Rủi ro tài chính là gì? Những phương pháp quản trị rủi ro hiệu quả trong đầu tư
Rủi ro tài chính tác động xấu đến lợi nhuận, dòng tiền nhận được trong tương lai, nguồn vốn ban đầu và cả vị thế của nhà đầu tư. Rủi ro tài chính là vấn đề luôn tiềm ẩn trong mỗi quyết định đầu tư của nhà đầu tư, khiến lợi nhuận sụt giảm, không chỉ vậy nhiều khi ngay cả nguồn vốn cũng tiêu biến.
Mục Lục
1. Rủi ro tài chính là gì?
Rủi ro tài chính (tiếng Anh: Financial Risk) là toàn bộ những rủi ro liên quan tới việc tổn thất tài chính của nhà đầu tư. Hiểu đơn giản đây là nguy cơ thua lỗ trong giao dịch hoặc đầu tư.
Rủi ro tài chính có thể được phát sinh từ các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn: giảm giá tài chính do biến động thị trường, các quyết định của nhà đầu tư làm ảnh hưởng đến khả năng gánh vác nợ cùng kiểm soát dòng tiền.
Rủi ro tài chính đang là vấn đề mà nhiều nhà đầu tư quan tâm
Bản chất của rủi ro tài chính là sự khác biệt giữa giá trị thực tế và giá trị kỳ vọng, nó phản ánh sự nhạy cảm của lợi nhuận.
2. Những rủi ro tài chính thường gặp
Một số loại rủi ro tài chính thường hay gặp có:
Rủi ro thị trường: chính là rủi ro từ biến động giá của thị trường, các thay đổi trong nền kinh tế cũng như báo cáo tài chính từ các công ty sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị các khoản đầu tư. Lãi suất tác động đến thị trường tài chính theo 2 cách, trực tiếp và gián tiếp. Lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến trái phiếu và các chứng khoán có thu nhập cố định, còn ảnh hưởng gián tiếp lên cổ phiếu.
Rủi ro tín dụng (tiếng Anh Credit Risk): xảy ra đối với người cho vay khi người mượn của họ bị vỡ nợ. Trên phạm vi vĩ mô, nếu một quốc gia bị rủi ro tín dụng trên quy mô lớn thì chắc chắn khủng hoảng kinh tế sẽ xảy ra.
Rủi ro tài chính thường gặp nhất khi đầu tư
Rủi ro thanh khoản (tiếng Anh Liquidity Risk): bao gồm rủi ro về thanh khoản tài sản và nguồn vốn, chỉ mức độ khó khăn trong việc chuyển đổi tài sản và nguồn vốn thành tiền mặt khi có nhu cầu đột ngột. Ví dụ việc quản lý dòng tiền kém dẫn đến việc thiếu hụt tiền mặt để thanh toán nợ đến hạn hoặc tài trợ cho các hoạt động khẩn cấp nào đó đây chính là rủi ro thanh khoản.
Rủi ro pháp lý: liên quan tới tổn thất có thể phát sinh khi nhà đầu tư không tuân thủ luật pháp hoặc quy định trong khu vực pháp lý (ví dụ giao dịch nội gián, hoặc tham nhũng)
Rủi ro lãi suất: đây chính là rủi ro từ biến động bất lợi của lãi suất trên thị trường đối với các giấy tờ có giá trị, công cụ tài chính có lãi suất, sản phẩm phái sinh. Thường là rủi ro này đến từ tiền vay ngân hàng.
Rủi ro từ việc thực hiện các quyết định tài chính: Nhiều khi quyết định mua hoặc bán của nhà đầu tư có thể sai, dẫn tới những tổn thất về vốn và lợi nhuận của chính họ.
