Rủi ro toàn cầu đối với việc thực hiện các chiến lược quốc gia và một số vấn đề đặt ra

Thứ sáu, 03 Tháng 6 2022 16:23

1774 Lượt xem

(LLCT) – Bối cảnh thế giới và trong nước đã và đang có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước do Đại hội XIII của Đảng đề ra. Bài viết phân tích, nhận diện những rủi ro toàn cầu và một số xu hướng phát triển lớn mà Việt Nam cần nắm bắt để đưa ra những quyết định và hành động thích hợp, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước.

Đại dịch Covid-19 là minh chứng cho sự tồn tại của những rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia và có tầm ảnh hưởng toàn cầu – Ảnh: vov.vn

1. Rủi ro toàn cầu và các mục tiêu phát triển

Rủi ro toàn cầu là các rủi ro lớn tác động đồng thời tới nhiều quốc gia tại mỗi thời điểm và ảnh hưởng đến việc các quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển của mình(1). Đại dịch Covid-19 hay gần đây là xung đột Nga – Ucraina là minh chứng cho sự tồn tại của những rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát của các quốc gia và có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay, những rủi ro như vậy đặt các quốc gia trong thế bị động và tác động trực tiếp, sâu sắc, thậm chí mang tính thay đổi cấu trúc đến các quốc gia trên nhiều khía cạnh từ chính trị, kinh tế, đến các mặt khác của đời sống kinh tế – xã hội.

Đối với rủi ro vĩ mô nói chung và rủi ro toàn cầu nói riêng, có thể phân loại theo nhiều cách, trong đó, tiếp cận của WEF (World Economic Forum, 2021) là tương đối toàn diện và có tính hệ thống. Theo đó, rủi ro toàn cầu được phân chia thành các nhóm bao gồm rủi ro: (1) Kinh tế; (2) Môi trường; (3) Xã hội – cộng đồng; (4) Địa chính trị; (5) Công nghệ(2). Bảng 1 tổng hợp các rủi ro toàn cầu từ năm 2007 đến năm 2021 theo tiếp cận của WEF(3).

Rủi ro kinh tế: Có thể thấy nhiều rủi ro kinh tế thể hiện những vấn đề có tính quy luật của kinh tế thị trường như bong bóng tài sản và nợ, các cú “sốc” về giá tiêu dùng, giá dầu và giá hàng hóa (các mặt hàng năng lượng, kim loại quý…), lạm phát/giảm phát, khủng hoảng tài khóa/ tín dụng, thất nghiệp, thất bại trong điều tiết của chính phủ v.v.. Đây là những vấn đề cố hữu của các nền kinh tế tư bản, trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng, có thể trở thành các vấn đề toàn cầu. Thí dụ, bong bóng tài sản/nợ ở các nền kinh tế lớn gây ra suy thoái/ khủng hoảng kinh tế toàn cầu như giai đoạn 2008-2009.

Bên cạnh những rủi ro thường trực gắn với bản chất của kinh tế thị trường, một số rủi ro xuất hiện gắn liền với đặc trưng của các giai đoạn phát triển khác nhau của nền kinh tế thế giới, thí dụ như sự trỗi dậy (trước năm 2008) hay chậm lại (sau năm 2011) của nền kinh tế Trung Quốc, xu hướng phản toàn cầu hóa, hay rủi ro đình trệ kinh tế kéo dài hậu đại dịch Covid-19. Đây là các biến cố lớn của kinh tế toàn cầu, với những hệ quả có thể tạo ra những thay đổi có tính cấu trúc đối với mỗi nền kinh tế.

Rủi ro môi trường: Môi trường được xác định là một trong các trụ cột của tiếp cận phát triển bền vững(4). Với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội và khoa học công nghệ ngày càng nhanh, đặc biệt trong những thập niên gần đây, nhiều rủi ro môi trường đã và đang được nhận diện, trở thành các vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng. Đối với môi trường, cũng tồn tại nhóm rủi ro có tính thường trực như các hiện tượng thời tiết cực đoan và thảm họa tự nhiên nói chung như động đất, lũ lụt, bão và siêu bão, nủi lửa phun trào v.v.. Thảm họa tự nhiên nói chung cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan khi xảy ra sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế các nước, thậm chí cả một khu vực.

