Sao Thần Nông và tín ngưỡng thờ Thần Nông – AmBeauty
Ngoài sao Tua Rua, người Việt xưa còn căn cứ vào sao Thần Nông để xác định mùa vụ. Sao Thần Nông của Việt Nam tương ứng với chòm sao Bọ Cạp (Thiên Yết 天蠍 – Scorpius) nhưng bỏ đi phần đuôi (hình 1). Sao Vĩ (尾 – Tail) trong Nhị Thập Bát Tú của thiên văn học Trung Quốc là phần đuôi của chòm sao Bọ Cạp. Sao Thần Nông nằm bên cạnh dải Ngân Hà giống như người nông dân đang gieo trồng bên cạnh dòng sông Ngân và lấy nước sông Ngân tưới cho cây cối.
Dựa vào tư thế của sao Thần Nông vào lúc mặt trời lặn hoặc ngay trước khi mặt trời mọc mà nhà nông có thể xác định một cách tương đối các tiết khí và thời điểm gieo trồng các loại cây. Hình ảnh sao Thần Nông đứng lom khom, cúi đầu vào đầu xuân hoặc đầu mùa vụ gieo hạt rồi lần lượt cúi đầu thấp dần, cúi rạp người vào vụ gặt mùa thu.
Bài ca dao về sao Thần Nông [1]:
Trên trời có ông sao Thần,
Bốn mùa chỉ lối cho dân ăn làm.
Sang xuân Thần cúi lom khom,
Là mùa trồng đậu, dân làng biết chăng?
Bước sang tháng chín rõ trăng,
Lưng thần hơi đứng là đang gặt mùa.
Tua rua đi rắc mạ mùa,
Tiểu thử đi bừa, cầy ruộng rất sâu.
Hàn lộ lúa trổ bằng đầu,
Lập đông ta quyết về mau gặt mùa.
Sử dụng phần mềm thiên văn học Starry Night [2], ta cũng thấy được sự khác nhau của sao Thần Nông trong các tiết khí của năm vào lúc mặt trời sắp mọc hoặc lúc mặt trời vừa lặn (hình 2-8).
Theo truyền thuyết, Thần Nông là người dạy dân nghề làm nông, chế tạo cày bừa và là người đều tiên làm lễ thượng điền và hạ điền. Ông cũng là người phát triển nghề thuốc trị bệnh cứu dân [3]. Tín ngưỡng thờ cúng Thần Nông được thực hiện ở nhiều nơi của Việt Nam [3,4].
Cũng theo truyền thuyết của người Việt, Thần Nông là ông tổ 4 đời của Kinh Dương Vương, 5 đời của Lạc Long Quân và 6 đời của Hùng Vương thứ nhất.
Lễ tế Thần Nông của người Việt được tiến hành vào ngày Lập Xuân. Người Dao cũng tế Thần Nông vào ngày 1 tháng 1, ngày 6 tháng 6 và ngày 9 tháng 9 âm lịch hàng năm.
Nhiều dân tộc có chung tín ngưỡng thờ Thần Nông có thể do các dân tộc đã có quá khứ tương tác và giao lưu với nhau chặt chẽ. Sơ đồ lai tạo gen Admixture graph trong nghiên cứu gen quốc tế của Hàn Quốc cũng cho thấy tổ tiên người Việt đã tách khỏi tổ tiên người Hán, Hàn Quốc, Nhật Bản gần 5000 năm trước (hình 9) [5].
Tuy nhiên, các luồng hòa huyết từ người Hán vào người Việt trong 3000 năm nay là tương đối ít và không được tìm thấy trong sơ đồ lai tạo gen (hình 9) [5].
Trên các quyển lịch cổ hàng năm, người ta thường vẽ một mục đồng dắt một con trâu. Mục đồng tức là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề nông. Con trâu được đổi màu tùy theo hành của mỗi năm, nó có thể có một trong 5 màu vàng, đen, trắng, xanh, đỏ đúng với các hành Thổ, Thủy, Kim, Mộc, Hỏa [6]. Thần Nông cũng hay được vẽ với đầu có sừng trâu hoặc sừng bò.
Năm Tân Sửu 2021 là năm Trâu vàng gắn với Thần Nông và nông nghiệp. Hy vọng năm nay sẽ là năm thuận lợi cho nền nông nghiệp nước ta!
Nhân dịp năm mới, chúc các bác, các cô chú, các anh chị và các bạn một năm mới luôn mạnh khỏe, an khang thịnh vượng!
[1] Mã Giang Lân (2019). Tục ngữ và ca dao Việt Nam. NXB Giáo dục.
[2] Simulation Curriculum Corp.
[3] Từ Nguyên. Đền thờ Thần Nông.
[4] Lễ cúng Thần Nông trong các ngôi đình ở Nam bộ.
[5] Kim, J., Jeon, S., Choi, J.P., Blazyte, A., Jeon, Y., Kim, J.I., Ohashi, J., Tokunaga, K., Sugano, S., Fucharoen, S. and Al-Mulla, F (2020). The origin and composition of Korean ethnicity analyzed by ancient and present-day genome sequences. Genome biology and evolution, 12(5), pp.553-565..
[6] Lễ rước Thần Nông.
Tổng hợp