Sơ đồ tư duy là gì? Tác dụng, nguyên tắc và cách vẽ sơ đồ tư duy

Sơ đồ tư duy là gì? Đây chắc hẳn là một câu hỏi của rất nhiều học sinh. Sơ đồ tư duy được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các môn học. Vậy làm thế nào để vẽ sơ đồ tư duy đẹp và sáng tạo? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu sơ đồ tư duy là gì.

Sơ đồ tư duy là gì?

Sơ đồ tư duy còn được gọi với cái tên mindmap. Đây là thuật ngữ chỉ phương pháp ghi chép, ôn tập và hệ thống lại kiến thức một cách trực quan và sinh động, thay cho cách ghi chép thông thường. Trong đó, người học sẽ sử dụng các hình ảnh minh họa, ký hiệu, màu sắc… để trình bày lại kiến thức mình đã học/đọc được. Khi nhìn vào những hình ảnh sống động và bắt mắt, bản thân người học sẽ cảm thấy hứng thú hơn, và kiến thức trong sách vở cũng không còn nhàm chán, khô khan nữa. 

Sử dụng sơ đồ tư duy là một phương pháp học tập, nghiên cứu rất phổ biến, được nhiều giáo viên khuyến khích áp dụng trong quá trình giảng dạy và học tập. Với mỗi kiểu sơ đồ tư duy, người học sẽ được tiếp cận với kiến thức một cách mới mẻ và vô cùng hấp dẫn.

Sơ đồ tư duy là gì?

Tác dụng của sơ đồ tư duy

Chính vì sơ đồ tư duy là một phương pháp ghi chép lại kiến thức một cách trực quan và sinh động, nên nó mang lại rất nhiều tác dụng cho bản thân người học. Trước hết, nó giúp cho học sinh, sinh viên tiếp thu kiến thức ở thế chủ động. Những hình vẽ, ký tự, đường nối… giúp khơi gợi lên sự hứng thú, kích thích khả năng sáng tạo của mỗi người. Từ một hình ảnh bất kỳ, được chú thích cụ thể, học sinh sẽ phải nắm bắt thông tin bằng cách tận dụng khả năng nhìn – nghe – đọc – xử lý số liệu và hình ảnh.

Tác dụng của sơ đồ tư duy

Không chỉ trong học tập, sơ đồ tư duy còn được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu, giảng dạy… Thông qua sơ đồ tư duy, chúng ta có thể phân tích và tìm hiểu thông tin. Tùy vào mỗi loại sơ đồ mà người học sẽ tiếp thu và nhìn nhận kiến thức theo nhiều hướng khác nhau. Có những sơ đồ chỉ trình bày một cách ngắn gọn, khái quát vấn đề. Ngược lại, cũng có những sơ đồ sẽ đi sâu vào các chi tiết trong vấn đề. Khi tiếp thu kiến thức thông qua sơ đồ tư duy, dần dần ta sẽ học được cách tư duy, xâu chuỗi và liên kết thông tin, từ đó suy luận ra bản chất của vấn đề được nêu.

Ưu nhược điểm của việc sử dụng sơ đồ tư duy

Sau khi đã hiểu được sơ đồ tư duy là gì, chúng ta sẽ tìm hiểu về những ưu và nhược điểm của việc sử dụng sơ đồ tư duy.

Ưu điểm của sơ đồ tư duy

Về ưu điểm, điểm nổi trội lớn nhất của sơ đồ tư duy chính là trình bày kiến thức dưới dạng hình ảnh trực quan. Lúc này, bạn không cần phải học thuộc kiến thức một cách khô khan như phương pháp học truyền thống, mà có thể tự chủ động nắm bắt những thông tin, kiến thức quan trọng nhất. Bạn có thể tự do trình bày, hệ thống lại kiến thức theo cách của mình, dễ dàng vạch ra những ý chính – ý phụ cần nắm rõ. Lúc này, bạn sẽ dễ dàng tiếp thu kiến thức nhiều hơn.

