“Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin và con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc

“Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin và con đường giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc

Tại Đại hội II (1920) Quốc tế Cộng sản, V.I.Lênin đã trình bày “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Bản Sơ thảo gồm 12 luận điểm, trong đó vấn đề dân tộc và thuộc địa đã được Quốc tế Cộng sản và V.I.Lênin thừa nhận “như là sự mở rộng của nguyên tắc liên minh công nông trên quy mô toàn thế giới”.

Năm 1919, Quốc tế Cộng sản được thành lập tại Mátxcơva. Dưới sự lãnh đạo của V.I.Lênin, Quốc tế Cộng sản đã ra tuyên bố ủng hộ và giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Tại Đại hội II (1920) Quốc tế Cộng sản, V.I.Lênin đã trình bày “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”. Bản Sơ thảo gồm 12 luận điểm, trong đó vấn đề dân tộc và thuộc địa đã được Quốc tế Cộng sản và V.I.Lênin thừa nhận “như là sự mở rộng của nguyên tắc liên minh công nông trên quy mô toàn thế giới”(1). Nguyễn Ái Quốc đã đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”của V.I.Lênin đăng trên báo Nhân đạo(7-1920). Tác phẩm này đã đưa đến cho Nguyễn Ái Quốc những nhận thức mới về con đường giải phóng dân tộc ở thuộc địa.

V.I.Lênin

 

1. Nội dung cơ bản của “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”

Luận cương xác định đúng đắn, khoa học vấn đề quốc gia dân tộc và mối quan hệ giữa các dân tộc trong một quốc gia, về quyền bình đẳng của các dân tộc. V.I.Lênin đã đề cập trong “Sơ thảo luận cương” những vấn đề về chủ quyền quốc gia dân tộc, mối quan hệ giữa các quốc gia dân tộc trong giai đoạn CNTB bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa và sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc. V.I.Lênin đòi hỏi phải “phân biệt thật rõ nét những dân tộc bị áp bức, phụ thuộc, không được hưởng quyền bình đẳng, với những dân tộc đi áp bức, bóc lột, được hưởng đầy đủ mọi quyền lợi”(2); khẳng định quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc không phân biệt màu da, Người yêu cầu các đảng cộng sản cần phải “tố cáo những việc vi phạm thường xuyên nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc và những sự đảm bảo quyền lợi của các dân tộc thiểu số trong tất cả các quốc gia tư bản chủ nghĩa”(3).

V.I.Lênin chỉ rõ rằng, ở các nước tư bản đang thống trị các dân tộc lạc hậu, thuộc địa, giai cấp vô sản phải ủng hộ tích cực nhất phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa. Các nhà cách mạng ở chính quốc và thuộc địa phải đoàn kết với nhau trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Các đảng cộng sản ở chính quốc và cả thuộc địa “cần phải thi hành một chính sách thực hiện sự liên minh chặt chẽ nhất của tất cả các phong trào giải phóng dân tộc và thuộc địa với nước Nga Xô viết”(4). Hơn nữa, với những nước cách mạng thành công như nước Nga, phải đóng vai trò thành trì cách mạng thế giới, phải có nhiệm vụ giúp đỡ các nước khác làm cách mạng.

Đồng thời, cách mạng thuộc địa không chỉ có nhiệm vụ giải phóng nước mình khỏi ách đô hộ của nước ngoài mà cần phải đấu tranh chống lại bọn phản động trong nước vì chúng là đồng minh của chủ nghĩa đế quốc; phải chú ý đến lực lượng nông dân đông đảo, xây dựng khối liên minh công – nông; phát triển cuộc đấu tranh chống đế quốc đi đôi với chống phong kiến, hình thành phong trào dân tộc dân chủ rộng rãi.

V.I.Lênin khẳng định: “điều quan trọng nhất trong chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa phải là làm cho vô sản và quần chúng lao động của tất cả các dân tộc và tất cả các nước gần gũi nhau để tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng chung nhằm lật đổ bọn địa chủ và giai cấp tư sản. Bởi vì chỉ có sự gần gũi ấy mới bảo đảm việc chiến thắng chủ nghĩa tư bản, nếu không có chiến thắng đó thì không thể thủ tiêu được ách áp bức dân tộc và tình trạng bất bình đẳng”(5).

Luận cương đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhận thức rõ ràng rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản, con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra. Luận cương đã trực tiếp chỉ ra con đường cứu nước của các dân tộc thuộc địa: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”(6). Vì vậy, Nguyễn Ái Quốc hoàn toàn tin tưởng V.I.Lênin và Quốc tế Cộng sản. 

Liên quan đến bản “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa”, còn có “Báo cáo của các tiểu ban về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”(26-7-1920) của V.I.Lênin và những văn kiện khác được trình bày trong Đại hội II Quốc tế Cộng sản, đã góp phần gợi mở cho Nguyễn Ái Quốc từng bước hoàn thiện lý luận của mình. Trong “Báo cáo của các tiểu ban về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa”,dựa trên kinh nghiệm đầu tiên của Đảng Bônsêvích (b) Nga rút ra qua công tác tại các nước Cộng hòa Xô viết ở Trung Á, V.I.Lênin đưa ra nhận định rằng: “với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ Xô viết, và qua những giai đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản, không phải trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”(7). Luận điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc.

