Review trường Đại học Sư phạm Hà Nội (HNUE): Có một nghề không trồng cây vào đất mà mang cho đời đầy trái ngọt hoa tươi
Review trường Đại học Sư phạm Hà Nội (HNUE): Có một nghề không trồng cây vào đất mà mang cho đời đầy trái ngọt hoa tươi
“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất”
Thật vậy, nghề giáo là một nghề cao quý và là ước mơ của rất nhiều thế hệ học trò ngay cả trong quá khứ hay tương lai, chiến tranh hay hòa bình. Ở bài viết này chúng ta hãy cùng khám phá “Cái nôi” nuôi dưỡng “người lái đò tri thức” bậc nhất miền Bắc – Đại học Sư phạm Hà Nội xem có gì thú vị nhé.
1. Giới thiệu chung
Trường Đại học Sư phạm trước kia là một trường thành viên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng đến tháng 10 năm 1999, trường tách khỏi Đại học Quốc gia Hà Nội trở thành trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây là ngôi trường đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học giáo dục và đa ngành chất lượng cao và thuộc trường đại học trọng điểm trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định của Bộ Quốc gia Giáo dục. Với kim chỉ nam mang là mang đến cho sinh viên Việt Nam chất lượng giảng dạy tốt nhất, cung cấp nguồn nhân lực có đầy đủ chuyên môn cũng như đạo đức phục vụ ngành giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội đã làm được rất tốt nhiệm vụ của mình từ khi thành lập. Nơi đây đã đào tạo hàng ngàn nhân tài phục vụ đất nước cả trong những năm tháng chiến tranh cũng như hòa bình.
Thật tự hào khi nói rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Đại học Sư phạm Hà Nội là một trong những cái nôi của phong trào “Ba sẵn sàng”, là nơi là hàng nghìn sinh viên và cán bộ đã xếp bút nghiên lên đường ra trận, có đến hàng trăm giáo viên và sinh đã vượt Trường Sơn để vào xây dựng nền giáo dục cách mạng miền Nam giải phóng.
2. Cơ sở vật chất
Để mang lại hiệu quả học tập và giảng dạy tốt nhất cho sinh viên và giảng viên, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã không ngừng đầu tư và nâng cao cơ sở vật chất và trang thiết bị tiên tiến phù hợp với những yêu cầu ngày càng cao của ngành giáo dục.
– Toàn trường có 181 phòng học và 36 phòng tra cứu đều được trang bị những máy móc hiện đại và cần thiết nhằm phục vụ nhu cầu học tập, giảng dạy cũng như tìm kiếm tài liệu của sinh viên và giảng viên.
– Trung tâm Thư viện Đại học Sư phạm Hà Nội được đầu tư một cách tỉ mỉ tại tòa nhà 04 tầng với diện tích sử dụng là 5000 m2 với gần 1000 chỗ ngồi. Bàn ghế và trang thiết bị chuyên dụng luôn đáp ứng đầy đủ được nhu cầu của người sử dụng. Thư viện hiện nay được chia làm 4 khu riêng biệt đó là: Phòng nghiệp vụ, phòng Đọc, phòng Mượn, Phòng tin học.
– Các phòng thí nghiệm cũng được đầu tư những trang thiết bị tân tiến nhằm phục vụ cho công việc nghiên cứu, sáng tạo và thực hành. Hiện nay, nhà trường có tời 38 phòng thí nghiệm với diện tích là 2.545 m2.
– Nơi ăn chốn ở của sinh viên được nhà trường hết sức lưu tâm. Hằng năm Khu nội trú của trường phục vụ khoảng 2800 sinh viên bao gồm cả sinh viên trong nước và nước ngoài. Cơ sở vật chất KTX được đầu tư khá đầy đủ với 03 nhà ăn tập thể,2 siêu thị lớn, 40 máy tính kết nối đủ để cung cấp những nhu cầu cơ bản về sinh hoạt cho sinh viên.
