Sao kê là gì? Sao kê có mất phí không? Thông tin mới nhất
Sao kê là gì? Hướng dẫn 4 cách sao kê tài khoản ngân hàng VPBank A-Z
Thời gian gần đây, chắc hẳn bạn đã không còn lạ lẫm với từ “sao kê” nữa. Bên cạnh những câu chuyện kể về giấy tờ này, bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng bởi một số trường hợp bắt buộc cần có giấy sao kê: vay tiền ngân hàng và các TCTD, chứng minh thu nhập, dòng tiền với các cơ quan chức năng,… Tuy nhiên, thực tế, sao kê là gì, có tốn phí không, thủ tục thực hiện có phức tạp không,… thì không phải ai cũng nắm rõ. Chính vì vậy, VPBank sẽ chia sẻ cụ thể những thông tin liên quan đến chủ đề này. Hy vọng bạn sẽ hiểu chính xác, đầy đủ và thực hiện nhanh chóng thủ tục nhận giấy tờ này khi giao dịch với ngân hàng. Nào, hãy cùng VPBank khám phá ngay!
1. Sao kê là gì?
Sao kê là một loại văn bản được ngân hàng kiểm soát tài khoản trực tiếp phát hành, cung cấp thông tin và xác nhận, trên đó có ghi chép chi tiết toàn bộ giao dịch có phát sinh dòng tiền ra – vào của TKNH đó.
Sao kê là gì? Sao kê là văn bản được phát hành và xác nhận bởi ngân hàng.
Theo đó, sao kê tài khoản ngân hàng được thực hiện bởi chủ tài khoản, chủ thẻ hoặc người được ủy quyền giao dịch với ngân hàng chủ quản. Ngân hàng cung cấp thông tin sao kê theo hình thức online hoặc trực tiếp theo quy định của ngân hàng hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản:
-
Sao kê trực tuyến/ online: thông báo tình trạng tài khoản gửi trực tiếp qua các kênh trực tuyến: email, app, điện thoại… Bản này chỉ có tính chất kiểm soát, không có tính pháp lý.
-
Sao kê qua ATM: thông báo tình trạng tài khoản liên quan trực tiếp đến thẻ ATM. Tuy nhiên, bản này chỉ có tính chất kiểm soát mà chưa có hiệu lực pháp lý.
-
Sao kê trực tiếp/ bản cứng: thông báo tình trạng tài khoản trong một giai đoạn nhất định bằng giấy tờ có xác nhận của ngân hàng nên có tính pháp lý.
Hiện nay, hình thức này đã khá phổ biến đặc biệt với các doanh nghiệp, cá nhân nhằm thực hiện các mục đích cần thiết để nhận hỗ trợ tài chính từ các TCTD hoặc phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh.
2. Tác dụng của sao kê ngân hàng
Sau khi tìm hiểu khái niệm sao kê là gì, ta sẽ đến với tác dụng của nó. Không chỉ có tác dụng với chủ tài khoản, văn bản sao kê còn có ý nghĩa đặc biệt với nhân hàng và nhà nước trong nhiều trường hợp cần thiết:
2.1 Đối với chủ tài khoản
-
Kiểm soát chi tiết dòng tiền tài khoản: Trên bản sao kê, chủ tài khoản nắm được: số dư đầu kỳ, số dư cuối kỳ, chi tiết giao dịch phát sinh trong một khoảng thời gian nhất định (tiền vào/ ra, tài khoản gửi/ nhận, ngân hàng gửi/ nhận tiền, nội dung giao dịch, số tiền, loại tiền,…). Qua đó, chủ tài khoản nắm được chi tiết và kiểm soát trọn vẹn số tiền của mình.
-
Lên kế hoạch tài chính trong tương lai: Thông qua báo cáo chi tiết, chủ tài khoản nắm được thông tin và có kế hoạch dự trù tài chính trong thời gian tới. Lập kế hoạch thường dựa trên cơ sở dòng tiền thu – chi thực tế được theo dõi trong một khoảng thời gian dài.
Sao kê là cơ sở để lập kế hoạch tài chính
-
Chứng minh tính minh bạch, khách quan của các khoản thu chi thực tế: Đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân cần kê khai thuế, sao kê là giấy tờ quan trọng trước cơ quan chức năng. Văn bản này giúp hoàn thiện hồ sơ tài chính, chứng minh tính hợp pháp của các khoản tiền phát sinh.
-
Lập hồ sơ nhận hỗ trợ tài chính: Nếu muốn nhận các khoản vay có lãi suất tốt nhất từ NHTM, đây là giấy tờ không thể thiếu chứng minh năng lực trả nợ của cá nhân và tổ chức.
2.2 Đối với ngân hàng
-
Căn cứ để thông báo cụ thể, ngắn gọn tới chủ tài khoản, chủ thẻ: Ngân hàng thường thông báo thường xuyên, định kỳ hoặc theo yêu cầu về các khoản tiền phát sinh trong tài khoản hoặc thẻ tới chủ tài khoản. Các thông tin được trình bày khá đầy đủ nhưng vẫn ngắn gọn.
-
Cơ sở để giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến tài khoản và thẻ: Với thông tin chi tiết được trình bày trong sao kê, chủ tài khoản có thể kiểm tra và đối chiếu với thực tế. Nếu có khoản phát sinh chưa chính xác, 2 bên cùng kiểm tra và lấy căn cứ bao gồm sao kê, giao dịch thực tế, hóa đơn bán hàng,…
-
Thể hiện sự chuyên nghiệp, nâng cao uy tín của ngân hàng: Với sự trình bày súc tích và giải quyết vấn đề nhanh chóng, các ngân hàng đã thể hiện được sự chuyên nghiệp và uy tín của mình.
2.3 Đối với nhà nước
-
Nắm được mức thu nhập và chi phí thực tế của các thành phần kinh tế: Cơ quan chức năng sẽ nắm được chính xác dòng tiền thu – chi thực tế của mỗi doanh nghiệp, cá nhân. Điều này thực sự có ý nghĩa khi lượng tiền mặt lưu thông trong dân cư cực thấp và người dân chủ yếu chi tiêu không dùng tiền mặt.
-
Cơ sở để đưa ra các chính sách phù hợp: Khi đã nắm được tình hình tài chính của mọi chủ thể, nhà nước có cơ sở nghiên cứu và đưa ra các chính sách thuế cũng như định hướng phát triển kinh tế tốt hơn.
Như vậy bạn đã phần nào nắm được ý nghĩa và tác dụng của việc sao kê là gì.
Xem thêm: Tác dụng của thẻ ngân hàng là gì? Có mấy loại thẻ ngân hàng bạn cần biết? Tìm hiểu ngày
3. Quy định về sao kê tài khoản ngân hàng
Tùy thuộc vào ngân hàng, loại tài khoản mà thời gian, cách thức và kỳ sao kê được quy định khác nhau. Thông thường, các ngân hàng thường thực hiện sao kê với tài khoản và thẻ. Quy định sao kê thẻ và tài khoản cũng khác nhau do tính chất và yêu cầu đảm bảo an toàn tài chính.
4. Khi nào cần sao kê tài khoản ngân hàng?
Ngân hàng tiến hành sao kê thường xuyên, định kỳ và theo yêu cầu của chủ tài khoản. Trong đó, kỳ thực hiện của mỗi hình thức như sau
4.1 Sao kê thường xuyên/ định kỳ
Ngân hàng thực hiện gửi thông tin chi tiết về các giao dịch thường xuyên qua email, tài khoản trên ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking, số điện thoại đăng ký nhận thông báo biến động số dư/ giao dịch… Ngoài ra, với các thẻ tín dụng, bên cạnh báo cáo thường xuyên, ngân hàng còn có báo cáo định kỳ hàng tháng để chủ thẻ nắm được số dư cần thanh toán.
Sao kê định kỳ hàng tháng được gửi đến khách hàng có thẻ tín dụng.
4.2 Sao kê theo yêu cầu
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân thường thực hiện sao kê theo yêu cầu trong một số trường hợp:
-
Báo cáo tài chính với cơ quan chức năng, đảm bảo tính minh bạch. Kỳ kê khai thuế của doanh nghiệp thường theo tháng, quý, năm, theo quy định của cơ quan thuế.
-
Yêu cầu khác: Khi phát hiện vấn đề bất thường về một số khoản phát sinh, chủ tài khoản có thể chủ động yêu cầu sao kê.
5. Sao kê có mất phí không?
Thông thường, các bản sao kê online định kỳ hoặc thường xuyên do ngân hàng chủ động gửi sẽ không tính phí. Lúc này, ngân hàng chỉ tính phí các dịch vụ trên các kênh chuyển thông tin nếu có: SMSBanking, Mobile Banking, Internet Banking…
Các trường hợp sao kê theo yêu cầu có thể tính phí theo quy định của ngân hàng.
6. Sao kê tài khoản công ty cần gì?
Nếu công ty muốn xem sao kê trực tuyến thì chỉ cần tên đăng nhập và mật khẩu để kiểm tra trên các kênh online. Còn nếu muốn nhận sao kê trực tiếp tại chi nhánh, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
-
CMT/ CCCD/ Hộ chiếu của chủ thẻ, chủ tài khoản
-
Đơn đề nghị sao kê tài khoản ngân hàng theo mẫu
-
Giấy giới thiệu người đến làm thủ tục
-
CMT/ CCCD/ Hộ chiếu của người đến làm thủ tục
Lưu ý: Thông thường, doanh nghiệp yêu cầu sao kê trực tiếp theo năm.
Căn cước công dân là giấy tờ cần thiết để làm thủ tục sao kê cho công ty
Xem thêm: Tìm hiểu sản phẩm vay vốn hỗ trợ kinh doanh giúp phát triển doanh nghiệp của bạn
7. Thủ tục sao kê là gì tại tài khoản ngân hàng VPBank
Các cách sao kê TKNH được nhiều người thực hiện nhất bao gồm: qua Mobile Banking, Internet Banking, trực tiếp tại chi nhánh, tại cây ATM và qua cổng thông tin. Mỗi cách có quy trình thực hiện riêng:
7.1 Sao kê Online qua Mobile Banking/ Internet Banking
-
Bước 1: Đăng nhập vào VPBank NEO.
-
Bước 2:
+ Cách 1: Chọn mục Tiện ích/Sao kê thẻ. Chọn thẻ cần sao kê và chọn nút “Xuất sao kê”.
+ Cách 2: Chọn Tài khoản, chọn tài khoản muốn xem sao kê, nhấn Sao kê và xác nhận Xuất.
7.2 Sao kê trực tiếp
-
Bước 1: Đến địa chỉ chi nhánh VPBank gần nhất và mang theo một vài giấy tờ cần thiết
-
Bước 2: Yêu cầu Giao dịch viên hỗ trợ in sao kê và làm theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng.
-
Bước 3: Đợi nhận sao kê.
Khách hàng đến trực tiếp chi nhánh VPBank yêu cầu in sao kê làm báo cáo tài chính hàng năm.
7.3 Sao kê tại cây ATM
-
Bước 1: Đặt thẻ ATM vào khe đúng chiều và đăng nhập.
-
Bước 2: Trên màn hình điều khiển, chọn In sao kê
-
Bước 3: Chờ máy in xong thì nhận sao kê và nhấn Hoàn thành. Lưu ý: nhận lại thẻ ATM.
Nếu có thẻ ATM, bạn hãy in sao kê ngay tại cây ATM rất thuận tiện.
Xem thêm: Tìm hiểu thủ tục vay vốn thế chấp sổ đỏ/ nhà đất tại ngân hàng VPBank mới nhất 2023
8. Kinh nghiệm sao kê tài khoản ngân hàng
Nếu là chủ tài khoản, bạn dễ dàng kiểm tra và xuất sao kê với bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, trong và sau quá trình đăng ký nhận giấy tờ này tại ngân hàng, các chuyên gia tài chính lưu ý bạn một số điểm sau:
-
Chuẩn bị sẵn tiền nộp phí in sao kê theo quy định ngân hàng: Mỗi ngân hàng có mức phí riêng, bạn có thể nộp trực tiếp hoặc trừ trong tài khoản.
-
Thời gian sao kê: Khi kiểm tra và yêu cầu sao kê, bạn cần xác định chính xác khoảng thời gian tiến hành. Các bản sao kê online thường mặc định 1 – 3 tháng, bạn cần kiểm tra nhiều lần nếu thời gian vượt quá cài đặt mặc định.
-
Kiểm tra lại các khoản thu – chi: Sau khi nhận sao kê, bạn cần kiểm tra kỹ các thông tin và đối chiếu với hóa đơn thực tế để hạn chế sai sót.
-
Liên hệ hỗ trợ bởi nhân viên ngân hàng chủ quản: Một số trường hợp sao kê không trùng khớp với thực tế, bạn hãy liên hệ trực tiếp với nhân viên ngân hàng phụ trách quản lý tài khoản. Lưu ý: không liên hệ qua bên thứ ba vì thông tin không chính xác mà còn tốn phí cao.
Có thể bạn quan tâm:
Đến đây, bạn đã hiểu sao kê là gì và những vấn đề liên quan đến giấy tờ này rồi. Đây là một trong những giấy tờ quan trọng liên quan đến hoạt động tài chính, bạn hãy kiểm tra thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp có khả năng gây thiệt hại tài sản. Ngoài ra, nếu bạn có tài khoản tại VPBank và cần hỗ trợ về sao kê, hãy liên hệ ngay với các chuyên gia tài chính của ngân hàng qua website: https://www.vpbank.com.vn/ hoặc hotline: 1900545415