Soạn bài Những ngôi sao xa xôi ngắn gọn, đầy đủ, chi tiết nhất

“Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê là câu chuyện về tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, gồm ba nữ thanh niên xung phong là Nho, Thao và Phương Định những cô gái thanh niên xung phong dũng cảm. Bài viết dưới đây Luật Minh Khuê sẽ cung cấp thông tin hướng dẫn soạn bài, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Khái quát tác giả Lê Minh Khuê

– Lê Minh Khuê sinh năm 1949; quê quán: huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa

– Sự nghiệp sáng tác:

+ Năm 1965, Lê Minh Khuê tham gia vào lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước.

+ Vào năm 1967, tác giả có những tác phẩm đầu tay và năm 1969 bà bắt đầu viết văn.

+ Ngoài ra, Lê Minh Khuê còn từng làm phóng viên cho nhiều báo đài.

+ Các đề tài chủ yếu: Trước 1975: Cuộc sống của tuổi trẻ trên tuyến đường Trường Sơn. Sau 1975: Bám sát vào những chuyển biến trong đời sống con người.

+ Một số tác phẩm chính tiêu biểu: Cao điểm mùa hạ, Màu xanh man trá, Tôi đã không quên, Bi kịch nhỏ, Cuộc chơi…

– Phong cách sáng tác: ngòi bút giàu nữ tính, nhẹ nhàng, tinh tế, đặc sắc.

 

2. Tìm hiểu về tác phẩm Những ngôi sao xa xôi

2.1. Hoàn cảnh sáng tác

– Tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” được viết năm 1971 trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt, lúc đó tác giả từng là chiến sĩ thanh niên xung phong ở Trường Sơn.

 

2.2. Bố cục truyện ngắn

Bố cục tác phẩm có thể chia làm 3 phần:

– Phần 1 (Từ đầu đến “điện thoại trong hang): Hoàn cảnh sống, chiến đấu của các nhân vật.

– Phần 2 (tiếp theo đến “tự bịa ra nữa”): Một lần phá bom, Nho đã bị thương, cả tổ chăm sóc Nho.

– Phần 3 (còn lại): Cảm xúc của Phương Định sau cơn mưa đá.

 

2.3. Tóm tắt tác phẩm

“Những Ngôi Sao Xa Xôi” của tác giả Lê Minh Khuê là câu chuyện về ba cô gái thanh niên xung phong: Thao, Phương Định và Nho, tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Ba cô gái trẻ này đã tham gia tổ trinh sát để phá bom, đo khối lượng đất và đá lấp vào hố bom để thông đường cho đoàn xe ra mặt trận. Dù công việc rất gian khổ và nguy hiểm, họ vẫn giữ vững niềm vui và sự hồn nhiên của tuổi trẻ. Họ yêu thương và gắn bó với nhau, mặc dù mỗi người có một cá tính riêng. Trong một lần phá bom, Nho bị thương và đồng đội của cô đã chăm sóc cô rất tận tình. Cuối truyện, một trận mưa đá đã gợi lên trong tâm trí của Phương Định những khát khao hoài niệm về quá khứ, nhưng cô vẫn tiếp tục sống và chiến đấu, không bao giờ quên những người bạn đã cùng nhau trải qua những tháng ngày khó khăn trên chiến trường.

 

2.4. Ý nghĩa nhan đề

Trong tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê, hình ảnh của những ngôi sao xa xôi xuất hiện nhiều lần và mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Chúng được miêu tả dưới nhiều hình thức khác nhau, bao gồm ngôi sao trên mũ của các chiến sĩ, ngôi sao trên bầu trời của quê hương và cả những ngôi sao của những khát khao và hy vọng. Những ngôi sao xa xôi được sử dụng như một ẩn dụ cho những cô gái thanh niên xung phong trên núi rừng Trường Sơn. Chúng tượng trưng cho phẩm chất cách mạng của những chiến sĩ này, đầy anh dũng, kiên cường và gan dạ. Tâm hồn của họ cũng được thể hiện qua những ngôi sao này, trong sáng, hồn nhiên, lạc quan và đầy mơ mộng. Mặc dù rất khiêm nhường, nhưng những ánh sáng này lại vô cùng đẹp đẽ và có sức mê hoặc lòng người. Nhan đề tác phẩm hết sức lãng mạn, mang nét đặc trưng của văn học thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

 

2.5. Giá trị nội dung

Tác phẩm ngắn Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê đã rõ ràng phác họa tâm hồn trong sáng, mơ mộng cùng tinh thần kiên cường, lạc quan, và gan dạ của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Họ đại diện cho tinh thần cao đẹp của thanh niên và thế hệ trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại Mỹ.