Theo dữ liệu tổng hợp từ EM-DAT, năm 2020, với hơn 313 thảm họa tự nhiên toàn cầu, thiệt hại gây ra cho các nền kinh tế là hơn 173 tỷ USD, cùng với đó là hơn 15 nghìn người chết và khoảng 98 triệu người trong nhóm đối tượng bị ảnh hưởng(5). Theo một tổng hợp khác của AON, năm 2021, 10 chuỗi thảm họa tự nhiên lớn nhất gây ra tổng thiệt hại hơn 210 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.

Rủi ro xã hội – cộng đồng: Đại dịch Covid-19 đang diễn ra, nhưng đây không phải là sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử nhân loại (Bảng 3). Lần đại dịch lớn tương tự diễn ra cách đây hơn 100 năm, từ năm 1918-1920, dịch cúm Tây Ban Nha (H1N1) ước tính đã có khoảng 20-50 triệu người chết; hai đại dịch cúm tiếp theo, dịch cúm châu Á (H2N2) năm 1957-1958 và đại dịch cúm Hồng Kông (H3N2) năm 1968, ước tính khoảng 1-4 triệu người thiệt mạng. Đại dịch cúm H1N1 năm 2009, mặc dù vắcxin đã được sản xuất kịp thời, nhưng ước tính đã có khoảng 100 nghìn – 400 nghìn người thiệt mạng(6). Từ năm 2000 đến nay, dịch bệnh ở cấp độ nhỏ hơn cũng diễn ra ở nhiều nơi như dịch Ebola ở Tây Phi, lan sang châu Âu và Mỹ, đã làm hơn 11 nghìn người thiệt mạng, hay gần đây nhất là dịch Zika năm 2016(7).

Bên cạnh các đại dịch lớn, dịch bệnh nói chung cũng bao gồm bệnh truyền nhiễm ở các nước đang phát triển, bệnh gắn với xã hội phát triển hay sức khỏe tâm thần. Dịch, bệnh nói chung, đặc biệt những bệnh dịch có khả năng lan rộng, có thể tác động lớn đồng thời tới nhiều quốc gia trên các khía cạnh an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội. Những biến cố lớn như đại dịch Covid-19 hay xung đột vũ trang giữa các quốc gia gần đây cũng làm nổi bật hơn những rủi ro xã hội thường trực có khả năng tác động ngoài phạm vi một quốc gia như các vấn đề về an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, di cư, đặc biệt là di cư không tự nguyện và ở quy mô lớn.

Sự phát triển của xã hội hiện đại cũng xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng khác nhau ở nhiều quốc gia, bao gồm bất bình đẳng, đặc biệt về kinh tế, vấn đề về cơ hội và niềm tin của thế hệ trẻ, vấn đề cố kết và đồng thuận xã hội, các vấn đề hạ tầng công, chất lượng đô thị hóa cũng như hệ thống an sinh xã hội nói chung v.v.. Các vấn đề như bất bình đẳng và cố kết, đồng thuận xã hội có dấu hiệu sâu sắc hơn ở các nước phát triển, trong khi đó, các vấn đề như an sinh, đô thị hóa, hạ tầng công v.v.. rõ nét hơn ở các nước đang phát triển.

Rủi ro địa chính trị: Các rủi ro địa chính trị bao gồm một tập hợp các sự kiện có mối liên hệ với nhau từ tham nhũng, bất ổn, khủng hoảng chính trị nội tại của các quốc gia, nội chiến, khả năng khủng hoảng, sụp đổ của các nhà nước, đến các hoạt động khủng bố quốc tế, hay xung đột của các quốc gia gây ra những bất ổn khu vực cũng như toàn cầu.

Biểu hiện có tính phi chính thống hơn của các rủi ro trên là các hoạt động tham nhũng, thương mại (ngầm) phi pháp, tội phạm xuyên quốc gia. Bất ổn khu vực vẫn luôn diễn ra trong suốt thời gian qua, đặc biệt là khu vực Trung Đông; tại các khu vực khác, bất ổn và xung đột vẫn luôn là một rủi ro tiềm tàng.