Ngoài ra còn rất nhiều rủi ro khác, như rủi ro trong quá trình hoạt động, rủi ro thất thoát, rủi ro đầu tư và quản lý đầu tư, rủi ro tỷ giá, hệ thống quản lý tài chính, rủi ro kiểm toán, hoạch định tài chính…
3. Những tác động xấu của rủi ro tài chính
Rủi ro tài chính có thể tác động xấu đến:
Lợi nhuận: Trong dài hạn, rủi ro tài chính có thể dẫn đến sự xói mòn lợi nhuận, nếu không có biện pháp ngăn chặn. Từ đó, trong tương lai dòng tiền mà nhà đầu tư có thể nhận được cũng bị sụt giảm theo;
Nguồn vốn ban đầu: Không chỉ mất lời mà nhà đầu tư cũng có nguy cơ mất cả vốn (doanh nghiệp lâm vào phá sản, còn nhà đầu tư vỡ nợ);
Vị thế của nhà đầu tư: nếu gặp rắc rối trong pháp lý hoặc giảm độ uy tín trong tín dụng thì có thể nhà đầu tư sẽ không đủ độ tín nhiệm để có thể tiếp tục thực hiện việc vay mượn tín dụng.
Rủi ra tài chính ảnh hưởng nhiều tới quá trình đầu tư
4. Quản trị rủi ro tài chính là gì?
Quá trình đánh giá và xử lý các rủi ro tài chính được gọi là quản trị rủi ro.
Việc quản trị rủi ro cực kỳ quan trọng, với tính chất mang đến định hướng và chiến lược thành công cho các hoạt động đầu tư, nó giúp các nhà đầu tư tránh được những nguy cơ có thể xảy ra, với tư thế chủ động và sẵn sàng đối mặt với các khó khăn bất ngờ xảy đến và tìm kiếm sự bền vững và ổn định trong lợi nhuận.
Vai trò của việc quản trị rủi ro tài chính
Bản chất của quản trị rủi ro là loại bỏ tính bị động, xác định các kết quả có thể xảy đến trong hoạt động đầu tư để tìm ra các biện pháp nâng cao hiệu quả. Lập kế hoạch là cách tốt nhất, các điều chỉnh trong đó phải được thực hiện trên cơ sở các công cụ phù hợp chứ không thể làm bừa.
Các nhà quản trị tài chính phải nhận diện được tất cả các tác động và nguy cơ xảy đến của chúng, từ đó tìm ra mấu chốt quan trọng nhất để tiến hành thay đổi sao cho kết quả tốt nhất.
5. Giải pháp quản trị rủi ro tài chính cho các nhà đầu tư
Các nhà đầu tư có thể áp dụng một số giải pháp dưới đây để có thể quản trị rủi ro tài chính:
Giải pháp giảm thiểu rủi ro tài chính
– Sử dụng các công cụ phân tích rủi ro cho các khoản đầu tư, hãy tổng hợp tình hình kinh doanh, tài sản, thu nhập, phân tích số liệu, đánh giá cổ phiếu thường xuyên và tính tỷ lệ nợ trên vốn trong cơ cấu tài chính;
– Có thể lựa chọn ký các hợp đồng tương lai, quyền chọn bán, hợp đồng hoán đổi;
– Hãy luôn luôn là người nắm bắt thông tin về xu hướng thị trường nhanh, đồng thời phải thật am hiểu hệ thống pháp luật tài chính, luôn có ý thức tuân thủ pháp luật;
– Kiểm soát dòng tiền chặt chẽ, trích lập quỹ dự phòng hoặc mua bảo hiểm, không nên lạm dụng việc cho vay;
– Sử dụng các phần mềm quản lý tài chính để theo dõi dòng tiền tốt nhất.
Rủi ro tài chính là một vấn đề cản trở rất nhiều nhà đầu tư, vì vậy mỗi nhà quản lý cần phải có các phương pháp kịp thời để giải quyết, ngăn chặn tình trạng này. TOPI luôn đồng hành cùng các bạn trên con đường xây dựng tài chính bền vững cho bản thân. Tại TOPI.VN luôn cập nhật những thông tin mới nhất, cần thiết nhất về tài chính dành cho nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới. Hãy truy cập để tìm hiểu ngay nhé!