SEA Games 30: Thể thao điện tử e-Sport theo có thoát cảnh “ao làng”?
–
Thứ ba, 26/11/2019 12:36 (GMT+7)
Từ ASIAD 2018 , thể thao điện tử (e-Sports) được đưa vào với mục đích biểu diễn, không tính huy chương. Ở SEA Games 30 này, e-Sport được đưa vào thi đấu nhưng liệu có thật sự được công nhận?
Cơ sở vật chất vẫn thiếu và yếu
Với các môn thi đấu truyền thống, hệ thống sân bãi, nhà thi đấu, trung tâm thể thao phải có kinh phí lớn để xây mới, sửa chữa, nâng cấp…. Với thể thao điện tử, chỉ cần vài chiếc máy tính cấu hình tốt và hệ thống Internet đảm bảo, mọi thứ sẽ diễn ra suôn sẻ.
Tuy nhiên, trong lần đầu tiên ASIAD tổ chức e-Sports tại Indonesia năm 2018, những rắc rối xảy ra liên tục.
Với những bộ môn nổi tiếng như League of Legends (Liên Minh Huyền Thoại) hay Arena of Valor (Liên Quân Mobile), các tuyển thủ sẽ được ngồi tại các khu cách biệt để đảm bảo về chiến thuật. Nhưng tại Indonesia, các dãy thi đấu xếp liền kề và chỉ khi nào vào bán kết mới được lên sân khấu trung tâm, nơi có các khu tách biệt.
EVOS Esports là đại diện Việt Nam tham dự ASIAD 2018 môn League of Legends. Ảnh: EVOS.
Đường truyền tín hiệu để tiếp phát, phát sóng các môn e-Sports cũng không được chú trọng. Tại ASIAD 2018, đội Liên Minh Huyền Thoại của Việt Nam chỉ được xuất hiện 1 lần tại vòng bảng trên sóng truyền hình.
Điều này khiến cộng đồng người yêu mến Liên Minh Huyền Thoại không khỏi thất vọng. Không đủ thiết bị quay phát và livestream dẫn đến tình trạng người hâm mộ không biết được xem mấy trận, xem ở đâu và kết quả ra sao.
Bên cạnh đó, việc truyền tải tín hiệu dành cho e-Sports cũng bị coi là “con ghẻ” khi băng thông không đảm bảo, hình ảnh và âm thanh chập chờn. Cách tổ chức của Indonesia năm 2018 để lại nhiều vết gợn nhiều hơn những nét tích cực.
Tuyển thủ người Hàn Quốc – Faker trong sự chào đón của người hâm mộ. Ảnh: Korizon.
Chủ nhà mạnh thì chọn, môn nào yếu thì bỏ
Tại khu vực Đông Nam Á và Châu Á, chỉ có 2 môn giành được nhiều sự quan tâm nhất: Liên Minh Huyền Thoại và Liên Quân Mobile. Trong bối cảnh Việt Nam là bá chủ khu vực 2 môn này, chủ nhà Philippines rơi vào thế khó.
Nếu loại cả hai ra khỏi nội dung thi đấu, những môn còn lại như DotA 2, Heart of Stone, Tekken (chơi trên PS4), Starcraff hay Mobile Legend: Bang Bang có thể rơi vào tình trạng “không ai xem” do sức hút thấp và lượng cộng đồng nhỏ. Do đó, bắt buộc Philippines phải đưa 1 trong 2 nội dung này vào để thu hút khán giả.
Liên Quân Mobile sẽ được thi đấu tại SEA Games 2019. Ảnh: Garena.
Khoảng 5 năm trước, Philippines còn có một vài đội nổi tiếng tham dự Garena Premier League (giải Liên Minh Huyền Thoại Đông Nam Á). Phong trào tại Philippines khi đó khá sôi nổi và nhiều người chơi, tạo cộng đồng tốt.
Nhưng dần về sau do trình độ thụt lùi và đầu tư không đều, Philippines gần như biến mất khỏi bản đồ Liên Minh Huyền Thoại. Giờ đây, họ chỉ còn một vài đội tham gia Liên Quân Mobile nhưng cũng không thể so sánh với Việt Nam, đang là đương kim vô địch thế giới.
Đó là lý do Liên Quân Mobile được chọn chứ không phải Liên Minh Huyền Thoại.
Mocha ZD Esports là nòng cốt của đội Liên Quân Mobile Việt Nam dự SEA Games. Ảnh: AIC.
Hướng đi cho eSports tại SEA Games
Nhìn chung, xu thế thể thao điện tử đang ngày một phát triển, đặc biệt tại Châu Á. Tuổi đời mỗi môn e-Sports thường chỉ kéo dài vài năm, nhiều nhất như Liên Minh Huyền Thoại cũng mới bước sang năm thứ 10. Đây là điều lo ngại với tuyển thủ nhưng không thành vấn đề với các nhà tổ chức, bởi không có môn này sẽ có môn khác thay thế.
Điều cần làm là sự quan tâm đúng mức để những người trẻ có thêm sân chơi tranh tài, tạo được cộng đồng tốt và đem lại những giá trị tích cực của thể thao điện tử.
Khi trở thành những môn thi đấu chính thức và giành huy chương, sự tự hào cũng được đẩy cao hơn và các quốc gia cũng có thêm nhiều sự lựa chọn để đầu tư trọng điểm cho mỗi kì đại hội thể thao lớn.
Ảnh: Dot eSports.
Mocha ZD eSports là đại diện của Liên Quân Mobile Việt Nam tham dự SEA Games 30. Họ đã vượt qua vòng loại tại quê nhà khi đánh bại “Gã khổng lồ” Team Flash vào giữa tháng 8.2019.