Chạy đua ngầm giữa các quốc gia và các khối liên minh, đặc biệt là cạnh tranh giữa các nước lớn vẫn luôn âm ỉ, thậm chí căng thẳng tại nhiều thời điểm như cạnh tranh thương mại Trung – Mỹ hay căng thẳng Nga – NATO đang diễn ra, điều này có thể dẫn đến các rủi ro liên quan đến rạn nứt quan hệ giữa các nước: vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), chạy đua về an ninh không gian, hay địa chính trị hóa các nguồn lực chiến lược. Nghiêm trọng hơn, nếu không được ngăn chặn, giải quyết một cách kịp thời, thì việc xảy ra xung đột trực diện giữa các nước, đặc biệt là các nước lớn, cũng như sự đổ vỡ của các thiết chế đa phương đang định hình thế giới là hiện hữu.

Bên cạnh các rủi ro mang tính đặc trưng của lịch sử nhân loại, một số rủi ro địa chính trị có tính thời đại đang nổi lên như xu thế phản toàn cầu hóa hay vấn đề quản trị quốc gia. Toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu khách quan, tuy nhiên, gần đây đã xuất hiện xu thế phản toàn cầu hóa.

Xã hội hiện đại với sự kết nối toàn cầu hiện nay cũng đặt ra bài toán quản trị quốc gia cũng như toàn cầu đối với các vấn đề nằm trong mối quan tâm chung, trong đó có các rủi ro toàn cầu. Tương lai của trật tự thế giới cũng như sự thịnh vượng của mỗi quốc gia phụ thuộc rất lớn vào việc các quốc gia tiếp cận vấn đề kỹ thuật có tính thời đại này. 

Rủi ro công nghệ: Công nghệ luôn là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người. Thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển liên tục của kỹ thuật, khoa học – công nghệ. Một rủi ro thường trực là những hệ quả bất lợi của các tiến bộ kỹ thuật – công nghệ(9). Theo đó, quản trị công nghệ có vai trò quan trọng để con người chủ động và hướng sự phát triển của công nghệ phục vụ hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững.

Một vấn đề có tính thời đại khác, đó là sự phụ thuộc ngày càng nhiều của con người vào các hệ thống thông tin, dữ liệu và hệ thống mạng(10). Theo đó, các rủi ro liên quan phát sinh bao gồm các vấn đề đối với an ninh mạng và hạ tầng công nghệ thông tin nói chung, hạ tầng mạng, thông tin, đặc biệt thông tin thiết yếu nói riêng; các vấn đề an ninh thông tin và dữ liệu. Theo một tính toán của Joint Research Center thuộc Ủy ban châu Âu (EC), tổng thiệt hại do tội phạm mạng gây ra toàn cầu năm 2020 là khoảng 5.500 tỷ Euro.

2. Một số vấn đề đặt ra và hàm ý

Thứ nhất, những rủi ro ảnh hưởng phạm vi toàn cầu như khủng hoảng kinh tế thế giới 2008-2009 hay đại dịch Covid-19 đang diễn ra, mặc dù là các “sự kiện hiếm”, nhưng không phải diễn ra một lần mà có thể lặp lại, mặc dù trong nhiều trường hợp, chúng ta không nhận thức đầy đủ về thời điểm tái diễn và tác động của chúng, xác suất tái diễn của chúng là dương. Một số hiện tượng mà phân phối xác suất có tính chất độc lập hay đặc biệt hơn nữa là có tính chất i.i.d(11) thì xác suất xảy ra lần tiếp theo hoàn toàn độc lập với diễn biến lịch sử. Thí dụ, thảm họa thiên nhiên, hiện tượng thời tiết cực đoan, dịch bệnh cục bộ cũng như toàn cầu, bong bóng tài sản/nợ, khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu v.v.. với khả năng gây hậu quả sâu rộng cho các quốc gia. Nhận thức về việc các rủi ro có thể tái diễn bất cứ thời điểm nào là hết sức cần thiết trong quản trị rủi ro.

Hình 1 minh họa cho nhận định đó. Đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008-2009 khởi phát từ sự kiện vỡ bong bóng tài sản và nợ năm 2007-2008. Trước biến cố đó, chỉ số NYSE trước khi bong bóng vỡ là xấp xỉ 10.000 và thị trường tài chính Mỹ cũng như toàn cầu đã có hơn 6 năm tăng trưởng liên tục từ 2001-2007. Từ năm 2009 đến nay, xu hướng tăng là chủ đạo và chỉ số NYSE đến đầu năm 2022 là gần 17.000, gần gấp ba lần thời điểm sau vỡ bong bóng năm 2009 và gấp rưỡi thời điểm bùng nổ nhất của thị trường vào năm 2007 trước khi sự sụp đổ thị trường diễn ra.

