu đựng của họ. Chẳng hạn như một người làm công việc quá nặng nhọc, lao động quá giờ liên tục sẽ gây ra loại stress này.

Một người bị hyperstress sẽ thường phản ứng với một sự kiện không căng thẳng lắm với một cảm xúc thái quá. Đây là loại stress cần nhận biết sớm vì nó có thể gây ra những hậu quả nghiệm trọng về cảm xúc và thể chất.

d. Hypostress

Đây là loại stress đối ngược với với hyperstress. Hypostress xuất hiện khi cá nhân cảm thấy rất chán nản và nhàm chán hoặc không có thử thách gì trong cuộc sống. Nếu bạn làm việc tại cùng một nơi, luôn gặp những người cũ, làm mãi một công việc không thay đổi, những nhiệm vụ được lặp đi lặp lại, bạn sẽ gặp phải loại stress này. Loại stress này là khiến bạn có cảm giác nhàm chán và đơn điệu cũng như thiếu động lực làm việc.

4 loại stress chính: Stress tích cực (Eustress), Stress tiêu cực(Distress), Hyperstress, Hypostress

4. Phân biệt stress tốt và stress xấu

a. Stress tốt

Stress tốt là khi cơ thể khỏe mạnh, tinh thần lạc quan, bạn xem chúng như một thử thách trong thời gian ngắn để vượt qua. Đây là hiện tượng luôn đồng hành và tác động đến con người hàng ngày, buộc bạn phải thích nghi, chống đỡ và vượt qua.

b. Stress xấu

Stress xấu đến một cách dữ dội khi cơ thể đang yếu đuối, gây bệnh tật, suy kiệt, trầm cảm, khiến bạn có ý nghĩ và hành động tự hại bản thân như tự tử.

5. Triệu chứng stress thường gặp

Triệu chứng của stress được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác như thể chất, tinh thần, hành vi và cảm xúc. Cụ thể:

– Biểu hiện thể chất: mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, tim đập nhanh, đau tức ngực khó thở, buồn nôn và nôn,…

– Biểu hiện tinh thần: suy giảm trí nhớ, buồn bã, không vui vẻ, không tập trung được trong công việc, học tập, lú lẫn, thiếu quyết đoán,…

– Biểu hiện hành vi: khóc lóc, ăn uống bất thường, hối hả, bồn chồn, tự làm hại bản thân hoặc làm hại người khác, hút thuốc, nghiện ngập,…

– Biểu hiện cảm xúc: căng thẳng, lo âu, sợ hãi, bồn chồn, tức giận, sợ hãi, thất vọng, dễ nóng tính, bực tức, và thường xuyên khó chịu, thiếu kiên nhẫn,…

6. Dấu hiệu bạn đang bị stress nặng

Với sự phát triển không ngừng của xã hội, cường độ học tập và làm việc cũng tăng lên đáng kể. Điều này làm tăng tỷ lệ stress, căng thẳng ở người trưởng thành và trẻ nhỏ.

Mặc dù stress được xem như động lực để phát triển nhưng nếu nó kéo dài, stress nặng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tâm lý và thể chất. Một số dấu hiệu nhận biết bạn đang bị stress nặng như:

a. Suy giảm trí nhớ

Stress nặng có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ như nhầm lẫn, hay quên, đãng trí,… đây là dấu hiệu điển hình. Các vấn đề này thường gặp ở người cao tuổi do sự thoái hóa của các tế bào thần kinh trung ương. Tuy nhiên, suy giảm trí nhớ cũng có thể gặp ở trẻ nhỏ, người trẻ do căng thẳng thần kinh.

Khi căng thẳng quá mức, tuyến thượng thận tăng sản sinh hormone cortisol, loại hormone có tác dụng tăng nhịp tim, điều hòa huyết áp và tham gia vào các hoạt động sống của cơ thể.

Stress nặng có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ như nhầm lẫn, hay quên, đãng trí,…

Nhưng khi hormone cortisol được sản xuất quá nhiều có thể gây ra tình trạng tình trạng tim đập nhanh, bồn chồn, hồi hộp, tăng đường huyết, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và tác động tiêu cực đến hoạt động của não bộ.

