SAU CHUYỂN PHÔI, CÓ PHẢI CHỈ ĐƯỢC NẰM YÊN KHÔNG ĐƯỢC HOẠT ĐỘNG?
SAU CHUYỂN PHÔI, CÓ PHẢI CHỈ ĐƯỢC NẰM YÊN KHÔNG ĐƯỢC HOẠT ĐỘNG?
BS. Nguyễn Huỳnh Hạnh Dung – Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVF Phương Châu
Đây là lời tâm sự của người chồng sau khi đưa vợ đi chuyển phôi về: “Đã lâu rồi, tôi không còn thấy nụ cười dễ thương của vợ, không còn thấy dáng đi lại thoải mái, công việc tại công ty cũng đã nghỉ, ngay cả niềm vui gặp bạn bè, tập yoga, shopping cùng mất. Giờ trước mặt tôi là một người vợ nằm ăn uống, đi vệ sinh tại giường, ngoài lướt facebook thì cáu gắt với cả nhà. Phải biết như thế, thà vợ chồng yêu thương nhau như trước còn hơn…”
Chắc hẳn, không ít người thấy mình đang rơi vào hoàn cảnh trên. Vì những lo sợ vô hình, do tưởng tượng, do truyền miêng. Bài viết này dựa trên nghiên cứu mới nhất 09/2019 (trước đây có rất nhiều nghiên cứu cho kết quả tương tự) trên cộng đồng lớn 1002 phụ nữ chuyển phôi.
Sai lầm 1. Huyền thoại trọng lực. Đó là khi đứng phôi trong tử cung theo lực hút Trái Đất sẽ rơi xuống. Sự thật là:
+ Cấu tạo tử cung gồm: cổ tử cung, thân tử cung, đáy tử cung. Phôi được đặt trong một ống dẫn (catheter) đưa qua kênh cổ tử cung đến đáy tử cung và đặt phôi ở đáy tử cung. Tử cung là cơ quan cấu tạo từ những bó cơ, có khả năng co bóp nên sau khi ống dẫn được lấy ra ngoài, các cơ co lại để giữ phôi không trôi ra.
+ Tư thế tử cung hầu hết phụ nữ là ngã trước, điều này có nghĩa là nếu người phụ nữ đứng tử cung sẽ nằm ngang hơn so với khi nằm. Do khi nằm bàng quang đè vào đáy tử cung, đẩy nó nằm gần như thẳng trục với kênh cổ tử cung.
Sai lầm 2. Phôi sẽ bay lơ lửng nếu cử động
Thực tế, dù phôi thụ thai tự nhiên hay hỗ trợ sinh sản thì đến lúc phôi 8 – 9 ngày tuổi mới bắt đầu quá trình xâm nhập vào nội mạc tử cung. Nên thời gian những ngày đầu bạn có nằm bất động cỡ nào “bạn phôi nhỏ” vẫn còn ham chơi khắp nơi. Và đến lúc phải về nhà (chính là lớp nội mạc tử cung dày dặn mà bác sĩ đã chuẩn bị trước cho bạn) các quá trình kích hoạt vào xâm nhập diễn ra, phôi dần vùi vào thật chắc chắn.
Sai lầm 3. Để yên cho “bạn phôi” lớn.
Nhắc lại về cấu trúc tử cung được nuôi bằng hệ thống mạch máu chằng chịt. Nhưng khổ nổi, cơ thể lại xem tử cung là bộ phận không quan trọng. Tức là khi lưu thông máu giảm cơ thể sẽ ưu tiên máu về não, tim, thận,…sau đó đến tử cung. Khi ít vận đông, máu không lưu thông tốt, cơ thể sẽ ưu tiên như trên. Lúc này, phôi không được cung cấp máu để phát triển.
Trong nghiên cứu cũng thấy rằng, ngoài phát triển phôi không tốt còn ảnh hưởng đến kết cục thai kỳ. Dẫn đến thai chậm tăng trưởng, sanh non, tiền sản giật,…
Kết luận:
Cứ như vậy, vòng xoắn stress cứ lặp đi lặp lại ở các phụ nữ sau chuyển phôi: sợ phôi rớt ra => nằm một chỗ gây stress => phôi không hoặc kém phát triển => stress nhiều hơn => thai kỳ không tốt => stress tột độ. Stress vừa là nguyên nhân, vừa là kết quả của sự sai lầm này.
Một vài trường hợp áp dụng phương pháp “bất động” thành công và chia sẻ cho mọi người và cũng có không ít trường hợp thất bại đã rơi vào ngõ cục không nói ra.
Khoa học luôn là kim chỉ nam để y học phát triển, hãy đặt niềm tin đúng chỗ!
Tài liệu tham khảo
-
Sharif K, Afnan M, Lenton W, Khalaf Y, Ebbiary N, Bilalis D et al (1995) Do patients need to remain in bed following embryo transfer? The Birmingham experience of 103 in-vitro fertilization cycles with no bed rest following embryo transfer. Hum Reprod 10:1427–1429 8.
-
Sharif K, Afnan M, Lashen H, Elgendy M, Morgan C, Sinclair L (1998) Is bed rest following embryo transfer necessary? Fertil Steril 69:478–481
-
Moher D, Shamseer L, Clarke M, Ghersi D, Liberati A, Petticrew M et al (2015) Preferred reporting items for systematic review and meta-analysis protocols (PRISMA-P) 2015 statement. Syst Rev 4:14053-4-1
-
Mauro Cozzolino, Gianmarco Troiano, Ecem Esencan (2019). Bed rest after an embryo transfer: a systematic review and meta
‑
analysis