“Rồng biển” dài tới 10 mét, 180 triệu tuổi xuất hiện ngoạn mục ở Anh
Hóa thạch thuộc về loài Temnodontosaurus trigonodon rất hiếm thấy trên thế giới và đây là lần đầu tiên một con thuộc về loài này được khai quật ở Anh. “Đó là một khám phá chưa từng có tiền lệ và là một trong những phát hiện vĩ đại nhất trong lịch sử cổ sinh vật học ở Anh” – tiến sĩ Dean Lomax từ Đại học Manchester, trưởng nhóm khai quật, tuyên bố.
Một người đàn ông nằm cạnh con rồng biển cổ quái để đối chiếu kích thước. Đuôi nó đang được bọc thạch cao để đưa về phòng thí nghiệm – Ảnh: Anglian Water
Hóa thạch nguyên vẹn đến bất ngờ cho thấy một cơ thể quái dị dài đến 10 mét. Nó thuộc về một bộ bò sát biển lớn tên là Ichthyosaur, tức “thằn lằn cá” hoặc “ngư long”. Ở Anh, Ichthyosaur còn được gọi bằng một cái tên mang màu thần thoại là “sea dragon”, tức rồng biển, vì cơ thể hóa thạch của chúng vừa phảng phất nét của cá sấu, vừa hơi giống mình rồng trong truyền thuyết.
Ngư long đã tồn tại trên Trái Đất từ khoảng 250 triệu năm trước và biến mất trong hồ sơ hóa thạch 90 triệu năm trước, tức ghi dấu trên cả 3 kỷ Tam Điệp – Jura – Phấn Trắng.
Con “rồng biển” khổng lồ này được phát hiện tình cờ bởi ông Joe Davis, trưởng nhóm bảo tồn của Tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã Leicestershire và Rutland. Ông đang đi bộ ngang qua một đầm phá cạn với đồng nghiệp Paul Trevor thì phát hiện thứ như những đường ống đất sét nhỏ nhô ra khỏi bùn và quay sang nói với bạn chúng rất giống các đốt sống, do ông đã từng tìm thấy vài bộ xương cá voi và cá heo trước đó.
Không ngờ đó là một phát hiện vĩ đại. Ước tính con ngư long nói trên đã 180 triệu tuổi. Quá trình khai quật kéo dài suốt tháng 8 và 9 năm ngoái. Hiện mẫu vật đã được di chuyển đến phòng thí nghiệm và nhóm khoa học gia cho biết họ sẽ sớm có nghiên cứu đánh giá toàn diện về sinh vật thú vị này.