 

2.6. Giá trị nghệ thuật

Truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê sử dụng phương thức kể chuyện tự nhiên, thông qua góc nhìn của nhân vật chính Phương Định. Điều này làm tăng tính chân thực của câu chuyện và làm cho người đọc cảm nhận được sự sống động và sinh động của những tình huống và tâm lý của các nhân vật. Ngôn ngữ trong truyện cũng rất trẻ trung, nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật qua hành động, lời nói và suy nghĩ của họ được trình bày rất xuất sắc, tạo nên sức hút và thu hút người đọc.

 

3. Hướng dẫn soạn bài Những ngôi sao xa xôi đầy đủ, chi tiết nhất

Câu 1. Kể tóm tắt nội dung truyện. Truyện được trần thuật từ nhân vật nào? Việc chọn vai kể như vậy có tác dụng gì trong việc thể hiện nội dung truyện?

– Tóm tắt: Truyện kể cuộc sống của ba nữ thanh niên xung phong thuộc một tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Họ là Nho, Thao và Phương Định. Nhiệm vụ hàng ngày của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp, đánh dấu các trái bom chưa nổ và phá bom. Công việc hết sức nguy hiểm nhưng ba cô gái vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng. Trong một lần phá bom, Nho bị thương. Chị Thao và Phương Định hết sức lo lắng, chăm sóc tận tình cho cô. Một cơn mưa đá bất chợt đến trên điểm cao gợi cho các cô gái nhiều suy tư và khao khát.

– Truyện được trần thuật từ ngôi thứ nhất, theo lời kể của Định – nhân vật chính Việc chọn vai kể như vậy phù hợp với nội dung tác phẩm cũng thuận lợi cho việc miêu tả, biểu hiện thế giới tâm hồn, những cảm xúc và suy nghĩ của ba cô gái. Đồng thời còn khiến cho câu chuyện kể trở nên sinh động, chân thực hơn

Câu 2. Truyện kể về ba cô gái thanh niên xung phong ở một tổ trinh sát phá bom trên cao điểm. Ở họ có những nét gì chung đã gắn bó thành một khối thống nhất và những gì là nét riêng ở mỗi người?

a. Điểm chung

– Họ có phẩm chất chung của người chiến sĩ thanh niên xung phong: gan dạ, dũng cảm và lạc quan, yêu đời.

– Họ có lý tưởng sống cao đẹp: họ sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân, hy sinh hạnh phúc cá nhân để nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

– Kiên cường dũng cảm đối mặt với mưa bom bão đạn: Nơi các cô làm việc quả là một thử thách, không sợ hy sinh Bị thương nhưng vẫn sẵn sàng bám trụ chia lửa cùng đồng đội

– Tinh thần trách nhiệm cao với công việc: Khối lượng công việc lớn nhưng các cô thường cố gắng hoàn thành tốt mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ

– Họ còn có tình đồng chí, đồng đội gắn bó đầy yêu thương: Khi Nho bị thương, chị Thao lo cho Nho, Phương Định rửa cho Nho bằng nước đun sôi, tiêm cho Nho, chăm sóc Nho như một cô y tá thành thạo

=> Các cô đều có những nét tính cách đẹp đẽ và đáng yêu, là những con người sinh động từ cuộc sống thực bước vào tác phẩm một cách tự nhiên.

b. Điểm riêng

* Nhân vật Nho: là em út, tính trẻ con, thích ăn kẹo, có dáng vẻ nhỏ nhắn, cứ mỗi lần đi trinh sát về lại đi tắm khiến Phương Định liên tưởng Nho như một que kem mát mẻ. Nhưng khi bị thương lại luôn là một cô gái rắn rỏi và bản lĩnh.