Một ưu điểm khác của mindmap đó chính là khả năng kích thích sự tư duy, óc sáng tạo của người học. Từ những kiến thức hàn lâm trong sách vở, bạn có thể lên ý tưởng sắp xếp và hệ thống hóa lại kiến thức. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự lập kế hoạch công việc, phác họa lại những ý tưởng sáng tạo ban đầu bằng mindmap, từ đó vạch ra những chi tiết cụ thể cần thực hiện trong công việc. Sơ đồ tư duy chính là một công cụ đắc lực để giúp bạn nâng cao hiệu suất học tập và làm việc, đồng thời rèn cho bạn sự logic, khoa học trong mọi việc. Thường xuyên áp dụng sơ đồ tư duy sẽ giúp bạn dễ dàng lưu trữ thông tin, cải thiện khả năng ghi nhớ kiến thức.

Ưu nhược điểm của việc sử dụng sơ đồ tư duy

Nhược điểm của sơ đồ tư duy

Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm trên thì mindmap cũng có một số nhược điểm nhất định. Việc vẽ ra một sơ đồ cụ thể và chi tiết sẽ đòi hỏi người học phải mất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu thông tin, tìm ra những ý chính – ý phụ để trình bày lại dưới dạng mindmap. Trong quá trình vẽ sơ đồ, người học sẽ phải vận dụng nhiều hình vẽ, ký hiệu để biểu đạt kiến thức.

Bên cạnh đó, vì sơ đồ tư duy do bản thân người học tự thiết kế, nên người vẽ sẽ dễ dàng hiểu và nắm rõ kiến thức. Ngược lại, đối với những người không trực tiếp vẽ mindmap thì rất khó để hiểu được những từ khóa, ký tự, đường biểu diễn… trong sơ đồ. Như vậy, ta có thể thấy, sử dụng sơ đồ tư duy không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả cao, và không phải ai cũng dễ dàng tiếp thu kiến thức thông qua sơ đồ tư duy.

Cấu trúc sơ đồ tư duy gồm những phần gì ?

Thông thường, các sơ đồ tư duy sẽ có những phần chung như:

  • Xác định chủ đề trung tâm (chủ đề chính) được thể hiện trong sơ đồ tư duy.

  • Các từ khóa thể hiện những nội dung trọng tâm, những chi tiết cần phải ghi nhớ trong bài.

  • Các ý chính, ý phụ (hay còn gọi là các nhánh). Đây là những nội dung cụ thể và chi tiết được triển khai từ chủ đề trung tâm.

  • Các hình vẽ minh họa nhiều màu sắc để giúp thông tin trong sơ đồ trở nên trực quan và sinh động hơn

  • Các đường liên kết, dấu mũi tên để thể hiện mối quan hệ giữa các nhánh thông tin. 

Ngoài những yếu tố trên, người vẽ cũng có thể thay đổi các thành phần trong sơ đồ một cách linh hoạt, sao cho trình bày kiến thức logic và hợp lý.

Cấu trúc sơ đồ tư duy gồm những phần gì ?

Nguyên tắc vẽ sơ đồ tư duy logic chính xác

Xác định mục đích chính rõ ràng khi xây dựng sơ đồ

Bước đầu tiên trong nguyên tắc vẽ sơ đồ tư duy đó là bạn phải xác định được nội dung chính sẽ được triển khai trong sơ đồ. Thông thường, chủ đề trung tâm sẽ được đặt ở vị trí chính giữa của sơ đồ để người học dễ dàng phân biệt với các nhánh khác. Bạn có thể làm nổi bật chủ đề chính bằng cách vẽ thêm hình minh họa hoặc các ký tự nhiều màu sắc. Việc vạch ra nội dung chính trước khi bắt tay vào việc vẽ sơ đồ sẽ giúp bạn xác định được hướng triển khai thông tin, tránh bị lạc đề.

Vạch ra các ý nhỏ trong mục đích chính – nhánh nhỏ

Sau khi đã xác định được chủ đề trọng tâm của sơ đồ tư duy, bạn hãy vạch ra những ý nhỏ sẽ được triển khai trong bài. Điều này cũng tương tự như khi bạn lập dàn ý cho một đề văn. Bạn cần phải triển khai ý tưởng bài viết thành nhiều luận điểm khác nhau. Mỗi luận điểm sẽ bao gồm những luận cứ nhỏ hơn nhằm mục đích chứng minh luận điểm một cách cụ thể và chi tiết. 

Bước này khá đơn giản. Bạn chỉ cần vẽ các nhánh nhỏ từ chủ đề chính hoặc các từ khóa. Sau đó vẽ thêm các dấu mũi tên hoặc đường liên kết để thể hiện mối quan hệ giữa các nhánh với nhau. Tùy vào lượng thông tin nhiều hay ít mà bạn có thể điều chỉnh số lượng nhánh nhỏ trong sơ đồ.

Nguyên tắc vẽ sơ đồ tư duy logic chính xác

Mở các ý chi tiết trong các ý nhỏ – nhánh cong

Thông thường, khi vẽ sơ đồ tư duy, người ta thường sử dụng các nhánh cong nhiều hơn là nhánh thẳng. Vẽ các nhánh cong sẽ làm cho sơ đồ của bạn trở nên hài hòa và đẹp mắt hơn. Nếu bạn chỉ sử dụng các đường thẳng để nối thông tin lại với nhau thì sẽ khiến cho sơ đồ trở nên khô khan và nhàm chán. Bên cạnh đó, nếu bạn sử dụng các nhánh cong trong mindmap thì cũng có thể tiết kiệm diện tích bản vẽ, và có thể chú thích thêm nhiều thông tin hơn.

Mở các ý chi tiết trong các ý nhỏ - nhánh cong

Tô đậm các nhánh chính – ý chính cần nắm

Để dễ dàng phân biệt các ý chính – ý phụ trong mindmap, bạn nên tô đậm và làm nổi bật các ý chính có trong sơ đồ. Nếu đó là nội dung trọng tâm thì nó sẽ có độ dày lớn hơn các nhánh khác. Những nhánh còn nhỏ thì độ dày sẽ càng ít. Để tô đậm các nhánh chính, bạn có thể sử dụng bút highlight, bút màu, hoặc đóng khung lại thông tin. 

Tô đậm các nhánh chính - ý chính cần nắm

Phác họa hình giúp sơ đồ dễ nhớ hơn

Nếu chỉ trình bày suông các thông tin, số liệu thì sơ đồ của bạn rất dễ khô khan và nhàm chán. Để thông tin trở nên sinh động và trực quan hơn, bạn nên sử dụng các hình khối, biểu tượng, ký tự… vào sơ đồ tư duy. Những hình khối thường được dùng là hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn… Mỗi hình khối sẽ đại diện cho một lượng thông tin nhất định. Điều này sẽ kích thích sự tư duy của não bộ, đồng thời giúp bạn tăng khả năng ghi nhớ kiến thức lâu hơn. 

Phác họa hình giúp sơ đồ dễ nhớ hơn

Sử dụng nhiều hình ảnh màu sắc đa dạng cho sơ đồ tư duy

Ngoài các hình khối, bạn cũng có thể vẽ thêm một số hình ảnh minh hoạt đẹp mắt để trang trí cho sơ đồ. Ví dụ như hình đám mây, bông hoa, hình cây cối… Tùy vào nội dung thông tin được triển khai mà bạn hãy lựa chọn những hình ảnh phù hợp. Những hình vẽ nhiều màu sắc sẽ làm tăng thêm tính thẩm mỹ cho sơ đồ, đồng thời rèn cho bạn khả năng sáng tạo trong học tập và làm việc.

Thêm nhiều màu sắc cho sơ đồ tư duy

Cách vẽ sơ đồ tư duy sáng tạo, logic chính xác

Chuẩn bị các dụng cụ

Để vẽ sơ đồ tư duy, trước tiên bạn cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết, bao gồm:

  • Tài liệu, nguồn thông tin ban đầu.

  • Giấy vẽ: Tùy vào dung lượng thông tin mà bạn hãy lựa chọn giấy vẽ có kích thước phù hợp. Nếu lượng thông tin ít thì bạn chỉ cần chuẩn bị một tờ giấy A4. Còn nếu bạn phải vẽ sơ đồ với nhiều thông tin hơn thì hãy lựa chọn cỡ giấy lớn hơn A4.

  • Bút vẽ, bút màu, highlight: Bạn nên kết hợp từ 3 – 4 loại bút có màu sắc khác nhau để minh họa cho các ý chính, ý phụ trong sơ đồ. Những loại bút mực đen hoặc mực xanh sẽ được dùng để ghi thông tin. Còn những loại bút nhiều màu sẽ được dùng để tô đậm, làm nổi bật các từ khóa, ý chính trong sơ đồ.

  • Ngoài cách vẽ tay, bạn cũng có thể sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bàn hoặc xách tay, ipad… có cài đặt các phần mềm vẽ sơ đồ tư duy.

Chuẩn bị các dụng cụ

Vẽ sơ đồ tư duy chủ đề trung tâm

Bước tiếp theo trong cách vẽ sơ đồ tư duy là vẽ chủ đề trung tâm. Bạn hãy đặt chủ đề trung tâm ở vị trí chính giữa giấy vẽ. Khi vẽ, bạn cần lưu ý là kết hợp linh hoạt nhiều màu sắc và các hình ảnh minh họa, sao cho làm nổi bật được chủ đề chính mà bạn cần triển khai thông tin. 

Vẽ sơ đồ tư duy chủ đề trung tâm

Vẽ tiêu đề phụ (Các nhánh chính)

Khi đã có chủ đề trung tâm, bạn hãy vẽ thêm tiêu đề phụ. Mỗi tiêu đề phụ sẽ được triển khai thành các nhánh chính trong sơ đồ. Bạn nên sử dụng các từ khóa, hoặc các cụm từ ngắn gọn để biểu thị tiêu đề phụ. Các nhánh chính có thể được đặt ở vị trí gần với chủ đề trung tâm và được liên kết bằng các dấu mũi tên. Bạn nên vẽ tiêu đề phụ theo các hướng chéo nhau và tô đậm chúng bằng bút màu hoặc highlight.

Vẽ tiêu đề phụ (Các nhánh chính)

Vẽ nhánh thứ cấp

Bước cuối cùng trong cách vẽ mindmap là vẽ các nhánh thứ cấp, hay còn gọi là nhánh phụ. Các nhánh này sẽ được nối trực tiếp với các nhánh chính và có tác dụng triển khai thông tin từ nhánh chính một cách cụ thể và chi tiết. Khi vẽ nhánh thứ cấp, bạn nên lưu ý những điều sau:

  • Nên sử dụng các từ khóa, ký tự, biểu tượng, hình ảnh để thông tin trở nên sinh động và dễ ghi nhớ.

  • Sử dụng các nhánh cong để biểu đạt thông tin.

  • Đối với các nhánh thứ cấp được triển khai từ một nhánh chính, bạn nên sử dụng cùng một màu bút.

Vẽ nhánh thứ cấp

Những mẫu sơ đồ tư duy đẹp, sáng tạo, dễ nhớ

Sơ đồ tư duy vòng tròn

Sơ đồ tư duy vòng tròn là sơ đồ cơ bản nhất, được áp dụng để trình bày một lượng nhỏ thông tin có mối liên hệ mật thiết với nhau. Đối với kiểu sơ đồ này, bạn sẽ vẽ một vòng tròn lớn ở bên ngoài và một vòng tròn nhỏ ở bên trong. Vòng tròn nhỏ sẽ biểu thị các thông tin chính. Còn những nội dung nhỏ sẽ được thể hiện trong vòng tròn lớn.

Sơ đồ tư duy vòng tròn

Sơ đồ tư duy bong bóng

Sơ đồ tư duy dạng bong bóng là sơ đồ được áp dụng rất phổ biến trong công việc và học tập. Với sơ đồ này, bạn hãy vẽ một vòng tròn lớn ở vị trí trung tâm và các vòng tròn nhỏ hơn ở xung quanh. Các vòng tròn này liên kết với vòng tròn lớn bằng các dấu mũi tên. Mỗi vòng tròn sẽ trình bày thông tin một cách ngắn gọn bằng các từ khóa.

Sơ đồ tư duy bong bóng

Sơ đồ tư duy bong bóng kép

Sơ đồ tư duy bong bóng kép được sử dụng khi bạn muốn đối chiếu, so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa hai nội dung thông tin một cách trực quan và dễ hiểu. Trong đó, trung tâm của mỗi vòng tròn sẽ chứa những ý chính. Phần giao nhau của hai vòng tròn sẽ trình bày điểm chung của hai đối tượng thông tin. 

Sơ đồ tư duy bong bóng kép

Sơ đồ tư duy cây

Sơ đồ tư duy cây có thể xem là dạng mindmap phổ biến nhất hiện nay, được rất nhiều giáo viên và học sinh áp dụng. Cách trình bày thông tin bằng kiểu sơ đồ này cũng khá đơn giản. Bạn chỉ cần viết tiêu đề trung tâm lên phía trên cùng, sau đó trình bày những nội dung chính – phụ ở bên dưới bằng các nhánh nhỏ hơn. 

Sơ đồ tư duy hình cây

Một số phần mềm vẽ sơ đồ tư duy miễn phí và hiệu quả

Ngoài cách vẽ sơ đồ tư duy bằng tay, hiện nay có rất nhiều phần mềm hỗ trợ người dùng vẽ mindmap một cách nhanh chóng, tiện lợi và không kém phần đẹp mắt. Sau đây là một số ứng dụng giúp bạn có thể thỏa sức sáng tạo mindmap theo phong cách cá nhân:

  • MindMup:

    Đây là phần mềm vẽ sơ đồ tư duy trực tuyến và miễn phí dành cho người dùng. MindMup có giao diện đơn giản, dễ sử dụng và cung cấp nhiều tính năng tiện ích khác nhau. Với MindMup, bạn có thể lưu sơ đồ tư duy dưới định dạng PDF và PowerPoint.

Link truy cập MindMup: https://www.mindmup.com/

MindMup - phần mềm vẽ sơ đồ tư duy miễn phí và hiệu quả

  • Canva:

    Canva có thể được xem là trang web đồ họa phổ biến nhất hiện nay. Ứng dụng này mang đến cho bạn nhiều templates độc đáo với nhiều chủ đề khác nhau. Bạn có thể sử dụng kho thư viện đã có sẵn, hoặc tự sáng tạo mindmap mới. Canva hỗ trợ các định dạng file JPEG, PNG, PDF, GIF và MP4.

Link truy cập Canva: https://www.canva.com/

  • Sketchboard:

    Tương tự như MindMup, Sketchboard là một ứng dụng vẽ sơ đồ tư duy online. Bạn có thể dễ dàng phác họa bản vẽ trên một phông nền trắng. Bên cạnh đó, Sketchboard còn cho phép người dùng sử dụng các hình minh họa, icon để thêm vào sơ đồ.

Link truy cập Sketchboard: https://sketchboard.io/

Sketchboard - phần mềm vẽ sơ đồ tư duy miễn phí và hiệu quả

  • Draw.io:

    Nếu bạn muốn tìm một phần mềm vẽ mindmap miễn phí và hiệu quả thì chắc chắn không thể bỏ qua Draw.io. Draw.io cho phép người dùng truy cập, sử dụng ứng dụng trực tuyến và ngoại tuyến. Bạn cũng không cần phải đăng nhập mà vẫn có thể tận dụng các tính năng sẵn có của Draw.io.

Link tải Draw.io: https://draw-io.softonic.vn/ 

  • Bubbl:

    Bubbl có giao diện trực quan và sinh động, phù hợp với mọi đối tượng người dùng. Bạn có thể vẽ sơ đồ tư duy bằng các thao tác kéo – thả đơn giản. Ứng dụng này cho phép người dùng thể xuất file mindmap dưới các định dạng XML, HTML, JPEG, PNG và chia sẻ liên kết đến người dùng khác.

Link truy cập Bubbl: https://bubbl.us/ 

Xem thêm: 

Vậy là chúng ta đã tìm hiểu được sơ đồ tư duy là gì và những cách vẽ sơ đồ tư duy đẹp mắt, sáng tạo. Hy vọng thông qua bài viết này, bạn có thể tìm được cho mình phương pháp học tập, ghi chép kiến thức một cách hiệu quả và khoa học.