“ SKKN: “Một số biện pháp phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ 3-4 tuổi trong thời gian nghỉ dịch’’.
PHẦN I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Năm học 2021 – 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không ngừng biến đổi và lây lan, vì vậy trẻ mầm non tạm dừng đến trường trong thời gian dài.
Thực hiện tiêu chí “Dừng đến trường nhưng không ngừng học”, Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ đạo ban hành công văn: số 3058/SGDDT – GDMN V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục mầm non năm học 2021-2022, công văn số 3066/ SGDĐT- GDMN V/v hướng dẫn thực hiện quy chế chuyên môn Giáo dục mầm non năm học 2021-2022, số 279/PGD&ĐT kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 cấp học Mầm non – ngành Giáo dục và Đào tạo
Quận Long Biên chỉ đạo cấp học mầm non toàn thành phố Hà Nội tiếp tục duy trì việc học cho học sinh cũng như không ngừng nâng cao chất lượng.
Khác với những cấp học khác, cấp học Mầm non không tổ chức học trực tuyến mà thông qua những hoạt động kết nối.
Đối với trẻ mầm non, trẻ không được đến trường, đồng nghĩa với việc cơ hội phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần đều có hạn chế. Ví dụ, một em bé 3 tuổi, sau 3 năm đại dịch – trường học đóng cửa, thời gian vàng phát triển nhận thức của các em đã bị phí hoài… Đến trường học trực tiếp các bé được chơi với bạn bè, giao tiếp với các cô giáo, nhìn thấy khuôn mặt và tương tác về mặt xúc cảm tình cảm. Chính vì vậy, khi trẻ không đến trường việc phát triển tình cảm, xúc cảm kỹ năng xã hội vẫn là nhu cầu cấp thiết, đáng được quan tâm.
“Tình yêu thương không phải bỗng dưng mà có được, nó phải được nuôi nấng dạy dỗ từ khi còn bé thơ”
Nhận thức được tầm quan trong của giáo dục trong giai đoạn mầm non, giai hình thành phát triển nhân cách của trẻ nên mặc dù trẻ nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, hoạt động chăm sóc giáo dục trẻ bị gián đoạn nên dưới sự lãnh đạo của Phòng GD&ĐT cũng như Ban giám hiệu nhà trường, các cô đã lập kế hoạch giáo dục đặc biệt để kết nối giữa gia đình và nhà trường, giữa các cô giáo với trẻ và phụ huynh để việc chăm sóc giáo dục trẻ đạt kết quả mong đợi
Từ những băn khoăn đó, với mong muốn bù đắp tốt nhất những hạn chế của giai đoạn trẻ tạm dừng đến trường, đã thôi thúc tôi tìm tòi, đưa ra những giải pháp để kết nối với cha mẹ trẻ, với gia đình trẻ và đặc biệt là với các bé thân yêu tôi đã viết sáng kiến với đề tài “Một số biện pháp phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ 3-4 tuổi trong thời gian nghỉ dịch’’.
PHẦN II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Cơ sở lý luận:
Chia sẻ là những tình cảm của con người thể hiện trước sự vật hiện tượng nào đấy và con người có những hành vi phản ánh lại sự vật hiện tượng đó. Như
trẻ cảm thấy vui sướng, hãnh diện, tự hào khi ai đó khen mình xinh, đẹp, học
giỏi và cảm thấy buồn, chán khi không có ai chịu chơi hay quát mắng mình
Trẻ em ở lứa tuổi mầm non có những đặc điểm: Dễ uốn nắn và nhịp độ phát triển nhanh, trẻ có những đặc điểm phát triển độc đáo, không giống bất cứ giai đoạn phát triển nào sau này.
Đặc biệt trẻ 3-4 tuổi tư duy gắn với cảm xúc và ý muốn chủ quan của trẻ, trẻ tư duy theo lối trực quan toàn bộ. Bên cạnh đó xúc cảm- tình cảm chi phối toàn bộ sinh hoạt của trẻ, trẻ dễ đồng cảm với mọi người xung quanh.
Trẻ mẫu giáo bé xuất hiện các động cơ hành vi muốn làm người lớn, động cơ hành vi được hình thành trong quá trình vui chơi, động cơ trò chơi – bạn chơi là động lực thúc đẩy trẻ. Trong khi chơi trẻ muốn cho người lớn hài lòng do vậy phải cố gắng nỗ lực hết mình để hoàn thành vai chơi một cách tốt nhất.