* Nhân vật Thao: Chị Thao là chị cả nhưng lại thích làm duyên: Lông mày tỉa nhỏ như cái tăm, áo lót cái nào cũng thêu chỉ màu. Chị rất chăm chép bài hát mặc dù không hát trôi chảy bài nào. Trong công việc luôn dũng cảm quyết đoán nhưng lại rất sợ máu và sợ vắt.

=> Trong cô có sự kết hợp giữa cái nhút nhát, mềm yếu và cái bản lĩnh quyết đoán đến vô cùng.

* Nhân vật Phương Định:

– Một cô gái có tâm hồn trong sáng:

+ Người Hà Nội, từng có một thời học sinh hồn nhiên vô tư. Hay nhớ về kỷ niệm (kỷ niệm luôn sống lại trong cô ngay giữa chiến trường ác liệt; chỉ một cơn mưa đá vụt qua là kỷ niệm lại thức dậy trong cô… ). Nó vừa là khao khát, vừa là liều thuốc tinh thần động viên cô nơi tuyến lửa.

+ Nhạy cảm, thường quan tâm đến hình thức (tự đánh giá mình là một cô gái khá… ); biết mình được nhiều người để ý, thấy tự hào nhưng không vồn vã mà tỏ ra kín đáo, tưởng như kiêu kỳ.

+ Hay mơ mộng, tìm thấy sự thú vị trong cuộc sống, trong cả công việc đầy nguy hiểm “Việc nào cũng có cái thú vị của nó. Có ở đâu như thế này hay không… ”.

+ Nó như thách thức thần kinh con người để rồi lúc vượt qua nó, chiến thắng nó, cô cảm thấy thú vị. Thích hát, thuộc rất nhiều bài hát (từ bài hành khúc bộ đội đến… ), thậm chí bịa ra lời mà hát. Dưới cơn mưa đá, cô “vui thích cuống cuồng”, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ.

– Phương Định là người có phẩm chất anh hùng: Tinh thần trách nhiệm với công việc. Dũng cảm, gan dạ. Bình tĩnh, tự tin và rất tự trọng.

=> Phương Định (cũng như Nho và Thao) là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước.

Câu 3. Tác giả đã thể hiện chân thực và sinh động, tự nhiên tâm lý của những cô gái thanh niên xung phong tuổi đời còn rất trẻ. Hãy phân tích tâm lý nhân vật Phương Định, tập trung vào những đoạn:

– Nhân vật tự quan sát và đánh giá về mình ở phần đầu của truyện.

– Tâm trạng của cô trong một lần phá bom ở phần cuối truyện.

– Cảm xúc trước trận mưa đá ở cuối truyện.

Đoạn truyện nhân vật tự quan sát và đánh giá về mình cho thấy cô rất nhạy cảm và quan tâm đến hình thức của mình. Cô tự đánh giá “Tôi là con gái Hà Nội. Nói một cách khiêm tốn, tôi là một cô gái khá. Hai bím tóc dày, tương đối mềm, một cái cổ cao, kiêu hãnh như đài hoa loa kèn. Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: “Cô có cái nhìn sao mà xa xăm!”. Cô biết mình được nhiều người, nhất là những anh lính để ý và có thiện cảm. Điều đó làm cô kiêu hãnh và tự hào, nhưng chưa dành riêng tình cảm cho một ai. Nhạy cảm, nhưng cô lại không hay biểu lộ tình cảm của mình, tỏ ra kín đáo giữa đám đông, tưởng như là kiêu kỳ. Cô vẫn giữ nguyên sở thích âm nhạc của mình, gửi lòng mình vào tiếng hát, thích bịa lời cho những điệu nhạc: “Tôi thích nhiều bài. Những bài hành khúc bộ đội hay hát lên những ngả đường mặt trận. Tôi thích dân ca quan họ, mềm mại, dịu dàng, thích Ca-chiu-sa của Hồng quân Liên Xô”. Đó là một sở thích rất thanh lịch phản ánh vốn văn hóa, hiểu biết của một cô gái có học vấn.

– Tâm trạng Phương Định trong một lần phá bom được miêu tả rất cụ thể, tinh tế đến từng cảm giác, ý nghĩ dù chỉ thoáng qua trong giây lát. Cô luôn bình tĩnh, tự tin và rất tự trọng; luôn hoàn thành nhiệm vụ với trách nhiệm cao nhất. Khi thực hiện nhiệm vụ phá bom, ban đầu cô cũng cảm thấy căng thẳng, hồi hộp, nhưng cảm thấy có ánh mắt của các chiến sĩ đang dõi theo động viên, khích lệ, lòng tự trọng của cô đã thắng cả bom đạn. Cô không đi khom mà đàng hoàng bước tới, bình tĩnh, tự tin thực hiện từng thao tác phá bom, chạy đua với thời gian để vượt qua cái chết.

