“RÈN TRẺ CÓ THÓI QUEN VỆ SINH RỬA TAY, SÁT KHUẨN Ở TRƯỜNG MẦM NON”
BIỆN PHÁP
“RÈN TRẺ CÓ THÓI QUEN VỆ SINH RỬA TAY, SÁT KHUẨN Ở TRƯỜNG MẦM NON”
I. Thông tin giáo viên dự thi
1. Họ và tên người dự thi: Dương Thị Hoa
2. Chức vụ: Giáo viên
3. Đơn vị: Trường mầm non Ngọc Thiện số 1
II. Tên biện pháp: “Rèn trẻ có thói quen vệ sinh rửa tay, sát khuẩn ở trường mầm non”
III. Nội dung
1. Thực trạng
* Vấn đề cần giải quyết:
Như chúng ta đã biết, trẻ em là một lứa tuổi cực kì non nớt, chưa phát triển toàn diện nên rất cần chúng ta quan tâm. Sức đề kháng của trẻ còn yếu và rất nhạy cảm, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Vì vậy việc giáo dục trẻ có thói quen vệ sinh cá nhân là rất quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Đặc biệt là rửa tay trước và sau khi ăn cơm, sau khi đi vệ sinh và khi tay bị bẩn.
Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng được cho là hiệu quả, phòng chống được rất nhiều bệnh như: Bệnh chân tay miệng, bệnh tiêu hóa…Đặc biệt là với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh đó việc sát khuẩn khô cũng quan trọng không kém, vì sát khuẩn là quá trình tiêu diệt tất cả những vi sinh vật, vi khuẩn. Bản thân tôi luôn băn khoăn, trăn trở làm thế nào để trẻ có thể tự giác biết rửa tay, tự biết sát khuẩn. Đây là một vấn đề quan trọng đáng để quan tâm và thực hiện vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ.
Bản thân tôi là một giáo viên mầm non trực tiếp giảng dạy và chăm sóc các con từng bữa ăn, giấc ngủ nên tôi nhận thấy được trách nhiệm của mình cũng như tầm quan trọng trong việc rèn trẻ có thói quen vệ sinh rửa tay, sát khuẩn ở trường mầm non là vấn đề cần thiết. Chính vì vậy tôi đã lựa chọn đề tài: “Một số biện pháp rèn trẻ có thói quen vệ sinh rửa tay, sát khuẩn ở trường mầm non”.
* Đánh giá thực trạng
Năm học 2021 – 2022 tôi được phân công dạy lớp mẫu giáo 5-6 tuổi B1. Để thực hiện tốt việc rèn trẻ có thói quen vệ sinh rửa tay, sát khuẩn ở trường mầm non. Ngay từ thời gian đầu tôi đã tiến hành khảo sát thực trạng của lớp tôi đã và đang phụ trách, bản thân tôi nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn sau:
– Thuận lợi: Môi trường luôn sạch sẽ, thoáng mát, rộng rãi, đảm bảo an toàn cho trẻ. Khu vực bố trí các bồn rửa tay, bàn sát khuẩn cho trẻ hợp lý, phù hợp. Nhà trường luôn quan tâm, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các buổi bồi dưỡng kỹ năng rửa tay, sát khuẩn. Nhà trường còn tổ chức chuyên đề vệ sinh rửa tay, sát khuẩn, rút kinh nghiệm và có một số biện pháp thích hợp để giáo dục trẻ.
– Khó khăn:
+ Bản thân còn hạn chế trong việc tổ chức vệ sinh rửa tay cho trẻ.
+ Nhận thức của trẻ không đồng đều.
+ Trẻ chưa có thói quen vệ sinh rửa tay, sát khuẩn ở mọi lúc, mọi nơi.
+ Trẻ chưa được phụ huynh quan tâm và thực hiện thường xuyên.
* Nguyên nhân của hạn chế:
– Bản thân tôi chưa linh hoạt, sáng tạo trong rèn kỹ năng vệ sinh cho trẻ.
– Trẻ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức vệ sinh rửa tay, sát khuẩn.
– Trẻ thực hiện rửa tay, sát khuẩn chưa có nề nếp.
– Thời gian phụ huynh dành cho trẻ còn ít.
2. Các biện pháp đã thực hiện
– Biện pháp 1: Tự học tập để nâng cao kến thức, kỹ năng rửa tay, sát khuẩn ở trường mầm non.