2. Tác động của “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” đối với Nguyễn Ái Quốc

Thứ nhất, Luận cương làm thay đổi hoạt động thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc

Sau chặng đường trải nghiệm ở khắp các nước Âu – Mỹ, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc đã chứng kiến cảnh lầm than của người lao động trên thế giới. Người trở lại Pháp tham gia các hoạt động chính trị. Tại đây, đầu năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp với lý do đây là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”. Kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ngày 18-6-1919, đại biểu các nước đế quốc tham chiến họp Hội nghị ở Vécxây (Pháp). Thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Tất Thành cùng Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường thảo ra bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi tới Hội nghị Vécxây (ký tên Nguyễn Ái Quốc). Bản Yêu sách phản ánh nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, không được Hội nghị xem xét, song nó đã trở thành mối dự cảm đầy lo âu đối với thực dân Pháp rằng, “người thanh niên mảnh khảnh và đầy sức sống này có thể là người sẽ đặt chữ thập cáo chung lên nền thống trị của chúng ta ở Đông Dương”(8).

Trong thời gian tham gia Đảng Xã hội Pháp, Nguyễn Ái Quốc luôn hướng các đảng viên trong Đảng nhìn nhận vấn đề Đông Dương thuộc địa một cách thực chất và tích cực nhất. Trong bài phát biểu tại Đại hội XVIII Đảng Xã hội Pháp (Đại hội Tua, tháng 12-1920), Người lên án chủ nghĩa đế quốc Pháp, vì lợi ích của chúng, đã dùng lưỡi lê chinh phục Đông Dương và trong suốt nửa thế kỷ, nhân dân Đông Dương không những bị áp bức và bóc lột một cách nhục nhã mà còn bị hành hạ và đầu độc một cách thê thảm. Với những bằng chứng chân thật, Nguyễn Ái Quốc tố cáo sự tàn bạo mà bọn thực dân Pháp đã gây ra ở Đông Dương, và cho rằng: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức”, rằng “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa… đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa…”(9).

Tại Đại hội này của Đảng Xã hội Pháp, Người bỏ phiếu tán thành việc Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản và cùng với những người gia nhập Quốc tế III tuyên bố thành lập phân bộ Pháp của Quốc tế Cộng sản, trở thành người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, từ một chiến sĩ giải phóng dân tộc thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế.

Là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, Nguời luôn tranh thủ mọi diễn đàn để đề cập vấn đề thuộc địa ở Đông Dương, góp phần tích cực vào việc xây dựng chính sách thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp. Trên các diễn đàn chính trị quốc tế, Người luôn đấu tranh bảo vệ tư tưởng của V.I.Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đồng thời cố gắng thu hút sự chú ý của các tổ chức quốc tế đối với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Tại Đại hội V của Quốc tế Cộng sản (1924), Người nhấn mạnh vai trò quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc; về mối quan hệ giữa cách mạng vô sản phương Tây với cách mạng giải phóng dân tộc ở phương Đông; đồng thời Người cũng thẳng thắn phê bình nhiều đảng viên các Đảng Cộng sản ở chính quốc chưa thực sự quan tâm và hiểu đúng về cách mạng thuộc địa. Người thẳng thắn chỉ ra rằng nhiều đảng cộng sản còn nhận thức khá lệch lạc về thuộc địa, họ coi “người bản xứ là một hạng người thấp kém, không đáng kể, không có khả năng để hiểu biết và lại càng không có khả năng hoạt động”(10); ngược lại người bản xứ thì coi “những người Pháp – mặc dầu họ là hạng người nào cũng đều là những kẻ bóc lột độc ác”(11). Từ những nhận thức mơ hồ, cách nhìn lệch lạc về thuộc địa đã tạo điều kiện cho các chính quyền thực dân đế quốc gia tăng chính sách áp bức thuộc địa, lừa bịp chính quốc về công việc “xuất cảng văn minh sang các nước lạc hậu”. Vì vậy, Người kiến nghị: Quốc tế Cộng sản cần phải giúp đỡ họ, tổ chức họ lại, cần phải cung cấp cán bộ lãnh đạo cho họ và chỉ cho họ con đường đi tới cách mạng và giải phóng.

