Sở Tư Pháp Quảng Trị > Tin tức – Nghiên cứu, trao đổi > Tin tức chuyên ngành > Phổ biến, giáo dục PL

                                                         Lê Thị Huyền

                                                       Phòng PBGDPL Sở Tư pháp

 

 

Quyền của trẻ em luôn được Nhà nước quan tâm và bảo vệ   Ảnh: Hoàng Nam

 

       Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước. Tình thương ấy xuất phát từ tư tưởng, tầm nhìn và chiến lược “trăm năm trồng người”. Người đã dày công vun trồng cho thế hệ mầm non của đất nước, Người đặc biệt đề cao vai trò của trẻ em “ngày nay các cháu là nhi đồng, ngày sau các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới”. Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã và đang quan tâm, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0, thiên tai, đại dịch covid-19 đang hoành hoành…việc bảo đảm quyền trẻ đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cần có những giải pháp kịp thời. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến một số vấn đề pháp lý về quyền trẻ em và những thách thức, giải pháp trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em trong bối cảnh hiện nay.

       1. Một số vấn đề pháp lý về quyền trẻ em

       Quyền trẻ em được hiểu là tất cả những gì trẻ em cần có để được sống và lớn lên một cách lành mạnh và an toàn. Quyền trẻ em nhằm đảm bảo cho trẻ em không chỉ là người tiếp nhận thụ động lòng nhân từ của người lớn, mà các em là những thành viên tham gia tích cực vào quá trình phát triển.

       Năm 1989, Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em của Đại hội đồng Liên hợp quốc được thông qua, gồm 54 điều khoản. Theo đó, cộng đồng quốc tế đã thừa nhận các quyền trẻ em và yêu cầu các quốc gia phải bảo đảm quyền của trẻ em,  các quyền của trẻ em theo Công ước được phân thành bốn nhóm quyền, cụ thể như sau: 

       1.Quyền được sống còn bao gồm quyền của trẻ em được sống một cuộc sống bình thường và được đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất để tồn tại và phát triển thể chất. Đó là mức sống đủ, có nơi ở, ăn uống đủ chất, được chăm sóc sức khỏe. Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi ra đời.

       2.Quyền được phát triển gồm những điều kiện để trẻ em có thể phát triển đầy đủ nhất về cả tinh thần và đạo đức, bao gồm quyền được học tập, vui chơi, tham gia các hoạt động văn hóa, tiếp nhận thông tin, tự do tư tưởng, tôn giáo, tín ngưỡng. Trẻ em cần có sự yêu thương và cảm thông của cha mẹ để phát triển hài hòa.

       3.Quyền được bảo vệ bao gồm những quy định như trẻ em phải được bảo vệ chống tất cả các hình thức bóc lột lao động, bóc lột và xâm hại tình dục, lạm dụng ma túy, sao nhãng và bị bỏ rơi, bị bắt cóc, buôn bán. Trẻ em còn được bảo vệ khỏi sự can thiệp vô cớ vào thư tín và sự riêng tư. Quyền được bảo vệ bao gồm cả không bị tra tấn, đánh dập và lamk dụng trong trường hợp trẻ em làm trái pháp luật hay bị giam giữ.

        4.Quyền được tham gia tạo mọi điều kiện cho trẻ em được tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến về những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình. Trẻ em còn có quyền kết bạn, giao lưu và hội họp hòa bình, được tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin và lựa chọn thông tin phù hợp.

       Với nỗ lực cao nhất, dành những gì tốt nhất cho trẻ em, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Theo Điều 1, Luật Trẻ em năm 2016 thì “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”. Nhà nước Việt Nam đã không ngừng làm hài hòa pháp luật quốc gia với Công ước quyền trẻ em. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến trẻ em đã đều thể hiện rõ quan điểm nhất quán về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược của quốc gia, cụ thể: Hiến pháp Việt Nam năm 2013 dành một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em, Hiến pháp quy định “Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em” (khoản 1, Điều 37, Hiến pháp năm 2013).

       Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em lần đầu được Quốc hội thông qua năm 1991 – ngay sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước, tiếp tục được sửa đổi năm 2004, cho đến Luật Trẻ em năm 2016 (gồm 7 Chương và 106 Điều, trong đó quy định 25 quyền dành cho trẻ em) đã quy định đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, văn hóa, xã hội, kinh tế của trẻ em phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và chuẩn mực quốc tế khác về quyền con người, quyền trẻ em dựa trên tinh thần Hiến pháp năm 2013. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến trẻ em trong quá trình sửa đổi, bổ sung cũng luôn cập nhật, đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn các thông lệ và chuẩn mực quốc tế có liên quan đến quyền trẻ em. Đơn cử: Tháng 9/2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao thông qua Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định về các điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Nghị quyết đã tạo nên cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn để bảo vệ một cách công bằng cả trẻ em gái và trẻ em trai dưới 18 tuổi khỏi xâm hại tình dục, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn và quy định nhiều biện pháp để quá trình xét xử thân thiện hơn, nhạy cảm hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu đặc biệt của người chưa thành niên, theo tinh thần của Công ước và các điển hình tốt trên thế giới.