Bản thân luôn học tập để nâng cao kiến thức cho mình trong việc rèn và dạy trẻ. Để thực hiện tốt việc rèn trẻ có thói quen vệ sinh rửa tay, sát khuẩn ở trường mầm non là cả một quá trình rèn luyện, nghĩ là đơn giản nhưng lại có tầm quan trọng rất lớn. Bởi một ngày chúng ta tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều các đồ vật, vật dụng, đồ dùng, đồ chơi có bám rất nhiều bụi bẩn, vi khuẩn dễ lây lan các mầm bệnh. Muốn trẻ có được thói quen này, trước hết bản thân tôi cần trang bị cho mình hệ thống kiến thức khoa học, chính xác. Nắm chắc quy trình 6 bước rửa tay. Tôi đã giành thời gian để tham khảo sách giáo khoa thực hiện chương trình, tham khảo tài liệu, tập san, trên báo, trên mạng Internet…Tôi còn học hỏi thêm từ đồng nghiệp qua những tiết dạy chuyên đề vệ sinh do Phòng, Cụm, Trường tổ chức.
Qua biện pháp này bản thân tôi đã nắm chắc phương pháp, trang bị cho mình hệ thống kiến thức khoa học trong việc rèn trẻ thực hiện tốt thói quen vệ sinh rửa tay, sát khuẩn ở trường mầm non.
– Biện pháp 2: Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cho việc vệ sinh rửa tay và sát khuẩn
Để hoạt động vệ sinh rửa tay, sát khuẩn đạt kết quả cao, đặc biệt là trong tình hình dịch Covid-19 đang còn diễn biến rất nguy hiểm nên bản thân tôi đã tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường lắp đặt hệ thống bồn rửa tay ngay cổng trường, và xây bồn rửa tay cố định có gắn vòi ở ngay cạnh vị trí lớp học gần nhà vệ sinh để cho trẻ tiện việc rửa tay của trẻ những lúc tay bị bẩn, rửa trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Tôi đã chuẩn bị đầy đủ những đồ dùng: Nước sạch, bánh xà phòng (chai nước rửa tay Lifebuoy), khăn lau. Như chúng ta đã biết nếu rửa tay bằng nước không là chưa đủ vì như thế mới chỉ sạch mặt ngoài, không loại bỏ được những vi khuẩn bám, ẩn sâu bên trong. Muốn sạch được vi khuẩn thì chúng ta phải rửa tay bằng xà phòng.
Để đồ dùng luôn được sạch sẽ và đảm bảo an toàn tôi đã cọ rửa bồn rửa tay, hộp đựng bánh xà phòng sạch sẽ mặt trong, mặt ngoài, khăn lau tay tôi giặt sạch và trùng qua nước nóng, phơi khô trên giá. Tôi lau chùi thường xuyên mặt ngoài của chai dung dịch sát khuẩn, tránh bụi bẩn của môi trường bên ngoài.
(Bồn rửa tay giáp cổng trường)
(Bồn rửa tay gần nhà vệ sinh) (Khăn lau giặt sạch phơi khô)
(Đồ dùng sát khuẩn)
Qua việc chuẩn bị đồ dùng rửa tay, sát khuẩn đầy đủ. Học sinh lớp tôi luôn được khỏe mạnh, đôi bàn tay luôn được sạch sẽ mỗi ngày.
– Biện pháp 3: Rèn kỹ năng rửa tay, sát khuẩn cho trẻ thông qua hoạt động vệ sinh và thông qua hoạt động khác.
Như chúng ta đã biết trẻ em có suy nghĩ đơn giản hơn người lớn rất nhiều, không cầu kì, không phức tạp. Vì thế muốn có được kỹ năng rửa tay, sát khuẩn tốt ở trường mầm non là cả thời gian dài thực hiện. Chính vì vậy tôi luôn có sự quan tâm tới trẻ, đặc biệt là vấn đề vệ sinh, tôi luôn tỉ mỉ hướng dẫn trẻ những kỹ năng rửa tay, sát khuẩn cụ thể để giúp trẻ hiểu được tầm quan trọng của nó.
Tôi hướng dẫn trẻ rửa tay theo quy trình 6 bước của Bộ y tế như sau:
+ Bước 1: Làm ướt 2 lòng bàn tay dưới vòi nước sạch, lấy xà phòng chà vào 2 lòng bàn tay.
+ Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu và kẽ ngoài các ngón tay của bàn tay kia ngược lại.
+ Bước 3: Chà 2 lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón tay và ngược lại.