Cuối tuổi mẫu giáo bé tính xã hội, tính đạo đức được hình thành và phát triển. Hoạt động với đồ vật là hoạt động giao tiếp với những người xung quanh, tư duy trực quan hành động và tư duy trực quan hình tượng cùng phát triến song song. Đó là những yếu tố tâm lý có ảnh hưởng thuận lợi hoạt động học tập của trẻ.
Vai trò của giáo dục tình cảm kỹ năng XH: Trên thực tế, giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội sẽ đem đến một đứa trẻ khỏe mạnh về cả sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Được giáo dục bài bản về tình cảm xã hội, trẻ sẽ phát triển toàn diện 3 nhóm năng lực: năng lực xã hội, năng lực cảm xúc và năng lực nhận thức.
Giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội sẽ đem lại lợi ích về kinh tế khi chúng ta không phải tốn quá nhiều tiền bạc cho việc chữa trị những bệnh nhân có vấn đề về mặt tâm lý.
Và đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid, giáo dục tình cảm kỹ năng xã hội càng đóng vai trò quan trọng, giúp trẻ phục hồi tổn thương tâm lý sau biến động khủng khiếp không đáng có” – TS Monisha Diwan.
2. Thực trạng vấn đề:
Năm học 2021- 2022, tôi được nhà trường phân công chăm sóc và giáo dục trẻ tại nhóm lớp MGB độ tuổi 3- 4 tuổi. Qua một thời gian làm quen, trò chuyện trao đổi với phụ huynh tôi nhận thấy, đời sống tình cảm của trẻ tương đối ổn định. Mức độ phong phú, tình cảm của trẻ tăng dần theo các mối quan hệ giao tiếp của trẻ với những người xung quanh. Đa số trẻ thích có bạn cùng chơi và chơi rất lâu với bạn nhưng những tình cảm của trẻ có tính ngẫu hứng, con thích chơi với bạn vì bạn đẹp trai, xinh gái, vì bạn ngoan, vâng lời, không nói bậy. Một số trẻ nhận biết và biết thể hiện tình cảm yêu thương chia sẻ của mình đối với mọi người xung quanh. Bên cạnh đó còn có nhiều trẻ thờ ơ khi tiếp xúc với những điều tốt đẹp xảy ra đối với con người và cảnh vật xung quanh, chưa biết làm những điều tốt lành để đem lại niềm vui cho mọi người. Mặt khác, trẻ 3- 4 tuổi mong muốn hiểu được cảm xúc tình cảm của bản thân, biết quan tâm đến người khác nhưng trẻ chưa hiểu hết được ý nghĩa của sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, bảo vệ và khoan dung.
Từ những lý do trên, tôi luôn cố gắng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm ở đồng nghiệp, nghiên cứu những biện pháp hữu hiệu nhất nhằm xây dựng và phát triển những cảm xúc tình cảm tích cực cho trẻ mẫu giáo bé. Tôi mong muốn dạy các con biết yêu thương chia sẻ với mọi người để hình thành cho các con nhân cách tốt đẹp.
Tuy nhiên khi thực hiện, tôi nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn sau:
2.1. Thuận lợi
– Đa số trẻ trong lớp tôi đều đã học qua lớp nhà trẻ và đã có 1 năm học chỉ phối hợp chăm sóc, giáo dục thông qua các hoạt động kết nối nên bước đầu có nề nếp học tập cũng như đã có sự quen biết bạn bè để dễ quan tâm chia sẻ và biểu lộ tình cảm với nhau.
– Phụ huynh lớp tôi rất quan tâm đến con. Ban phụ huynh lớp tích cực phối hợp với giáo viên lớp tổ chức các hoạt động ngày hội, ngày lễ hay các sự kiện của trường.
– Bản thân tôi và giáo viên ở lớp đều đã được tham gia các lớp bồi dưỡng kĩ năng sống nên tích lũy được một số kiến thức cũng như kinh nghiệm dạy trẻ các kĩ năng, các giá trị sống trong đó có kĩ năng biết chia sẻ, yêu thương.
2.2. Khó khăn
– Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn về sức khỏe, trẻ phải nghỉ ở nhà để phòng chống dịch. Việc không được đến trường khiến cho trẻ không được học tập trực tiếp và không thể tham gia các hoạt động trải nghiệm cùng cô cùng bạn. Mọi sinh hoạt học tập của trẻ bị bó hẹp chỉ trong không gian nhà mình.