– Cảm xúc trước trận mưa đá ở cuối truyện: Những trận mưa đá lúc ở hang làm hiện ra một Phương Định trong niềm vui con trẻ đang “nở tung ra, say sưa, tràn đầy” như chưa hề nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ. Trận mưa đá bất ngờ kéo cô về với tuổi thơ ngày nào. Cùng với trận mưa đá, những kỷ niệm thời thiếu nữ lại trào lên trong cô, không thể nào ngăn nổi “xoáy mạnh như sóng” trong tâm trí cô biết bao nhiêu hình ảnh thân thương của gia đình và thành phố quê hương.

Câu 4. Em có nhận xét gì về ngôn ngữ, giọng điệu của truyện?

Ngôn ngữ giản dị, vừa mang tính khẩu ngữ vừa đậm chất trữ tình, trẻ trung và có phần nữ tính, ngôi kể trần thuật phù hợp với nhân vật kể chuyện. Câu văn ngắn, nhịp điệu dồn dập, gợi lên không khí chiến trường.

– Sử dụng phương thức trần thuật, với ngôi kể thứ nhất, lựa chọn nhân vật người kể chuyện đồng thời là nhân vật trong truyện.

– Nghệ thuật khắc họa nhân vật đặc sắc bằng miêu tả tâm lý và ngôn ngữ nhân vật.

– Có lời trần thuật, lời đối thoại tự nhiên, phù hợp với nhân vật kể chuyện.

– Câu văn ngắn, nhịp nhanh, hình ảnh so sánh được sử dụng nhiều

– Ngôn ngữ kể chuyện hồn nhiên, trẻ trung và giàu nữ tính.

– Nhịp kể của câu chuyện cũng thay đổi: khi khẩn trương, căng thẳng, khi chậm rãi, sâu lắng.

Câu 5. Đọc truyện ngắn này, em hình dung và cảm nghĩ như thế nào về tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ?

Câu chuyện cho ta thấy tuổi trẻ thế hệ thanh niên kháng chiến chống Mỹ gặp nhiều gian lao, hiểm nguy nhưng ở họ vẫn luôn ngời sáng tinh thần tự do, dũng cảm, ngang tàng. Họ dũng cảm, không sợ cái chết, ở họ có tình yêu sâu đậm với quê hương, đất nước. Với tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội, tuổi trẻ Việt Nam họ ra rất quyết tâm và nhiệt huyết trong việc tham gia các hoạt động kháng chiến, từ làm công tác tình báo, tuyên truyền cho đến chiến đấu trên mặt trận. Họ đã đối mặt với những khó khăn và nguy hiểm, nhưng vẫn không ngừng lên tiếng, truyền bá tinh thần đấu tranh cho nhân dân. Với sự đoàn kết, quyết tâm và nhiệt huyết của tuổi trẻ Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ đã kết thúc bằng một thắng lợi lịch sử. Sự cống hiến của thế hệ trẻ đã góp phần vào việc đánh bại chế độ đế quốc Mỹ, giành lại độc lập và tự do cho dân tộc Việt Nam. Với những thành tựu đó, thế hệ trẻ, thanh niên Việt Nam đã được đánh giá cao và trở thành niềm tự hào của dân tộc. Sự quyết tâm, nhiệt huyết và trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là một mẫu gương sáng cho thế hệ mai sau nên học tập và noi theo. 

Trên đây bài viết chia sẻ kiến thức Luật Minh Khuê biên soạn nội dung Soạn bài tác phẩm Những ngôi sao xa xôi ngắn gọn, chi tiết đầy đủ nhất. Với nội dung bài Những ngôi sao xa xôi các bạn học sinh cùng quý thầy cô cần nắm vững kiến thức về hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tinh thần yêu nước, lạc quan của ba cô thanh niên xung phong được miêu tả qua tác phẩm. Mọi thông tin góp ý xin vui lòng liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ. Chân thành cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết!