Sẽ phục dựng, tạo không gian cho biểu diễn cồng chiêng – Lễ hội

 

(SGGP).- Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo về Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 vừa được tổ chức tại Hà Nội. Chương trình do Ban chỉ đạo Tây Nguyên, UBND tỉnh Đắk Lắk, Bộ VH-TT-DL phối hợp thực hiện.

Được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, lễ hội sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 13-3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Lak, huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) gồm 3 phần chính: Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6; Liên hoan Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2017 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4.

Biểu diễn cồng chiêng – nét văn hóa đặc sắc Tây Nguyên

Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, Phó trưởng ban tổ chức lễ hội, với chủ đề “Hội tụ tinh hoa – Phát huy bản sắc – Liên kết phát triển”, các chương trình sẽ đảm bảo liên kết từ thương mại đến văn hóa…

Đối với Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, nhiều lễ hội sẽ được phục dựng tạo không gian diễn tấu cồng chiêng như: Lễ cúng cầu mưa và Lễ kết nghĩa anh em của dân tộc Ê đê; Lễ bắt máng nước của dân tộc Sê Đăng; Lễ mừng lúa mới của dân tộc K’ho; Lễ cưới xin của dân tộc M’nông; Lễ cúng nhà rông mới của người Ba Na diễn ra trên nhiều điểm của thành phố Buôn Ma Thuột và huyện Buôn Đôn.

Trong khuôn khổ liên hoan sẽ diễn ra Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên; triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; công bố các chương trình du lịch “Hành trình di sản” (các tour du lịch gắn cà phê với các giá trị văn hóa cồng chiêng…); trưng bày chuyên đề lịch sử cồng chiêng Tây Nguyên…

Nguồn MAI AN – SGGP Online