Thứ hai, đối với nhận diện rủi ro, trên cơ sở khung KuU (Diebold, Doherty, & Herring, 2008)(12), nhiều rủi ro đang dịch chuyển từ phổ chưa thể biết (U) đến chưa biết (u) và có thể biết (K) theo hướng thuận lợi cho việc nhận diện rủi ro. Thí dụ, những rủi ro như biến đổi khí hậu (cách đây hơn 20 năm) thuộc nhóm U (Unknowable – chưa thể biết) và việc nhận diện và quản trị các rủi ro này rất khó khăn. Thời gian qua, chúng đã dịch chuyển sang nhóm U (Unknown – chưa biết) khi nhận thức và tri thức của chúng ta về hình thức, cường độ, phạm vi tác động, thiệt hại, cũng như xác suất và tần suất của các biến cố liên quan đến biến đổi khí hậu v.v.. đã rõ ràng hơn, do vậy, thuận lợi hơn cho việc nhận diện và quản trị. Tương tự, các rủi ro như công nghệ mới từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cạnh tranh các nước lớn và trật tự thế giới mới cũng đang được nhận diện rõ hơn.

Thứ ba, các rủi ro có tính phụ thuộc lẫn nhau, chúng không xảy ra đơn lẻ, một rủi ro xảy ra có thể kéo theo một loạt các rủi ro liên quan. Đại dịch Covid-19 xảy ra đã kéo theo nhiều vấn đề khác nhau như chất lượng và quy mô tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp, lạm phát, thu nhập cá nhân, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực kinh tế; các vấn đề về chất lượng hệ thống an sinh xã hội, đô thị hóa, tâm sinh lý các nhóm đối tượng xã hội khác nhau, gia tăng bất bình đẳng, bao gồm bất bình đẳng thu nhập, hay các vấn đề về cố kết, đồng thuận xã hội; tăng trưởng nóng đối với các vấn đề số hóa, phân cực trong các nguồn lực số trong lĩnh vực công nghệ. Tương tự, một sự kiện có tính chất địa chính trị như căng thẳng Nga – NATO thông qua “chiến dịch quân sự đặc biệt”  của Nga (theo cách diễn đạt của nước này) tại Ucraina, có thể dẫn đến khủng hoảng năng lượng thế giới, đặc biệt ở các nước châu Âu phụ thuộc vào nguồn cung dầu và khí của Nga; đứt gãy cung ứng nguyên liệu công nghiệp, kim loại quý, khủng hoảng thanh toán, lạm phát và vỡ bong bóng tài sản ở các nước phát triển, với nguy cơ lan rộng toàn cầu (kinh tế); khủng hoảng lương thực, di cư (xã hội); tấn công mạng quy mô lớn (công nghệ); hay khả năng tái định hình lại trật tự toàn cầu và các thiết chế đa phương, xung đột địa chính trị cục bộ tại các khu vực (địa chính trị).

Một số nhận định và hàm ý:

(1) Cạnh tranh nước lớn vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra các vấn đề với vai trò và phương thức của các tổ chức đa phương và khu vực. Giới học giả còn đặt vấn đề về một trật tự thế giới mới. Căng thẳng Nga-Ucraina đã giúp chúng ta có thêm nhận định về cục diện thế giới với vai trò và tương quan ảnh hưởng của Mỹ – EU – Trung Quốc – Nga – Ấn Độ – khối BRICS – khối các nước Arập và các khối liên minh cục bộ và toàn cầu khác nhau. Trong những năm tới, có thể vẫn tồn tại các diễn biến địa chính trị tương tự; chuỗi các diễn biến như vậy sẽ góp phần làm rõ hơn cục diện thế giới.

(2) Trong khi tiến bộ công nghệ và vấn đề quản trị công nghệ có tính liên tục, chuyển đổi số và vai trò của dữ liệu sẽ diễn biến nhanh trong ngắn và trung hạn; cùng với đó là rủi ro ngày càng rõ nét liên quan đến an ninh dữ liệu và an ninh mạng nói chung. Khi ngày càng nhiều các hoạt động của người dân, doanh nghiệp, cũng như các cơ quan chính phủ được dịch chuyển lên không gian mạng, rủi ro về các cuộc tấn công mạng quy mô lớn, gây thiệt hại trên diện rộng là hiện hữu. Dữ liệu Bảng 4 cho thấy, đến năm 2025, ước tính, sẽ có hơn 75 tỷ thiết bị được kết nối với tổng khối lượng dữ liệu trực tuyến là trên dưới 200 tỷ zettabytes. “Phơi nhiễm” đối với rủi ro rò rỉ, mất cắp dữ liệu, tấn công mạng là vô cùng lớn. Ước tính, đến năm 2025, thiệt hại do tội phạm mạng gây ra có thể lên tới 10,5 nghìn tỷ USD (tương đương GDP của 1 quốc gia đứng thứ ba thế giới).

Việc dự báo sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới sẽ nổi lên, chi phối xu hướng phát triển, phương thức tương tác, vận động của xã hội là không dễ dàng, việc đó sẽ càng khó khăn khi tiến bộ công nghệ thậm chí mang tính “ngoại sinh” bởi những hạn chế đối với tiếp cận công nghệ lõi và các nghiên cứu cơ bản(14).

(3) Các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ được nhận thức rõ hơn, rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu có thể được nhận diện và lượng hóa chính xác hơn, cùng với đó nhận thức và hành động về các vấn đề môi trường có tính đồng thuận cao hơn, đặc biệt sau Hội nghị COP26(15); đó là cơ sở cho xu thế tăng trưởng bền vững – tăng trưởng xanh.

Để minh họa, đối với doanh nghiệp, tiếp cận ESG (Environmental – Societal – Governance), trong đó môi trường, xã hội cũng là các thành tố quan trọng trong việc thiết lập các mục tiêu cho doanh nghiệp đang ngày càng được thừa nhận và thực hành rộng rãi; minh bạch hóa ESG (ESG disclosure), bao gồm các nội dung về biến đổi khí hậu, cũng đang dần trở thành một chuẩn mới và các quy định liên quan cũng đang được các nước khẩn trương hoàn thiện; đầu tư theo tiêu chí ESG đang trở thành một xu hướng; trái phiếu xanh (green bonds) năm 2021 đạt hơn 1.500 tỷ USD và dự báo sẽ là 2.500 tỷ USD năm 2022(16). Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, đến năm 2030, thị phần xe mới bán ra của xe điện (khí thải thấp) là 60% (so với 4,6% năm 2020) với tổng số xe điện được đưa vào sử dụng là hơn 300 triệu(17).

(4) Các vấn đề có tính bản chất của kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản như đã đề cập ở trên, thí dụ chu kỳ kinh doanh, bong bóng nợ/tài sản, khủng hoảng kinh tế – tài chính, bất bình đẳng v.v.. tiếp tục là những rủi ro thường trực, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng. Toàn cầu hóa cũng khiến các quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, lợi ích các nước lớn ngày càng có tính cài răng lược, nên mức độ tương quan và chia sẻ rủi ro ngày càng cao; trong khi đó, các quốc gia nhỏ như Việt Nam cũng phụ thuộc và bị động hơn với các biến động kinh tế toàn cầu.

Do vậy, phân tích và dự báo rủi ro và các hậu quả của chúng để sớm có các hành động kịp thời giúp giảm thiểu thiệt hại cho các quốc gia là rất quan trọng. Như Bảng 5 chỉ ra, rất nhiều biến cố đã và đang xảy ra từ năm 2007 đến nay đã được dự báo trước, ở mức độ và phạm vi khác nhau; sớm thì 1-2 năm, và dài thì có thể từ 10-15 năm. Tuy nhiên, thực tế cũng chỉ ra, các quốc gia vẫn chưa thành công về mặt hành động trên cơ sở các dự báo đó. Bong bóng tài sản/nợ và khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 đã được dự báo trước, tuy nhiên đã không có những hành động kịp thời từ các chính phủ cũng như thị trường để ngăn chặn hay hạn chế hậu quả của nó. Tương tự, đại dịch Covid-19 đã được dự báo và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã có những cảnh báo mạnh mẽ, nhưng khi dịch bệnh bùng phát, thế giới đã rất bị động.