Chính vì vậy khi bị stress nặng, bạn sẽ nhận thấy trí nhớ của mình suy giảm đáng kể.

b. Đau đầu và nhức mỏi toàn thân

Nếu bạn bị căng thẳng quá mức, cơ thể sẽ tạo ra phản ứng sinh tồn bằng cách tăng nhịp tim, nhịp thở và tăng huyết áp. Đồng thời giảm lượng máu tuần hoàn đến những cơ quan “không ảnh hưởng đến sự sinh tồn”.

Do đó, khi căng thẳng, toàn bộ cơ thể bị đau nhức, ê ẩm, mỏi và giảm sức lực. Hơn nữa, stress còn làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến não bộ dẫn đến đau đầu, đau nửa đầu, choáng đầu, chóng mặt,…

c. Có các vấn đề về tiêu hóa

Nhiều người sẽ băn khoăn rằng tại sao stress lại ảnh hưởng đến các vấn đề tiêu hóa. Trên thực tế, stress và các vấn đề tiêu hóa có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chẳng hạn, khi căng thẳng quá mức, dây thần kinh phế vị bị kích thích dẫn đến tăng tiết dịch vị và co bóp bất thường.

Khi bị stress nặng, bạn có thể sẽ gặp phải một số vấn đề về tiêu hóa như đau dạ dày, nóng rát thượng vị, buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi, trào ngược dạ dày, khó tiêu, chướng bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.

Nếu bạn là người đã có các bệnh tiêu hóa sẵn, stress có thể sẽ làm tăng mức độ đau và tần suất triệu chứng. Thực tế đã ghi nhận nhiều trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa trên và dưới do căng thẳng quá mức, kéo dài.

d. Rụng tóc

Bên cạnh những triệu chứng trên, stress nặng còn có thể gây rụng tóc. Theo giải thích của các chuyên gia, căng thẳng thần kinh quá mức làm giảm lưu lượng máu tuần hoàn đến các nang tóc. Hậu quả là khiến tóc bị thoái hóa, suy yếu và tăng số lượng tóc gãy rụng.

Một vấn đề khác, khi đối mặt với căng thẳng thần kinh trong một thời gian dài, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách sản sinh chất P để bảo vệ các cơ quan quan trọng. Tuy nhiên, thành phần này lại chính là tác nhân gây tổn thương mầm tóc dẫn đến giảm tốc độ tái tạo, mọc tóc và tăng số lượng tóc rụng.

Stress khiến tóc bị thoái hóa, suy yếu và tăng số lượng tóc gãy rụng

e. Rối loạn kinh nguyệt

Rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng phổ biến ở nữ giới bị stress nặng, kéo dài. Khác với nam giới, nội tiết tố ở phái nữ bị ảnh hưởng nhiều do căng thẳng thần kinh. Để kinh nguyệt xảy ra phải có sự phối hợp giữa các cơ quan như vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng.

Stress quá mức có thể khiến vùng dưới đồi bị rối loạn, gây ra sự bất ổn trong hoạt động sản xuất hormone ở các cơ quan còn lại. Hậu quả là làm rối loạn kinh nguyệt với những biểu hiện như mất kinh, vòng kinh thưa, đau bụng kinh dữ dội,…

Stress nặng còn làm tăng sản xuất hormone cortisol, làm tăng đường huyết và phá vỡ insulin (hormone chuyển hóa đường được tuyến tụy sản xuất). Nồng độ đường tăng cao cũng ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt.

f. Buồn ngủ, uể oải, thiếu tập trung

Khi stress quá mức, cơ thể sẽ tăng sản xuất hormone adrenaline – hormone giúp tăng huyết áp và tăng nhịp tim để bảo vệ sự sống cho cơ thể. Nhưng lượng hormone adrenaline tăng cao còn tạo ra cảm giác buồn ngủ, bồn chồn và mệt mỏi.

Khi bị căng thẳng quá mức, tuyến tùng bên trong não bộ sẽ giảm hoạt động sản xuất hormone melatonin – hormone tạo cảm giác buồn ngủ, giúp ngủ ngon và sâu giấc hơn.

