Sản xuất nông nghiệp hữu cơ – Hướng đi bền vững
Kinh tế
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ – Hướng đi bền vững
Ngành Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông đã, đang chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ để giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế và hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Đắk Nông hiện có trên 651.562 ha đất tự nhiên. Trong đó, đất nông nghiệp là 359.514 ha, đất trồng cây lâu năm 254.772 ha, đất trồng cây hàng năm khoảng 65.000 ha, đất có rừng khoảng 248.343 ha, diện tích mặt nước phát triển thủy sản hơn 2.000 ha…
Cánh đồng sản xuất lúa VietGAP xã Buôn Choáh (Krông Nô) mang lại lợi nhuận cao cho nông dân
Điều kiện tự nhiên thuận lợi, phù hợp cho phát triển nhiều loại cây trồng như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, cây ăn quả, lúa, bắp, đậu đỗ các loại… Tuy nhiên, hiện nay phát triển của ngành Nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Chính vì thế, những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã xem việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, khai thác hiệu quả đất đai gắn với bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Gia đình bà Lương Kim Huệ ở xã Nâm Nung (Krông Nô) có 2,5 ha cà phê kinh doanh. Trước đây, bà Huệ chủ yếu trồng, chăm sóc cà phê theo lối truyền thống, sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để cung cấp cho vườn cây.
Lối canh tác đó dẫn đến đất đai bạc màu, cà phê nhanh già cỗi, ảnh hưởng đến môi trường sống, sức khỏe người trồng trọt và người tiêu dùng…
Tuy nhiên, từ khi áp dụng phương pháp sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc, vườn cà phê của bà Huệ phát triển xanh tốt, đất đai tơi xốp, năng suất, chất lượng cà phê đạt cao hơn hẳn.
Theo bà Huệ, sử dụng phân bón hữu cơ giúp cải tạo độ phì nhiêu của đất, làm đất tơi xốp, hạn chế phân bón hóa học và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Không những năng suất cà phê giữ ổn định mà chất lượng được bảo đảm, đáp ứng tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu.
Sử dụng phân bón hữu cơ giúp bà Lương Kim Huệ ở xã Nâm Nung (Krông Nô) cải tạo độ phì nhiêu của đất
Ông Vũ Hữu Đào, một nông dân có kinh nghiệm ở xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) chia sẻ, việc sử dụng đất có hiệu quả và bền vững đang trở thành vấn đề cấp thiết của người nông dân. Bởi hiện nay, đất sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị suy thoái do tác động của thiên nhiên và quá trình khai thác thiếu bền vững của người dân.
Thông qua việc tham dự các lớp tập huấn, ông đã mạnh dạn sản xuất phân bón bằng các phụ phẩm nông nghiệp từ vỏ cà phê để làm phân hữu cơ sinh học.
Ông Đào cho hay: “Làm phân hữu cơ sinh học là cách tôi trả lại độ phì nhiêu cho đất mà cây trồng đã lấy đi. Đồng thời, áp dụng biện pháp bón phân cân đối, hợp lý, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định, cải thiện năng suất, chất lượng cho sản phẩm”.
Một mô hình xen canh cây mắc ca và hồ tiêu ở Tuy Đức cho năng suất cao
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, lượng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp được thải ra hàng năm ở Đắk Nông rất lớn, ước khoảng 950 ngàn tấn. Trong đó, cà phê 260 ngàn tấn, hồ tiêu 68 ngàn tấn, ngô 480 ngàn tấn, lúa 101 ngàn tấn, lạc 45 ngàn tấn, đậu tương 15 ngàn tấn…
Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi bền vững, hiệu quả của nông nghiệp Đắk Nông. Hiện nay, lượng phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp là nguồn tài nguyên tái tạo lớn để sản xuất phân bón hữu cơ có chất lượng phục vụ cho hướng đi này. Không những vậy, nó còn giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường và hướng tới nền nông nghiệp bền vững.
Do vậy, các sở ban ngành và địa phương cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp.
“Đối với nông dân, bà con cần tiếp tục đẩy mạnh việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có để vừa cải tạo môi trường sinh thái, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giảm dần sự lệ thuộc vào phân bón vô cơ”, ông Gấm cho hay.