       2. Những thách thức và giải pháp bảo đảm quyền trẻ em

       Có thể thấy, trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và nhân dân đặc biệt quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực, cùng với hệ thống pháp luật về quyền trẻ em được xây dựng theo hướng ngày càng tiến bộ, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, các quyền của trẻ em đã được thực hiện tốt hơn, đồng thời những vấn đề phát sinh về trẻ em được chú trọng giải quyết. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tế cho thấy, trong bối cảnh hiện nay đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức trong việc bảo đảm quyền trẻ em, một số thách thức có thể kể đến như sau:

       Thứ nhất, trước tình hình đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu và tại Việt Nam, một số tỉnh, thành phố đã ghi nhận các chùm ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, nhiều địa phương đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học và học trực tuyến tại nhà, số trẻ em phải cách ly tại gia đình, ở các địa bàn phải giãn cách xã hội hoặc các cơ sở cách ly tập trung tiếp tục tăng lên. Trong đó, nhiều em nhỏ phải xa cha mẹ, xa gia đình. Tại các khu cách ly, có những em có hoàn cảnh rất khó khăn, thương tâm khi nhiều người trong gia đình cùng mắc Covid-19 hoặc bố, mẹ tử vong vì căn bệnh này. Bên cạnh các nguy cơ lây nhiễm bệnh và phải tự lập trong cuộc sống hằng ngày các em còn có nguy cơ cao bị sang chấn, khủng hoảng tâm lý.

       Thứ hai, kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế một mặt thúc đẩy các cam kết, chuẩn mực chung về quyền con người và quyền trẻ em thông qua các hiệp định thương mại tự do. Mặt khác, đa dạng hóa các thành phần kinh tế, nới lỏng di cư, xuất nhập cảnh, đăng ký hộ tịch, quốc tịch, thúc đẩy du lịch… làm gia tăng các nguy cơ sử dụng lao động trẻ em, mua bán trẻ em, xâm hại, bóc lột trẻ em, trẻ em lánh nạn, tị nạn không có người lớn đi cùng… Đặc biệt, làm gia tăng bất bình đẳng về cơ hội phát triển đối với trẻ em miền núi, thiểu số, vùng nghèo.

       Thứ ba, trẻ em là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên và dai dẳng của biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường khắc nghiệt, suy giảm nguồn tài nguyên; bị mất và hạn chế việc bảo đảm các quyền từ nhiều góc độ về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ.

       Thứ tư, đô thị hóa và di cư dẫn đến tình trạng trẻ em nông thôn thiếu sự chăm sóc, bảo vệ của cha mẹ. Trẻ em cùng cha mẹ đến đô thị, khu công nghiệp khó tiếp cận dịch vụ cơ bản có chất lượng; giáo dục, đặc biệt giáo dục mầm non thiếu và không đảm bảo tiêu chuẩn; không được khai sinh; không tiếp cận được bảo hiểm y tế; gia tăng tai nạn thương tích do thiếu giám sát của gia đình… Trong khi đó, trẻ em ở đô thị cũng chịu áp lực do thiếu hạ tầng dịch vụ giáo dục, y tế, vui chơi giải trí; môi trường sống thiếu an toàn (tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường…).

       Thứ năm, cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển Internet, mạng xã hội một mặt tạo môi trường để trẻ em phát triển trí tuệ, giao tiếp xã hội nhanh hơn thì cũng đồng thời làm gia tăng các nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thông tin xấu, độc, thiếu chuẩn mực; bị bạo lực, xâm hại trên và thông qua môi trường mạng.

       Trước những thách thức đó, đòi hỏi chúng ta phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm và cùng chung tay để bảo đảm quyền trẻ em. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải có những giải pháp thiết thực để bảo đảm quyền trẻ em trước rất nhiều thách thức trong bối cảnh hiện nay, một số giải pháp cần ưu tiên tập trung thực hiện trong giai đoạn tới như sau:

Một là, cần phải nâng cao nhận thức bảo vệ trẻ em là một nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm để phát triển bền vững; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn thể cộng đồng, trong đó gia đình là thiết chế quyết định.

       Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách bảo vệ quyền trẻ em từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp, ngăn chặn, xử lý vi phạm và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân để đảm bảo cho trẻ em được an toàn, can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đã, đang bị xâm hại. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức chính trị – xã hội có liên quan cần tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền trẻ em; giám sát việc bố trí nhân lực và ngân sách để thực hiện công tác này. Gia đình mà trực tiếp là cha, mẹ cần xác định rõ những nguy cơ “cạm bẫy” mà trẻ em đang phải đối mặt cả ngoài đời thực lẫn trên môi trường mạng. Đồng thời, Gia đình và toàn xã hội cần phải nhận thức đầy đủ, có kiến thức hiểu biết sâu sắc hơn về quyền trẻ em, các cơ chế hữu hiệu để bảo đảm quyền trẻ em trong các môi trường xã hội nói chung và trong môi trường gia đình nói riêng. Đó là trách nhiệm và bổn phận của tất cả chúng ta dành cho trẻ em.