-Trẻ không có được các mối quan hệ phong phú có tác động qua lại giữa trẻ với trẻ, trẻ với người lớn, khiến trẻ có ít cơ hội để giao tiếp, học hỏi, mở rộng kiến thức và rèn luyện các kỹ năng biết chia sẻ yêu thương trong các tình huống của cuộc sống.
– Trẻ nghỉ học do dịch, giáo viên không dạy trực tiếp nên nhiều khi việc giao lưu tình cảm, tìm hiểu nhận thức của trẻ còn khó nắm bắt.
Đầu năm học, trước khi tiến hành các biện pháp của đề tài tôi đã tiến hành điều tra, khảo sát bằng phương pháp điều tra, quan sát, trò chuyện với phụ huynh, trò chuyện với trẻ trên các tiêu chí sau:
Bảng tổng hợp số liệu điều tra, khảo sát học sinh của lớp trước khi thực hiện đề tài: Tháng 9/ 2021
Tiêu chí
Nội dung tiêu chí Đạt Chưa đạt
Slg % Slg %
1 Trẻ bước đầu biết thể hiện tình cảm của bản thân với người khác 13 45 16 55
2 Trẻ hiểu và biết thể hiện tình cảm phù hợp với tình huống. 10 35 19 65
3 Trẻ bước đầu biết quan tâm, chia sẻ yêu thương, giúp đỡ mọi người. 9 31 20 69
4 Trẻ hứng thú, tích cực, tự tin tham gia các hoạt động trải nghiệm 13 45 16 55
3. Các biện pháp
3.1. Biện pháp 1: Xây dựng kế hoạch giáo dục phát triển tình cảm kỹ năng xã hội cho trẻ.
Để phát triển tình cảm quan hệ xã hội cho trẻ tôi đã xây dựng một kế hoạch gồm các trò chơi, các hoạt động phù hợp với nhu cầu và khả năng của trẻ. Tôi đã sử dụng công cụ Google Forms tạo biểu mẫu gửi phụ huynh tiến hành khảo sát trẻ vào tuần 2 tháng 9 để nắm được mức độ biểu hiện tình cảm của từng trẻ từ đó có thể lựa chọn những hoạt động trải nghiệm tác động phù hợp tới trẻ. Mỗi một đứa trẻ là một cá thể riêng biệt và mỗi trẻ đều thể hiện tình cảm nhất định vào từng thời điểm nhất định. Không phải 29 trẻ lớp tôi đều có cùng chung một suy nghĩ và nhu cầu giống nhau. Vì vậy khi tổ chức các trò chơi hay hoạt động trải nghiệm cho trẻ muốn đạt hiệu quả tốt nhất cần có một quy trình thực hiện sao cho trẻ luôn là trung tâm của mọi hoạt động và thông qua hoạt động trẻ được phát triển những xúc cảm tình cảm của mình.
Chính vì vậy để giúp cho trẻ phát triển những cảm xúc tích cực thì việc đầu tiên là phải xây dựng được kế hoạch phù hợp với trẻ. Việc xây dựng kế hoạch này nhằm lựa chọn các hoạt động giáo dục, các trò chơi phù hợp với đặc điểm, xuất phát từ nhu cầu của trẻ.
Dựa vào điều đó từ đầu năm học tôi đã xây dựng kế hoạch giáo dục cho trẻ trong năm học này.
(Phụ lục 1: Kế hoạch giáo dục lĩnh vực phát triển tình cảm kỹ năng xã hội)
3.2. Biện pháp 2: Tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân
-Để có thể thực hiện tốt các mục tiêu giáo dục đã đề ra tôi đã tự nghiên cứu và trải nghiệm các kỹ năng giáo dục thực tế. Ngoài ra, tôi còn xem và tham khảo các cách tổ chức dạy học cho trẻ tự nhiên gần gũi, tạo cho trẻ sự vui vẻ, thoải mái, đầy cảm xúc giữa giáo viên và trẻ từ một số kênh youtube trong nước: chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, “Kênh mầm non”, “Mẹ coca”, web: mầm nhỏ.com và đặc biệt là kênh nước ngoài như: “Watts English for children”, “Little Fox Kids Songs and Stories”, cả các kênh thông tin khác như sách, báo, tạp chí khác nhau để trau dồi thêm kiến thức chuyên môn cho bản thân cũng như kĩ năng mềm trong việc tạo hứng thú cho trẻ khi tổ chức các hoạt động.
-Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trẻ phải nghỉ học ở nhà, tôi chủ động học tập bồi dưỡng thêm cho bản thân các kĩ năng công nghệ thông tin, tôi đã nhanh nhạy học hỏi tìm hiểu thêm các công cụ mới để có thể trao đổi online với phụ huynh như: cách làm chủ Zoom, các kĩ năng PowePoint nâng cao, phần mềm Canva, phần mềm CapCut chỉnh sửa hình ảnh video, cách sử dụng công cụ thống kê, báo cáo: Google Docs, Google Sheets, Google Forms để tương tác với phụ huynh với trẻ, công cụ quản lý lớp học Class Dojo. Với những công cụ này, tôi có thể quản lý lớp học, chỉnh sửa video gửi bài tới phụ huynh, trẻ không đến trường nhưng những mục tiêu và nội dung giáo dục vẫn được đảm bảo.
– Qua một thời gian tự học, tự bồ dưỡng tôi cảm thấy mình đã “hiểu” trẻ hơn, từ những kiến thức đó tôi đã có buổi chia sẻ với đồng nghiệp qua Google meet và được đồng chí phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn và các đồng chí trong tổ góp ý để hoàn thiện hơn.
– Tôi cũng đã tự tin thiết kế các video sáng tạo ngộ nghĩnh nhằm giúp các con biết yêu thương chia sẻ với mọi người, với các đối tượng, sự vật xung quanh trẻ.
(Phụ lục 2: Hình ảnh bồi dưỡng và chia sẻ chuyên môn bằng ứng dụng Google meet)
3.3. Biện pháp 3: Phối hợp với phụ huynh để có biện pháp giáo dục phù hợp cho trẻ.
Đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến nay, môi trường bé tiếp xúc đầu tiên là gia đình. Vì thế tình yêu thương trước hết phải bắt nguồn từ gia đình. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần là người bạn đồng hành để việc chăm sóc giáo dục trẻ đạt hiệu quả. Giáo viên cần phối hợp với phụ huynh trong mọi hoạt động của trẻ để phụ huynh không những có thể tham gia mà còn đánh giá sự phát triển của trẻ. Mặt khác, phụ huynh có điều kiện tiếp xúc với chương trình học của trẻ, có điều kiện gần gũi với các cô giáo từ đó tạo sợi dây liên kết giữa gia đình và nhà trường, giúp trẻ được sống trong một môi trường giáo dục nhất quán giữa gia đình và nhà trường.
– Trong buổi họp phụ huynh đầu năm, tôi đã mạnh dạn đề xuất với phụ huynh sẽ thành lập nhóm kín với thành viên là các phụ huynh trong lớp và giáo viên chủ nhiệm thông qua kênh Zalo trên điện thoại, vừa để giáo viên trao đổi chia sẻ, vừa giúp phụ huynh có thể nắm bắt và trao đổi tình hình với giáo viên dễ dàng hơn. Không những thế, các phụ huynh còn có sự trao đổi với nhau về tình hình các con. Trong nhóm Zalo lớp, tôi chia sẻ với phụ huynh về trang web của nhà trường, của lớp luôn cập nhật những biện pháp chăm sóc giáo dục trẻ trong mùa dịch, những phương pháp giáo dục tình cảm quan hệ xã hội cho con hay kho video chia sẻ những bài học cho các con khi ở nhà.Đây cũng là nơi phụ huynh cùng chia sẻ những hình ảnh các con thực hiện các hoạt động tại nhà vừa giúp các con nhìn thấy bạn thực hiện vừa gieo vào lòng các con có mong muốn thực hiện bài tập như bạn.
– Tôi khuyến khích phụ huynh giành thời gian mỗi ngày ít nhất 30 phút để trò chuyện cùng con, chơi với con hoặc kể chuyện cho con nghe trước khi con ngủ hay cùng con đọc sách truyện vào buổi tối. Ngoài ra, tôi chia sẻ tới các bậc phụ huynh các chương trình bổ ích trên VTV như: Cha mẹ thay đổi, kênh Youtube: Mầm nhỏ-Chuyện kể cho bé ngủ ngon, kênh Youtube: Chun Chin- Chuyện kể cho bé, Fanpage HỘP HÁO HỨC
Qua một thời gian thực hiện, tôi nhận được những phản hồi khá tích cực. Phụ huynh bắt đầu quan tâm hơn tới trẻ, trò chuyện nhiều hơn, trẻ đã trở nên vui vẻ thoải mái hơn và tham gia các hoạt động một cách hào hứng, hiệu quả.
( Phụ lục 3: Hình ảnh hoạt động phối hợp với phụ huynh qua Zalo nhóm lớp).
3.4. Biện pháp 4: Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để phát triển tình cảm- kỹ năng xã hội cho trẻ.
Lứa tuổi trẻ mầm non, trẻ em nhỏ thì vui chơi luôn là cách giáo dục hiệu quả. Cho bé học mà chơi, chơi mà học. Giúp bé thấy hứng thú và dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Do đó để giáo dục cảm xúc cho bé hiệu quả, giúp bé dễ kiểm soát được hành vi cảm xúc của mình thì việc giáo dục bé qua các trò chơi, các hoạt động liên quan cảm xúc là cách mà các cô thường lựa chọn.
Tuy nhiên dịch bệnh Covid-19 đang khiến các bé phải ngừng đến trường, chính vì vậy thay bằng việc dạy trực tiếp các cô giáo sẻ đưa các nội dung giáo dục xúc cảm tình cảm và kỹ năng xã hội vào các nội dung kết nối vớ các đề tài gần gũi, các trò chơi vận động mà bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình có thể tham gia đề vừa phát triển được tình cảm vừa giúp trẻ có kỹ năng xã hội qua các video lồng ghép công nghệ thông tin là điều quan trọng và cần thiết.
Và để thực hiện việc xây dựng các nội dung kết nối này, Phòng GD&ĐT đã liên tục tổ chức các buổi học bồi dưỡng về công nghệ cho các giáo viên trong dịp hè và đầu năm học, với khả năng của mình tôi đã kết nối với phụ huynh thông qua 3 hoạt động.
– Hoạt động trực tuyến qua Zoom tôi cảm nhận rằng việc gặp gỡ các con qua màn hình rất hữu ích có thể nhìn thấy nói chuyện để cô và các cháu đỡ nhớ và thể hiện được tình cảm yêu thương dành cho nhau.
– Sử dụng hiệu quả Website của trường của lớp: Website để lưu trữ bài giảng và trao đổi thông tin hai chiều giữa nhà trường và gia đình trẻ, tôi xây dựng riêng 1 website của lớp tạo thành 1 kho học liệu lưu trữ bài giảng, video tương tác của trẻ.
– Xây dựng các bài giảng video: Dựa vào kế hoạch giáo dục tôi đã tham khảo các bộ phim hoạt hình, video ca nhạc, các trò chơi vận động cho trẻ ở nhà trên kênh Yotube, Kids vtv7, hoạt hình… lựa chọn chủ đề và sau đó thiết kế các hoạt động kết nối. Để có được 1 video hoàn chỉnh trước hết tôi liên kết các nội đã lựa chọn có liên quan, soạn giáo án, quay video, cắt và ghép thành video kết nối hoàn chỉnh để gây hứng thú cho trẻ. Trong buổi kết nối tôi là người trực tiếp tương tác với trẻ trong video đó.
(Phụ lục 4: Hình ảnh hoạt động phối hợp với phụ huynh qua Zalo nhóm lớp).
4. Hiệu quả sáng kiến kinh nghiệm
Sau một thời gian dài dạy trẻ kĩ năng “yêu thương, chia sẻ” giờ đây các bé đều rất vui vẻ tự tin khi giao tiếp với nhau qua phòng zoom, còn biết quan tâm chia sẻ với cô giáo và bạn bè, người thân. Cùng với sự ủng hộ tích cực của các bậc phụ huynh đã giúp tôi đạt được kết quả cơ bản thể hiện như sau:
4.1. Đối với trẻ
Các bé đều rất vui vẻ tự tin khi giao tiếp với nhau qua phòng zoom, còn biết quan tâm chia sẻ với cô giáo và bạn bè, người thân, biết chia sẻ yêu thương với các cô bác trong trường, biết yêu thương chăm sóc các con vật nuôi và cây cối thiên nhiên. Đó là điều làm tôi phấn khởi, yêu nghề, yêu trẻ càng nhiều giúp tôi có nghị lực trong công tác. Cụ thể, kết quả đạt được dựa trên bảng tổng hợp số liệu trước và sau khi thực hiện như sau:
Bảng 3: Tổng hợp so sánh số liệu điều tra trên trẻ trước và sau khi thực hiện đề tài:
Tiêu chí Nội dung tiêu chí Đạt
Trước khi thực hiện đề tài (%) Sau khi thực hiện đề tài(%)
1 Trẻ bước đầu biết thể hiện tình cảm của bản thân với người khác 45 94
2 Trẻ hiểu và biết thể hiện tình cảm phù hợp với tình huống. 35 97
3 Trẻ bước đầu biết quan tâm, chia sẻ yêu thương, giúp đỡ mọi người. 31 91
4 Trẻ hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm 45 94
Sau khi thực hiện đề tài, cô và trò lớp tôi đã gặt hái được nhiều thành công hơn mong muốn, mối quan hệ cô trò thêm gắn bó, gần gũi, ấm áp thân thiết với nhau, trẻ đã biết yêu thương quan tâm, chia sẻ với những mọi người không chỉ thể hiện bằng lời nói mà còn bằng hành động. Trẻ biết điều chỉnh tình cảm của bản thân phù hợp với hoàn cảnh, tình huống trong cuộc sống.
