Sinh viên có nên khởi nghiệp sớm hay không?

Nhiều bạn trẻ ngày nay có định hướng kinh doanh từ rất sớm, thậm chí là từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, hầu hết sinh viên đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp vì thiếu nguồn vốn, kiến thức và kinh nghiệm, v.v. Khởi nghiệp dù mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Trên thực tế, có không ít sinh viên đã khởi nghiệp thành công, nhưng số người thất bại cũng không nhỏ. Vậy sinh viên có nên khởi nghiệp sớm hay không?

Khởi nghiệp là gì?

Khởi nghiệp nghĩa là bắt đầu một công việc kinh doanh của riêng mình, mà hình thức thường thấy nhất là thành lập một doanh nghiệp, tự chịu trách nhiệm và quản lý doanh nghiệp đó để tạo ra thu nhập. Đây là hình thức kinh doanh lý tưởng và hấp dẫn, giúp người khởi nghiệp được tự do và thoải mái sáng tạo và tránh được những gò bó khi đi làm thuê. 

Hiện nay, khởi nghiệp được xem như một phong trào mới đầy sôi nổi và tích cực, đặc biệt là đối với sinh viên. 

Sinh viên khởi nghiệp sẽ có những lợi thế nào?

Phần lớn mọi người đều cho rằng sinh viên khởi nghiệp sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn vì còn quá non trẻ, chưa đủ kinh nghiệm hay kiến thức, v.v. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã có không ít sinh viên Việt Nam đã khởi nghiệp thành công nhờ có nhiều lợi thế mà ở độ tuổi khác không có. Với sức trẻ và nhiệt huyết cháy bỏng, sinh viên luôn sẵn sàng cống hiến hết mình với những gì mà họ đam mê. Tư duy dám nghĩ dám làm của sinh viên cũng là một lợi thế to lớn để phát huy khả năng phát triển và tiếp cận với nhiều công nghệ tiên tiến. Sinh viên có nhiều thời gian để tự mình cập nhật, rèn luyện và bổ sung kiến thức, không ngại khó và sẵn sàng “làm lại” nếu có thất bại, và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân họ. Môi trường học đường cũng là nơi để sinh viên dễ dàng tìm được những người có cùng chí hướng, lý tưởng kinh doanh để đồng hành trên con đường khởi nghiệp. Ở độ tuổi này, công việc chính dường như chỉ là việc học, không bị áp lực nhiều về gánh nặng gia đình hoặc tài chính nên sinh viên cũng sẽ có nhiều thời gian để tập trung cho việc khởi nghiệp hơn.

Lợi thế về sức khỏe và sức trẻ có thể giúp sinh viên khởi nghiệp thành công

Sinh viên khởi nghiệp sẽ gặp những khó khăn gì? 

Bên cạnh những lợi thế, sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn điển hình khi khởi nghiệp ở lứa tuổi non trẻ. Vấn đề đầu tiên mà hầu hết các chủ dự án khởi nghiệp trẻ đều gặp phải là thiếu nguồn vốn và kinh nghiệm. Bởi lẽ sinh viên thường không có nguồn kinh phí dồi dào để hiện thực hóa ý tưởng của mình. Bên cạnh đó, kinh nghiệm là yếu tố quan trọng khi khởi nghiệp, nhưng yếu tố này không phải có thể dễ dàng học được trên ghế nhà trường mà đòi hỏi cần có những trải nghiệm thực tế. Sinh viên cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực khi phải tự chịu trách nhiệm và tự định hướng cho doanh nghiệp của mình. Ngoài ra, người khởi nghiệp trẻ sẽ không có nhiều mối quan hệ với các doanh nghiệp hoặc các nhà đầu tư, như vậy khả năng liên kết và kết nối vững chắc cho tương lai là rất khó. Đây cũng chính là những lý do chính khiến cho nhiều dự án khởi nghiệp trẻ mọc lên như nấm nhưng lại không phát huy hiệu quả. 

Sinh viên được tạo điều kiện để khởi nghiệp như thế nào?

Hiện nay nước ta có nhiều đơn vị lớn như Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, SIHUB (SaiGon Innovation Hub), Quỹ đầu tư Khởi nghiệp và Sáng tạo TPHCM, cùng các tổ chức khác luôn sẵn sàng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Ngoài ra, nhiều cuộc thi khởi nghiệp như Startup Wheel, I-Startup, Startup Việt, Startup Kite, v.v, cũng được tổ chức với mục tiêu tìm kiếm và phát triển những dự án tiềm năng, đồng thời hỗ trợ sinh viên triển khai những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo đầy triển vọng. Những cuộc thi này cũng là cơ hội để startup được cọ xát, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực cũng như đưa dự án của mình đến gần hơn với cộng đồng.

Các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo mở ra nhiều cơ hội phát triển cho sinh viên

Bên cạnh những đơn vị kể trên, Quỹ đầu tư Khởi nghiệp Sáng tạo FundGo cũng là một trong những đơn vị tích cực hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm dự án khởi nghiệp tiềm năng trong khu vực. Vào tháng 5/2022, FundGo đã tham dự cuộc thi “Dự án khởi nghiệp tiềm năng” trong học sinh, sinh viên trường Đại học Cần Thơ mở rộng năm 2022 với tư cách Ban giám khảo.

FundGo đồng hành cùng các đội tại cuộc thi “Dự án khởi nghiệp tiềm năng” trong học sinh, sinh viên trường Đại học Cần Thơ mở rộng năm 2022

FundGo luôn cam kết hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung theo đúng phương châm hoạt động của Quỹ. Trong thời gian qua, Quỹ đã phối hợp với các trường cao đẳng, đại học hàng đầu trong khu vực như Đại học Cần Thơ, Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, Đại học FPT, Cao đẳng FPT Polytechnic Cần Thơ để tài trợ hàng trăm suất học bổng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập. Quỹ sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tổ chức các chương trình hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tăng cường tìm kiếm các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng.

Sinh viên khởi nghiệp sớm là điều nên làm nếu họ có hoài bão và ý chí. Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng khởi nghiệp vẫn là cơ hội tốt để sinh viên thể hiện bản lĩnh, đồng thời mở ra cơ hội phát triển cho riêng họ. Tin rằng với quyết tâm và đam mê, các bạn sinh viên sẽ biến ý tưởng khởi nghiệp của mình thành hiện thực.