+ Bước 4: Chà mặt ngoài bàn ngón tay này vào long bàn tay kia.
+ Bước 5: Xoay ngón tay cái của bàn tay này vào long bàn tay kia và ngược lại (lồng bàn tay ôm lấy ngón tay cái).
+ Bước 6: Xoay các đầu ngón tay của bàn tay nay vào long bàn tay kia và ngược lại. Làm sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và lau khô.
(Hình ảnh video cô giáo thực hiện rửa tay đúng theo quy trình 6 bước)
Rèn trẻ có kỹ năng sát khuẩn là biện pháp cần thiết, quan trọng phải làm đối với trẻ. Giúp trẻ có được sức khỏe tốt nhất. Để cho trẻ có được thói quen này hàng ngày, tôi đã nhắc nhở trẻ thực hiện thường xuyên, động viên, quan sát mỗi khi trẻ thực hiện. Điều đặc biệt trong giờ đón trẻ buổi sáng tôi luôn nhắc nhở trẻ sát khuẩn tay trước khi vào lớp để có thể loại bỏ những vi khuẩn do tác động của môi trường bên ngoài. Tôi luôn gần gũi trò chuyện, hướng dẫn trẻ cách xịt dung dịch sát khuẩn và thực hiện đúng thao tác. Đặc biệt là trong tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp và nguy hiểm.
(Video trẻ đang thực hiện sát khuẩn tay)
Bên cạnh đó để cho trẻ có kỹ năng rửa tay, sát khuẩn tốt, tôi còn rèn cho trẻ ở nhiều hoạt động khác nhau.
Qua hoạt động học: Tôi đã lồng ghép nội dung giáo dục vệ sinh rửa tay thông qua một số chủ đề phù hợp như: Chủ đề Gia đình; Bản thân…
Ví dụ như chủ đề Bản thân: Trong giờ khám phá khoa học: “Tìm hiểu cơ thể của bé”. Tôi cho trẻ hát bài “Khám tay” để lôi kéo sự hứng thú của trẻ, trò chuyện qua về nội dung bài hát giúp trẻ nhớ lâu hơn. Tôi đã đưa ra một số câu hỏi như sau: Bài hát có nhắc tới bộ phận nào trên cơ thể của chúng mình? Khi đôi tay trắng tinh thì như thế nào? Còn khi tay bị bẩn thì sẽ phải làm gì? Giáo dục cho trẻ hiểu đôi bàn tay rất quan trọng nên các con phải nhớ thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng đúng thao tác.
Lồng ghép qua hoạt động ngoài trời: Trẻ được dạo chơi ngoài sân trường, nhặt lá rụng bỏ vào trong thùng rác.
(Trẻ nhặt lá bỏ vào thùng rác) (Trẻ đứng quanh cô trò chuyện)
Khi trẻ chơi xong tôi gọi trẻ lại gần trò chuyện và hỏi trẻ::
+ Bây giờ chúng mình hãy giơ đôi bàn tay cô xem nào?
+ Các con hãy nhìn xem đôi bàn tay của các con lúc này như thế nào nhỉ?
+ Các con có muốn đôi bàn tay của mình sạch sẽ không?
+ Để đôi bàn tay sạch sẽ chúng mình phải làm gì nào?…
=> Từ các câu hỏi trên tôi đã giáo dục trẻ và đã rèn cho trẻ có thói quen vệ sinh rửa tay sạch sẽ sau khi chơi xong.
Lồng ghép qua hoạt động góc: Khi trẻ đang chơi trò chơi nấu ăn hay đang chơi xây dựng công trình của bé. Tôi lại gần trò chuyện, hỏi trẻ: Con đang chơi trò chơi gì ? Trong khi chơi đôi tay của các con sẽ như thế nào? Chúng mình cần phải làm gì để đôi bàn tay được sạch sẽ?.
(Trẻ đang chơi trò chơi nấu ăn) (Trẻ đang chơi xây dựng công trình)
Trước giờ ăn cơm hay sau khi đi vệ sinh cũng vậy tôi luôn nhắc nhở trẻ rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng theo quy trình 6 bước tạo thành thói quen cho trẻ.
(Hình ảnh video trẻ đang thực hiện rửa tay)
Qua biện pháp này bản thân tôi đã giúp trẻ có được thói quen, kỹ năng vệ sinh rửa tay, sát khuẩn đúng thao tác thông qua hoạt động vệ sinh và các hoạt động khác ở mọi lúc, mọi nơi đạt hiệu quả. Trẻ lớp tôi luôn có đôi bàn tay sạch sẽ mỗi ngày .
– Biện pháp 4: Tuyên truyền phối kết hợp với các bậc phụ huynh rèn trẻ có thói quen vệ sinh rửa tay, sát khuẩn.
Như chúng ta đã biết việc phối kết hợp giữa phụ huynh và nhà trường là rất quan trọng và cần thiết trong việc rèn trẻ có được thói quen vệ sinh rửa tay, sát khuẩn. Nếu trẻ chỉ được vệ sinh ở lớp, không được vệ sinh ở nhà, không có sự phối hợp kịp thời thì trẻ sẽ không có được thói quen, nề nếp trong vệ sinh rửa tay, sát khuẩn. Để thực hiện được tốt bản thân tôi đã gặp và trao đổi trực tiếp với phụ huynh qua giờ đón, trả trẻ, qua Zalo nhóm lớp, qua các buổi họp phụ huynh về tầm quan trọng của việc rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, khử khuẩn cho trẻ để phụ huynh có thể nắm bắt được kịp thời, để cùng với giáo viên chủ nhiệm lớp rèn cho trẻ có được thói quen vệ sinh rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn cho trẻ ở trong chính gia đình của mình.
(Hình ảnh trao đổi qua họp phụ huynh)
(Hình ảnh cô trao đổi quy trình rửa tay cùng một số phụ huynh)
Qua việc trao đổi trực tiếp với phụ huynh như vậy, bản thân tôi đã giúp phụ huynh hiểu được tầm quan trọng của việc rửa tay, sát khuẩn cho con em mình và đã được phụ huynh dành thời gian áp dụng, rèn trẻ thực hiện đạt hiệu quả trong chính gia đình của mình.
3. Kết quả
– Đối với trẻ: Qua một năm áp dụng những kinh nghiệm của bản thân tại lớp mình phụ trách tôi đã thu được kết qủa qua bảng khảo sát như sau:
STT
Số trẻ
Nội dung
Trước khi áp dụng
Sau khi áp dụng
Số trẻ đạt
%
Số trẻ đạt
%
1
28
– Trẻ hứng thú khi thực hiện vệ sinh.
15
53,5%
28
100%
2
28
– Quy trình rửa tay đúng thao tác.
16
57,1%
26
92,8%
3
28
– Trẻ có kỹ năng rửa tay bằng xà phòng.
13
53,5%
26
92,8%
4
28
– Kỹ năng sát khuẩn của trẻ.
15
53,5%
27
96,4%
– Đối với giáo viên:
Nắm vững phương pháp, kiến thức giáo dục trẻ có thói quen vệ sinh rửa tay, sát khuẩn ở trường mầm non. Tôi đã lồng ghép, tích hợp được các nội dung phù hợp giúp trẻ thực hiện thói quen linh hoạt, tự giác rửa tay, sát khuẩn mỗi khi bị bẩn, trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Bản thân tôi luôn tự tin truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho trẻ.
– Đối với phụ huynh:
Các bậc phụ huynh đã hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc vệ sinh rửa tay, sát khuẩn, đã quan tâm và chú ý hơn về việc chăm sóc, vệ sinh của con em mình. Phụ huynh đã tin yêu vào cô giáo. Đã biết phối kết hợp với giáo viên chủ nhiệm rèn cho trẻ có thói quen vệ sinh rửa tay, sát khuẩn thường xuyên mỗi ngày đảm bảo sức khỏe cho các con.
Trên đây là một số biện pháp mà tôi đã nghiên cứu và thực hiện thành công đề tài: “Một số biện pháp rèn trẻ có thói quen vệ sinh rửa tay, sát khuẩn ở trường mầm non” cho trẻ lớp mình. Đề tài này đã được nhà trường triển khai áp dụng cho các lớp trong trường. Trong hội thi hôm nay các đồng chí thấy đề tài của tôi mà áp dụng vào lớp của các đồng chí phù hợp tôi sẵn sàng chia sẻ. Trong bài thuyết trình của tôi không tránh khỏi những thiếu sót, rất mong ban giám khảo, các đồng chí, đồng nghiệp giúp đỡ, đóng góp ý kiến để các biện pháp của tôi được hoàn thiện hơn.
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Xác nhận của cơ quan đơn vị
………ngày……tháng 10 năm 2021
Người thực hiện
Dương Thị Hoa