“Sau nhân bản vô tính ở khỉ, tiếp theo sẽ đến con người?”

GN – Tuần qua, trong một báo cáo trên tạp chí Cell ngày 24-1, các nhà khoa học Trung Quốc công bố họ đã tiến hành việc nhân bản vô tính thành công 2 chú khỉ, với kỹ thuật tương tự như đã tạo ra cừu Dolly ở Scotland năm 1996.

“Nhân bản vô tính thành công ở khỉ, tiếp theo sẽ đến con người?”, vấn đề này đã khiến cả thế giới quan tâm.

khivotinh.jpg

Sau thành công thí nghiệm trên loài khỉ, tiếp theo sẽ là con người?

Hình ảnh Zhong Zhong và Hua Hua – 2 chú khỉ 8 và 6 tuần tuổi giống hệt nhau – kết quả của việc nhân bản vô tính bằng kỹ thuật chuyển giao tế bào gốc, khác hoàn toàn với cách sinh sản bình thường đã được phổ biến trên các kênh truyền hình quốc tế. Bởi phương pháp này lần đầu tiên được sử dụng để nhân bản linh trưởng.

“Con người cũng là một loài linh trưởng. Rào cản về kỹ thuật để nhân bản vô tính các loài linh trưởng, kể cả con người, nay đã bị phá vỡ. Lý do chúng tôi phá vỡ rào cản trên là để tạo ra các mẫu động vật hữu ích cho y học và sức khỏe con người. Chúng tôi không có ý định áp dụng phương pháp này vào con người”, Muming Poo, thành viên nhóm nghiên cứu sau đó đã chia sẻ với giới truyền thông. Tuy nhiên, vấn đề nhiều suy luận cho rằng sự việc này sẽ không dừng lại ở đó.

Chúng ta biết rằng, trong lịch sử khoa học, hiếm có những thành tựu nào tạo nên nhiều sự quan tâm lo lắng cũng như nhiều phản ứng, tranh cãi như việc nhân bản vô tính.

Nhà nghiên cứu Phật học, Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách trong một bài viết đã nói lý do: “Nhiều người nghĩ ngay đến một viễn cảnh “rùng rợn”, trong đó con người được chế tạo như những món hàng giống hệt nhau chạy ra từ một băng chuyền công nghiệp. Ngược lại cũng có nhiều người vội nghĩ tới tự nhân bản chính mình để sống đời này qua kiếp khác. Có kẻ thành tâm nghĩ tới khả năng sao chép những thiên tài của loài người để họ tiếp tục phục vụ cho nhân loại hàng trăm năm sau đó. Cũng có người chủ trương nhân bản con người chỉ để có một ‘kho’ lưu chứa phụ tùng thay thế tim óc và các bộ phận, một khi chúng bị tai nạn hay bệnh tật hủy phá”.

Việc tạo ra một sự sống bằng cách này sẽ là một thách thức đối với nhân sinh quan của một số tôn giáo; riêng đối với Phật giáo, việc này không vượt ra ngoài khái niệm về các hình thức hình thành sự sống trong quan niệm mà Đức Phật đã đề cập ở nhiều kinh điển.

Tuy nhiên, ở góc độ đạo đức và đời sống xã hội, chắc chắn sự việc trên sẽ khiến nhiều người lo ngại vì sẽ làm đảo lộn nhiều giá trị và đe dọa sự ổn định của xã hội. Với Phật giáo, hạnh phúc và sự an ổn của số đông là điều đáng quan tâm hơn cả, và sự việc gì làm cản trở, ngăn ngại điều đó thì Phật giáo cũng sẽ không tán thành.

Với đạo Phật, được làm thân người là điều kỳ diệu, việc hình thành con người là thiêng liêng, và đó là một quá trình của nghiệp lực, không hề là kết quả vô ý thức của hành động tính dục hay sự tình cờ.

Con người được hình thành không đơn thuần chỉ do cha mẹ sinh ra mà thông qua cha mẹ để đến với thế giới con người, tự thân thừa kế kinh nghiệm và năng lực trước đó. Giữa cha mẹ và con cái có sự liên hệ về nghiệp, không hề là sự gắn kết ngẫu nhiên, hay có một ai đó có khả năng chi phối.

Do đó, việc nhân bản vô tính như con cừu Dolly hay lần đầu tiên đối với loài linh trưởng như 2 chú khỉ Zhong Zhong và Hua Hua mà các nhà khoa học Trung Quốc vừa công bố, đóng góp thì chưa thấy, mà chỉ làm cho tâm lý con người thêm lo âu.

Diệu Trạm