Thứ hai, Luận cương đã gợi mở lý luận cách mạng cho Nguyễn Ái Quốc

Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc rằng, chủ nghĩa thực dân không chỉ là kẻ thù trực tiếp, nguy hại nhất của các thuộc địa mà còn là kẻ thù chung của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Do đó, cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa có mối quan hệ khăng khít với cách mạng vô sản ở chính quốc. Vì vậy, phải thực hiện sự liên minh chiến đấu giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản chính quốc theo khẩu hiệu của Quốc tế Cộng sản: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Khi vận dụng nội dung Luận cương của V.I.Lênin vào thực tiễn cách mạng ở thuộc địa, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rằng: “chủ nghĩa đế quốc hiện đại đặt nền móng trên sự bóc lột hàng triệu người lao động ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa. Bởi thế, nó chỉ tan rã hoàn toàn và vĩnh viễn khi nào chúng ta phá bỏ được nền móng đó của lâu đài đế quốc chủ nghĩa”(12). Theo Người: “Cuộc đấu tranh cách mạng của công nhân các nước tư bản trực tiếp giúp cho các dân tộc bị áp bức tự giải phóng mình, vì cuộc đấu tranh đó đánh thẳng vào trái tim của bọn áp bức;… Trong khi đó, cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa lại trực tiếp giúp đỡ giai cấp vô sản các nước tư bản trong cuộc đấu tranh chống các giai cấp thống trị để tự giải phóng khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa tư bản. Sự nhất trí của cuộc đấu tranh chống đế quốc bảo đảm thắng lợi cho các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa và cho giai cấp vô sản ở các nước tư bản”(13). Đó là cơ sở để cách mạng vô sản ở thuộc địa có tính độc lập, chủ động không phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc, nó có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, góp phần thúc đẩy cách mạng chính quốc tiến lên.

Với điều kiện và thực tế lịch sử Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy rằng, cách mạng vô sản và độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ con đường này chẳng những giải phóng hoàn toàn dân tộc Việt Nam khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa đế quốc, mà còn giải phóng nhân dân Việt Nam khỏi mọi sự áp bức bóc lột, đi đến ấm no, hạnh phúc thực sự. Sự lựa chọn này vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của dân tộc Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của nhân loại và thời đại mới – thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH đã được mở ra, bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917.

Tư tưởng gắn độc lập dân tộc với CNXH đã trở thành đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đây là lý luận cách mạng không ngừng của C.Mác, V.I.Lênin được Nguyễn Ái Quốc vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Theo Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc, trước hết thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là đánh đuổi đế quốc xâm lược như “An Nam đuổi Pháp, Ấn Độ đuổi Anh, Cao Ly đuổi Nhật, Philíppin đuổi Mỹ, Tàu đuổi các đế quốc chủ nghĩa để giành lấy quyền tự do, bình đẳng cho dân nước mình”(14).  Người chủ trương “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, gắn nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc là nhiệm vụ chống phong kiến Việt Nam lỗi thời, phản bội quyền lợi dân tộc, giành quyền dân chủ cho nhân dân. Để làm được điều đó phải tiến hành cách mạng đến cùng, phải “cách mệnh đến nơi”, phải đem chính quyền “giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”; có như thế dân chúng mới được hạnh phúc.

Người xác định nòng cốt của cách mạng là liên minh công – nông, lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc là lực lượng toàn dân, cách mạng là sự nghiệp chung của dân chúng. Để đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi, cần phải hình thành mặt trận dân tộc rộng rãi, đoàn kết tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội mong muốn được giải phóng khỏi ách thuộc địa. Vì vậy, Người cho rằng: “Một điều phải chú ý đặc biệt là vai trò của giai cấp tư sản nói chung tại các nước thuộc địa và phụ thuộc không giống vai trò của giai cấp tư sản tại các nước tư bản. Giai cấp tư sản dân tộc có thể tham gia tích cực vào cuộc cách mạng dân tộc – dân chủ”(15).

Người cho rằng, vì dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sỹ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền do bị áp bức mà sinh ra cách mạng, ai bị áp bức càng nặng, lòng cách mạng càng bền, chí cách mạng càng quyết. Do đó, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam: “công, nông là gốc của cách mạng; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư sản áp bức song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mạng của công nông”(16). Theo Người, Việt Nam là một quốc gia ở phương Đông, có chung một dân tộc, một dòng máu, chung phong tục, chung lịch sử và truyền thống, tiếng nói… Ở Việt Nam, các giai cấp trong xã hội chưa phân chia sâu sắc như trong xã hội các nước tư bản phương Tây. Do đó, tất cả các lực lượng ấy cần được tập hợp dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.

 “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I.Lênin đã trở thành “cẩm nang thần kỳ” cho con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Nhờ những quan điểm, đường lối đúng đắn của V.I.Lênin, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo, đưa cách mạng Việt Nam đến bến bờ vinh quang.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 5-2016

(1) Đỗ Quang Hưng: Chính sách phương Đông của Quốc tế Cộng sản, lý thuyết và thực tiễn, Tạp chí Lịch sử Đảng  số 4-1989, tr.9-14.

(2), (3), (4), (5), (7) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.198-199, 201- 202, 200, 199, 295.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.127.

(8) Hồng Hà: Thời thanh niên của Bác Hồ, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1976, tr.81.

(9), (10), (11) Hồ Chí Minh:Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.23-24, 64, 64.

(12), (14), (16) Sđd, t.2, tr.126, 266, 266.

(13), (15) Sđd, t.8, tr.567, 569.

 

 

TS Trịnh Thị Hoa, Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh