Sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch
Sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch
Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện có tới 78% sản lượng lương thực hàng năm và 85% sản lượng rau, quả của tỉnh được sơ chế, bảo quản bằng phương thức truyền thống. Chỉ có 355.000 tấn/năm, chiếm khoảng 22% sản lượng lương thực hàng năm và hơn 109.000 tấn rau, củ, quả, chiếm khoảng 15% sản lượng rau quả mỗi năm của tỉnh được sơ chế, bảo quản theo phương thức sấy. Việc sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch bằng hình thức thủ công không những làm tổn thất từ 10 – 13% sản lượng sản phẩm sau thu hoạch, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, an toàn thực phẩm của nông sản.
Lúa được đưa vào dây chuyền sấy tự động tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn.
Để giảm tổn thất và nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, thời gian qua cùng với việc vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX và hộ cá thể đầu tư dây chuyền sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, ngành nông nghiệp cùng các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tỉnh ban hành và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch cho các doanh nghiệp để xây dựng cơ sở chế biến nông, lâm sản; chính sách hỗ trợ cho HTX, doanh nghiệp làm đầu mối sơ chế, bảo quản nông sản sau thu hoạch, với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha canh tác/năm. Theo đó, những năm qua, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã vay và được hỗ trợ lãi suất để mua các loại máy thu hoạch, máy sấy, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, với tổng số tiền vay 197.000 tỷ đồng, lãi suất hỗ trợ gần 20 tỷ đồng theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản của Thủ tướng Chính phủ. Hỗ trợ 5 dự án xây dựng cơ sở chế biến nông sản, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng theo cơ chế, chính sách khuyến khích thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, nhiều địa phương trong tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ riêng để các đơn vị, hộ cá nhân đầu tư mua, lắp đặt các loại máy sấy nông sản.
Được khuyến khích và “tiếp sức”, nhiều doanh nghiệp, HTX và hộ cá thể trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt các dây chuyền ứng dụng công nghệ sấy công nghiệp, lò sấy bằng điện bán công nghiệp và xây dựng khu nhà sơ chế nông sản để sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông sản sau thu hoạch.
Tại HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh, xã Xuân Minh (Thọ Xuân), nhiều năm nay, các xã viên không còn phải lo lắng mỗi khi thu hoạch nông sản đúng với thời điểm mưa gió, bởi HTX đã trang bị hệ thống máy sấy nông sản với công suất lớn và công nghệ hiện đại. Bà Đỗ Thị Hoa, phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh, cho biết: Với hơn 600 ha sản xuất nông nghiệp mỗi năm, trong đó có 440 ha sản xuất lúa giống, nên vào thời điểm thu hoạch, lượng nông sản được thu mua, tập kết về sân, kho của HTX khá lớn. Trước đây, hầu hết các nông sản sau thu hoạch trên địa bàn huyện đều được sơ chế theo phương thức thủ công, nên phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Trong điều kiện trời nắng, khô ráo, việc phơi, sơ chế nông sản khá thuận lợi. Tuy nhiên, nếu gặp mưa kéo dài thì việc phơi sẽ bị gián đoạn, nông sản vừa thu hoạch về dễ bị mọc mầm hoặc mốc, hỏng, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, việc sơ chế nông sản theo phương thức truyền thống được thực hiện trên nền gạch, xi măng tại các hộ gia đình hoặc đường làng khu dân cư, nên bị bám bụi bẩn, ảnh hưởng đến vệ sinh an toàn thực phẩm, không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp. Do đó, để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, năm 2018, từ nguồn kinh phí hỗ trợ mua máy sấy nông sản của huyện Thọ Xuân và nguồn vốn huy động được của các xã viên, HTX đã mạnh dạn đầu tư mua 2 máy sấy nông sản, ứng dụng công nghệ sấy công nghiệp, với công suất 80 tấn/ngày/máy. Sau khi áp dụng công nghệ sấy công nghiệp vào bảo quản, sơ chế các loại nông sản, HTX thấy hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt.
Được biết, ngoài HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Minh, trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã có 4 HTX nông nghiệp đầu tư lắp đặt máy sấy nông sản ứng dụng công nghệ sấy điện và sấy công nghiệp. Theo đó, toàn huyện hiện đã có 6 máy sấy được sử dụng để bảo quản, sơ chế các loại nông sản. Ông Lê Thọ Cường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Với số lượng máy sấy hiện có trên địa bàn huyện, mỗi năm tiết kiệm được khoảng 350 triệu đồng so với phương pháp phơi, bảo quản theo hình thức thủ công. Hơn nữa, chất lượng sản phẩm còn được nâng lên.
Là đơn vị có diện tích sản xuất lúa, ngô giống lên tới 800 ha/năm. Mỗi mùa thu hoạch, việc tìm được vị trí phơi, rồi yếu tố thời tiết để bảo đảm lúa đúng quy chuẩn luôn là vấn đề khiến ban giám đốc và các xã viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Định Tường, xã Định Tường (Yên Định) trăn trở. Do đó, sau khi tìm hiểu, năm 2016, HTX đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt 1 máy sấy nông sản công nghiệp, công suất 30 tấn/ngày/máy. Từ khi đầu tư máy sấy, chất lượng lúa giống của HTX được nâng cao, toàn bộ sản phẩm lúa giống đều được các doanh nghiệp bao tiêu. Do đó, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, HTX đã tiếp tục đầu tư thêm 1 máy sấy nông sản. Hiện HTX có 2 máy sấy nông sản, với công suất sấy đạt 90 tấn/ngày/máy.
Bài và ảnh: Tiến Xuân