Sản xuất là gì? Các yếu tố sản xuất
Học thuật
Sản xuất ,quá trình (production) là hoạt động kết hợp các đầu vào nhân tố như lao động, tư bản , đất đai (đầu vào cơ bản) và/hoặc nguyên liệu (đầu vào trung gian) để tạo ra hàng hóa và dịch vụ (sản phẩm,sản lượng, đầu ra).
Sản xuất là gì?
Sản xuất (production) là hoạt động kết hợp các đầu vào nhân tố như lao động, tư bản , đất đai (đầu vào cơ bản) và/hoặc nguyên liệu (đầu vào trung gian) để tạo ra hàng hóa và dịch vụ (sản phẩm,sản lượng, đầu ra). Hoạt động này chủ yếu được khu vực doanh nghiệp thực hiện và người quản lý doanh nghiệp – tức người có quyền lựa chọn phương pháp thích hợp để kết hợp các đầu vào nhân tố – được coi là doanh nhân hay nắm giữ năng lực kinh doanh. Mối liên hệ giữa sản lượng hàng hóa hoặc dịch vụ và đầu vào nhân tố được gọi là hàm sản xuất. Nó cũng quyết định chi phí sản xuất của doanh nghiệp và vì vậy còn được gọi là hàm chi phí.
(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)
Các yếu tố sản xuất
Kinh tế học cổ điển phân biệt các yếu tố sản xuất được sử dụng trong sản xuất hàng hóa:
Đất hay các nguồn lực tự nhiên (tài nguyên thiên nhiên) – các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên chẳng hạn như đất đai và khoáng chất. Chi phí cho việc sử dụng đất là địa tô.
Sức lao động – các hoạt động của con người được sử dụng trong sản xuất. Chi phí thanh toán cho sức lao động là lương.
Tư bản hay vốn – Các sản phẩm do con người làm ra hay công cụ sản xuất) được sử dụng trong sản xuất các sản phẩm khác. Vốn bao gồm máy móc, thiết bị và nhà xưởng. Trong ý nghĩa chung, chi phí thanh toán cho vốn gọi là lãi suất.
Các yếu tố này lần đầu tiên được hệ thống hóa trong các phân tích của Adam Smith, 1776, David Ricardo, 1817, và sau này được John Stuart Mill đóng góp như là một phần của lý thuyết chặt chẽ về sản xuất trong kinh tế chính trị.
Trong các phân tích cổ điển, tư bản nói chung được xem như là các vật thể hữu hình như máy móc, thiết bị, nhà xưởng. Với sự nổi lên của kinh tế tri thức, các phân tích hiện đại hơn thông thường phân biệt tư bản vật lý này với các dạng khác của tư bản chẳng hạn như “tư bản con người” (thuật ngữ kinh tế để chỉ giáo dục, kiến thức hay sự lành nghề).
Ngoài ra, một số nhà kinh tế khi nói tới các kinh doanh còn có khái niệm khả năng tổ chức, tư bản cá nhân hoặc đơn giản chỉ là “khả năng lãnh đạo” như là yếu tố thứ tư. Tuy nhiên, điều này dường như là một dạng của sức lao động hay “tư bản con người”. Khi có sự phân biệt, chi phí cho yếu tố này của sản xuất được gọi là lợi nhuận.
Học thuyết kinh tế cổ điển sau này đã được phát triển xa hơn nữa và vẫn giữ được tác dụng cho tới ngày nay như là nền tảng cho kinh tế vi mô.