Sao Thiên Phủ
Sao Thiên Phủ
Mục Lục
I. Thiên phủ tổng luận
Thiên Phủ là chủ tình của Nam Đẩu, thuộc dương thổ. Do Thiên Phủ là chủ tinh, cho nên cũng ưa được “bách quan triều củng”. Có điều “bách quan triều củng” của Tử Vi thì coi hai sao Thiên Phủ và Thiên Tướng là rất hữu lực, nhưng bản thân Thiên Phủ mà hội hợp với Thiên Tướng thì không được gọi Thiên Tướng là “triều củng”; hội họp với Tử Vi và Thiên Tướng cũng không thể gọi là “triều củng”.
So sánh hai sao Tử Vi và Thiên Phủ, tuy cùng là chủ tinh, nhưng Đẩu Số lấy Bắc Đẩu làm chủ, cho nên Thiên Phủ cũng chỉ là tôi thần của Tử Vi mà thôi.
Lúc Tử Vi và Thiên Phủ đồng độ ở hai cung Dần hoặc Thân, được Thiên Khôi, Thiên Việt, Văn Xương, Văn Khúc, Tả Phụ, Hữu Bật hội chiếu, gọi là “quân thần khánh hội”, cổ nhân nói: “vua tôi hội mừng, có tài kinh bang tế thế” (quân thần khánh hội, tài thiện kinh bang), trong cách cục này, làm vua vẫn là Tử Vi chứ không phải là Thiên Phủ.
Thiên Phủ nắm quyền tài chính, bản thân chẳng phải là “tiền tài”, người xưa ví nó là “kho tiền”; tương đương với ngày nay là thống đốc ngân hàng trung ương. Vì vậy nó chỉ có năng lực vận dụng và cất giữ tiền bạc, mà thiếu năng lực kiếm tiền.
Cho nên cũng là chủ tinh, nhưng so với Tử Vi, nó thiếu tài năng điều hành toàn cục, chỉ thiên về lãnh đạo tài chính. Cũng chính vì vậy, năng lực quyết đoán, tài lãnh đạo của Thiên Phủ đều thua Tử Vi. Nhưng đồng thời nó cũng không có sắc thái độc đoán mạnh giống như Tử Vi.
Tử Vi có thể khai sáng, Thiên Phủ lại giỏi về thủ thành. Vì vậy Tử Vi có thể khai sáng sự nghiệp mới, Thiên Phủ thì chỉ nên cải cách, làm cho hưng thịnh thêm trong cục diện đã có sẵn. Tức là, Thiên Phủ nên an định, không nên mở ra cục diện mới trong nghịch cảnh. Thiên Phủ thiên về hưởng lạc, thiếu tính nhẫn nại để kiến lập sự nghiệp trong gian khổ.
Do Thiên Phủ nên an định, có đặc tính chìm đắm trong sự hưởng lạc, vì vậy không nên gặp sát tinh. Sát tinh sẽ làm tăng tình huống bôn ba vất vả, mang lại nghịch cảnh, khiến Thiên Phủ khó an định mà làm việc, cải cách, sửa đổi những tệ hại trong hoàn cảnh đó.
Do Thiên Phủ chỉ là “kho tiền”, vì vậy rất nên gặp sao lộc, Lộc Tồn hay Hóa Lộc đều được. Có sao lộc thì “kho tiền đầy”, có thể phát huy hết năng lực vận dụng quyền về tài chính.
Nhưng lúc vận dụng quyền về tài chính lại dính dáng đến Thiên Tướng. Thiên Tướng luôn luôn hội hợp với Thiên Phú ở tam phương, trong Đẩu Số là “ấn tinh”, không có “ấn” thì không có “quyền”, “ấn tinh” không tốt thì quyền lực phát huy không được, do đó cổ nhân có thuyết “phùng Phủ khán Tướng” (gặp Thiên Phủ thì phải xem Thiên Tướng). Gặp Thiên Tướng và cát tinh, được các sao “Tài Ấm” giáp cung, hoặc có các sao phụ, tá hội hợp, sẽ khiến quyền lực của Thiên Phủ nhờ đó mà được phát huy, trong lúc làm việc và cải cách sẽ tiến thoái hợp thời; nếu Thiên Tướng bị các sao hình, kị giáp cung, hoặc bị các sao sát, hình, kị xung phá, sẽ khiến cho quyền lực Thiên Phủ bị khống chế, dù thủ thành cũng dễ có phản ứng sai lầm, tiến thoái không hợp thời cơ.
Thông thường người ta chỉ chú trọng hai sao Thiên Phủ, Thiên Tướng nhập miếu và lạc hãm, mà xem thường Thiên Tướng bị (hay được) các sao nào giáp cung, do đó ở đây đặc biệt nhắc đến, xin bạn đọc lưu ý.
Lúc không có sao lộc hội hợp, Thiên Phủ gọi là “kho trống”; Thiên Tướng không gặp sao cát, hoặc thậm chí lúc có sát tinh đến hội hợp, thì Thiên Phủ gọi là “kho lộ”. Lúc Thiên Phủ đồng cung với Địa Không, Thiên Không, cũng gọi là “kho trống”; Thiên Phủ có các sao sát, hình, kị giao hội, cũng gọi là “kho lộ”.
“Kho trống” sẽ khiến Thiên Phú trở thành người dùng thủ đoạn bất chính để tranh đoạt, do đó tính chất của Thiên Phủ sẽ là hay dùng thủ đoạn, bề ngoài thì dung hợp hài hòa, nhưng nội tâm thì nhiều thủ đoạn, rốt cuộc thành sống cô lập.
“Kho lộ” sẽ khiến Thiên Phủ thêm nhiều tình huống rối rắm khó xử, cần phải chắp vá những khuyết điểm đã lộ rõ ra. Cho nên tính chất của Thiên Phủ cũng sẽ vì vậy mà biến thành gian trá giả dối, rốt cuộc dễ thất bại.
Trên là bản chất của Thiên Phủ, nên lúc cung mệnh của đại hạn hoặc lưu niên có Thiên Phủ bay đến, thì không phải là “kho trống” và “kho lộ”, bởi vì trong niên hạn không thể làm thay đổi bản chất của mệnh tạo, vì vậy ở đây không luận là gian trá giả dối.
Niên hạn mà gặp Thiên Phủ tọa mệnh, đương nhiên thích gặp sao lộc; nếu không có sao lộc mà gặp các sao sát, hình, kị thì chỉ chủ về trở ngại khó khăn, không chủ về kiện tụng, hay phạm pháp. Lúc Địa Không, Địa Kiếp cùng chiếu, thì tính cô lập của Thiên Phủ sẽ biến thành là cô độc, cho nên có sự trống rỗng của một người không chịu nỗ lực tiến thủ, chỉ thích hưởng nhàn.
Thiên Phủ phân bố ở 12 cung, ắt sẽ đối nhau với Thất Sát, đây là nguồn cơn của lực kích phát Thiên Phủ. Nếu Thất Sát gặp hay hội họp các sao không cát tường, như hội hợp các sao hình kị, mà còn gặp Thiên Hư, Âm Sát đồng độ, thì lực kích phát Thiên Phủ sẽ không đủ. Lúc này, giả dụ như Thiên Phủ lại là “kho trống”, càng dễ có cảm giác đời người là hư ảo. Đây là trạng thái tâm lí của một người sau khi trải qua thất bại, thiên về hướng tiêu cực.
Các sao có quan hệ mật thiết với Thiên Phủ, ngoại trừ Thất Sát, còn có ba sao Vũ Khúc, Tử Vi, Liêm Trinh.
Ở cung Tí hoặc Ngọ, Vũ Khúc đồng độ với Thiên Phủ; ở cung Mão hoặc Dậu, thì Thiên Phủ độc tọa, đối cung là “Vũ Khúc, Thất Sát”, cấu tạo thành tinh hệ “Vũ Khúc, Thiên Phủ, Thất Sát”.
