Sau lũy tre làng
Xem clip của người dân quay bằng điện thoại và đưa lên internet, tôi bỗng nhiên như thấy lại những người dân làng Hà Trì và Đa Sĩ mà tôi biết cách đây mấy chục năm, khi cả làng chưa nhà nào có TV, còn điện lưới yếu xìu, lúc chớp lúc tắt.
Những người dân quê ấy, nói tiếng nhà quê, đéo lác luôn mồm, sắc thái âm điệu lúc nào cũng như đang sẵn sàng gây sự.
Có lẽ, mấy chục năm là quá ngắn để thay đổi gốc rễ hay căn tính của người dân đồng bằng bắc bộ. Nhất là những gì được coi là “xấu xí”.
Nhưng đã có những sự khác biệt. Lũy tre làng không còn nữa. Đường làng đã đổ bê tông. Người dân làng biết dùng smartphone để quay clip, và đưa nó lên internet.
Và giữa những lời nói đéo lác khó nghe, những lời chửi bới tục tằn cán bộ nhà nước cố thủ trong xe hơi biển xanh, là những tiếng nói mạch lạc: không được chạm vào xe, mình không có thẩm quyền, chỉ chửi thôi không được đánh.
Internet có thể không làm thay đổi được tính cách, nhất là tính xấu của người dân nông thôn, nhưng đã làm thay đổi được nhận thức của họ.
*
Trong các sách quản trị cao cấp, người ta luôn khuyên rằng, quy mô của một nhóm làm việc xuất sắc không nên quá 9 người, của một nhóm mạnh và hiệu quả không nên quá 150 người, và quy mô của một công ty hay chi nhánh lớn không nên quá 1500 người. Các công ty như Facebook, Google, Twitter trước khi IPO đều ở ngưỡng 1500 nhân viên.
Vậy mà số người dân đang cố thủ kia lên tới 6000 người, và có vẻ như họ đang vận hành khá tốt. Có lẽ các yếu tố họ tộc đan chéo lẫn nhau trong 6000 con người này, giúp cho họ, những người chắc chắn là mù tịt về quản trị, đang tổ chức tốt các hoạt động của mình.
Không những thế, họ còn tổ chức rất tốt việc chống “hacking” từ bên ngoài. Câu chuyện của cô nhà báo Vnexpress là một ví dụ. Câu chuyện về hai người dân làng, anh Ba và anh Công, bị công an bắt và thả về sớm, cũng bị dân làng trói và giam riêng ra, cũng là một cách “chống phản gián, nội gián, chống chia rẽ” rất xuất sắc.
Có lẽ, cũng như các làng quê khác ở bắc bộ, thôn xã nào cũng có cựu chiến binh. Những bài học từ quân đội, nay trở thành phương pháp thực hành chốn thôn quê.
Thôn quê ấy tình cờ lại có tên là Đồng Tâm.
*
Chị Nhung, nếu đúng như những gì người ta kể về chị trên mạng, trong trí tưởng tượng của tôi chị hiện ra như một người phụ nữ bắc bộ điển hình: hiền hậu và đảm đang. Chị nuôi ăn những người bị giam giữ, bất chấp sự ngăn cản của những người quá khích trong làng.
Chị Nhung làm như thế, có lẽ do bản năng của một người phụ nữ. Nhưng cũng có thể còn là bản năng của một một bà mẹ, một người con gái lớn, biết rằng nếu mình đối xử tốt với đám con tin trong tay phe mình, thì biết đâu phe bên kia người ta cũng sẽ đối xử tử tế với người thân của mình, đang là con tin trong tay họ.
Còn người phụ nữ miệng đầy những lời lẽ hận thù và tục tằn, trong câu chuyện của chị nhà báo Vnexpress, ở đằng sau có lẽ cũng là bản năng và cả một nỗi lòng của người mẹ nông dân.
Những người phụ nữ ấy thay vì đi làm đồng, hay nấu cơm cho chồng con, thì nay lại nấu ăn cho con tin, hoặc làm nhiệm vụ chống đột nhập, ngay trên làng quê của chính mình.
*
Những người nông dân chân đất mắt toét, sử dụng smartphone của tàu, nói tiếng nhà quê, đéo lác luôn mồm, thường xuyên dùng chữ “buồi” với đủ các động từ kèm theo; và có lẽ họ cũng vẫn “tham vặt, khôn lỏi” như cha ông của họ hàng ngàn đời trước.
Thế nhưng họ lại có thông điệp rất rõ ràng: họ muốn được lắng nghe, họ muốn được đối thoại, họ không muốn bị lừa dối mãi (như đã từng).
Họ còn biết cách “truyền thông” ra bên ngoài lũy tre những thông điệp ấy.
Phía bên kia thì hoàn toàn không.
Internet không làm thay đổi được những gì cố hữu, nhất là những tính xấu, của người nông dân. Nhưng internet đã giúp họ “thông minh” hơn.
*
Với hầu hết người Việt Nam, các địa danh Mỹ Đức, Chúc Sơn, Vân Đình, Đan Phượng, Hoài Đức … là các địa danh xa lạ.
Nhưng lưu ý một điều: những địa danh này không phải là tên nôm, tất cả đều là tên chữ, và là tên chữ rất đẹp. Nơi đây chính là những vùng đất “ngàn năm văn vật”. Những vùng đất có truyền thống giỏi cả văn lẫn võ: suốt từ thời Trần, qua thời Lê, thời Nguyễn. Họ chỉ bị lu mờ khi người Pháp tiến vào và đô thị hóa nơi mà ngày nay là thủ đô Hà Nội. Và họ bị gạt phăng ra bên lề trong suốt những năm đổi mới mà bản chất đầy rẫy những ăn cắp nhanh, làm giàu xổi.
Mỹ Đức không chỉ có cái tên đẹp. Cũng không chỉ nổi tiếng nhờ có Chùa Hương.
Mỹ Đức là nơi Đinh Bộ Lĩnh về tuyển quân để bắt đầu hành trình dẹp loạn mười hai sứ quân của ngài.
*
Chia sẻ:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…