Ngoài ra khi căng thẳng, não bộ thường tập trung suy nghĩ về những vấn đề chưa được giải quyết (học tập, công việc) hoặc đang tìm hướng xử lý cho một số sự việc, khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc,… Hậu quả là gây mệt mỏi, thiếu tập trung và buồn ngủ vào ngày hôm sau.

Khi stress quá mức khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ, ngủ chập chờn, không sâu giấc,…

Các dấu hiệu khác:

Ngoài những biểu hiện kể trên, stress nặng còn có thể gây ra một số triệu chứng khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống như:

– Stress nặng còn có thể gây nổi mụn trứng cá, mề đay, phát ban,…

– Sức đề kháng suy giảm làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm.

– Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, thiếu năng lượng, giảm hứng thú và sự quan tâm.

– Co giật mí mắt (do dây thần kinh ở mắt bị căng thẳng khi phải làm việc trong thời gian dài).

– Tiết nhiều mồ hôi.

– Giảm hứng thú khi quan hệ tình dục.

6. Tác động stress đối với cơ thể

Như đã nói, stress không hoàn toàn xấu, đôi khi nó giúp cho cơ thể tập trung tốt hơn và làm việc hiệu quả hơn.

Tuy nhiên nếu bạn thường xuyên rơi vào trạng thái stress và kéo dài thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ cho cơ thể. Những tác hại stress kéo dài gây ra bao gồm:

a. Teo não, suy giảm trí nhớ

Khi stress các tế bào não bộ bị thiếu oxy và hoạt động sẽ kém hiệu quả, thậm chí có thể bị chết dần. Theo một số nghiên cứu, stress kéo dài, chất xám có nguy cơ bị giảm, não sẽ teo lại và suy giảm trí nhớ, khó tập trung hơn trong học tập, công việc, khả năng ghi nhớ và tư duy kém hơn.

Ngoài ra, stress kéo dài gây tổn thương các hoạt động của não bộ, người bệnh sẽ có nguy cơ mắc các bệnh rối loạn trạng thái, rối loạn thần kinh,…

b. Các vấn đề ở hệ tiêu hóa

Đường ruột có hàng trăm triệu tế bào thần kinh, và có khả năng sản xuất ra các hormon thần kinh hay còn gọi là thần kinh ruột. Thần kinh ruột hoạt động độc lập và có liên kết chặt chẽ với hệ thần kinh trung ương.

Stress kéo dài dẫn truyền thần kinh thông qua dây thần kinh phế vị và tác động lên hoạt động của dạ dày. Dẫn tới trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày,…

Ngoài ra, stress kéo dài có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh trong đường ruột dẫn tới một số bệnh như viêm ruột, hội chứng kích thích ruột, đau bụng, ỉa chảy, táo bón, khó tiêu,…

c. Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Stress gây ra những rối loạn về nhịp thở, nhịp tim tăng lên, đồng thời làm giảm lượng máu chảy đến tim, dẫn tới những bất thường trong hoạt động tim mạch.

Stress kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim,…

Stress kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, gia tăng ngu cơ đột quỵ

d. Gia tăng nguy cơ đột quỵ

Theo một vài nghiên cứu, những người bị căng thẳng stress kéo dài có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn so với người bình thường. Nếu tình trạng stress kéo dài không xử lý kịp thời sẽ dẫn tới đột quỵ, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

7. Cách giải tỏa stress

Khi bạn nhận ra mình đang bị stress, để vượt qua giai đoạn này, bạn có thể tham khảo một số gợi ý sau:

– Cố gắng sử dụng khiếu hài hước trong những tình huống khó khăn. Cười về chính bản thân mình cũng rất có lợi.

– Duy trì tập thể dục hay chơi thể thao thường xuyên vừa giúp bạn khỏe mạnh hơn và những cảm xúc tiêu cực sẽ được giải tỏa phần nào.

– Nhận ra và chấp nhận giới hạn: “Trèo cao, ngã đau”. Hãy thiết lập những mục tiêu thực tế và tính đến cả những phương án rủi ro.