Là một quốc gia có nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng, trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và các chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu cũng như các nền kinh tế lớn, do vậy cũng dễ “phơi nhiễm” hơn với các rủi ro và biến động kinh tế thế giới. Do đó, nhận diện, phân tích, dự báo và quản trị rủi ro toàn cầu có vai trò quan trọng để Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của mình.

__________________

(1) Thí dụ về một số tiêu chí cụ thể để nhận dạng một rủi ro toàn cầu bao gồm: (1) ảnh hưởng đến ít nhất 3 khu vực ở 02 lục địa khác nhau, (2) có tác động liên ngành đến ít nhất 03 ngành, (3) không chắc chắn về cách rủi ro diễn ra như thế nào trong 10 năm tới cũng như độ lớn của tác động, (4) có thể tạo ra thiệt hại kinh tế đủ lớn (Thí dụ từ 10 tỷ USD), (5) tính chất phức tạp của các rủi ro đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện từ nhiều bên liên quan.

(2) Một thí dụ phân loại khác, thành các nhóm bao gồm tài chính, công nghệ, địa chính trị, môi trường, xã hội, và quản trị (Cambridge Centre for Risk Studies, 2020).

(3) Hằng năm, kể từ 2006, WEF cập nhật Báo cáo Rủi ro toàn cầu, và danh mục rủi ro trong mỗi nhóm rủi ro trên.

(4) Được thúc đẩy từ thập niên 1980 và được cụ thể hóa thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) cho giai đoạn trước 2015 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trong Nghị trình 2030 cho giai đoạn sau 2015 (UN-GA, 2015), https://www.un.org/sustainabledevelopment/sustainable-development-goals.

(5) Xem (Academy of Disaster Reduction and Emergency Management; National Disaster Reduction Center of China – Ministry of Emergency; International Federation of Red Cross and Red Crescent Societies, 2020).

(6) https://www.euro.who.int/en/health-topics/communicable-diseases/influenza/pandemic-influenza/past-pandemics.

(7) https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/ebola-virus-disease.

(8) https://www.euro.who.int/en/health-topics/communicatible-disea/influenza/pandemic-influenza/past-pandemic; htttps://www.who.intnews-room/fact-sheets/detail/ebola-virus-disease.

(9) Những rủi ro này cho đến nay đang từng bước được phân tích và làm rõ hơn. Thí dụ sự xuất hiện của các công nghệ mới có thể đe dọa các công nghệ và phương thức sản xuất hiện hành, hay làm thay đổi sâu sắc các hướng, xu hướng phát triển mà chưa thể khẳng định là sẽ tích cực hay tiêu cực.

(10) Năm 2013, IBM đã đưa ra nhận định rằng vai trò của dữ liệu trong thế kỷ XXI cũng hứa hẹn như vai trò của động cơ hơi nước trong thế kỷ XVIII, điện năng trong thế kỷ XIX và hydrocarbon trong thế kỷ XX, https://cybersecurityventures.com/hackerpocalypse-cybercrime-report-2016/

(11) i.i.d: independently and identically distributed: tính độc lập và đồng nhất trong phân phối xác suất.

(12) KuU: Known (biết được) – unknown (chưa biết) – Unkownable (Chưa thể biết được).

(13) Alarming Cybersecurity Stats: What You Need to Know For 2021 (Forbes, 2021).

(14) Trong dài hạn, tiến bộ công nghệ là một quá trình liên tục, với rất nhiều những công nghệ khác nhau được giới thiệu và thúc đẩy tại mỗi thời điểm; thí dụ hiện nay là các công nghệ AI, blockchains, Internet vạn vật (IoTs), 5G, tính toán lượng tử v.v. và gần đây hơn là Metaverse gắn liền với blockchains và sự thúc đẩy tiền số. 

(15) https://www.un.org/en/climatechange/cop26.

(16) https://corpgov.law.harvard.edu/2022/02/25/esg-2021-trends-and-expectations-for-2022/.

(17) https://www.iea.org/reports/electric-vehicles.

TS ĐẬU HƯƠNG NAM

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh