Review Đại học Xây dựng Hà Nội (NUCE): Lịch sử bi tráng, chất lượng đào tạo vững vàng – Thi tuyen sinh – ICAN
Hé lộ những điều bí ẩn về trường Đại học Xây dựng Hà Nội: ẩn số với nhiều chuyện chưa kể.
Cái nhìn toàn cảnh về trường kỹ thuật đình đám
Đại học Xây dựng Hà Nội (NUCE) tọa lạc trên con đường đông đúc nhất nhì Hà Nội (vào giờ cao điểm) – đường Giải Phóng. Đây là trường đại học nổi tiếng, cùng với Bách Khoa Hà Nội và Kinh tế Quốc dân hợp thành bộ ba Bách – Kinh – Xây tiếng tăm lẫy lừng trong giới sinh viên với vô vàn câu chuyện chưa kể.
Kể từ khi thành lập vào năm 1966, ngôi trường có 55 năm lịch sử này đã sản sinh ra 60,000 kĩ sư xây dựng và kiến trúc sư, có vai trò quan trọng trong việc xây dựng đất nước giàu mạnh hơn.
Lịch sử bi tráng, chất lượng đào tạo vững vàng, không có gì bất ngờ khi NUCE luôn là một trong những trường đại học có sức hút “khủng khiếp” với các bạn học sinh trên cả nước, dù sự thật phũ phàng là: vào trường thì dễ, chứ ra trường thì siêu khó luôn!
Đến NUCE, chúng mình học gì?
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội có 24 ngành học chỉ có thể nhận xét bằng bốn chữ: “chất hơn nước cất”, với những cái tên chỉ mới nghe đã cảm nhận được độ nóng.
Kỹ thuật công trình xây dựng
Đây là ngành học mang đến cho teen rất nhiều lựa chọn đa dạng với các chuyên ngành thiết thực trong đời sống.
– Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp
– Hệ thống kỹ thuật trong công trình.
– Xây dựng Cảng – Đường thủy
– Xây dựng Thủy lợi – Thủy điện.
– Tin học xây dựng
Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông
Bình tĩnh nào bạn ơi, đừng bất ngờ nếu biết đây là ngành học có tỉ lệ sinh viên làm đúng chuyên môn lên đến 96% (số liệu tính đến thời điểm tháng 5/2020). Tốt nghiệp ngành xây dựng cầu đường, bạn có thể làm việc tại:
– Đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát
– Công ty xây dựng công trình giao thông trong và ngoài nước;
– Các sở, ban, ngành về giao thông hoặc có liên quan đến hạ tầng giao thông vận tải: làm công tác quản lý trong
– Có thể làm đảm nhiệm các vị trí như chủ trì đồ án thiết kế, chủ nhiệm dự án.
Công nghệ thông tin
Trường Xây dựng dạy Công nghệ thông tin không phải là điều quá bất ngờ, bởi nhà trường liên tục mở những ngành mới đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trở thành sinh viên ngành Công nghệ thông tin tại NUCE, bạn được học chuyên sâu về công nghệ phần mềm, hoặc hệ thống thông tin và mạng máy tính. Đáng chú ý, sinh viên ngành CNTT không học các môn học liên quan tới lĩnh vực Xây Dựng như Vẽ, Bê tông, Thép,…
Bạn sẽ còn bất ngờ hơn nữa khi biết rằng có thể học Kinh tế tại trường Xây dựng với chuyên ngành Kinh tế xây dựng. Tuy nhiên, dù bạn có học ngành nào đi nữa, bạn sẽ không thể tránh khỏi những môn học siêu khó đã trở thành đặc sản nơi đây, đó là: Toán cao cấp, Xác suất thống kê. Với sinh viên các ngành kỹ thuật, cơn ác mộng mang tên “Sức bên vật liệu” thật khó quên.
Ôi bạn ơi, càng khám phá ngôi trường này thì càng sửng sốt vì quá nhiều ngành hay, hãy xem ngay danh sách các ngành học và điểm chuẩn NUCE năm 2020 bạn nhé!
Một vòng quanh trường Xây dựng
NUCE và những câu chuyện chưa kể
– Có thể bạn chưa biết: NUCE từng là một phần của Đại học Bách khoa Hà Nội.
– Học phí của trường khá nhẹ nhàng, với chỉ hơn 200 nghìn đồng/tín chỉ.
– Ban nhạc rock nổi tiếng “Bức tường” được hình thành từ những sinh viên trường Xây dựng! Còn vì sao có cái tên “Bức tường”, chắc không cần phải giải thích thêm đúng không nào?
– Đừng bao giờ dại dột mà đụng vào dụng cụ đồ họa của dân Xây dựng, với họ đó là cả một cơ ngơi quý hơn vàng.
– Không có gì đau khổ bằng sinh viên Xây dựng, khi câu hỏi truyền kiếp dành cho họ là: Học xong làm thợ xây hay phụ hồ?
– Khi mùa thi đến, xét về độ chăm chỉ, nếu sinh viên Xây dựng đứng thứ hai thì không ai dám đứng thứ nhất. Có một câu nói nổi tiếng tại NUCE: khi đồ án lên tiếng thì người yêu cũng phải…im tiếng.
– Con gái NUCE đẹp giản đơn những bông hoa mọc trên đá. Nếu bạn gặp một cô gái sẵn sàng mặc đồng phục thể dục đi muôn nơi, kể cả hẹn hò thì chắc chắn đó là gái trường Xây dựng.
Mỗi trường đại học tại Việt Nam đều mang trên mình những sự kỳ thú không lẫn vào đâu được, bạn có thể cảm nhận rõ điều này trong các bài review tiếp theo.