– Duy trì chế độ ăn uống và giấc ngủ điều độ sẽ giúp bạn hồi phục sức khỏe và từ đó tỉnh táo và mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết vấn đề của mình. Mặc dù điều này khá khó khăn với người bệnh.

– Tìm kiếm những hoạt động hoặc giải trí mình say mê và hứng thú mà không cần quan tâm đến khả năng và trình độ của mình ở mức độ nào. Đôi khi bạn cần thoát ra những áp lực của cuộc sống.

– Thư giãn là những bài tập sử dụng sức mạnh tập trung của tâm trí để thả lỏng các cơ bắp và đưa tâm trí vào trạng thái thư thái bình an.

8. Điều trị stress như thế nào?

Stress nặng và kéo dài gây ra những hậu quả nặng nề về mọi mặt của người bệnh. Do vậy, khi có những dấu hiệu này, bạn cần gặp ngay bác sĩ tâm lý để được tư vấn và có hướng điều trị phù hợp.

a. Điều chỉnh lối sống

Đây là biện pháp cần thiết để kiểm soát căng thẳng và giảm tình trạng stress nặng. Đa phần các trường hợp bị stress đều bắt nguồn từ áp lực công việc, học tập, thói quen thức khuya, ngủ không đủ giấc,…

Điều chỉnh lối sốngđể kiểm soát căng thẳng và giảm tình trạng stress nặng

Do đó để cải thiện tình trạng stress nặng, bạn nên:

– Lên kế hoạch cụ thể để việc học tập và làm việc mang lại hiệu quả cao; chia đều khối lượng công việc để tránh căng thẳng quá mức.

– Nhờ sự hỗ trợ của bạn bè, người thân nếu có quá nhiều vấn đề phải giải quyết. Nên chia sẻ với những người xung quanh để nhận được sự đồng cảm, động viên.

– Xây dựng thời gian biểu hợp lý. Ưu tiên những công việc quan trọng và cố gắng sắp xếp sao cho có thời gian nghỉ ngơi, nên ngủ trước 23 giờ và ngủ ít nhất 6 giờ đồng hồ.

– Để kiểm soát stress từ những “thị phi” trong môi trường học tập, làm việc, bạn nên học cách không quan tâm với thái độ và cách nhìn của người khác.

– Sau thời gian học tập, làm việc, nên dành thời gian chăm sóc bản thân bằng các biện pháp thư giãn như tắm nước ấm, liệu pháp mùi hương, nghe nhạc, đọc sách, tập thể dục,…

– Không nên đặt yêu cầu quá cao với bản thân.

– Có chế độ ăn uống lành mạnh, tránh xa rượu bia, chất kích thích, thức ăn chứa nhiều gia vị và dầu mỡ..

b. Sử dụng thuốc

Sử dụng thuốc không được khuyến khích cho người bị stress nặng bởi dùng thuốc tiềm ẩn không ít rủi ro, tác dụng ngoài ý muốn. Trong trường hợp căng thẳng quá mức và không cải thiện hoàn toàn sau khi thay đổi lối sống, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc phù hợp.

Bạn nên trao đổi với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc phù hợp

Dùng thuốc chỉ được cân nhắc trong trường hợp cần thiết do có rất nhiều rủi ro và nguy cơ. Trong thời gian sử dụng, bạn nên chú ý các biểu hiện của cơ thể và thông báo ngay với bác sĩ ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường.

c. Trị liệu tâm lý

Liệu pháp tâm lý trị liệu là một trong những biện pháp kiểm soát stress, căng thẳng tốt nhất, mang lại hiệu quả điều trị cao nhất. Phương pháp này thực hiện thông qua nhiều hình thức (giao tiếp, trò chuyện, lao động, âm nhạc trị liệu,…) để tác động đến tâm lý của người bệnh.

Trị liệu tâm lý có thể giúp người bị stress nặng giải phóng căng thẳng

Trị liệu tâm lý có thể giúp người bị stress nặng giải phóng căng thẳng, tạo cảm giác thoải mái, mang lại nguồn năng lượng tích cực và giúp thay đổi tư duy, nhận thức.

Một số thông tin cần biết thêm về Stress: