Sách Hướng dẫn thực hành kế toán hành chính sự nghiệp theo thông tư số 107/2017/TT-BTC (TS. Võ Văn Nhị)
Luật Minh Khuê trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung cuốn sách “Hướng dẫn thực hành kế toán hành chính sự nghiệp theo thông tư số 107/2017/TT-BTC” do tập thể tác giả là giảng viên về pháp luật thuế tài chính biên soạn.
Mục Lục
1. Giới thiệu tác giả
Cuốn sách “Hướng dẫn thực hành kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC” do các tác giả PGS. TS. Võ Văn Nhị – TS. Phạm Ngọc Toàn (ĐH Kinh tế TP.HCM), ThS. Lê Quang Mẫn (ĐH Tài chính Makerting), ThS. Nguyễn Thị Huyền Trâm (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), ThS. Hồ Xuân Hữu (ĐH Sài Gòn) biên soạn.
2. Giới thiệu hình ảnh sách
Hướng dẫn thực hành kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC
Tác giả: PGS. TS. Võ Văn Nhị – TS. Phạm Ngọc Toàn (ĐH Kinh tế TP.HCM), ThS. Lê Quang Mẫn (ĐH Tài chính Makerting), ThS. Nguyễn Thị Huyền Trâm (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), ThS. Hồ Xuân Hữu (ĐH Sài Gòn)
Nhà xuất bản: Tài Chính
3. Tổng quan nội dung sách
Hiện nay công tác kế toán hành chính sự nghiệp được thực hiện theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ban hành ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ kế toán HCSN.
Với việc áp dụng CĐKT theo Thông tư số 107 đã làm thay đổi khá căn bản nội dung và phương pháp kế toán ở các đơn vị HCSN của nước ta. Những thay đổi này phù hợp với định hướng chuyển sang áp dụng cơ sở dồn tích cho kế toán Hành chính sự nghiệp và đã có sự tương thích khá cao với CMKT công quốc tế (IPSAS). Qua việc áp dụng chế độ kế toán này sẽ giúp cho thông tin kế toán do các đơn vị HCSN cung cấp nâng cao được tính minh bạch và tính hữu dụng cho các đối tượng sử dụng có liên quan. Chính điều này sẽ đảm bảo cho sự chấp nhận rộng rãi của các đối tượng sử dụng trong nước và quốc tế đối với thông tin do đơn vị HCSN cung cấp.
Nhằm giúp các bạn đang công tác kế toán tại các đơn vị HCSN cũng như các bạn sinh viên học chuyên ngành kế toán có các tài liệu tham khảo để thực hành Kế toán HCSN theo CĐKT mới, PGS. TS. Võ Văn Nhị – TS. Phạm Ngọc Toàn (ĐH Kinh tế TP.HCM), ThS. Lê Quang Mẫn (ĐH Tài chính Makerting), ThS. Nguyễn Thị Huyền Trâm (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM), ThS. Hồ Xuân Hữu (ĐH Sài Gòn) cùng biên soạn cuốn sách: “Hướng dẫn thực hành kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC”.
Cuốn sách được biên soạn với cấu trúc chương mục như sau:
Phần I. Hướng dẫn thực hành kế toán theo các khoản mục của báo cáo tài chính & theo các tài khoản có liên quan (gồm cả sơ đồ kế toán & ví dụ minh họa)
Chương 1. Kế toán vốn bằng tiền, các khoản phải thu, các khoản ứng trước và hàng tồn kho
1.1. Kế toán vốn bằng tiền
1.2. Kế toán các khoản ứng trước
1.3. Kế toán vật tự
1.4. Kế toán sản phẩm, hàng hóa
Chương 2. Kế toán tài sản cố định và đầu tư xây dựng cơ bản
2.1. Kế toán tăng, giảm tài sản cố định
2.2. Kế toán hao mòn và khấu hao tài sản cố định
2.3. Kế toán xây dựng cơ bản
Chương 3. Các khoản đầu tư tài chính và các hoạt động liên doanh liên kết
3.1. Kế toán đầu tư tài chính
Chương 4. Kế toán các khoản nợ phải trả
4.1. Một số vấn đề chung về kế toán các khoản phải trả
Chương 5. Kế toán nguồn kinh phí và các loại vốn, quỹ
5.1. Kế toán nguồn vốn kinh doanh
5.2. Kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái
5.3. Kế toán thặng dư (thâm hụt) lũy kế
5.4. Kế toán các quỹ
5.5. Kế toán nguồn cải cách tiền lương
Chương 6. Kế toán các khoản thu – chi và chênh lệch thu chi của hoạt động hành chính sự nghiệp
6.1. Kế toán các khoản phải thu
6.2. Kế toán các khoản phải chi
Chương 7. Kế toán doanh thu, chi phí và xác định kết quả kinh doanh của hoạt động sản xuất kinh doanh
7.1 Tài khoản sử dụng
7.2. Nội dung và phương pháp phản ánh
Phần II. Giới thiệu hệ thống báo cáo tài chính & báo cáo quyết toán
A. Quy định chung về hệ thống báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán
B. Mẫu báo cáo và phương pháp lập
Dưới đây là quy định về báo cáo quyết toán đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp theo quy định tại Thông tư 107/2017/TT-BTC:
Điều 6. Báo cáo quyết toán
1. Đối tượng lập báo cáo quyết toán
Đơn vị hành chính, sự nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước phải lập báo cáo quyết toán ngân sách đối với phần kinh phí do ngân sách nhà nước cấp.
Trường hợp đơn vị hành chính, sự nghiệp có phát sinh các khoản thu, chi từ nguồn khác, nếu có quy định phải quyết toán như nguồn ngân sách nhà nước cấp với cơ quan có thẩm quyền thì phải lập báo cáo quyết toán đối với các nguồn này.
2. Mục đích của báo cáo quyết toán
Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước dùng để tổng hợp tình hình tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước của đơn vị hành chính, sự nghiệp, được trình bày chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước để cung cấp cho cơ quan cấp trên, cơ quan tài chính và cơ quan có thẩm quyền khác. Thông tin trên Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước phục vụ cho việc đánh giá tình hình tuân thủ, chấp hành quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các cơ chế tài chính khác mà đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, là căn cứ quan trọng giúp cơ quan nhà nước, đơn vị cấp trên và lãnh đạo đơn vị kiểm tra, đánh giá, giám sát và điều hành hoạt động tài chính, ngân sách của đơn vị.
Báo cáo quyết toán nguồn khác phản ánh tình hình thu – chi các nguồn khác (ngoài nguồn ngân sách nhà nước) của đơn vị hành chính, sự nghiệp, theo quy định của pháp luật phải thực hiện quyết toán với cơ quan cấp trên, cơ quan tài chính và cơ quan có thẩm quyền khác. Thông tin trên Báo cáo quyết toán nguồn khác phục vụ cho việc đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tài chính mà đơn vị áp dụng, là căn cứ quan trọng giúp cơ quan cấp trên, cơ quan tài chính, cơ quan có thẩm quyền khác và lãnh đạo đơn vị đánh giá hiệu quả của các cơ chế, chính sách áp dụng cho đơn vị.
3. Nguyên tắc, yêu cầu lập và trình bày báo cáo quyết toán
a) Nguyên tắc:
– Việc lập báo cáo quyết toán phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán.
– Đối với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước:
+ Số quyết toán ngân sách nhà nước bao gồm số kinh phí đơn vị đã nhận và sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước cấp trong năm, bao gồm cả số liệu phát sinh trong thời gian chỉnh lý quyết toán theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
+ Số liệu quyết toán ngân sách nhà nước của đơn vị phải được đối chiếu, có xác nhận của Kho bạc nhà nước nơi giao dịch.
+ Số quyết toán chi ngân sách nhà nước là số đã thực chi, có đầy đủ hồ sơ chứng từ, riêng khoản chi thuộc nguồn phải ghi thu ghi chi ngân sách nhà nước thì chỉ quyết toán khi đã có thủ tục xác nhận ghi thu – ghi chi vào ngân sách nhà nước của cơ quan có thẩm quyền.
– Đối với báo cáo quyết toán nguồn khác: Số liệu quyết toán bao gồm số thu, chi từ nguồn khác không thuộc ngân sách nhà nước mà đơn vị đã thực hiện từ đầu năm đến hết ngày 31/12 hàng năm.
b) Yêu cầu:
Việc lập báo cáo quyết toán phải bảo đảm sự trung thực, khách quan, đầy đủ, kịp thời, phản ánh đúng tình hình thu, chi đối với từng nguồn kinh phí của đơn vị hành chính, sự nghiệp.
Báo cáo quyết toán phải được lập đúng nội dung, phương pháp theo quy định và được trình bày nhất quán giữa các kỳ báo cáo. Hệ thống chỉ tiêu của báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước phải phù hợp và thống nhất với chỉ tiêu dự toán năm được cơ quan có thẩm quyền giao và mục lục ngân sách nhà nước, đảm bảo có thể so sánh được giữa số thực hiện với số dự toán và giữa các kỳ kế toán với nhau.
Trường hợp báo cáo quyết toán ngân sách được lập có nội dung và phương pháp trình bày khác với các chỉ tiêu trong dự toán hoặc khác với báo cáo kỳ kế toán năm trước thì phải giải trình trong phần thuyết minh báo cáo quyết toán năm.
4. Kỳ báo cáo:
Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, báo cáo quyết toán nguồn khác được lập báo cáo theo kỳ kế toán năm.
Số liệu lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm là số liệu thu, chi thuộc năm ngân sách của đơn vị hành chính, sự nghiệp, được tính đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước (ngày 31/01 năm sau) theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Số liệu lập báo cáo quyết toán là số thu, chi thuộc nguồn khác của đơn vị hành chính, sự nghiệp, được tính đến ngày kết thúc kỳ kế toán năm (ngày 31/12).
Trường hợp pháp luật có quy định lập thêm báo cáo quyết toán theo kỳ kế toán khác thì ngoài báo cáo quyết toán năm đơn vị phải lập cả báo cáo theo kỳ kế toán đó.
5. Trách nhiệm của các đơn vị trong việc lập, nộp báo cáo quyết toán
a) Trách nhiệm của đơn vị:
Đơn vị hành chính, sự nghiệp phải lập và nộp báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, ngoài các mẫu biểu báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước quy định tại Thông tư này, còn phải lập các mẫu báo cáo phục vụ công tác quyết toán ngân sách nhà nước, các yêu cầu khác về quản lý ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Đơn vị hành chính, sự nghiệp có phát sinh thu – chi nguồn khác không thuộc ngân sách nhà nước theo quy định phải quyết toán với cơ quan cấp trên, cơ quan tài chính và cơ quan có thẩm quyền khác thì đơn vị phải lập và nộp báo cáo quyết toán kinh phí nguồn khác theo quy định tại Thông tư này.
Đơn vị hành chính, sự nghiệp là đơn vị cấp trên phải tổng hợp báo cáo quyết toán năm của các đơn vị cấp dưới trực thuộc theo quy định hiện hành.
b) Trách nhiệm của cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước:
Các cơ quan Tài chính, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị khác có liên quan, có trách nhiệm thực hiện và phối hợp trong việc kiểm tra, đối chiếu, điều chỉnh, cung cấp và khai thác số liệu về kinh phí và sử dụng kinh phí, quản lý và sử dụng tài sản và các hoạt động khác có liên quan đến tình hình thu, chi ngân sách nhà nước và các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn của đơn vị hành chính, sự nghiệp.
6. Nội dung, thời hạn nộp báo cáo quyết toán năm
a) Nội dung:
Đơn vị hành chính, sự nghiệp nộp báo cáo cho đơn vị dự toán cấp trên hoặc cơ quan tài chính cùng cấp (trong trường hợp không có đơn vị dự toán cấp trên), gồm:
– Các báo cáo quyết toán năm quy định tại Thông tư này.
– Các mẫu biểu đối chiếu dự toán ngân sách cấp theo hình thức rút dự toán tại Kho bạc nhà nước, tình hình tạm ứng và thanh toán tạm ứng kinh phí ngân sách tại Kho bạc nhà nước, bảng đối chiếu số dư tài khoản tiền gửi tại Kho bạc nhà nước theo quy định tại Thông tư 61/2014/TT-BTC ngày 12/5/2014 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế có liên quan (nếu có).
– Báo cáo khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác quyết toán ngân sách nhà nước.
b) Thời hạn nộp Báo cáo quyết toán năm của đơn vị hành chính, sự nghiệp có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn pháp luật về ngân sách nhà nước.
7. Danh mục báo cáo, mẫu báo cáo, giải thích phương pháp lập báo cáo quyết toán ngân sách nêu tại Phụ lục số 04, kèm theo Thông tư này.
4. Đánh giá bạn đọc
Các tác giả đã hệ thống trong cuốn sách “Hướng dẫn thực hành kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC“ những vấn đề quan trọng rrong quản lý tài chính tại đơn vị hành chính sự nghiệp giúp bạn đọc thuận tiện trong việc tra cứu, tìm hiểu và áp dụng trên thực tế để tranh sai sót trong công tác kế toán.
Tuy nhiên, Luật Minh Khuê lưu ý bạn đọc, cuốn sách được các tác giả hệ thống vào năm 2018, cũng đã biên soạn dựa trên những văn bản pháp luật mới nhất song theo thời gian, cùng với sự vận động của thực tiễn, những quy định này sẽ được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế. Do đo, khi sử dụng cuốn sách để tra cứu bạn đọc lưu ý kiểm tra lại hiệu lực của quy định được dẫn chiếu một lần nữa để đảm bảo lựa chọn và áp dụng đúng quy định.
5. Kết luận
Cuốn sách “Hướng dẫn thực hành kế toán hành chính sự nghiệp theo Thông tư 107/2017/TT-BTC” có giá trị thực tiễn đối với bạn đọc, cung cấp những thông tin pháp lý cơ bản quan trọng phục vụ công tác kế toán của chủ tài khoản và kế toán trường tại đơn vị hành chính, sự nghiệp.
Hy vọng những chia sẻ trên đây của chúng tôi sẽ là một nguồn tư liệu đánh giá chất lượng sách hiệu quả tin cậy của bạn đọc. Nếu thấy chia sẻ của chúng tôi hữu ích, bạn hãy lan tỏa nó đến với nhiều người hơn nhé!