       Hai là, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội thực thi quyền trẻ em; lồng ghép thực hiện quyền trẻ em trong các chương trình, kế hoạch, dự án và công tác có liên quan.

       Trước hết tại các địa phương cần phải kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giao dục trẻ em. Cần thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục quyền con người trong cộng đồng nói chung và trong hệ thống các trường học nói riêng. Cần có các hình thức, nội dung giáo dục quyền con người phù hợp với từng đối tượng công dân. Trong đó chú trọng tuyên truyền, phổ biến đến mọi người dân về trách nhiệm của cộng đồng đối với việc bảo vệ quyền trẻ em. Các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, chính quyền cần tiếp cận sâu đối với gia đình để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các bậc cha, mẹ và những người thân của trẻ về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với trẻ. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, phù hợp với từng đối tượng, từng nội dung tuyên truyền, phổ biến, gần gũi, sát thực với người dân.

       Bên cạnh đó, cần phải tăng cường hoạt động giáo dục quyền con người trong trường học. Mặc dù trong chương trình môn học Giáo dục công dân của các cấp học đã có một số nội dung về quyền con người, song các nội dung này còn rất ít và mờ nhạt. Hình thức dạy và học các nội dung này trong các nhà trường chưa mang lại hiệu quả cao. Chúng ta tin tưởng rằng, khi trẻ em có nhận thức đầy đủ về quyền của mình thì chính các em sẽ bảo vệ được bản thân mình, dám đấu tranh chống lại các hành vi xâm hại quyền trẻ em.

       Ba là, cần bảo đảm trợ giúp cho trẻ em với những điều kiện tốt nhất từ xã hội.

       Bảo đảm trợ giúp trẻ em bao gồm hỗ trợ cho trẻ em có nguy cơ hoặc đã, đang bị xâm hại được bảo đảm an toàn, chăm sóc, tạo điều kiện để phục hồi và phòng ngừa những tổn thương có thể xảy đến trong tương lai. Các biện pháp trợ giúp cho trẻ em cần được thực hiện một cách đa dạng, linh hoạt, bao gồm: Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý; giám sát, đảm bảo sự an toàn của trẻ em; bố trí người chăm sóc; giáo dục cho trẻ em kỹ năng tự mình phòng tránh xâm hại; giáo dục người thân, gia đình về cách thức hỗ trợ, chăm sóc trẻ em bị xâm hại;… Đồng thời, các cấp chính quyền và các tổ chức và mọi cá nhân cần có cơ chế để phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền trẻ em. Ngoài các chế tài của pháp luật, cần có sự cộng tác chặt chẽ với công tác truyền thông và dư luận xã hội để có thái độ và ứng xử một cách thỏa đáng đối với các hành vi vi phạm quyền trẻ em.

       Ngoài ra, để bảo đảm an toàn cho các em trước nguy cơ dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các ngành, các đơn vị chức năng tại cơ sở, địa phương phải tham mưu với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai kịp thời các biện pháp bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh dịch bệnh, nhanh chóng phối hợp cập nhật số lượng, lập danh sách và nhu cầu của trẻ em ở các địa bàn giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung và sử dụng ngân sách hoặc các nguồn vận động khác để hỗ trợ dinh dưỡng, đồ dùng thiết yếu, thuốc và các vật phẩm y tế bổ sung cho trẻ em với phương châm không để một trẻ em nào có nhu cầu, gặp khó khăn mà không được hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi lượng vaccine phòng Covid-19 vẫn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu xã hội, thì mỗi bậc phụ huynh trước hết cần hướng dẫn con em mình chấp hành đúng các biện pháp cách ly như: Đeo khẩu trang tại nơi công cộng; rửa tay và giãn cách xã hội; đồng thời nên cho trẻ hạn chế tiếp xúc, tập trung nơi đông người…

       Tóm lại, Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước,  bảo vệ quyền trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội. Để quyền trẻ em được tôn trọng và được thực hiện một cách nghiêm chỉnh tuyệt đối thì Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị cần phải nhận thức rõ ràng, nhất quán công tác bảo vệ quyền trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đất nước và nâng cao ý thức của toàn thể cộng đồng cũng như ý thức của chính trẻ em về quyền trẻ em, hoàn thiện các chế tài và xử lý kịp thời, nghiêm minh những đối tượng xâm hại quyền trẻ em. Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của gia đình và cả cộng đồng quyền trẻ em ngày càng được phát huy và bảo đảm toàn diện, xứng đáng là những mầm non, chủ nhân tương lai của đất nước.