4.2. Đối với giáo viên:
– Bản thân tôi tự tin và nhiều sáng tạo hơn khi dạy trẻ.
– Nâng cao được phương pháp, nghệ thuật lên lớp.
– Khả năng lựa chọn đề tài có nội dung thu hút trẻ hứng thú tham gia vào tiết học.
– Biết tận dụng những cái mới lạ vào các hoạt động để các cháu hứng thú hơn.
4.3. Đối với phụ huynh:
– Nhận thức được tầm quan trọng của việc cùng con tham gia các hoạt động ở nhà và ở trường. Từ đó có ý thức phối kết hợp với nhà trường cũng như luôn là tấm gương cho con noi theo.
– Gửi nhiều clip hay, ngộ nghĩnh của con đến trang web của lớp
– Quan tâm và tin tưởng giáo viên khi cùng con tham gia các hoạt động hoạc cũng như ngày hội, ngày lễ.
PHẦN III. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận
Tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ với nhau giữa con người với con người sẽ tạo lên một thế giới tràn ngập hạnh phúc. Tình yêu thương đó được biểu hiện thông qua những lới nói ân cần, dịu dàng; qua ánh mắt, nụ cười, cử chỉ thân thiện; qua những hành động, việc làm tốt đẹp cho nhau… Tình yêu với thế giới xung quanh thể hiện ở việc con người sống gần gũi với thiên nhiên và biết giữ gìn, bảo vệ môi trường xung quanh.
Tình yêu thương giúp cho cuộc sống ấm áp hơn.Chúng ta cần biết yêu thương những người thân trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè và mọi người; biết yêu quý và bảo vệ các loài vật, cỏ cây, hoa lá, … và môi trường xung quanh.
Thông qua việc áp dụng “Một số biện pháp phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ 3-4 tuổi trong thời gian nghỉ dịch” tôi tin rằng các bé lớp tôi đã lớn khôn lên rất nhiều, biết yêu thương mọi người, mọi vật xung quanh. Tình yêu thương ấy đã lan tỏa tới bố mẹ, các bạn bè của bé.
2. Kiến nghị và đề xuất
Tôi xin đề nghị Phòng GD-ĐT tổ chức thêm nhiều buổi tập huấn, hội giảng về chuyên đề phát triển tình cảm- kĩ năng xã hội cho cấp học mầm non giúp giáo viên đặc biệt là những giáo viên trẻ mới vào ngành bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động.
Trên đây là một số biện pháp tôi đã thực hiện “Một số biện pháp phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ trong thời gian nghỉ dịch” .Trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những thiếu xót, tôi rất mong sự đóng góp ý kiến của các cấp lãnh đạo, đồng nghiệp để đề tài của tôi hoàn thiện và đạt kết quả cao hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
PHỤ LỤC
Một số hình ảnh minh họa
Phụ lục 1 : Kế hoạch giáo dục lĩnh vực tình cảm kỹ năng xã hội
Phụ lục 2: Hình ảnh bồi dưỡng và chia sẻ chuyên môn bằng ứng dụng Zoom, Google meet
Phụ lục 3: Hình ảnh hoạt động phối hợp với phụ huynh qua Zalo nhóm lớp
Phụ lục 4: Hình ảnh hoạt động phối hợp với phụ huynh qua Zalo nhóm lớp.