Ở cung Sửu hoặc Mùi, Thiên Phủ độc tọa, đối cung là “Liêm Trinh, Thất Sát”; ở cung Thìn hoặc Tuất, Liêm Trinh đồng độ với Thiên Phủ, cấu tạo thành tinh hệ “Liêm Trinh, Thiên Phủ, Thất Sát”.
Ở cung Dần hoặc Thân, Tử Vi đồng độ với Thiên Phủ; ở cung Tị hoặc Hợi, Thiên Phủ độc tọa, đối cung là “Tử Vi, Thất Sát”.
Trong số đó, trường hợp “Thiên Phủ, Liêm Trinh” tọa cung Tuất, ở cung Dần hoặc cung Ngọ được Lộc Tồn, lại gặp Liêm Trinh Hóa Lộc, hoặc Vũ Khúc Hóá Lộc, là thượng cách.
Các tinh hệ còn lại thông thường thích trường hợp Tử Vi và Thiên Phủ ở cung Dần hoặc Thân; Thiên Phủ độc tọa ở cung Tị hoặc Hợi. Các trường hợp này sẽ luận rõ ở chương “Luận về sáu mươi tính hệ”.
II. Sao Thiên Phủ biệt luận
1. Mệnh Thiên Phủ là quý hay tiện?
Thiên Phủ tuy là chủ tinh của Nam Đẩu, nhưng nếu không được các sao lộc hội hợp thì cũng vô ích, về điểm này Thiên Phủ khác rất nhiều so với Tử Vi. Cho nên Tử Vi Đẩu Số toàn thư nói: “Thiên Phủ ở cung Tý hoặc Ngọ đồng cung với Vũ Khúc, người sinh năm Đinh, Kỉ, Quý là phúc, là cách tài quan”. “Thiên Phủ ở cung Dần là nhập miếu, ở cung Thân là đắc địa, đồng cung với Tử Vi, người sinh năm Đinh hay năm Kỉ là cách tài quan”, ở đây không có ý nói hội hợp với Lộc Tồn hay Hóa Lộc.
Do Thiên Phủ là “kho tiền”, bản thân không có năng lực kiếm tiền, chỉ có thể giữ tiền và vận dụng tiền. Cho nên được hội hợp với sao lộc, mới có thể phát huy tác dụng.
Nếu Thiên Phủ không gặp sao lộc, thì dù là “Tử Vi Thiên Phủ đồng cung”, có hai chủ tinh tọa trấn, cũng không phải là thượng cách, mà ngược lại, không bằng “Tử Vi và Thiên Phủ giáp mệnh”, có thể làm tăng khí thế của cung mệnh. Hễ “Tử Vi và Thiên Phủ giáp mệnh”, cung mệnh ắt sẽ là Thái Âm và Thiên Cơ đồng cung. Kết cấu này có khuyết điểm, nhưng cũng may là được Tử Vi và Thiên Phủ giáp cung, mới khiến đương số có thể tài ba hơn người.
Nếu Thiên Phủ không gặp lộc tinh, mà gặp tứ sát tinh. Đây là kết cấu không hay cho lắm. Trong Tử Vi Đẩu Số toàn thư có ca quyết nói: “Hỏa Tinh, Linh Tinh, Kình Dương, Đà La hội hợp ở tam phưong, là người gian trá, nhiều vất vả, có Địa Không, Địa Kiếp đồng cung không phải là tốt, nhưng cũng được hưởng phước ở cửa Không”.
Thực ra ở đây cũng có cái lý tất nhiên của nó, bởi vì Thiên Phủ chỉ là “kho tiền”, “kho tiền” mà không gặp tài tinh, lại gặp sát tinh, khó trách sẽ trở thành người gian xảo.
Nếu Thiên Phủ gặp sát tinh mà có Văn Xương, Văn Khúc tương hội, thì lại có thể là mệnh “bàng hữu”. Bởi vì Văn Xương, Văn Khúc chủ về người giỏi văn bút, còn giỏi biện luận, tuy gian xảo nhưng cũng không mất phong thái của một nho sinh văn sĩ.
Nhưng nếu Văn Xương hoặc Văn Khúc Hóa Kỵ, là mệnh “Thiên Phủ gặp tứ sát tinh và hội hợp với Văn Xương, Văn Khúc”, cách cục sẽ giảm thấp rất nhiều. E rằng người này sẽ thành hàn nho “bất thông” ở chốn quê mùa. Ở thời hiện đại, là người đọc sách không thông mà tự cho mình thuộc giới trí thức đã đọc rất nhiều sách, phần nhiều họ hay oán trời trách người, cho rằng mình có tài mà không gặp thời.
Cho nên gặp người có Thiên Phủ thủ mệnh, phải đặc biệt cẩn thận. Mệnh cục của họ có thể phú quý, mà cũng có thể hàn vi, có thể là “bàng hữu”, mà cũng có thể là thương nhân, cách biệt cực kì xa.
2. Thiên Phủ và Thiên Tướng là sao đôi
Thiên Phủ là chủ tinh của Nam Đẩu, nhưng lại thiếu khí thế của một người lãnh đạo quần hùng. Thiên Phủ còn có tính chất của “kho tiền”, là khuynh hướng quản lý tài chính, cho nên khó tránh có cách xử sự cẩn thận quá đáng. Tuy có địa vị là chủ tinh nhưng lúc làm việc lại quá tủn mủn.
Tử Vi Đẩu Số rất xem trọng “sao đôi”, ví dụ như Thái Âm và Thái Dương, Văn Xương và Văn Khúc, Tả Phụ và Hữu Bật, Thiên Khôi và Thiên Việt, Kình Dương và Đà La, Địa Không và Địa Kiếp, Hỏa Tinh và Linh Tinh, Tam Thai và Bát Tọa, Thiên Hình và Thiên Diêu, v…v…. Vị trí tổ hợp “sao đôi” thường thường có tác dụng hỗ tương làm cho mạnh lên hoặc yếu đi. Thiên Phủ tuy là chủ tinh, nhưng nó cũng thành tổ hợp “sao đôi” là “Thiên Phủ và Thiên Tướng”.
Cho nên “Phủ Tướng triều viên” có thể thành một cách cục, “Tử Phủ triều viên” thì lại rất khiên cưỡng. Nguyên nhân là vì Thiên Phủ và Thiên Tướng có quan hệ “Sao đôi”, còn Tử Vi và Thiên Phủ thì không có quan hệ này. Cho nên Thiên Phủ và Thiên Tướng hội hợp một cung, có thể làm mạnh thêm ảnh hưởng của cung vị này. Còn Tử Vi và Thiên Phủ hội hợp một cung, thì chỉ là hai chủ tinh Bắc Đẩu và Nam Đẩu gặp nhau, vốn không làm mạnh thêm ảnh hưởng của cung vị này.
Do đó khi gặp Thiên Phủ, cần phải tìm xem Thiên Tướng ở cung nào để phối hợp nghiên cứu. Sau đó mới có thể luận ra cát hung của cung Thiên Phủ tọa thủ.
Cổ nhân nói “Thiên Phủ ở cung Ngọ hay cung Tuất, có Thiên Tướng đến chầu, người sinh năm Giáp, là quý hiển nhất phẩm”, vì người sinh năm Giáp thì Lộc Tồn ở cung Dần, ba cung tam hợp Dần Ngọ Tuất lại được ba sao Lộc Tồn, Thiên Phủ, Thiên Tướng chia ra tọa thủ, thành một tổ hợp tốt lành. Lúc này lại không xem trọng Vũ Khúc đồng cung với Thiên Phủ.
(Trung Châu Tam Hợp Phái – Nguyễn Anh Vũ biên dịch)