– Ngoài ra sinh viên được rèn luyện sức khỏe, bồi dưỡng tinh thần bằng các hoạt động thể thao tại ngay sân vận động và nhà thi đấu đa năng của nhà trường.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có địa chỉ tại 136 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội – đây là vị trí thuận tiện giao thông cũng như sinh hoạt và học tập cho sinh viên.
3. Đội ngũ giảng viên
Hầu hết giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội đều là Giáo sư, Phó giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu đầu ngành có uy tín trong lĩnh vực sư phạm. Đội ngũ cán bộ của trường có nhiều đóng góp quan trọng trong việc biên soạn chương trình sách giáo khoa phổ thông cũng như ra đề thi trong những cuộc thi quan trọng của quốc gia.
Đại học Sư phạm Hà Nội luôn tự hào bởi đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm và tâm huyết với nghề giáo với tổng cộng 1.153 cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên
4. Ngành học
Tính đến nay, trường Đại học Sư phạm Hà Nội có 40 chuyên ngành đào tạo, 02 bộ môn trực thuộc, 02 viện nghiên cứu (Viện Nghiên cứu Sư phạm và Viện Khoa học Xã hội) và 38 Trung tâm nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó còn có 1 trường mầm non thực hành (Trường Mầm non Búp Sen Xanh) và 2 trường trung học phổ thông (trường THPT Chuyên Sư phạm và trường THPT Nguyễn Tất Thành).
Danh sách các chuyên ngành đào tạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội:
5. Đời sống sinh viên
Ngoài thời gian học tập tại trường, sinh viên Sư phạm được tham gia các hoạt động ngoại khóa nhằm phát triển và hoàn thiện bản thân. Điều này làm cho sinh viên không chỉ giỏi chuyên môn mà còn năng động và hoạt bát. Sinh viên có cơ hội tham gia các CLB tại trường như: CLB Guitar, Đội Thanh niên xung kích, CLB T&T Khoa Toán, CLB Karatedo, CLB kỹ năng,…
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nằm trong khu trung tâm của Quận Cầu Giấy nên đời sống cũng rất phong phú vì được trải nghiệm và tiếp xúc với những hiện đại của lòng Thủ đô. Xung quanh trường là thiên đường mua sắm nổi tiếng, khu vui chơi ăn uống đa dạng và phong phú, giao thông thuận tiện,…
6. Cựu sinh viên tiêu biểu
Trong suốt những năm tháng xây dựng và phát triển, trường Đại học Sư phạm Hà Nội trở thành một tấm gương sáng cho ngành giáo dục Việt Nam vì đã cống hiến cho sự nghiệp trồng người của biết bao thế hệ nhà giáo Việt Nam. Trường đã nhiều lần vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng nhất và Huân chương Hồ Chí Minh.
Với bề dày lịch sử đi cùng năm tháng, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chắp cánh cho biết bao thế hệ “người lái đò” cập bến tương lai. Tại đây đã rèn luyện nên không ít tài năng của đất nước như các nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, nhà nghiên cứu, các vị lãnh đạo cấp cao như: giáo sư Đặng Thai Mai, nhà văn Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Phạm Tiến Duật, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Lân, Nguyễn Văn Hiệu…
7. Học phí
Sinh viên theo học ngành Sư phạm chắc hẳn không còn phải lo đến học phí vì được miễn học phí qua các năm học theo khoản hỗ trợ của Nhà nước.
Sinh viên các ngành khoa học-xã hội mức tín chỉ khoảng 250.000/tín chỉ và các ngành Khoa học tự nhiên, thể dục thể thao, nghệ thuật khoảng 300.00/tín chỉ. Đây là mức học phí khá ré so với các trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội.
Hy vọng rằng với bài viết “Review trường Đại học Sư phạm Hà Nội” sẽ tiếp thêm động lực và sức mạnh cho những ai yêu thích nghề giáo và muốn gửi gắm thanh xuân của mình tại ngôi trường mang đậm nét truyền thống giáo dục này.